Truyện ngắn:  LÀNG

233

Tôi và em đều ở với nội, chúng tôi thân nhau từ cái thủa ấy, cái thủa bắt đầu đến trường làng, bắt đầu biết mình có cái gì đó giống giống nhau mà chưa thể gọi tên. Tuổi thơ của chúng tôi đẹp nhưng cũng có lúc không được trọn vẹn. Đẹp bởi những tiếng cười trong trẻo, hồn nhiên không bao giờ đượm chút lắng lo. Còn điều không trọn vẹn cứ loáng thoáng như giấc ngủ chập chờn chợt đến rồi chợt đi bởi cái giọng chửi oang oang từ bà, người hàng xóm của tôi và cũng là nội của em.

Ở cái xóm đạo hẻo lánh này, có ai mà không biết đến danh bà, người đàn bà uống rượu như “sáo tắm”. Cứ nhắc đến tên bà Nhép là lũ trẻ trong làng nín thinh. Thấy mặt bà là chúng cắm đầu đi cho thật nhanh như thể sợ lây một thứ dịch hạch. Hai đứa cháu của bà cũng bị bọn nhóc ấy “bo xì” hoặc “cấm chơi”. Một tháng thì có đến hai mươi ngày bà trong tình trạng say. Khi say bà chửi. Người ta bảo bà chửi không thua Chí Phèo là bao. Bà chửi trời, chửi đất, chửi đời cạn tàu giáo máng, rồi bà chửi luôn cả đạo. Tôi cũng sợ bà giống bao đửa trẻ khác. Sợ cái khuôn mặt nặng trịch, đôi mắt gườm gườm, lạnh lùng của bà. Tôi ghét những tiếng chửi đổng, chửi thề của bà nhưng tôi không thể “bo xì” em, vì em đã cho tôi thỏa mãn cái ước mơ được “làm anh” của mình. Mỗi lần chờ em đến trường làng hay muốn rủ em đi chơi, tôi thường tìm mọi cách để tránh gặp bà. Khi thì leo lên cây sung và huýt sáo hai tiếng. Khi thì đứng tút bờ ruộng giả vờ bắt cào cào cho chim…

  • Tao xích hết lũ chó rồi, làm gì mà ngó nghiêng vậy mày?

Tiếng bà khản đục làm tôi giật bắn.

  • Cháu, cháu chờ Mai…
  • Hôm nay chủ nhật học hành gì mày?
  • Dạ, tụi cháu học thêm, cha già nhờ thầy mở lớp học thêm đằng nhà thờ bà ạ!
  • Con Mai chắc đang nhóm bếp, chờ đó. Tao gọi.

Bà quẩy đôi quang gánh trĩu cỏ bò vào trong, tôi thở phào nhẹ nhõm. Rồi  lại thấy bà đi ra, tay vẫn cầm cái liềm cắt cỏ, còn tay kia mang theo cái bịch gì đó. Bà móc nó lên bờ rào rồi hất cằm, buông một câu cộc lốc: “Mang lại lớp mà chia nhau, khoai mật đấy.” Hình như đây là lần đầu tiên tôi nói chuyện với bà. Tôi bớt sợ bà từ đó.

Người ta gọi làng tôi là vương quốc nửa đồng nửa núi, nghe thì lãng mạn, nhưng tôi chỉ thấy duy nhất một ngọn đồi là đặc biệt hơn cả. Ngọn đồi ấy không thấp, cũng không quá cao. Mùa hè, đồi tím ngát hoa sim, lưng chừng có ngôi nhà thờ mái lá bé tẹo teo, không Thánh giá, chỉ có tiếng kẻng thay tiếng chuông để báo hiệu giờ kinh tối của xóm. Những ngày gió mùa đông bắc tràn về, thổi lùa vào bụi tre già rì rào, lập tức những cơn mưa lá nhẹ bẫng trút xuống mặt ao Nhà chung. Em tưởng tượng ra biển, còn tôi thì ước rằng mình có thể biến thành thủ thủy tí hon để ra khơi trên những chiếc thuyền con ấy…

Chúng tôi cùng nhau chơi, cùng nhau lớn lên và cùng nghe riết những tiếng chửi của nội em. Chị Linh của em thường xuyên phải đi mua rượu cho bà. Dường như hai đứa trẻ sống chung với lũ nên cũng quen vơi lụt. Còn với người trong làng này, bao năm rồi họ không lạ gì những tiếng chửi của bà, nghe hoài, nghe mãi thành quen nên chẳng ai buồn quan tâm, thắc mắc hay hỏi tại sao nữa. Bà giống như một nhân vật trong phường chèo mà người ta đã quá nhàm chán bởi thuộc lòng kịch bản từ trước.

Nội nói: Khi say người ta thật nhất. Tôi hỏi nội: Tại sao?

Nội bảo: Vì rượu vào thì lời ra. Hạnh phúc thì xa xỉ mà nỗi đau lại thường khoét sâu vào ký ức…

Tôi mập mờ hiểu được câu trước của nội, còn câu sau phức tạp quá, người lớn phức tạp quá! Chắc vì lẽ đó mà không bao giờ nội kể cho tôi nghe về cuộc đời của nội em.

Nội chỉ kể về em. Ngày em sinh, bệnh viện là gian nhà lá chống huơ, chống hoác, căn buồng nhỏ là phòng hộ sinh. Nội tôi là bà đỡ. Mẹ em vỡ ối và kiệt sức mà em “không chịu ra”. Với kinh nghiệm đã từng chứng kiến chị lớn tôi bị ngạt khi mới chào đời. Nội vội lấy con dao sắc lẹm trong cơi trầu của bà Nhép, rạch một đường ở cửa mình mẹ em và lôi em bé ra. Người em tím ngắt, không kêu, không khóc, nhưng vẫn thở. Trong đêm, vài người hàng xóm khiêng mẹ em đi chạm xá, nhưng vì mất máu quá nhiều, mẹ em bất tỉnh. Nhiều ngày sau đó, người ta phát hiện ra mẹ em bị giun móc suốt thời gian mang thai em. Hồng cầu tụt xuống ngưỡng quá thấp. Mẹ em mất sau đó ba tháng.

Năm em sáu tuổi, chị Linh em nghe lời dụ dỗ của người họ hàng xa, bỏ làng lên thành phố và biệt tích từ đó. Bà Nhép nuôi em bằng nước cơm gạo cùng khoai sắn, tương cà với người chồng bị liệt bán thân… Khi đó cái nghèo, cái gia cảnh éo le của hai đứa rưa rứa nhau, nhưng vì còn là trẻ con nên những bận tâm ấy chưa thể nào chạm vào được những ước mơ xinh xắn của chúng tôi. Cho đến khi tôi lớn, tôi mới biết rằng cái nghèo đeo bám quê tôi lâu lắm rồi. Nó chùm lên những mái nhà lụp xụp, thiếu ánh đèn điện khi màn đêm ập về. Nó trêu đùa trên tấm lưng người nông dân ngoài đồng, ngoài bãi. Nó luôn hiện diện trong tiếng thở dài của nội và cả những tiếng chửi cay đắng của bà Nhép. Rồi cái nghèo cũng trở nên quen thuộc, dân làng vui vẻ chấp nhận cuộc sống ấy nhưng cũng có những người nghĩ khác. Như bố mẹ tôi, như vợ chồng chú Khánh và cả chị Linh của em… Họ lần lượt đi xa để tìm kiếm những thứ khá hơn cho cuộc sống. Có người lên thành phố, có kẻ bỏ làng đi làm Osin bên Đài Loan… Làng chỉ còn lại những đứa trẻ trâu và người già như các nội.

Sau cái lần chạm mặt với bà Nhép, và kỷ niệm về củ khoai mật, tự nhiên tôi thấy bức bối trong lòng và muốn khám phá cái ẩn khuất đằng sau tâm hồn người bà của em. Tại sao ai cũng ghẻ lạnh, né tránh bà? Tại sao chẳng ai chịu chơi với em? Không phải vì tôi đọc Conan đâu, nhưng là một cuốn sách cũ rích mà cha xứ già đã tặng tôi trong dịp chịu phép Thêm sức. Sách viết về cậu bé chăn cừu ham khám phá, mang tên Phanxicô Bêsuccô.

Khi nghe bà chửi, tôi mập mờ hiểu ra có thứ gì đó thật cay đắng và khắc nghiệt đã đi qua cuộc đời bà. Bà nguyền rủa mẹ con nhà bà Tình vì đã bóp chẹt bà trong lúc túng quẫn bằng những lần cho vay nặng lãi. Khi thóc lúa chưa kịp phơi ráo thì mẹ con mụ đã hăm he mang bao sang đòi nợ. Mụ tên Tình mà vô tâm, vô tình quá chừng… Tai nạn của mẹ con mụ, làm bà hả hê. Bà gọi đó là “quả báo”, là chết “đầu đường xó chợ.”

Tôi gặp rất nhiều lần những ngôn từ như thế, nhưng cũng đâu thấy đời bà khá hơn được. Bà Nhép đã bỏ nhà thờ lâu lắm rồi. Bà gọi mấy bà sồn sồn cùng hội đoàn gì đó với bà Tình là đồ đạo đức giả, là mồ mả tô vôi, là “quân du dêu” tối ngày ba hoa, nói xấu… Bà Nhép không biết chữ nghĩa nhưng bà thuộc rất nhiều những bài vè về đạo lý ở đời. Mỗi lần say, chửi chán mà không bao giờ có ai chửi lại, bà đến nhà thờ, ngồi thu lu trong bóng tối, đẫn đờ nhìn tượng Chịu Nạn khi thì đọc vè, khi thì hực hực khóc như trút đi khối ức hận trong lòng. Tôi và em đã gặp bà trong cái đêm ấy, đêm Giáng sinh đầu tiên được xem hang đá ở làng bên cùng nhóm thằng Hữu.

Tôi không tìm thấy điểm tương đồng nào giữa em với bà của mình. Em hiền và ít nói, nhưng học rất sáng dạ. Không bao giờ thấy em kể lể hay kêu ca về bà. Về sau, khi đức tin của tôi không còn là thứ đức tin cậy dựa mà đã qua trải nghiệm, tôi mới biết được rằng: nếu Chúa muốn thì một đứa trẻ dù sống trong hoàn cảnh cơ cực đến mấy, nó vẫn có thể miễn nhiễm và vượt qua được nghịch cảnh để sống quên mình vì người khác.

Bà Nhép không bao giờ chửi hay đánh cháu mình. Lúc say, cùng lắm bà chỉ ngoắc mắt và bặm môi nhìn hai chị em Mai sợ sệt co rúm ở góc nhà. Bà thà ăn vay chứ không bao giờ dạy cháu ăn cắp, thà chửi thẳng mặt chứ không bao giờ à uôm, nói xấu sau lưng người khác. Bố em chết vì căn bệnh siđa. Bà hận đời cũng vì đời len lỏi quá nhanh trong cái xóm đạo bé nhỏ này.

Những trưa hè, dưới bóng mát của cây sung già ngoài cổng, tôi hay cùng em chơi đủ trò. Thi thoảng tôi thấy bà cười, nụ cười hiếm hoi khi nhìn chúng tôi nô đùa. Kỷ niệm với em trải rộng hết quãng tuổi thơ tôi. Từ ngày học thuộc lòng bài thơ đầu tiên có tên “làm anh” trong sách tiếng việt lớp hai, không hiểu sao tôi thích làm anh vô cùng? Dù bằng tuổi, nhưng em vẫn ngoan ngoãn cho tôi xưng anh. Tôi vào lớp một đúng tuổi, còn em phải đợi năm sau vì nhìn em nhỏ thó quá, người ta cho rằng nội em khai “gian” để cho cháu được đi học. Nhưng lần đầu tiên tôi nắn nót viết chữ cũng là lần đầu tiên em có thể hát vài câu đơn giản, rồi ghép vần, rồi làm văn, rồi nhẩm phép tính. Dường như tôi học đến đâu là em học đến đó. Tôi thấy mình oai phong hơn khi có trách nhiệm “dạy học”. Nhưng nói gì thì nói, trẻ con khi nào cũng ham chơi hơn ham học. Sau giờ ở lớp là giờ ở đường, ở đồng. Có khi long nhong giữa mùa gặt bắt chuột đồng, bắt muỗm, cào cào… Có khi hai đứa lại vót vót, dán dán những con diều giấy rồi thả vút lên bầu trời căng gió. Đêm về, chúng tôi cùng nhau bắt đom đóm thả vô ống lon làm đèn lồng. Hễ đứa nào có củ khoai, cái bắp cũng chia đôi để phần… chúng tôi đã lớn lên bên nhau và có lúc tôi nghĩ chúng tôi sẽ mãi mãi như vậy.

Rồi vào một chiều hè, khi tiếng ve kêu rạc cả thân mình, tôi – mười tám. Làng vẫn nghèo, nhưng đã bắt đầu thay da đổi thịt. Mái lá nhà thờ được thay bằng mái ngói. Mỗi lần ở trường huyện về, tôi thích đạp xe lại đó chỉ để nói với Thầy mấy câu, người Thầy mà vị cha xứ già đáng kính đã giới thiệu cho tôi trong những ngày được ở với ngài. Tôi ngồi chống cằm nhìn trời, nhìn đất nhớ lại những buổi học kinh tối của xóm nhỏ. Chợt thấy những con kiến kiên trì men dọc chân tường ngay dưới chỗ tôi ngồi. Tôi chặn lại một con cầm lên tay, tự hỏi và trả lời:

  • Mày có biết đọc kinh không Kiến?
  • Thưa anh, tôi thuộc lòng. Nhà tôi ở xó đằng kia, xin để tôi tiếp tục cuộc hành trình.

Tôi xin lỗi và trả nó về chỗ cũ, chỗ của nó đã được thay thế bằng một chú kiến khác. Tôi đặt nó xuống và tự lẩm bẩm: Bắt đầu lại từ đầu nhé Kiến!

Bỗng có tiếng khúc khích sau lưng như nghe hết câu chuyện “tự kỷ” của tôi. Quay người lại, là em…

Sau những ngày ôn thi cuối năm cấp ba, tôi nhận ra nhiều thay đổi nơi bản thân mình. Tôi không còn thời gian chơi với em nhiều nữa. Em kết thúc giấc mơ chữ nghĩa của mình khi lớp tám vì đôi vai của nội đã quá nặng gánh. Hằng ngày em phải ra đồng sớm, em trồng rau và tự mang ra chợ bán. Thi thoảng em có viết cho tôi vài dòng. Nhưng bận rộn bài vở làm tôi quên mất cô bé của mình. Tôi kịp nhận ra điều ấy trong một buổi chiều về thăm nội.

Trông em thật đẹp trong nắng chiều, khuôn mặt em tròn như trăng mười sáu. Những tia sáng nơi đáy mắt ánh lên rắn rỏi kỳ lạ. Tuốt lại mái đầu lù xù, chưa kịp nở nụ cười thì em đã nắm vạt áo tôi như thói quen của những ngày xưa:

  • Em muốn cho anh xem cái này… Vừa nói em vừa kéo tôi ra con đường mòn dẫn lên đỉnh đồi sim.

Càng lên cao, cái thoáng đãng càng làm tôi dễ chịu, lâu rồi cứ vùi đầu vào sách vở, tôi quên mất những khoảnh khắc đẹp ngay cạnh mình. Phía bên kia đồi là xóm lương dân nhấp nhô những mái nhà tôn đỏ, tôn xanh. Phía bên này là cánh đồng “cầu biêng” nằm lọt dưới lũng, những ruộng lúa đang lên xanh non đầy sức sống. Bất giác tôi nhận ra chỗ tôi và em đang đứng có bóng mát của hai cây Hoàng nam cao vút. Em chạy lại, đứng giữa hai thân cây, dang tay rồi nhìn tôi nở một nụ cười mãn nguyện:

  • Nó đấy anh, mười tuổi rồi…

Ngày đó, giữa tàn tích của một đám cháy nhỏ, không biết em kiếm ở đâu được hai cây Hoàng nam bé xíu, Em rủ tôi lên đó bới đất trồng chúng để đánh dấu mùa hè lớp bẩy. Quay về phía mặt trời, cây bên trái là của em, cây bên phải là của tôi. Nếu em không dẫn tôi trở lại, có lẽ tôi đã quên mất nhiều thứ mà tuổi thơ đã đi qua…

Mới đấy mà đã mười năm, thời gian là thế, như con thoi đong đưa. Đường nó, nó cứ trôi, chẳng khi nào dừng lại. Người lữ khách có trễ giờ, nó cũng mặc kệ.

  • Thiệt lạ anh ha! Tiếng em rủ rỉ trong tiếng lá lao xao của đồi chiều. Em kể:
  • Mỗi tháng, làng mình có một Thánh lễ, cha xứ trẻ măng mới về nhận xứ quen biết rất rộng. Hôm đó, cha dẫn theo hai người khách lạ, lịch sự lắm! nhìn là biết người thành phố, ông ấy thấy hai cây Hoàng Nam có dáng đẹp, định xin cha bứng đi… Nội em biết chuyện, bà lại nhà thờ làm um tỏi. Cha xứ xụ mặt, có vẻ khó chịu vì hổ thẹn với hai vợ chồng vị khách nhưng đành chịu.

Tôi cười ha hả và chợt nhớ đến những kỷ niệm về em, về nội em. Tôi đùa:

  • Sao em không giống nội mà giống cây Hoàng nam này ghê! Nhỏ bé mà hiên ngang.

Em im lặng, chỉ đỏ mặt vì thấy tôi vừa chọc, vừa khen. Tôi nhìn cây Hoàng nam thật lâu rồi thu hết can đảm nói tiếp:

  • Cho anh xin lỗi vì dạo này không thể giúp gì được cho em.

Em cười hiền:

  • Anh không phải xin lỗi chi hết, mỗi tháng anh đều tranh thủ về thăm làng là được rồi, khi không về được thì nhớ cầu nguyện cho mọi người. Tuy không nói chuyện nhiều như trước nhưng anh vẫn quan tâm em còn gì? Vậy là dư rồi…
  • Ừ ha! Tôi ngửa mặt thở phì một cái và thầm nghĩ.

Vậy ra em hiểu tôi hơn là chính tôi nữa. Tôi yêu thương và quý trọng những thứ, những con người liên quan đến cuộc đời mình. Nhưng tôi cũng thích được vươn cao, vươn xa mãi trong ơn gọi kia.

Chiều hôm đó, chúng tôi ngồi ngắm mặt trời lặn, chúng tôi nói rất nhiều như thể để bù lại những ngày đã qua. Nói về làng, về những ngày thơ bé, về hai người nội đã nuôi lớn chúng tôi, và cả những ngày sắp tới khi tôi thi vào Chủng viện…Trước khi chia tay, em cho tôi vỏn vẹn hai câu nhưng ấm áp hơn cả một cái ôm.

  • Anh sẽ đậu, vì điều đó xứng đáng với anh. Tu cả phần của em đấy nhé!

***

Tôi vào Chủng viện, ước mơ được theo Thầy đã thành hiện thực. Những lần về vội vã chỉ đếm trên đầu ngón tay, dẫu xác tín đó, quyết tâm cao độ trên đường tu tập đó, nhưng có những giây phút tôi vẫn buông lơi vì bao nỗi nhớ: Nhớ nội, nhớ em và cả những buổi chiều trên cánh đồng quê. Tôi chợt nhận ra khi gửi tình cảm cho một ai đó hay một nơi nào đó, chẳng hạn như những người ta thương yêu, như mảnh đất ta sống, khi rời xa ta mới biết ta đã yêu quý chúng nhiều hơn ta nghĩ.

Sau khi kết thúc năm nhất Chủng viện, tôi về nhà một ngày cuối tháng tám. Trở về đúng mùa bão, chợt thấy thương dân làng trong cái cảnh lao đao đi vớt lúa, đắp đập. Miền trung du ít bão lũ, nhưng khi bão lũ ập về thì cũng dữ dội lắm! Bởi địa hình dốc mà rừng đầu nguồn bị chặt phá nhanh quá. Nơi dòng nước đi qua luôn để lại những vũng sâu lồi lõm với cát đá và sỏi dăm. Tôi vừa về đến đầu ngõ, ngửa nhìn mới biết có đám mây vần vũ kéo theo phía cuối trời, báo hiệu một cơn mưa to. Cảnh vật làng tôi vẫn như bao mùa lũ mọi năm nhưng rõ ràng trong không khí có điều gì đó không ổn. Nó làm tôi bất an. Chạy lại ôm nội vào lòng, mọi thứ tan biến, chợt thấy mình như bé lại như cậu nhóc mười hai. Nội nói:

– Chúa thương con lắm đó, không thì phải đứng chờ dưới mưa bão rồi.

Thấy nội vui nhưng không cười, tôi thắc mắc:

  • Nội mệt phải không? Để đó con nấu cơm nhé nội!

Tôi cất balô và ra sau giếng. Nội cầm nắm rơm, bật quẹt rồi nói vọng ra từ bếp:

  • Năm nay, lũ về sớm, vất vả lắm con!

Tôi vớt nước lên mặt, vừa tận hưởng cái mát lành ùa lên trán, lên đầu, vừa sẵn sàng nghe nội kể chuyện. Thấy im lặng hồi lâu, tôi quay lại, nội đứng đó, bàn tay khô rạc chạm vào vai tôi. Nội chậm rãi:

  • Con à, nhỏ Mai mất rồi.

Tôi lặng người như chưa tin vào tai mình. Nội nói tiếp:

  • Nội sợ con buồn lòng, ảnh hưởng đến việc học hành nên giờ mới báo. Hôm đó, có mấy đứa nhỏ xóm bên đi học về qua cái cống đầu làng, thấy nước dâng, thích thú xuống rửa chân, vầy nước dưới chân cầu. Có ai ngờ được chỗ nông sâu, hai đứa trượt chân bám vào gốc mua lềnh bềnh cạnh dòng nước xoáy. Mai đi chợ về, nghe thấy tiếng kêu cứu, liền vứt tung gánh rau bán ế, nó vội lao xuống kéo được một đứa lên bờ, còn một đứa bị dòng nước hất văng xuống ghềnh đá, Mai cố níu thằng bé lại nhưng không thể vì sức nó yếu hơn sức nước, Mai cũng bị cuốn trôi.

Tai tôi ù đi, chếnh choáng, lạnh toát. Tôi đứng đó mà như có cơn bão đẩy ngược chiều gió.. Không còn là cái lạnh của làn nước quê trong lành nữa mà là cái lạnh từ con tim và khối óc toát ra. Dường như nội biết tôi đau, nên để tôi một mình với sự thinh lặng bao la.

Sáng sớm, tôi không sang nhà em mà đi ra phía con ngòi đầu làng. Cây cầu dài có dăm mét, không thành vịn, ngồi xuống, nhìn mặt nước hiền hòa, lòng tôi trống rỗng. Cuốn sách cầm trên tay là để tặng em nay cũng như trống rỗng, trắng tinh tang tóc. Trước giờ, tôi vẫn nghĩ con người có thể làm chủ thiên nhiên như việc dân làng, khai hoang, đắp đập, cày cấy trên những cánh đồng. Vậy mà lũ đã mang em đi, thế mới biết thiên nhiên dễ thương nhưng có lúc chúng cũng giận dữ, vô tình… Vì con người muốn kiểm soát, điều khiển và lợi dụng chúng quá mức. Chợt nghĩ đến đám cháy nhỏ trên đồi sim và hai cây Hoàng nam thủa nào. Tôi lang thang trở lại nhà thờ. Từ sau cánh cửa ọp ẹp, bóng bà Nhép đờ đẫn như mất hồn. Nội bảo, từ ngày em mất, không ai còn thấy bà Nhép say và chửi nữa. Ngày nào bà cũng quanh quẩn ở nhà thờ, khi thì lẩm bẩm vài câu kinh không đầu không cuối, khi thì ngủ gục bên gốc Hoàng nam.

Lần chuỗi xong với nội, dưới ánh đèn dầu đỏ quạch chỉ đủ soi thấy khuôn mặt hiền từ gục xuống của Thầy. Bỗng nhớ có lần tôi đã khích lệ em bằng lời của một nhà văn rằng: “Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình trong những hy sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những danh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những danh giới ấy”. Và hôm ấy trong nỗi đau mất em, tôi mới thấm thía hơn câu nói ấy. Thì ra cái chết chỉ là nút bấm “dừng” cho một kiếp người. Phía bên kia mùa đông là mùa xuân tràn ứ mật và sữa. Phía bên kia thập giá là sự sống mới. Đức tin thủa nhỏ dạy tôi thế! kinh nghiệm của Thầy tôi dạy tôi thế! Ngước mắt nhìn Thầy, tôi thấy biết ơn làng và muốn cám ơn em thật nhiều – một người và một nơi mà những giới hạn cùng bao nỗi nhọc nhằn vô hình, không tên vẫn còn đó. Nhưng cũng chính những con người ấy, chính nơi ấy, đã cho tôi những bài học mà trường lớp không thể dạy.

Sớm mai, trong ánh nắng ấm áp của bình minh ngày mới, cạnh mộ em sẽ có một cây Hoàng nam con làm bạn. Nhất định, tôi sẽ sống luôn phần của em, nhé Mai!

 Anna Bích Hạt, Học viện MTG.Thủ Đức