Em mong tiếng hát ru

482

Hôm nay Sài Gòn mưa, cơn mưa chiều chợt đến, không hối hả, lạnh lùng nhưng rả rích kéo dài làm ướt sũng nhiều trải nghiệm bấy lâu nay giấu kín. Những hạt mưa chậm rãi, kéo tôi về những lần tôi đi đến các bệnh viện để tìm gặp các thai nhi xấu số và đem về mai táng.

Tôi chợt nhớ lại những kỉ niệm ngày đầu tiên đến với nhóm Bảo Vệ Sự Sống. Đến đây lòng tôi bồi hồi, một chút lo sợ. Sợ vì không làm được gì để cứu lấy các em và không quên xin ơn Chúa đồng hành và hướng dẫn. Một hôm, có một người bạn hỏi tôi có đi lấy các em thai nhi không? Lúc đó tôi đồng ý và muốn đi để biết xem sao. Thế rồi tôi một mực đòi đi theo. Từ dãy trọ Trung Tâm cái tên quen thuộc thường gọi. Khi chuẩn bị tư trang và dụng cụ xong, trên đường đi tôi luôn cầu nguyện với Chúa xin đừng có một em nào bị giết chết.

Đến phòng khám Sản Phụ An Bình (TP Vinh)  bước vào căn phòng nơi mà các y tá thường để các em ở đó. Các em nằm cô đơn lãnh lẽo ở trong một cái thùng nhỏ. Vốn tò mò muốn biết các em như thế nào, tôi mở chiếc bao ni lông ra, thật không tin nỗi, chính hình hài của các em bị cắt bỏ đi từng khúc. Chính lúc đó con tim tôi nhói đau và tự hỏi con người ngày hôm nay có tình thương hay không có tình thương? Tại sao lại vô cảm trước việc làm như vậy? Đáng lẽ ra, giờ này các em đang được nằm ấm trong bụng mẹ, được hưởng sự yêu thương ngọt ngào từ người mẹ, ấy vậy mà bây giờ các em nằm đó, nơi chiếc thùng cô độc, sau khi bị chính mẹ ruột nhẫn tâm giết chết.

Rời phòng khám Sản Phụ An Bình đi đến Bệnh Viện Sản Nhi, bước vào nhà xác nơi để các em thai nhi ở đó. Các em nằm trong một chiếc tủ lạnh đông cứng, khi mở chiếc tủ lạnh đó ra tôi thấy một em bé đang cầm ngón tay của mình bỏ vào miệng, tôi liền nghĩ chính em đang khao khát một giọt sữa từ người mẹ của mình. Tôi không khóc nhưng con tim tôi cuộn thắt lại. Một cử chỉ cho thấy em mong muốn được sinh ra trên cõi đời này, để được cất giọng nói gọi: Mẹ ơi! Cha ơi! Và lắng nghe tiếng hát ru à ơi! Tôi chợt nhớ đến câu nói của Mẹ Têrêsa Callcutta: “ Khi một người mẹ có thể sát hại những đứa con của mình thì thử hỏi còn có hành động, tội ác nào mà con người không làm? Khi hành động ấy được xã hội cổ võ và hợp thức hóa thì thử hỏi còn có hành động nào bị ổi, đê hèn hơn không?” Lí do vì người mẹ, các bác sĩ hay y tá giết chết đứa bé vô tội như vậy. Một việc làm thật nhẫn tâm. Chính đồng tiền làm cho con người mất đi hạnh phúc của một gia đình.

Địa điểm cuối là Bệnh Viện Bà Mẹ và Trẻ Em, ở đó các em được đặt trong một căn phòng nhỏ có ảnh Chúa và Mẹ Maria, tôi đến đọc kinh, cầu nguyện cho các em. Một hình ảnh làm tôi sỡ hãi và nhịp tim càng lúc càng dồn dập. Các em ở đó được Chúa gìn giữ và thương xót phần nào như trong ngôn sứ Isaia nói: “Nào người mẹ có thể quên con mình mà không thương xót chính con của mình đã cưu mang ư? Cho dù người mẹ có quên, nhưng Ta sẽ không quên ngươi đâu”(Is 49,15). Tôi đưa các em về về trọ với nhiều cảm xúc. Tôi đặt tên cho các em bằng sự quý mến và chân thành. Tôi yêu những nụ cười của trẻ nhỏ đáng yêu bao nhiêu thì tôi cũng yêu quý các em bấy nhiêu. Có lẽ, bây giờ mẹ của các em đang day dứt và lương tâm cắn rứt lắm. Một hành động mà con người có thể làm mà không biết hậu quả sẽ xảy ra sau đó. Ngoài kia, có biết bao đứa trẻ được cất tiếng khóc, được đến trường học tập và vui chơi nhưng những em thai nhi vẫn nằm im, không thực hiện được các mong muốn mà các em hằng ước mơ như bao trẻ khác. Đất nước của chúng ta sẽ đi về đâu khi nạn phá thai ngày càng gia tăng. Chính vì thế, Việt Nam nằm trong danh sách nước có tỷ lệ nạo phá thai đứng tốp đầu thế giới, mỗi năm có khoảng 1,2 – 1,6  triệu thai nhi vô tội bị phá bỏ. Xã hội ngày nay có nhiều bác sĩ giỏi để cứu người, nhưng tại sao lại không thể làm gì để ngăn chặn và đưa một đất nước phát triển đi lên.

Một trải nghiệm để lại nhiều cảm xúc trong tôi, ước mong sao từng ngày giảm bớt đi số lượng nạo phá thai đó để các em được sinh ra trên cõi đời này. Tôi thương các em lắm, sẽ không quên cầu nguyện và cố gắng để làm một việc gì đó cho các em.

Maria Trần Thắm, Thanh Tuyển sinh MTG. Thủ Đức