Tĩnh tâm mùa dịch Corona virus

354

Trong khi mọi người đang hoang mang, ồn ào và cả thế giới đang “đứng ngồi không yên” vì dịch bệnh nguy hiểm Corona thì Chị em Học viện chúng tôi được Hội Dòng tạo điều kiện để tĩnh lặng bên Chúa. Tại môi trường tĩnh tâm là Tu viện Phanxicô Thủ Đức, chúng tôi tìm cho mình một chốn để lắng đọng lại tâm hồn, nhìn lại con người và cuộc sống của mình. Không phải chúng tôi tách mình ra khỏi thế giới nhưng là “dừng lại” để có thể đi sâu hơn vào giữa lòng thế giới hầu có thể “vui với người vui và khóc với người khóc”.

Lắng hay lặng? Riêng tôi cảm thấy rõ lòng mình như hồ nước bị khấy động, đục ngầu. Tôi không nhìn thấy đáy hồ như thế nào. Tôi thấy mình chênh vênh lắm giữa thế gian muôn sự hãi hùng. Tâm hồn tôi đang bị già nua bởi những lo lắng hiện tại hay cả những tưởng tượng, bởi những vấn đề của riêng mình. Dù tôi còn trẻ trong tuổi đời nhưng tôi lại cảm thấy mình yếu nhược, rã rời, thiếu nhiệt huyết, sức sống. Tôi vẫn cứ mãi khắc khoải về vùng trời Bình An và Chân – Thiện – Mỹ.

Tạ ơn Chúa vì Chúa biết tôi đang cần gì. Thời gian và địa điểm tĩnh tâm được ấn định. Thật đúng lúc! Tôi dành thời gian cho phép mình trầm lắng, xua tan mọi tiếng ồn bên trong, để cảm nhận tình yêu của Chúa. Tôi muốn buông mình trong vòng tay yêu thương của Ngài. Trái tim tôi lại thổn thức khi Đấng Vô Hình lại như gần kề, Đấng Lặng Lẽ như đang thủ thỉ: “Trước mắt Ta, ngươi thật quý giá, ngươi được Ta trân trọng và mến thương” (Is 43,4). Như Cha giảng phòng có nói: “Đây thương đấy- đấy không thương đây – Mà đây vẫn cứ thương đấy. Mối tình lệch đó chỉ có thể là lòng thương xót vô bờ của Chúa. Tình yêu ấy có sức nâng dậy và chữa lành tôi. Tình yêu ấy cho tôi thêm sức mạnh để “bắt đầu và lại bắt đầu”. Tình yêu ấy giúp tôi hướng nhìn về tương lai hơn là cứ ngoái lại và dằn vặt quá khứ. Xin cám ơn Tình Yêu.

Với tông huấn Christus Vivit của Đức Thánh Cha Phanxicô dành riêng cho các bạn trẻ, cha giảng phòng Laurensô Bùi Công Huy, Dòng Đaminh đã giúp tôi cảm nghiệm: Đức Kitô đang sống và Người muốn tôi cũng sống thực sự. Dù chớm cái tuổi 70, nhưng Cha vẫn nhún nhảy, ca hát, đầy tinh thần trẻ và sức sống trẻ như tràn qua cả chị em chúng tôi vậy. Với lời nguyện đơn sơ người cha chung dạy, tôi thầm thĩ: “Lạy Chúa Giê-su, Chúa yêu mến con, xin biến đổi con.” Cùng với Chúa Giê-su, tôi trỗi dậy. Nhưng để có thể đứng vững, tôi phải đâm rễ thật sâu trong tình bạn với Chúa Giê-su, với nguồn cội của mình, bởi “Cho dù đã trải qua biết bao nhiêu kinh nghiệm thời tuổi trẻ, các con sẽ không bao giờ đạt đến sự hiểu biết ý nghĩa toàn vẹn và sâu xa của những năm tháng đó nếu mỗi ngày các con không gặp gỡ người bạn tốt nhất của mình, người bạn đó chính là Chúa Giê-su” (CV 150). Và tôi là hiện tại của Chúa. Tôi phải làm gì, cách riêng trong mùa dịch bệnh này? Chúa Giê-su mãi mãi trẻ trung. Người muốn tôi sống hạnh phúc và hết mình cho tình yêu và sứ mạng. Trong thời điểm lịch sử của nhân loại, đại dịch Covit-19, tôi cần cầu nguyện không ngừng và cứ tín thác vì “Đối với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể” (Mc 10, 27).

Đặc biệt, dịp tĩnh tâm cũng mở đầu cho Mùa Chay Thánh, Chúa mời gọi tôi hoán cải và biến đổi đời sống, để giữ mãi nét trẻ trung của một niềm tin vững vàng, lòng cậy trông tha thiết và lòng mến sắt son. Vậy nên “Chúng ta không nên hối tiếc vì đã sống tốt khi còn trẻ, mở lòng với Thiên Chúa và sống cách khác biệt” (CV 17).

Maria Hương Thảo, Học viện MTG. Thủ Đức