Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch phát triển đời sống cộng đoàn

704

Bài suy niệm Tháng 02/2020

BÍ TÍCH THÁNH THỂ

LÀ NGUỒN MẠCH PHÁT TRIỂN ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN

***

       Chứng nhân đích thực cho tình yêu Chúa giữa anh chị em không thể nào chu toàn sứ vụ tông đồ một cách riêng rẽ, không dính dáng gì với cộng đoàn. Nói cách khác, đời sống cộng đoàn trong tinh thần hiệp thông là một trong những yếu tố căn bản của sứ mạng truyền giáo, là một đề nghị của sứ điệp Tin Mừng, để đem lại vui sướng cho cuộc sống: Ôi đẹp đẽ và ngọt ngào biết bao khi anh em sum vầy với nhau… như sương mai trên đỉnh núi Hermon, sa xuống đồi Sion. Chính nơi đó Giavê đã chúc lành, và ban phúc trường sinh muôn kiếp (x. Tv 132). Lý tưởng đời sống cộng đoàn thật tuyệt diệu, cao vời. Tuy nhiên, ghé vai sống đời sống đó thì lại khác. Trong thực tế, không thiếu những giây phút thử thách, chán nản, vì những thái độ thờ ơ, những va chạm và những hiểu lầm. Trong những lúc đó, đời sống cộng đoàn thay vì gây cảm hứng và khích lệ như “sương mai”, thì lại trở nên gánh nặng và chướng ngại vật, gây nhiều đau khổ, làm vơi lòng nhiệt huyết và cản trở công việc tông đồ. Đời sống của người tông đồ, bên ngoài sự hiệp thông cộng đoàn, sẽ trở nên nghèo nàn. Vậy phải làm thế nào, để có một đời sống cộng đoàn dồi dào sinh lực, làm phong phú hóa đời sống tông đồ? Đã có nhiều cố gắng để canh tân đời sống cộng đoàn không những nơi các cộng đoàn tu trì, mà còn cả nơi các linh mục triều và nơi các giáo dân tận hiến cho công việc tông đồ. Nhưng mọi cố gắng sẽ không mang lại kết quả thật, nếu không được nuôi dưỡng và hướng dẫn bởi mầu nhiệm bí tích Thánh Thể. Đời sống tông đồ phải đặt nền tảng trên mầu nhiệm bí tích Thánh Thể. Có hai khía cạnh của bí tích Thánh Thể có thể soi sáng cho và góp phần phát triển đời sống cộng đoàn. Đó là bí tích Thánh Thể như Bữa tiệc và như Lễ Hy Sinh.

       Như Bữa Tiệc, bí tích Thánh Thể nói lên sự gặp gỡ và tình hiệp thông. Bí tích Thánh Thể quy tụ tất cả lại, để thiết lập một gia đình, một cộng đoàn, một dân tộc, dân tộc của Thiên Chúa. Do đó, người tông đồ của Chúa, bất cứ đi đâu, làm gì, cũng luôn luôn mở rộng tâm hồn đón nhận người anh em, để kết thành một cộng đoàn sống trong hiệp thông. Dưới ánh sáng mầu nhiệm Thánh Thể, đời Kitô không thể là cuộc đời đóng kín, nhưng luôn mang tính cách cộng đoàn. Dưới ánh sáng mầu nhiệm Thánh Thể, đời sống cộng đoàn không phải chỉ là ước vọng của con người, nhưng còn là công trình của Thiên Chúa: cộng đoàn do Thiên Chúa quy tụ lại và được Thiên Chúa nuôi nấng bởi chính Mình và Máu Thánh Ngài. Thánh Phaolô tông đồ đã nhấn mạnh đến khía cạnh hiệp thông và hiệp nhất nhờ mầu nhiệm Thánh Thể nơi thư thứ nhất Côrintô, chương 10, câu 16 đến câu 17 như sau: “Chén ân phúc mà chúng ta dâng tiến, không phải là thông phần vào Máu Chúa Kitô ư? Và Bánh Thánh chúng ta bẻ ra, không phải là dự phần vào Thân Thể Chúa ư? Hết thảy chúng ta, dù nhiều, cũng chỉ là một thân thể, vì chỉ có một Bánh và chúng ta dự phần vào một Bánh thôi”.

       Bí tích Thánh Thể mỗi ngày một mời gọi những đồ đệ của Chúa hãy vượt qua những liên lạc có tính cách hời hợt của tình cảm và hoàn toàn nhân loại, để tiến sâu vào trong tình hiệp thông thần thiêng, chia sẻ kinh nghiệm sống về Chúa Giêsu, và cùng nhau tiến thêm trong mối tâm giao với Chúa. Nhờ cùng tham dự vào Bữa Tiệc Thánh Thể, mỗi thành phần cộng đoàn được khuyến khích sống tín nhiệm nhau, quý mến lẫn nhau mỗi ngày một hơn. Mỗi người, dù có thánh thiện đến đâu, cũng còn những thiếu sót và bất toàn. Do đó, khi sống và làm việc chung với nhau, khó mà tránh  được hoàn toàn những va chạm, những xúc phạm lẫn nhau. Vậy làm sao để vượt qua những khó khăn? Câu hỏi này dẫn chúng ta đến khía cạnh thứ hai của mầu nhiệm Thánh Thể. Đó là Thánh Thể như Lễ Hy Sinh.

       Trong mầu nhiệm Thánh Thể, Chúa Giêsu tự ý dâng hiến chính mình, như của lễ toàn thiêu, để mang lại ơn tha tội cho nhân loại. Với mầu nhiệm bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu bẻ gãy sức mạnh của tội lỗi, và ban cho họ khả năng chỗi dậy để vươn lên Thiên Chúa và tiến tới với người anh chị em trong tình thương yêu. Trong chiều hướng của mầu nhiệm Thánh Thể như Lễ Hy Sinh, mỗi thành phần của cộng đoàn cần phải tập chấp nhận những đau khổ do chính người anh chị em gây ra và dâng lên Thiên Chúa, cùng với hy sinh của Chúa Giêsu, như một biểu hiệu của tình yêu đối với Thiên Chúa và với anh chị em. Tình yêu chân thực đòi trả một giá đắt: Không ai có tình yêu to lớn và cao quý hơn người dâng hiến mạng sống cho bạn bè mình (x. Ga 15,13). Lần bước theo tinh thần và con đường của Chúa trong mầu nhiệm bí tích Thánh Thể, chúng ta có thể xây dựng được một cộng đoàn linh động sống trong tình yêu và lòng kính sợ Chúa. Mầu nhiệm Thánh Thể không chỉ vạch đường chỉ lối để thực hiện đời sống cộng đoàn, mà còn là giây phút lý tưởng để sống và xây đắp đời sống cộng đoàn. Khi tất cả các phần tử cùng hợp nhất cử hành mầu nhiệm Thánh Thể, thì đời sống cộng đoàn được canh tân và trở nên vững mạnh hơn. Như thế, nhìn vào việc cử hành và sống mầu nhiệm Thánh Thể của cộng đoàn, ta có thể thẩm định dung mạo tinh thần của cộng đoàn đó.

       Lạy Chúa, xin đến hiện diện giữa chúng con, liên kết chúng con vào Chúa, và giúp chúng con sức mạnh làm chứng cho tình yêu Chúa cho đến cùng. Amen.

Nt. Anna Hoàng Mai