Tết, Tết là gì?

213

Vào mùa xuân, thế giới tự nhiên như bừng tỉnh dậy sau một giấc ngủ dài. Cái lạnh lẽo và khắc nghiệt qua đi, nhường chỗ cho những tia nắng hồng ấm áp ló dạng, đánh thức những nhành cây trơ trụi, làm chớm hé nơi đó những nụ hoa tươi. Tiết trời có chút se lạnh, một cái lạnh không làm người ta sợ như mùa đông, nhưng một cách nhẹ nhàng, nó làm người ta giật mình vì có một cái mới gì đó đang đến. Sự sống như trở lại. Lòng người cũng theo đó mà vui hơn.

Nhắc đến Tết là nhắc đến một sự bắt đầu. Cuộc đời cứ mãi là một chuỗi những bắt đầu. Nhưng sự bắt đầu của năm nay không giống như sự bắt đầu của năm trước. Năm trước là cái đã qua đi; nó đã thuộc về miền ký ức, đã chết đi cùng dòng thời gian. Cái bắt đầu của năm nay là cái mới, tuy nó cũng không hoàn toàn biệt lập hay tách ra khỏi lịch sử. Tia nắng đầu tiên của ngày Tết là cái nguyên đán, cái tinh tuyền, tinh khôi. Nó đưa người ta vào một khung trời khởi động mới. Nó mời gọi người ta hướng đến một chặng đường phía trước với tất cả niềm hy vọng và hân hoan.

Tết là thời khắc của niềm vui. Niềm vui của sự sum vầy. Các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau, trao cho nhau tình nồng quý mến. Bạn bè cũng cố gắng gặp gỡ nhau, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm xưa, chia sẻ cho nhau những dự tính sắp tới. Người ta dành cho nhau nhưng câu chúc tốt đẹp. Người ta tha hồ mơ mộng đến những viễn tượng đầy màu sắc của năm nay. Người ta cố sửa soạn để biến mình trở nên đẹp nhất có thể, vì cái đẹp là biểu tượng của niềm hạnh phúc, của sự may mắn, của điều tuyệt vời.

Nhưng ít bao giờ người ta để ý: Tết cũng là nỗi buồn của biết bao nhiêu người.

Đó là nỗi niềm của người già vì chẳng biết mình còn được Tạo Hoá cho hít thở không khí dưới gầm trời này bao lâu nữa. Mỗi cái Tết qua là sự sống trong mình như ngắn lại. Niềm vui của người trẻ đã cướp đi tuổi thanh xuân của người già. Thêm một tuổi, thấy cũng chẳng là gì. Nhưng cái “một tuổi” ấy cứ cộng lại từng năm, ta dường như đã quên đi mất: từ bao giờ mình đã không còn hứng thú với cái Tết nữa. Chỉ biết vui cùng niềm vui của lũ trẻ; chứ mình, còn gì để mà vui!

Đó cũng là giọt nước mắt của người xa quê vì cảm thấy một khoảng trống kinh khủng trong tâm hồn mình. Mùa Tết là mùa sum vầy, còn mình thì cô đơn nơi góc phòng quạnh vắng, vọng ký ức về miền xa xăm, cố níu kéo một niềm vui cũ kỹ nào đấy của quá khứ. Thèm được cái ôm, cái hôn. Thèm được nghe câu chúc. Thèm được cùng chúng bạn cất cao bài hát xuân. Để rồi, trong cái mông lung của nỗi nhớ, dòng lệ buồn cứ cuồn cuộn xé nát con tim.

Đó là nỗi lắng lo của những người đang lâm vào cảnh thiếu thốn vì chẳng biết mình sẽ đón Tết bằng cái gì đây. Người ta có quần áo đẹp, có nhà cao cửa rộng, có bánh mứt hạt dưa, chậu hoa tươi tắn… hăm hở chờ ngày đón Xuân. Còn mình, Tết hệt như một ông khổng lồ đè nặng trên vai. Miếng ăn hàng ngày còn không có, lấy đâu ra những thứ xa xỉ như người ta. Mình khổ đã đành, con cái mình cũng mất đi tuổi thơ hồn nhiên, chỉ bởi vì mình quá nghèo. Cái nghèo cứ đeo bám mình chẳng chịu tha từ năm này qua tháng khác.

Đó cũng có thể là một khoảng trời đen của những người đang mất đi định hướng vì không biết mình sẽ phải đối diện với cuộc sống phía trước như thế nào đây. Tết là khởi đầu, nhưng mình đã quá sợ những cái được gọi là khởi đầu lắm rồi. Cả một năm dài phía trước, với biết bao bế tắt và khốn đốn đang chờ. Ta chỉ muốn dừng lại để trốn tránh, mà thời gian cứ kéo ta đi. Ta sợ khi phải tiến về phía trước, vì chẳng biết, liệu có một hố sâu đen đủi nào ở đó chực chờ nuốt chẳng ta chăng!

Tết, Tết là gì?

Là tất cả những nỗi niềm nhân gian: vui, buồn, hân hoan, sợ hãi… Là cái làm cho người ta hạnh phúc. Là cái làm cho người ta hốt hoảng. Là cái khiến ta phải hoang mang khi đặt mình trước dòng thời gian đang lặng lẽ trôi vô hình, cứ vô tình cuốn đi tất cả những gì tay ta đang nắm.

Nhưng ta vẫn phải vui Tết, dù muốn dù không, vẫn phải sống cuộc sống của mình. Giữa tất cả những thăng trầm biến động, ta chọn cái làm mình vui, lạc quan và hạnh phúc, vì ta biết, ta chỉ sống một lần duy nhất trên đời, cớ gì phải buồn làm chi. Chọn lựa này đích thực là ý nghĩa của chữ “Tết”.

Tết cho ta biết: cái quý nhất trên đời là tình người và cái duy nhất có thể sưởi ấm nhân gian là sự yêu thương san sẻ. Tết nhắc nhở ta rằng mình cứ phải luôn bắt đầu, chẳng khi nào ngừng nghỉ. Tết vẽ ra trước mắt ta một khung cảnh tràn trề hy vọng, nơi mà cuộc sống hứa hẹn sẽ dành tặng cho ta một khung trời mới để tiếp tục thăng hoa và một cơ hội khác để làm lại cuộc đời. Ta vui Tết bằng một niềm vui ngập tràn sức sống: ai thật sự vui Tết, người đó không bao giờ già đi, người đó chỉ thấy mình mỗi ngày được bồi đắp nhiều hơn bằng sự khôn ngoan, bình an và ân sủng.

Đối với tôi, Tết là thế!

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

dongten.net