Kinh Mân Côi và Thánh Gioan Phaolô II

272

I. CÁCH MẠNG HÓA KINH MÂN CÔI

Nếu không nhờ Thánh Gioan Phaolô II, có lẽ tôi không đọc Kinh Mân Côi chung với gia đình suốt 17 năm qua.

Như tôi đã giải thích trong cuốn “The Rosary of  St. John Paul II” (Kinh Mân Côi của Thánh Gioan Phaolô II), có thể nhiều người cũng nói như tôi. Thánh Gioan Phaolô II làm điều đó bằng cách nào?

  1. Thánh Gioan Phaolô II làm mới Kinh Mân Côi

Như tôi đã nói với sinh viên trong lớp của tôi tại Benedictine College ở Kansas, Thánh Gioan Phaolô II là bậc thầy về chiến lược, biết cách làm cho những việc lớn lao được thực hiện trong Giáo Hội. Ngài nói: “Hỡi các bạn trẻ, hãy trở về với Giáo Hội!” – và ngài thành lập Ngày Giới Trẻ Thế Giới (World Youth Days). Ngài nói: “Hãy trung thành với giáo lý Công giáo.” – và ngài thành lập Ngày Giáo Lý Viên. Ngài mời gọi người Công giáo trở về với Chúa Giêsu – và ngài đã mở Năm Thánh năm 2000.

Ngài cũng thúc giục mọi người đọc Kinh Mân Côi. Ngài thêm 5 Mầu Nhiệm Sáng để kích thích sự quan tâm của chúng ta và mở Năm Kinh Mân Côi để cả Giáo Hội cùng tham gia.

  1. Thánh Gioan Phaolô II liên kết Kinh Mân Côi với các vấn đề quan trọng

Gia đình tôi bắt đầu cùng nhau đọc Kinh Mân Côi từ năm 2001, khi xảy ra thảm kịch khủng bố ngày 11 tháng 9, Thánh GH Gioan Phaolô II đã thúc giục người Công giáo cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi để xin ơn bình an trước nạn dịch khủng bố.

Năm sau, ngài thúc giục đọc Kinh Mân Côi vì sự tấn công khắc nghiệt khác: gia đình. Niềm tin vào Kinh Mân Côi của ngài đã lan tỏa. Ngài nói: “Tôi xin anh chị em, mọi người trong mọi lĩnh vực cuộc sống, hãy tin tưởng đọc Kinh Mân Côi. Ước gì lời kêu gọi của tôi không bị làm ngơ!”

  1. Thánh Gioan Phaolô II làm cho Kinh Mân Côi dễ cầu nguyện

Một trong những điều làm tôi thích: Thay vì đọc Kinh Tin Kính, Thánh Gioan Phaolô II đề nghị bắt đầu đọc Kinh Mân Côi bằng lời cầu khẩn của Thánh Vịnh: “Lạy Chúa Trời, xin đến cứu con, muôn lạy Chúa, xin mau phù trợ!” (Tv 70:2) Đôi khi chúng ta vẫn đọc Kinh Tin Kính, nhưng đừng mở đầu dài dòng khiến trẻ em nản lòng – có khi người lớn cũng thế thôi.

  1. Phương pháp của Thánh Gioan Phaolô II đào sâu kinh nghiệm về Kinh Mân Côi

Gợi ý khác mà Thánh Gioan Phaolô II đưa ra không mất nhiều thời gian, nhưng giúp làm cho Kinh Mân Côi bám rễ sâu vào đời sống.

Ngài đề nghị dùng nghệ thuật thánh, cầu xin điều đặc biệt với mỗi mầu nhiệm, và thêm câu liên quan Chúa Giêsu trong Kinh Kính Mừng. Chẳng hạn, với Năm Sự Sáng, trong cuốn sách đó có hình Chúa Giêsu chịu phép rửa, hoa trái (“trung thành với lời hứa khi được rửa tội”) và lời thêm vào Kinh Kính Mừng (“…và Giêsu Con lòng Bà gồm phúc lạ, được Thánh Gioan Tẩy Giả làm phép rửa”). Thánh Gioan Phaolô II nói rằng Kinh Mân Côi là Kinh Thánh rút gọn, và đề nghị các lời suy niệm ngắn đối với mỗi chục kinh.

  1. Thánh Gioan Phaolô II đề cao các thánh của Kinh Mân Côi

Có lẽ Thánh Gioan Phaolô II là vị thánh của Kinh Mân Côi quan trọng nhất của thời đại chúng ta. Ngài tuyên chân phước cho Bartolo Longo, người đã thoát khỏi ma quỷ nhờ Kinh Mân Côi. Ngài đã tuyên thánh cho Lm Padre Pio và gọi Kinh Mân Côi là “vũ khí.” Ngài đề cao Thánh Louis de Montfort, tác giả cuốn “The Secret of the Rosary” (Bí Mật Kinh Mân Côi). Ngài cũng tuyên chân phước cho Phanxicô và Giaxinta – các thị nhân tại Fatima.

  1. Thánh Gioan Phaolô II liên kết Sứ Điệp Fatima với tương lai Giáo Hội

Thánh Gioan Phaolô II là người mạnh mẽ tin vào Đức Mẹ Fatima. Ngài tín thác cuộc đời ngài cho Đức Mẹ, đặc biệt là sau khi ngài bị ám sát. Trong sứ điệp Fatima, Đức Mẹ yêu cầu đọc Kinh Mân Côi hằng ngày. Thánh Gioan Phaolô II nói rằng điều đó “phải được thi hành từ thế hệ này sang thế hệ khác, và được làm mới.”

  1. Thánh Gioan Phaolô II thúc đẩy việc cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi

Trước khi trở thành giáo hoàng, ĐGH Phanxicô đã viết về Thánh Gioan Phaolô II: “Một buổi chiều, tôi cùng tham dự buổi lần hạt do Đức Thánh Cha hướng dẫn. Trước mặt mọi người, ngài quỳ gối và ngài xúc động. Từ đó, hằng ngày tôi đọc 15 mầu nhiệm Kinh Mân Côi.”

Tôi biết ngài có ý nói gì. Đối với nhiều người trong chúng ta đã từng nhìn thấy con người vĩ đại đó với chuỗi tràng hạt trên tay khi bắt đầu một hành trình – và suốt đời.

II. SỨC MẠNH BẢO VỆ GIA ĐÌNH

Thập niên 1950, Lm Patrick Peyton – mệnh danh là “Linh mục của Kinh Mân Côi”, đã liên kết Kinh Mân Côi và đời sống gia đình với khẩu hiệu: “Gia đình cùng cầu nguyện cùng sống chung.” Khó có thể tưởng tượng được một phong trào đọc Kinh Mân Côi trong gia đình mà Lm Peyton thu hút nhiều người từ vài chục năm trước. Nhưng lời ngài vẫn chứng tỏ sự thật rằng Kinh Mân Côi là việc làm quan trọng đối với các gia đình.

Người ta có thể nói theo công thức: trẻ em + Kinh Mân Côi = chán nản và cằn nhằn. Làm sao có thể mong đợi con trẻ cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi?

Nếu cách chúng ta đọc Kinh Mân Côi là quỳ gối và giữ im lặng, có thể đó là dịp xảy ra “tai họa”, khi bạn muốn các con tham gia, nhất là các con nhỏ. Nhưng đã có một vị thánh là giáo hoàng cho rằng đó là ý tưởng hay để cố gắng tới cùng.

Dĩ nhiên là tôi đang nói về Thánh Gioan Phaolô II. Chính ngài đã viết Tông thư “Rosarium Virginis Mariae” năm 2002 về Kinh Mân Côi.

Tôi thấy trong tông thư này có điều hay. Trong đó, Thánh Gioan Phaolô II làm nổi bật một số hiểu biết riêng của ngài về cách đọc Kinh Mân Côi. Tông thư “Rosarium Virginis Mariae” là viên ngọc bích.

Ngài chú ý rằng cách áp dụng Kinh Mân Côi trong gia đình là soi sáng. Chẳng hạn, gia đình đọc Kinh Mân Côi có thể vượt qua các thói xấu trong đời sống hiện đại. Mối quan tâm nền tảng của ngài là các gia đình “hiếm khi quây quần bên nhau, ít có dịp cùng sinh hoạt, chẳng hạn như cùng xem ti-vi.” Tuy nhiên, nếu cố gắng cùng nhau đọc Kinh Mân Côi thì ít ra cũng là dịp quây quần bên nhau cùng làm một việc đầy ý nghĩa.

Thánh Gioan Phaolô II cho biết: Khi gia đình cùng đọc Kinh Mân Côi, đó là “lấp đầy cuộc sống hằng ngày bằng những hình ảnh rất khác nhau, những hình ảnh của mầu nhiệm cứu độ, hình ảnh của Mẹ rất thánh”, đồng thời “tạo nên được điều gì đó của bầu khí gia đình Nadarét: các thành viên gia đình đặt Đức Giêsu ở trung tâm, họ chia sẻ niềm vui và nỗi buồn của Người, họ đặt những nhu cầu và dự tính của họ trong tay Người, họ kín múc từ Người niềm hy vọng và sức mạnh để tiến bước.” (Rosarium Virginis Mariae, số 41)

Tôi thích cách so sánh ngài đưa ra! Nhiều gia đình dành hằng trăm giờ xem các hình ảnh liên quan bạo lực, chết chóc, và liên quan các thói xấu khác. Nhưng Kinh Mân Côi đem các hình ảnh khác vào tâm trí, đặt Đức Kitô ở trung tâm gia đình, mặc dù chỉ là một lúc, và giúp chúng ta chia sẻ kinh nghiệm của gia đình Nadarét.

Thánh Gioan Phaolô II quỳ gối khi đọc Kinh Mân Côi, nhiều người cho rằng như vậy không phù hợp với trẻ em. Nhưng ngài thách thức các gia đình làm như vậy. Hãy sử dụng các biểu tượng, các bài hát, làm những gì có thể giúp trẻ em tham gia lần chuỗi. Hon nữa, ngài muốn các cha mẹ giúp con cái hằng ngày ý thức bổn phận “nghỉ một chút để cầu nguyện.” Ngài biết rằng những người trẻ muốn sống theo lời mời gọi để có đức tin sâu sắc hơn.

Kinh Mân Côi là lời cầu nguyện giúp chúng ta nhớ lại ơn gọi cao cả của đời sống Kitô hữu. Có lẽ câu tôi thích nhất trong tông thư này là lời ngài đặt vấn đề với những người nghi ngờ ích lợi của việc lần hạt chung trong gia đình: “Tại sao chúng ta không thử?” (Rosarium Virginis Mariae, số 42)

Đây là vài ý tưởng hữu ích:

  1. Hãy dạy trẻ phát âm chữ “Giêsu” trong mỗi Kinh Kính Mừng. Thánh Gioan Phaolô II nói rằng chữ “Giêsu” là “trọng tâm” của Kinh Mân Côi, nếu trẻ chỉ học chữ đó thì chúng học phần quan trọng nhất, và chúng sẽ cảm thấy mình thực sự góp phần vào việc lần chuỗi.
  2. Hằng ngày, từ thứ hai đến thứ sáu, đọc một chục kinh. Cuối tuần, thứ bảy và Chúa Nhật, cả nhà cùng đọc cả năm chục kinh.
  3. Hãy để các con lớn xướng kinh và đọc các ngắm. Đôi khi trẻ 3 tuổi cũng có thể thuộc Kinh Kính Mừng. Trẻ lớn hơn có thể thuộc Kinh Lạy Cha, vì kinh này dài hơn và khó hơn.
  4. Nếu cố gắng dành thời gian để đọc đủ năm chục kinh, cùng nhau cầu nguyện và tập trung vào Chúa Giêsu.
  5. Có thể đây là gợi ý hữu ích: Đừng bắt buộc mọi người cùng đọc kinh chung nếu con cái có chuyện buồn, bất an,… Có thể bất lợi cho đời sống tâm linh của chúng nếu chúng ta hù dọa chúng khiến chúng phải miễn cưỡng đọc kinh chung. Trong những trường hợp khó khăn, hãy cố gắng hết sức, và thử lại vào ngày khác. Cứ thế!

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ aleteia.org)