Phó tế trong Giáo hội không phải là linh mục hạng hai

101

Bài giáo lý của ĐTC Phanxicô về sách Công vụ Tông đồ, sáng thứ tư 25/09/2019, tại quảng trường thánh Phêrô.

9. Stêphanô phó tế và tử đạo “tràn đầy Thánh Thần” (Cv 7,55) .

Anh chị em thân mến

Qua Sách Công vụ Tông đồ, chúng ta tiếp tục đi theo hành trình của Tin mừng đến với thế giới. Thánh Luca, với chủ nghĩa hiện thực mạnh mẽ, một mặt cho thấy khả năng của chuyến đi này, mặt khác cho thấy một số vấn đề nảy sinh trong cộng đoàn kitô hữu. Ngay từ đầu lúc nào cũng có những vấn đề. Làm thế nào để hòa hợp những khác biệt, để chúng cùng sống chung với nhau mà không xảy ra những bất đồng và rạn nứt ?

Cộng đoàn không chỉ chào đón những người Do thái, mà cả người Hy lạp, tức là những người đến từ khắp nơi, không phải Do thái, với một nền văn hóa và cảm xúc của riêng mình và với một tôn giáo khác biệt. Ngày nay chúng ta gọi là “dân ngoại”. Và những người này được đón nhận. Việc đồng hiện diện này xác định trạng thái cân bằng mong manh và tạm thời. Trước những khó khăn đó làm phát sinh những “bất hòa”, và thứ bất hòa tồi tệ nhất có thể hủy hoại cộng đoàn là gì? Đó là bất hòa do nói xấu và nhiều chuyện : những người Hy lạp xì xầm vì sự vô tâm của cộng đoàn đối với những bà góa của họ.

Các Tông đồ bắt đầu một tiến trình phân định, bao gồm việc xem xét lại những khó khăn và cùng nhau tìm kiếm giải pháp. Họ tìm ra một lối thoát qua việc phân chia các nhiệm vụ khác nhau vì sự phát triển an bình của toàn thân thể Giáo hội và để tránh bỏ bê sự “tiến triển” của Tin mừng và việc chăm sóc các chi thể đáng thương nhất.

Các Tông đồ ngày càng ý thức rằng ơn gọi chính yếu của họ là cầu nguyện và rao giảng Lời Chúa : Cầu nguyện và loan báo Tin mừng. Và họ giải quyết những vấn đề bằng cách thiết lập nên một một nhóm “bảy người có uy tín, tràn đầy Thánh Thần và khôn ngoan” (Cv 6,3), những người đó, sau khi đã nhận lãnh việc đặt tay, họ sẽ là những người chuyên lo phục vụ bàn ăn. Đó là các phó tế, được phong chức vì mục đích này, là để phục vụ. Phó tế trong Giáo hội không phải là linh mục hạng hai, nhưng là một người khác; không phải để cho bàn thờ, mà để phục vụ. Phó tế là người trông nom việc phục vụ Giáo hội. Một phó tế mà thích tiến lên bàn thờ nhiều quá, thì thật sai lầm. Đó không phải là con đường của họ. Sự hài hòa giữa phục vụ cho Lời Chúa và phục vụ cho việc bác ái này thể hiện được chất men làm cho thân thể Giáo hội phát triển.

Và các Tông đồ đã tấn phong 7 phó tế. Trong số bảy “phó tế” thì Stêphanô và Philipphê được phân biệt cách riêng. Stêphanô rao giảng phúc âm bằng sức mạnh và thẳn thắng [parresia], nhưng lời rao giảng của ngài gặp phải sự chống trả mãnh liệt nhất. Khi không tìm được cách khác để chống lại Stêphanô, các đối thủ của ngài đã làm gì? Họ chọn giải pháp rất hẹp hòi để tiêu diệt một con người : tức là, họ nói xấu ngài và làm chứng gian. Chúng ta biết rằng, nói xấu thì luôn luôn giết chết. Căn bệnh “ung thư độc ác” này phát sinh từ ước muốn hủy hoại danh tiếng của một người, nó cũng tấn công phần còn lại của cơ thể Giáo hội và làm thiệt hại nghiêm trọng khi, chỉ vì những lợi ích nhỏ nhen hoặc vì muốn che đậy những thất bại của chính mình, nó tạo nên một liên minh để bôi nhọa người nào đó.

Bị dẫn đến công nghị và bị buộc tội bởi các bằng chứng giả, [họ đã làm chính điều đó với Chúa Giêsu và với tất cả các thánh tử đạo qua các chứng giả và vu khống] để tự bào chữa cho mình, thánh Stêphanô đã tuyên đọc lại lịch sử thánh, tập trung vào Chúa Kitô. Sự Phục sinh của Chúa Giêsu, đã chết và sống lại là chìa khóa của mọi lịch sử giao ước. Đứng trước sự sung mãn về ơn thiêng liêng này, thánh Stêphanô can đảm tố giác giả hình, điều mà các tiên tri và chính Chúa Kitô đã từng nói đến. Và để nhắc cho họ về lịch sử, ngài nói : “Có ngôn sứ nào mà cha ông các ông không bắt bớ? Họ đã giết những vị tiên báo Đấng Công Chính sẽ đến; còn các ông, nay đã trở thành những kẻ phản bội và sát hại Đấng ấy”. (Cv 7,52). Thánh nhân không uốn cong chữ, nhưng nói rõ ràng, nói sự thật.

Điều này gây ra phản ứng dữ dội cho người nghe, và Stêphanô bị kết án tử, bị ném đá. Tuy nhiên, Ngài đã biểu lộ “cái cốt” thật sự của người môn đệ Chúa Kitô. Không tìm lối thoát, không mời mọc những người có thể cứu mình nhưng tự đặt mạng sống mình trong tay Thiên Chúa và lời nguyện của thánh Stêphanô thật tuyệt vời, trong lúc ấy, ngài nói : “Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy linh hồn con” – và chết như người Con của Thiên Chúa, bằng cách tha thứ : “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này” (Cv 7,60)

Những lời này của thánh Stêphanô dạy chúng ta biết rằng đó không phải là những lời lẽ hay ho để tỏ bày thân phận làm con Thiên Chúa của chúng ta, nhưng chính là phó thác cuộc sống của mình trong tay của Chúa Cha và tha thứ cho những người xúc phạm chúng ta, khiến cho phẩm chất đời sống đức tin của chúng ta được nhìn thấy.

Ngày nay có nhiều vị tử đạo hơn lúc khởi đầu cuộc sống của Giáo hội, và các vị tử đạo thì ở khắp nơi. Giáo hội hôm nay rất giàu những vị tử đạo. Giáo hội được tưới bằng máu của họ, là “những hạt giống kitô hữu mới” (Tertulliano, Biện giải, 50,13), bảo đảm sự phát triển và sung mãn cho Dân Thiên Chúa. Các vị tử đạo không phải là “những tranh ảnh thánh”, nhưng là những người nam nữ bằng xương bằng thịt – giống như sách Khải huyền đã nói – “họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” (Kh 7,15). Họ là những người chiến thắng đích thực.

Chúng ta cùng cầu xin Thiên Chúa, bằng cách nhìn vào các vị tử đạo hôm qua và hôm nay, để chúng ta có thể học cách sống một cuộc sống trọn hảo, bằng cách đón nhận sự tử đạo của lòng trung thành mỗi ngày đối với Tin mừng và phù hợp với Chúa Kitô.

G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ