Người trẻ còn tha thiết với tôn giáo?

70

Tuổi trẻ là thời gian của nhiều hoài bão vươn lên. Một trong những ước mơ ấy là thành công trong cuộc sống. Theo nhiều bạn trẻ, thước đo của sự thành công phải là danh vọng và vật chất. Dù muốn dù không, tiền bạc vẫn luôn chi phối mỗi người, nhất là người trẻ. Chúng ta cần công việc, cần tiền bạc và cần thỏa mãn nhiều nhu cầu trong cuộc sống. Trong mớ bộn bề ấy, tôn giáo dường như không phải là mối bận tâm của người trẻ?

Nhiều người bạn chia sẻ với tôi rằng: “Thầy ơi, cả tuần con bận làm, tối về chỉ biết lăn ra ngủ, làm gì còn thời gian để cầu nguyện hay thinh lặng với Chúa.” Bạn khác thật lòng nói: “Con xưng tội một năm một lần, như Hội thánh dạy. Đi lễ Chúa Nhật, nhưng lòng con lúc nào cũng nhiều thứ bộn bề công việc, tương quan.” Tôi biết nhiều bạn trẻ không còn thích đi lễ nữa. Thay vào đó, nhiều nơi hấp dẫn người trẻ hơn là chỗ thinh lặng của nguyện đường. Điện thoại, Internet[1], đi phượt, tán ngẫu, tiệc tùng… hấp dẫn hơn nhiều so với Kinh Thánh hay tham gia đoàn thể giáo xứ!

Chắc nhiều người đồng ý rằng không chỉ người trẻ Công giáo, các bạn trẻ ở tôn giáo khác cũng rơi vào tình cảnh như thế. Họ không thích đi chùa, chẳng quan tâm đến Đức Phật và những điều thánh thiêng. Những lãnh vực tôn giáo[2] quá xa vời trong tâm trí người trẻ. Đức Phật là ai? Thiên Chúa là Đấng nào? Đạo là gì? Thế giới tâm linh là chi?… Thử hỏi bao nhiêu bạn trẻ quan tâm những điều ấy!? Họ mặc nhiên nhường những điều cao vời ấy cho mấy người tu hành, cho những ai lãnh đạo tôn giáo.

Tới đây, có thể nhiều người không đồng tình với quan điểm trên. Bởi, thực tế còn những người trẻ thích tìm đến với tôn giáo. Đây đó, người trẻ đến nghe thầy sư, hay ni cô hoằng pháp. Là người Công giáo, các bạn trẻ vẫn còn trung thành đến với Thiên Chúa nơi thánh lễ, các bí tích. Chẳng phải các bạn trẻ vẫn phấn khởi tham gia hội đoàn, nhóm sinh viên Công giáo, v.v. đó sao? Trong những vui buồn của cuộc sống, họ vẫn biết chạy đến với Thiên Chúa như chỗ dựa tinh thần. Với họ, tôn giáo luôn là mối bận tâm để giúp họ cân bằng cuộc sống. Hơn nữa, họ giúp nhau đến với Thiên Chúa và cùng nhau vượt qua những khó khăn. Tuy vậy, phải thừa nhận rằng số người trẻ này quả là quá ít ỏi so với dân số Việt Nam!

Dẫu sao trước hai nhóm người trên đây, theo tôi, phần lạnh nhạt với tôn giáo thường chiếm số đông. Thực tế, trong thế giới phẳng, tôn giáo luôn có nguy cơ bị mất hút. Quá nhiều điều ru ngủ người trẻ, khiến thờ ơ với tôn giáo. Ngay cả người trẻ Công giáo, có khi họ chẳng để tâm đến tìm kiếm Thiên Chúa. Trong bối cảnh đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô luôn nói với người trẻ: “Đừng sợ đi mang Chúa Kitô vào mọi lĩnh vực của cuộc sống, đến ngoại biên xã hội, thậm chí những người dường như xa xôi nhất, những người dửng dưng nhất.” (Đại hội Giới trẻ Thế giới Rio 2013)

Nói đến tôn giáo, nghĩa là không chỉ đề cập đến giáo lý về một Đấng Siêu Việt, mà còn là sự ước mong tìm kiếm Thiên Chúa. Nhiều người tin rằng: không tôn giáo thì có chết ai đâu! Người vô thần cũng sống, cũng ăn, cũng uống, cũng làm việc, cũng vui chơi và tiến bộ đấy thôi! Thực ra, đây là vấn đề phức tạp, vì nó đụng đến bản chất của con người: ai cũng có tính tôn giáo và có tính xã hội. Bởi đó, trong kinh nghiệm nhân sinh, tôn giáo cho con người được hạnh phúc an bình thật. Trong ý hướng này, có lần Đức Bênêđictô XVI chia sẻ rằng: “Nguồn vui của Kitô hữu là biết chắc rằng họ được Thiên Chúa yêu thương, yêu thương thân mật bởi Đấng Tạo hóa… yêu thương bằng một tình yêu đam mê và trung tín, một tình yêu lớn hơn là những bất trung và tội lỗi của ta,một tình yêu luôn tha thứ.

Vậy, nếu người trẻ không tha thiết với tôn giáo, họ có phải là người vô thần không? Trước hết, người vô thần chính hiệu không tin nhận Thiên Chúa.[3] Trong những thập kỷ qua, vô thần đã trở thành một học thuyết thời thượng từ chối sự hiện hữu của Thiên Chúa. Có lẽ cao trào của thuyết này đến từ Karl Marx (1818-1883), triết gia người Đức. Ông để lại câu nói nổi tiếng: “Tôn giáo là thuốc phiện ru ngủ nhân dân.” Người ta còn nghe được câu thời danh khác của Simone Weil (1909-1943), triết gia và nhà thần bí Pháp: “Không phải tôn giáo, mà cách mạng mới là thuốc phiện ru ngủ nhân dân.” Đó là những tranh luận sôi sục từ cổ chí kim mà dường như chẳng có hồi kết.

Các bạn trẻ thân mến,

Khơi lên đề tài như thế để mỗi người có dịp nhìn lại niềm tin tôn giáo của mình. Tại sao tôi theo đạo? Vì sao Thiên Chúa quan trọng trong cuộc đời tôi? Và tại sao nhiều bạn trẻ dị ứng với tôn giáo?[4] Đừng quên, tôn giáo luôn là quyền tự do của con người lựa chọn và tin theo. Dù tin hay không, tôn giáo vẫn luôn hiện hữu, và dường như luôn là mối bận tâm của con người. Tôi tin người trẻ nào cũng ít nhiều suy nghĩ, thắc mắc và tìm hiểu về vấn đề này: Tôn giáo là gì? Hoặc ít là bạn từng nghe đến những tôn giáo khác nhau trên thế giới: Công Giáo, Tin Lành, Phật Giáo, Hồi Giáo, Ấn Độ Giáo, Do Thái Giáo…

Là người người trẻ Công giáo, chắc hẳn mỗi người cũng thấy hiện trạng tôn giáo ở Việt Nam. Tôn giáo có quan trọng và cần thiết hay không, tùy quan niệm của mỗi người! Là người trẻ, ước gì chúng ta thấy còn có biết bao người đang gặp đau khổ, tội lỗi, chịu nhiều bất công, thất học và dửng dưng với tôn giáo. Nơi đó mời gọi người trẻ bước vào.

Dù ở tôn giáo nào, hy vọng chúng ta đi cùng nhau. Là những người có niềm tin tôn giáo, chúng ta tin rằng đó là chìa khóa để mỗi người tìm thấy thành công, hạnh phúc và bình an trong cuộc sống.

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

dongten.net

.

[1]  “Việc đắm chìm trong thế giới ảo đã dẫn đến một loại “di cư kỹ thuật số”, nghĩa là xa lánh gia đình cùng các giá trị văn hóa và tôn giáo, dẫn nhiều em đến một thế giới cô độc và tự sáng chế, đến nỗi cảm thấy mất gốc rễ, mặc dù vẫn ở cùng một chỗ.” (Christus Vivit, số 90)

[2] Theo nghĩa gốc từ tiếng Latinh Religio mang nghĩa “tôn trọng điều linh thiêng, tôn kính thần linh” hay “bổn phận, sự gắn kết giữa con người với thần linh.” Tiếng Anh là Religion.

[3] Theo wikipedia: “Chủ nghĩa vô thần (hay thuyết vô thần, vô thần luận), theo nghĩa rộng nhất, là sự thiếu vắng niềm tin vào sự tồn tại của thần linh. Theo nghĩa hẹp hơn, chủ nghĩa vô thần là sự bác bỏ niềm tin rằng thần linh tồn tại. Theo nghĩa hẹp hơn nữa, một cách cụ thể thì chủ nghĩa vô thần là quan điểm cho rằng không hề có thần linh. Chủ nghĩa vô thần đối lập với chủ nghĩa hữu thần.”

[4] Chẳng hạn Anthony de Mello, SJ đưa ra lý do: “Tôn giáo như người ta thực hành hôm nay chỉ chú trọng đến việc thưởng phạt. Nói cách khác, tôn giáo chỉ nuôi dưỡng sự sợ hãi và lòng ham muốn – hai việc tai hại nhất đối với linh đạo.” (Một Phút Minh Triết).