Ba Lời Khấn của người tu sĩ

190

Có bao giờ bạn tham dự lễ khấn của quý thầy hay quý sơ chưa? Hoặc có bao giờ bạn nghe đến lễ khấn hoặc các lời khấn chưa? Chắc các tu sĩ quá quen thuộc về những điều này. Do đó, chút chia sẻ dưới đây tôi muốn viết cho các bạn trẻ chưa hoặc không phải là tu sĩ. Để qua đó, chúng ta thấy cuộc sống của người tín hữu thật phong phú trong các bậc sống và có nhiều cách thức liên kết với Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Các bạn thân mến,

Gọi là lễ khấn vì dĩ nhiên trong đó có ba lời khấn[1] là quan trọng nhất đối với những ai cử hành nó. Trước khi khấn, các tân khấn sinh đã được học kỹ lưỡng về từng lời khấn ở Nhà Tập. Rồi tới một thời điểm, tập sinh được mời gọi tự do tuyên khấn. Từ đó họ chính thức bước vào mối tình với Giêsu, sẵn sàng chấp nhận những đòi hỏi và đón nhận những ân sủng đến từ ba lời khấn này: Khó nghèo, Khiết tịnh và Vâng phục. Sau lời tuyên khấn với Thiên Chúa, họ chính trở thành tu sĩ, nam gọi là thầy tu, nữ gọi là nữ tu hay các sơ.

  1. Lời khấn khó nghèo

Chắc không ai muốn cuộc sống nghèo khổ thiếu thốn. Tuy nhiên, để không bám vào của cải trần gian, người tu sĩ khấn hứa mình luôn chọn con đường nghèo khó của Tin mừng để sống trọn đời. Chính Chúa Giêsu đã đi trọn con đường nghèo khó này. Đó là mối phúc dành cho những ai sống khó nghèo, vì Nước Trời là của họ.

Trong các đan viện, chúng ta dễ dàng thấy các thầy, các sơ sống nghèo như thế nào. Đó là hình thức sống đan tu có từ lâu đời. Sau đó xuất hiện dòng khất thực mà nổi tiếng là dòng thánh Phan-xi-cô và thánh Đa-minh. Lúc này cuộc sống của người tu sĩ sống bằng của bố thí. Với Dòng Biển Đức, các tu sĩ sống tự cung tự cấp. Có bạn giơ tay ý kiến rằng các dòng tu dường như nhiều bất động sản và tài sản khác? Điều ấy là có thực, nên vấn đề khó nghèo luôn được đặt ra cho lối sống của các tu sĩ: làm sao sống nghèo để bắt chước Đức Ki-tô? Trong thời cận đại, chúng ta thấy xuất hiện một chiều hướng mới nơi các dòng tu: dòng tông đồ. Các tu sĩ sống dấn thân vào đời và phục vụ con người.

Từ hoàn cảnh đó, sự ra đời của các dòng tông đồ cũng thay đổi cái nhìn về đời sống khó nghèo. Các dòng đi vào thế giới. Sống khó nghèo cũng có nghĩa là tận tâm với nghề nghiệp, sử dụng tài sản có trách nhiệm, biết để ý tới nhu cầu của người nghèo. Nhìn chung, ở giai đoạn phát triển này của đời tu, người ta nhận thấy có hai ý thức mới trong việc sống khó nghèo của tu sĩ: Thứ nhất, sống nghèo có nghĩa là đồng hóa với dân nghèo, chia sẻ cảnh bấp bênh thiếu thốn của họ. Thứ hai, sống nghèo có nghĩa là dấn thân bênh vực người nghèo, cộng tác vào việc thăng tiến và giải phóng họ khỏi cảnh nghèo.

Đó là cách người tu sĩ hiến thân hoàn toàn cho Thiên Chúa. Dĩ nhiên, đời sống khó nghèo luôn có những đòi buộc. Họ phải nghèo trong thực tế và trong tinh thần để chỉ lo thu tích một kho tàng trên trời (Mt 6,20). Chính các hội dòng cũng nỗ lực làm chứng tập thể về khó nghèo trong môi trường mình sống. Bạn hỏi sống như thế các tu sĩ có khổ lắm không? Thưa, còn đó những thách đố[2], nhưng các tu sĩ tâm niệm lấy Thiên Chúa làm gia nghiệp duy nhất đời mình, nên họ hạnh phúc sống khó nghèo.

Theo đó, người tu sĩ không sử dụng đồ gì như tư hữu. Họ chia sẻ với nhau trong đời sống cộng đoàn, với lối sống tiết kiệm, giản dị và thanh thoát.

  1. Lời khấn khiết tịnh

Phải thú nhận rằng đây dường như là lời khấn thú vị và khó khăn nhất đối với người tu sĩ. Thú vị vì họ dám sống độc thân khiết tịnh vì Nước Trời; khó khăn vì người tu sĩ đâu phải thiên thần, họ có thân xác với những đòi hỏi bản năng của nó. Bởi hiểu “khiết tịnh là nhân đức mà nó kiềm chế, kiểm soát, điều hòa những khao khát, suy nghĩ và hành vi tính dục của chúng ta.”[3] Hơn nữa, khi các tu sĩ khấn khiết tịnh, đương nhiên nó “đòi hỏi sự tiết dục hoàn toàn và vĩnh viễn để tận hiến trọn vẹn con người cho Thiên Chúa và phục vụ tha nhân.” (GLHTCG 2349).

Như bạn đã biết các tu sĩ không có người yêu, không được lập gia đình với một ai đó. Người tu sĩ sống độc thân và chỉ thuộc mình về Thiên Chúa mà thôi. Theo đó, họ cũng giữ mình xa tránh mọi hành vi tự ý chiều theo khoái lạc dục vọng. Điều ấy không phải lúc nào cũng dễ dàng trong thời đại tục hóa và Internet như hiện nay. Tuy nhiên, đó là lời mời gọi liên lỷ của Thiên Chúa dành cho người tu sĩ, bởi họ có Đức Giêsu là mẫu gương khiết tịnh vì Nước Trời. Nghĩa là, Đức Giêsu chỉ thuộc về Chúa Cha, và trái tim người tu sĩ không chia sẻ với ai, ngoại trừ cho Thiên Chúa.

Ý thức được những thách đố của lời khấn này, người tu sĩ cũng xem đó như món quà của Thiên Chúa. Đó là ơn sống khiết tịnh, chứ một mình tu sĩ khó lòng sống trọn vẹn lời khấn này. Do đó, người tu sĩ quý trọng sự khiết tịnh như một ân huệ cao cả của ơn thánh, để hiến thân hoàn toàn cho Thiên Chúa. Có lẽ vì lý do này mà người ta thường gọi là đời sống thánh hiến!

Tuyệt vời biết bao khi trái tim người tu sĩ chỉ dành trọn vẹn cho Thiên Chúa; nhưng qua đó, họ cũng liên kết với mọi người cách sâu xa hơn trong Chúa Kitô. Người tu sĩ đích thực là người yêu thương hết mọi người trong Chúa Giêsu, người tình duy nhất của họ. Để với đời sống khiết tịnh, người tu sĩ có thể làm chứng một cách sống động về hình ảnh Nước Trời, nơi đó không có chuyện dựng vợ gả chồng. (x. Mc 12,18-27).

Nhiều bạn trẻ thấy lời khấn này thách đố quá, đến nỗi khó lòng theo Chúa đến cuối con đường. Bạn đừng quên đời sống hôn nhân cũng đòi hỏi sự khiết tịnh. Chẳng hạn, ngoại tình là đi ngược lại với bí tích Hôn nhân. Bạn có bao giờ hỏi các sơ hay các thầy làm sao chiến đấu với những cám dỗ liên quan đến khiết tịnh chưa? Thực tế người tu sĩ có những phương cách để giữ mình thuộc về Chúa. Chẳng hạn, “Các tu sĩ hãy trung thành với lời tuyên giữ, tin vào Lời Chúa, trông cậy vào ơn Người, đừng tự phụ vào sức riêng mình, lại phải sống hãm mình và gìn giữ ngũ quan.”[4] Rồi họ tập làm chủ những suy tưởng cho tới cái nhìn và trò chuyện để giữ lòng được sạch trong. Bên cạnh đó, họ không tin vào quan niệm: Sự tiết dục trọn vẹn là việc không thể giữ được hoặc có hại cho sự phát triển con người!

Nói chung, khi khấn khiết tịnh, người tu sĩ có Thiên Chúa, có nhà Dòng, có cộng đoàn và có những phương thế để giúp họ vượt qua những khó khăn. Vấn đề là người tu sĩ có để cho những điều ấy trợ giúp mình hay không mà thôi.

  1. Lời khấn vâng phục

Lạ thay, thánh Tôma Aquinô, Dòng Đaminh chia sẻ rằng: “Trong ba lời khấn tu trì, lời khấn vâng phục là nhân đức lớn nhất.” [5]Để hiểu được điều này, ta thấy “vâng phục là từ bỏ ý riêng mình để vì Chúa mà vâng phục một con người, trong lãnh vực đức trọn lành, qua những gì mà lời truyền dạy đòi hỏi, để trở nên giống Chúa Kitô vốn vâng phục Thiên Chúa Cha cách trọn vẹn.” (Jean Galot SJ).

Một điều rõ ràng là người tu sĩ không chỉ vâng phục bề trên hợp pháp trong đức tin, nhưng quan trọng nhất là họ vâng phục Thiên Chúa. Người tu sĩ lấy ý Thiên Chúa làm gia nghiệp của họ. Vì bề trên là người “thay mặt Thiên Chúa”, nên người tu sĩ noi theo Đức Giêsu, họ sống để thực thi ý Thiên Chúa Cha ngang qua bề trên. Điều này được thể hiện rõ trong từng sứ mạng mà người tu sĩ nhận được từ nhà Dòng. Bạn đừng quên bề trên thực hiện ý của nhà dòng, nhà dòng thực hiện ý của Đức Giáo Hoàng, Đức Giáo Hoàng thực thi ý của Thiên Chúa. Trong mối dây này, những sứ mạng mà người tu sĩ vâng lời đều liên hệ đến ý Chúa Cha.

Bạn nhớ lại thời Cựu Ước dân Chúa cũng có giao ước với Gia-vê. Nếu họ vâng lời Thiên Chúa, cuộc sống của họ sẽ được bình an, đất nước được thái bình. Ngược lại, sự bất tuân khiến biết bao tai họa ập đến trên dân. Do đó, ta thấy vâng lời đã ăn sâu trong lịch sử cứu độ. Rồi đến thời Tân Ước, dân Chúa không chỉ vâng phục “theo lề luật”, mà còn vâng phục trong tình yêu với Thiên Chúa và dấn thân phục vụ tha nhân. Theo đó, hẳn là Thiên Chúa cũng mời gọi người tu sĩ đi vào thái độ vâng phục này. Để làm được điều ấy, người tu sĩ có một cách duy nhất là chiêm ngắm Đức Giêsu đã sống và vâng phục Thiên Chúa Cha như thế nào!

Nhưng thực tế, có khi người tu sĩ lại gặp khó khăn để vâng phục bề trên, vì phải từ bỏ ý riêng của mình. Khi đó, họ được mời gọi đối thoại và cầu nguyện để nhận ra đâu là ý Thiên Chúa. Hơn hết, sứ mạng là quan trọng để họ vâng phục thi hành. Chẳng hạn, Dòng Tên có thêm lời khấn vâng phục Đức Giáo Hoàng, để được sai đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì để tôn vinh Thiên Chúa hơn. Nói chung, các tu sĩ nhờ lời khấn vâng phục mà cống hiến cho Thiên Chúa trọn cả đời trong các sứ mạng trong tinh thần sẵn sàng, đơn sơ, hạnh phúc và bình an.

Tạm kết

Có lẽ bạn thấy rối bời với nhiều thuật ngữ lạ tai, nhiều ý tưởng mới lạ trên đây. Tuy nhiên với người tu sĩ dường như đây là điều rất thân quen. Nếu còn đó những thắc mắc, bạn có thể hỏi bất kỳ người tu sĩ nào, họ có thể chia sẻ với bạn những thú vị về ba lời khấn này. Với chút phân tích, phắc thảo trên đây, hy vọng người trẻ có thể hình dung ra căn tính của đời tu luôn dựa trên ba lời khấn: Khó nghèo, Khiết tịnh và Vâng phục.

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

dongten.net

.

Bạn có thể đọc thêm những tài liệu sau trên Internet :

– Hiến chế Tín lý về Hội Thánh (Lumen Gentium)

– Sắc lệnh Canh tân và thích nghi đời sống dòng tu (Perfectae caritatis)

– Chứng tá Phúc Âm (Evangelica testificatio)

– Tông huấn Đời sống thánh hiến (Vita consecrata)

– Tông huấn Hồng ân cứu chuộc (Redemptionis donum)

– Huấn thị Những Chỉ Dẫn Về Việc Huấn luyện Trong Các Dòng Tu (Potissimum institutioni)

[1] Lời khấn là một lời hứa, đã suy xét và tự do đoan thệ với Chúa, tự buộc mình theo đức thờ phượng, vào một việc lành có thể làm và hoàn hảo hơn do hiệu lực đức thờ phượng.  Nội dung của lời khấn là một điều hứa quyết với ý thức, quyết định mình phải làm điều gì và phải tránh điều gì mà ta đã bày tỏ với Thiên Chúa, do đó buộc phải trung thành.

[2] Ví dụ, người tu sĩ sống trong xã hội tiêu thụ, ăn sung mặc sướng v.v.

[3] X. Reverend Peter M.J. Stravinskas, Ph.D. S.T.L. Editor, Catholic Encyclopedia, tr. 205

[4] xem. Sắc lệnh Canh tân và thích nghi đời sống dòng tu (Perfectae caritatis), số 12.

[5] Maximum est  (ST. II a, Ia.186,8).