Đời sống tu trì: Sướng hay khổ?

232

“Đời sống tu trì, sướng hay khổ?”. Quả thực đây là một câu hỏi không dễ trả lời. Đa số giáo dân khi nhìn vào những người tu hành thì thốt lên, “Ôi, sướng quá! Tu là cõi phúc, tình là dây oan…”. Còn các đấng các bậc trong đời sống tu trì thì lại than thở rằng: “Không ở trong chăn sao biết chăn có rận!”.

Thực ra, nhận định, đánh giá đời tu sướng hay khổ, ta không nên dựa vào những cảm nhận chủ quan của con người. Trái lại phải liên hệ tới Lời của Chúa khi Ngài kêu gọi các môn đệ, “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo tôi” (Lc 9, 23). Từ bỏ mình, vác thập giá liên lỉ trong hành trình theo Chúa, đó chính là mệnh lệnh của ơn gọi tu trì và là điều kiện cho những ai dấn thân làm môn đệ Chúa.

Vậy đã rõ, một khi theo Chúa bước vào đời sống tu trì thì không còn vấn đề sướng hay khổ, mà chỉ là thành tâm đáp lại tiếng Chúa kêu gọi, đồng thời cam kết trung thành với sứ vụ cho đến trọn đời. Đời sống vật chất ở một vài nơi tu hành có thể còn thiếu thốn, cơ cực, nhưng sự hy sinh trong đời sống tận hiến và hạnh phúc được phục vụ Chúa trong mọi người mới chính là vẻ đẹp thánh thiện của người tu hành.

Tông huấn Pastores dabo vobis số 22-23 đã diễn tả sứ mệnh của linh mục với giáo dân như sau: ”Là mục tử của cộng đoàn, linh mục sống và hiện hữu vì nó; vì nó mà cầu nguyện, học hỏi, làm việc và hy sinh. Và chính vì cộng đoàn mà ngài sẵn sàng thí mạng, yêu mến nó như Đức Kitô, trao cho nó tất cả tình yêu và sự quí mến, hao tốn sức lực và thời giờ vì nó nên hình ảnh của Giáo hội hiền thê Đức Kitô càng ngày càng xinh đẹp hơn, xứng đáng được Chúa Cha quí chuộng và Chúa Thánh Thần yêu thương. Chiều kích hôn ước này của đời sống linh mục-Mục Tử buộc linh mục hướng dẫn cộng đoàn bằng sự phục vụ hết mình toàn thể cộng đoàn và từng thành viên” (Nguồn: ĐTGM Giuse Nguyễn Chí Linh, Tĩnh tâm thường niên gp Đàlạt, tháng 02-2009).

Có thể nói phương châm của những người tận hiến theo Chúa là phục vụ và phục vụ hết mình. Các linh mục, tu sĩ được Chúa chọn và sai đi, không phải để được phục vụ mà là để phục vụ con người (x. Mc 10,45). Họ là người của muôn người, được sai đi để làm đầy tớ thiên hạ. Nói là đầy tớ vì họ không được tuyển để làm quan trong thiên hạ (cha mẹ của dân), mà làm kẻ phục vụ người khác. Đúng như cha Chevrier đã nói: “Linh mục là người bị ăn”. Càng phục vụ tích cực, càng phải hi sinh hết mình. Càng lo cho người khác, càng chết cho chính mình. Càng yêu mến quan tâm người khác, trái tim càng đau khổ dày vò. Đó chính là thân phận của hạt lúa chôn vùi trong đất.“Nếu hạt giống rơi xuống đất mà thối đi, nó sẽ nảy sinh hoa trái” (Ga 12, 24).

Vậy “sướng” hay “khổ” không phải là giá trị để ta đánh giá đời sống tu trì, trái lại ta có thể dựa vào 3 đặc điểm sau để suy tư:

* Cam kết độc thân vì lý tưởng tận hiến

Tu sĩ, linh mục tự nguyện sống độc thân để có điều kiện tốt nhất hoàn thành lý tưởng dâng mình cho Chúa và Hội thánh. Họ sống độc thân nhưng không cô độc, lẻ loi, kể cả khi họ sống một mình. Bởi vì, con người của họ vừa là người của cầu nguyện, vừa là người của công việc. Có những công việc có-tên, nhưng cũng có những công việc không-tên. Có những công việc trong-kế-hoạch, nhưng cũng có nhiều công việc ngoài-kế-hoạch. Có những công việc dài-hơi, nhưng cũng có hàng tá công việc đột-xuất …

Chẳng hạn, nhìn vào thực tế ta có thể thấy một ngày sống của linh mục thật tất bật. Nếu là cha xứ thì chắc hẳn lịch làm việc và sinh hoạt của ngài dầy đặc công việc. Sáng, chiều dâng thánh lễ, ngồi tòa, soạn bài giảng, dạy giáo lý, đọc kinh nguyện, suy gẫm, họp hành, công tác mục vụ thường xuyên, định kỳ, đột xuất…đó là chưa kể việc đi kẻ liệt, thăm viếng mục vụ, tiếp khách, đọc sách báo, nghiên cứu tài liệu, lao động và giải trí vv.

Mặc dù tu sĩ, linh mục sống độc thân, không có gia đình riêng tư, nhưng họ có cộng đoàn là đại gia đình nơi mà họ sống, sinh hoạt và được sai đến. Họ sống độc thân không phải là tìm sự an nhàn sung sướng cho bản thân, cũng không cảm thấy thiếu thốn tình cảm này nọ, nhưng là tìm thấy hạnh phúc của người cho đi, ban phát, dâng hiến. Đức Ki-tô Mục Tử luôn luôn hiện diện trong trái tim của họ để cùng với họ trao ban và yêu mến. Cộng đoàn cũng luôn ở trong tâm trí, lòng dạ của họ để cùng nhau đồng hành, chia vui sẻ buồn, cùng gánh vác công việc của Chúa. Chúng ta biết rằng, trong liên đới và hiệp thông không có chỗ cho sự cô đơn và lẻ loi. Khi tình yêu Chúa và lòng mến tha nhân là sức mạnh chiến thắng tất cả thì đời tu dù sướng hay khổ sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nữa…

* Chấp nhận sống nghèo vì ơn gọi phục vụ

Có thể nói các tu sĩ, linh mục không bao giờ sướng vì giàu có và khổ vì nghèo túng. Bởi vì đối với họ, sống nghèo là điều quan trọng. Sống nghèo là một chọn lựa vừa nhân bản vừa đạo đức. Nếu họ giàu có, thì tiền bạc và của cải vật chất là để phục vụ chứ không phải để sống an nhàn, sung túc, vô lo. Dù sao trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các linh mục, tu sĩ cũng được mời gọi để làm chứng nhân cho đức khó nghèo Ki-tô giáo.

ĐGM GB. Bùi Tuần (gp Long Xuyên), trong tập “Truyền giáo”, tài liệu tĩnh tâm các LM TGp TPHCM năm 1990 đã viết: “Khi Chúa Giê-su sai các tông đồ đi làm nhiệm vụ Lời Chúa, Người bảo các ông đừng mang theo nhiều hành lý, dù đó là quần áo, tiền bạc. Chúa muốn các môn đệ ra đi với thái độ nghèo, không những nghèo về thái độ khiêm tốn bên trong, mà cũng nghèo cả về vật chất nữa. Bởi vì thái độ nghèo về vật chất chính là một hành trang tinh thần có giá trị lớn tăng bản lãnh cho người làm nhiệm vụ Lời Chúa. Nó giúp cho môn đệ Chúa làm chứng được phần nào mầu nhiệm thánh giá cứu độ và tám mối phúc thật là những điều quan trọng của Lời Chúa”.

Vậy thì khi dấn thân theo ơn gọi làm linh mục, tu sĩ, người môn đệ của Chúa tự nguyện chấp nhận sống nghèo, xem như đó là một đòi hỏi thiết yếu của ơn gọi tận hiến, như ý Chúa muốn và như Hội thánh mong đợi. Chính ĐTC Phan-xi-cô đã khẳng định: “Tôi ước muốn một Giáo hội nghèo và cho người nghèo” (Nguồn Internet). Ngoài các Ki-tô hữu nói chung, thì thành phần nòng cốt các linh, tu sĩ nói riêng, là những nhân tố cần thiết giúp xây dựng và củng cố một Hội thánh nghèo và chính họ cũng trở thành nơi nương tựa bám víu của những người nghèo hèn khốn khổ trong xã hội…

Có thể nói, tu sĩ, linh mục là những người được sai đến với người nghèo và vì người nghèo. Nhiều giáo dân phàn nàn về việc linh mục (nào đó) hay lui tới, đi lại quan hệ mật thiết với người giàu có, sang trọng. Những người nghèo dần dần xa tránh chủ chăn của mình vì mang mặc cảm giàu nghèo.  ĐTC Phan-xi-cô đã nhắc nhở các mục tử: “Hãy sống tích cực, nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng và đồng thời, hãy ra đi, sẵn sàng gặp gỡ mọi người, đặc biệt những ai bị khinh rẻ và bất hạnh. Đừng sợ phải đi ngược dòng” (Nguồn: Internet). Và chúng ta cũng không quên câu nói nổi tiếng của ngài, như sau: “Linh mục phải luôn ý thức rõ ràng trách nhiệm chủ chiên của mình là phải mang vào mình ‘mùi của chiên’ ” (Nguồn: Internet).

Trong bài “Linh mục và của cải trần gian”, LM Đỗ Xuân Quế O.P đã chia sẻ như sau: “Thật vậy, trong các đòi hỏi phải từ bỏ của Chúa Giê-su đưa ra cho các Tông Đồ, có một đòi hỏi về vật chất, đặc biệt là tiền của (Mc 10,21; Lc, 18,22). Đó cũng là một đòi hỏi được gửi đến mọi Ki-tô hữu theo tinh thần nghèo khó, nghĩa là gỡ lòng mình cho khỏi dính bén của cải để có thể thanh thản phụng thờ Chúa và quảng đại phục vụ tha nhân. Nghèo khó là một hình thức cam kết dựa vào lòng tin vào Chúa Giê-su và lòng mến dành cho Người. Hình thức này đòi phải có sự thực tập, một sự từ bỏ của cải tương ứng với đời sống và bậc đời của mỗi người theo ơn gọi Ki-tô hữu, với tư cách riêng của mỗi cá nhân hay chung của một cộng đoàn thánh hiến. Tinh thần nghèo khó có giá trị đối với mọi người. Mỗi người phải thực hiện theo cách nào đó cho phù hợp với Tin Mừng” (Nguồn: VietCatholic News 13-5-2014).

ĐTC Phanxicô trong buổi gặp gỡ đại diện các Dòng tu tại Đại hội Công Nghị Quốc Tế ngày 4-5-2018, đã phát biểu: “Ai trong chúng ta cũng biết, sự dữ đi vào lòng người ngang qua những túi tiền. Những cám dỗ cỏn con lỗi đức khó nghèo là thương tích của các thành viên trong thân mình cộng đoàn thánh hiến. Lời khấn khó nghèo tuân theo Quy Luật, theo Hiến Pháp của mỗi Hội Dòng không giống nhau. Quy Luật dạy, “Luật chúng ta không cho phép điều này; luật dòng không ban phép điều kia”, nhưng luôn luôn có một điểm chung là tinh thần nghèo khó và chúng ta không cần bàn cãi điều này. Không có đức khó nghèo, chúng ta sẽ không bao giờ có khả năng phân định đúng đắn những gì đang xảy ra trong thế giới hôm nay” (Nguồn: trungtammucvudcct.com).

* Sẵn sàng ra đi vì sứ mệnh tông đồ

Có thể nói tu sĩ, linh mục mang trong mình căn tính của người-được-sai-đi. Họ thực thi sứ mệnh tông đồ như lời Chúa truyền dạy: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em” (Gio 15,16).

Người ta có thể hình dung cuộc sống của linh mục như những người lang thang du mục, có điểm đến nhưng cũng có điểm đi. Không cắm chặng ở một nơi chốn nào cố định. Sau ngày vinh thăng chịu chức là vài năm làm phó xứ ở một nơi, rồi vài năm sau đến làm chính xứ ở một nơi, rồi vài năm sau nữa đổi đi xứ khác…cứ thế cho đến ngày trở về nhà hưu dưỡng, chờ lúc ra đi vĩnh viễn để về Nhà Cha. Linh mục xây nhà thờ nhà xứ nhưng không xây nhà cho riêng mình, nếu có chỉ là trường hợp cá biệt và hãn hữu mà thôi. Chính Chúa Giêsu cũng đã mang thân phận vô-gia-cư này: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9,58).

ĐTC Phan-xi-cô cũng đã nhắc nhở hàng giáo phẩm và giáo sĩ như sau:

“Giám mục và linh mục không thể giữ cho mình bị đóng kín trong các giáo xứ, trong các cộng đoàn của chúng ta, khi rất nhiều người đang mong chờ Tin Mừng! Không chỉ đơn giản là mở cửa ra chào đón, nhưng chúng ta phải vượt ra khỏi những cánh cửa đó để tìm kiếm và gặp gỡ người dân!”;

“Giám mục và linh mục hãy can đảm nhìn vào nhu cầu mục vụ, bắt đầu từ vùng ngoại ô, với những người ở xa nhất, với những người không thường xuyên đi nhà thờ. Họ cũng được mời đến dự bàn tiệc Chúa”.

Những lời trên của ĐTC Phan-xi-cô giúp ta xác tín rằng đời tu không phải là một nghề để tìm sự an vui cá nhân, khép kín trong trong một hoàn cảnh sống riêng tư, biệt lập, trái lại là một dấn thân mang đầy ý nghĩa của Tin Mừng. Có thể nói, tu sĩ, linh mục là con người “vô gia cư, vô nghề nghiệp” và họ luôn chấp nhận mất hút trong cánh đồng truyền giáo bao la, mịt mù. Vì “đồng lúa thì bao la mà thợ gặt thì ít ỏi”. Một khi đã trung thành sống ơn gọi của mình, họ là những anh hùng, dù là anh hùng vô danh tiểu tốt.

Tóm lại, đi tu không phải là tìm sự sung sướng cho bản thân, cũng không hẳn phải là liều mình lao vào chỗ khổ cực, mà là đáp lại tiếng Chúa kêu gọi, dấn thân phục vụ ở bất kỳ nơi nào cần đến. Nếu phải chấp nhận đời sống nghèo theo tinh thần của Tin Mừng Ki-tô giáo, thì các linh mục tu sĩ sẽ an tâm sống cuộc đời hiến tế của mình theo gương thầy chí thánh Giê-su. Cái lo của họ chắc chắn sẽ không hướng hoàn toàn về việc phải ăn gì, uống gì, mặc gì, nhà cửa ra sao…(x. Mt 6,25-34), trái lại, mối bận tâm chính của họ chính là cố gắng trở nên người môn đệ đích thực của Chúa Ki-tô, cố gắng để trở thành con người sinh ích lợi cho mình và cho người khác. Và đòi hỏi chính yếu luôn đặt ra cho người theo Chúa, đó là: tinh thần từ bỏ và tinh thần khó nghèo, như lời Ngài đã chỉ dạy: “Nếu ai muốn là môn đệ Thầy, thì hãy từ bỏ mình, vác thánh giá mình mà theo Thầy” (Mt 16,24); và “Ai không từ bỏ tất cả những gì mình có, sẽ không thể là môn đệ Thầy.” (Lc 14,33)./.

Aug. Trần Cao Khải