Đặc Sản Miền Tây

105

Khi nói đến đặc sản, người ta thường nghĩ ngay tới những món ăn đặc trưng của từng vùng. Chẳng hạn, Bánh Pía đặc sản ở Sóc Trăng , Kẹo dừa – Bến Tre, Bún bò- Huế, Gạo tám- Nam Định,… Chúng tôi khám phá ra đặc sản mới, ngoài món ăn, khi đi Tông đồ tại miền Tây – vùng sông nước. Đặc sản ấy chính là “cây cầu”.

Đương nhiên! Nhiều sông thì cầu nối phải nhiều có gì lạ đâu??? Tôi nghe nhiều rồi nhưng giờ mới được thưởng thức đặc sản này. Tôi không ngờ lại nhiều đến thế! Trong chuyến đi ấy, chúng tôi di chuyển bằng xe khách, ở lượt đi từ TP. Hồ Chí Minh tới Cần Thơ, một chị trên xe thinh lặng để “đếm cầu”, bạn có tin không? Chị ấy đếm được hơn 80 cây cầu…thế rồi nhiều quá, chị ấy bỏ cuộc và không đếm nữa… Còn chúng tôi, mỗi lần qua cầu reo lên “lại được thưởng thức đặc sản rồi!” Cảm nếm đặc sản tôi tưởng như mình đang chơi “trò tung ném trên không”. Cảm giác chẳng thú vị chút nào! Hm… biết làm sao, ai đi tới miền tây cũng đều được thưởng thức. Đó là điểm đặc biệt ở vùng Tây Nam Bộ, ít có miền nào có được.

Tôi cảm nghiệm: Thiên Chúa và con người là hai miền đất khác nhau được ngăn cách bởi con sông. Nhưng chính Con Một của Người – Đức Giêsu Ki-tô đã sinh làm người, là cây cầu nối tuyệt vời giữa hai vùng đất ấy. Qua cây cầu ấy, con người được đến gần Thiên Chúa, được làm con cái Thiên Chúa,và chính Người hiện diện trong con người. Tôi nhớ đến hình ảnh bức màn trướng trong Đền Thờ bị xé ngay chính giữa trong lúc Con Một Người chết trên thập giá (x. Lc 23, 45-46). Giờ đây, con người được trực tiếp đến gặp gỡ Thiên Chúa. Nhưng tôi tự hỏi: Tại sao con người vẫn ngần ngại đi trên cây cầu – Đức Kitô? Phải chăng con người chưa thể và không muốn rời bỏ mảnh đất của mình? Cứ mãi loay hoay trong những suy tính, dự định, khép mình trong vỏ bọc an toàn? Cũng có thể do con người đứng ở bên này sông nhìn về hoàn cảnh của bản thân mà than trách, tự hủy bản thân bằng những ý tưởng tiêu cực “tôi không xứng đáng”. Để rồi quên nhìn về phía Thiên Chúa.

Cũng thế, mỗi người đều là những vùng đất riêng biệt của nhau, dù cho có thân thiết hay là quan hệ huyết thống. Do đó, dù con người sống trong Cộng đoàn tu trì, hay bậc gia đình, cũng như bất kỳ mối tương quan nào, con người cần cầu nối – Đức Kitô để có thể gắn kết với nhau. Bởi ai cũng muốn có lợi cho bản thân, khó mở ra tiếp nhận thế giới xung quanh. Đó là điều tự nhiên, nhưng con người cần đạt đến điều tuyệt hảo hơn chính là – bước trong “vùng giao thoa” của nhau, với tình yêu Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con không thích bước lên cầu, bởi chúng con sợ “trò tung ném”. Chúng con chẳng mấy vui khi bỏ đi những gì là thoải mái, an toàn, thú vui ở bên này sông. Chúng con sợ “đoạn sốc”. Nhưng lạy Chúa, không bước qua cầu làm sao chúng con có thể chiêm ngưỡng và sống trong “vùng đất mới tràn đầy sữa và mật ong”- tình yêu của Thiên Chúa và tha nhân dành cho chúng con. Đó chính là hạnh phúc thật sự. Lạy Chúa, xin cho chúng con biết can đảm, cởi mở để hăng hái bước lên cầu tiến vào miền đất mới, dù biết nhiều khó khăn, thất bại đang ở phía trước. Chúng con luôn tin tưởng và để Chúa dẫn đường. Amen.

Maria Phạm Anh, Tiền Tập sinh MTG.Thủ Đức