Trong bài huấn dụ ĐTC khai triển đề tài theo Thư thứ nhất của Thánh Phaolô gửi cho Timôthê chương 6 từ câu 7 đến câu 10: “Quả vậy, chúng ta đã không mang gì vào trần gian, thì cũng chẳng mang gì ra được. Vậy nếu có cơm ăn áo mặc, ta hãy lấy thế làm đủ. Còn những kẻ muốn làm giàu, thì sa chước cám dỗ, sa vào cạm bẫy và nhiều ước muốn ngu xuẩn độc hại; đó là những thứ làm cho con người chìm đắm trong cảnh hủy diệt tiêu vong. Thật thế, cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé”.
Quyền chung hưởng của cải
ĐTC nói: Tiếp tục giải thích về 10 điều răn, hôm nay chúng ta học hỏi về Điều răn thứ bảy “Chớ lấy của người”.
Lắng nghe điều răn này chúng ta nghĩ đến đề tài trộm cắp và việc tôn trọng tài sản của người khác. Không có văn hóa trong đó trộm cắp và hành vi bất lương được cho phép; thực vậy, con người rất nhạy cảm trong việc bảo vệ quyền sở hữu.
Trong học thuyết xã hội của Giáo hội nói về Quyền chung hưởng của cải. Tài sản có ý nghĩa gì? Chúng ta cùng nhau lắng nghe Giáo lý dạy về điều này ở số 2402: “Từ khởi thủy, Thiên Chúa trao địa cầu và các tài nguyên cho nhân loại chung sức quản lý, để con người chăm sóc, chế ngự chúng bằng lao động và hưởng dùng hoa trái của địa cầu (x. St 1,26-29). Của cải trong trần gian được dành cho toàn thể nhân loại”. Và Giáo lý còn dạy ở số 2403 : “Quyền chung hưởng của cải vẫn ưu tiên, cho dù sự thăng tiến công ích đòi phải tôn trọng tư sản, quyền tư hữu và việc hành sử quyền này.”
Sở hữu để trao ban
ĐTC giải thích: Tuy nhiên, sự Quan phòng của Thiên Chúa không phải ở cách thức đặt sẵn “hàng loạt”, mà có sự khác biệt, hoàn cảnh khác nhau, như thế chúng ta có thể sống trao ban cho nhau. Thế giới giàu tài nguyên đảm bảo tất cả có tài sản cơ bản. Tuy nhiên, thực tế có nhiều người sống trong hoàn cảnh rất bần cùng và các tài nguyên được sử dụng không có tiêu chí, đang làm xấu đi. Nhưng thế giới chỉ là một! Nhân loại chỉ là một.
Nếu trên mặt đất có đói khát không phải do thiếu lương thực! Trái lại, với những đòi hỏi của thị trường, đôi khi chúng ta phá hủy lương thực. Nghĩa là thiếu sự tự do và kinh doanh bền vững, đảm bảo sản xuất thích hợp và một nền tảng liên đới, đảm bảo sự phân phối công bằng. Giáo lý còn dạy: “ “Khi sử dụng của cải, con người phải coi của cải vật chất mà mình sở hữu cách chính đáng không chỉ như của riêng mình, nhưng còn là của chung nữa: nghĩa là của cải đó có thể sinh ích không những cho riêng mình mà còn cho cả người khác nữa” (số 2404).
Lớn lên trong bác ái và quảng đại
Trong quan điểm này chúng ta có ý nghĩa tích cực và rộng lớn của điều răn “Chớ lấy của người”. Quyền sở hữu một tài sản làm cho người đó trở thành người quản lý của Đấng Quan Phòng. Sở hữu là một trách nhiệm, và mọi tài sản bị loại bỏ khỏi luận lý của sự Quan Phòng Thiên Chúa là sự phản bội theo nghĩa thâm sâu nhất. Những gì tôi thực sự sở hữu là những gì tôi có thể trao ban. Trong thực tế, nếu tôi không thể cho ai một điều gì, bởi vì tôi đang bị một điều gì đó chiếm hữu, nó có quyền lực trên tôi và tôi là một nô lệ. Việc sở hữu tài sản là một cơ hội để nhân rộng với sự sáng tạo và sử dụng chúng với lòng quảng đại, và như thế chúng ta lớn lên trong tình yêu và tự do.
Dựa vào Kinh thánh ĐTC giải thích thêm: Chính Ðức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà “không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế”. (Pl 2, 6-7) và Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có. (2 Cr, 8,9)
Trong khi nhân loại bận tậm để có được nhiều hơn, Thiên Chúa cứu chuộc nhân loại bằng cách làm cho chính mình nghèo đi: Con Người chịu đóng đinh vào thập giá đã trả lại cho tất cả khoản tiền chuộc vô giá từ Thiên Chúa Cha, “giàu lòng thương xót” (Ep 2: 4, Gc 5,11 ). Điều khiến chúng ta giàu có không phải là tài sản mà là tình yêu.
Cuộc sống không phải là thời gian để sở hữu mà là để yêu thương.
Anh chị em thân mến, một lần nữa Chúa Giêsu bày tỏ cho chúng ta ý nghĩa tràn đầy của Kinh thánh. “Chớ lấy của người” có nghĩa là: yêu mến tài sản của chúng ta, dùng tài sản như phương tiện để yêu thương. Như thế cuộc sống của chúng ta trở nên tốt đẹp và những gì chúng ta sở hữu thực sự trở thành một món quà. Bởi vì cuộc sống không phải là thời gian để sở hữu mà là để yêu thương.
Radio Vatican