Thinh lặng và Thập giá

257

Ngày nay, có thể nói rằng sự thinh lặng cần thiết trong cuộc sống hơn bao giờ hết, đặc biệt là đời sống tâm linh. Thinh lặng là không nói, không nói không có nghĩa là khinh người mà là chưa thực sự cần thiết phải nói, vì chỉ cần nói khi cần thiết – nhất là khi cần lên tiếng bảo vệ chân lý và công lý.

Đối với Chúa Giêsu, sự thinh lặng vô cùng cần thiết, thế nên Ngài cũng muốn người khác cũng nên tận dụng ích lợi của sự thinh lặng, và Ngài căn dặn: “Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6:31). Chỉ trong cõi lặng đó người ta mới có thể lắng nghe và sẽ nghe được tiếng Chúa.

Trong thời gian Chúa Giêsu rong ruổi khắp nơi rao giảng Nước Trời, tiếng đồn về Ngài ngày càng lan rộng tới mọi nơi, ai cũng biết danh tiếng lẫy lừng của Ngài, thế nên người ta lũ lượt tuôn đến để nghe Ngài nói những lời vàng ngọc và để được chữa bệnh. Tuy nhiên, Ngài chẳng màng chi sự hào nhoáng ấy, và rồi Ngài “lui vào nơi hoang vắng mà cầu nguyện” (Lc 5:15-16). Quả thật, sự thinh lặng thực sự rất cần thiết.

Thinh lặng để kết hiệp với Thiên Chúa, để đàm đạo với Ngài, để tâm sự mọi vui buồn trong cuộc sống, và đặc biệt là để củng cố niềm tín thác vào Ngài: “Hãy hết lòng tin tưởng vào Đức Chúa, chớ hề cậy dựa vào hiểu biết của con. Hãy nhận biết Người trong mọi đường đi nước bước, Người sẽ san bằng đường nẻo con đi. Đừng tự coi mình là khôn ngoan, hãy kính sợ Đức Chúa và tránh xa sự dữ. Như thế, da thịt con sẽ được chữa lành, xương cốt con sẽ nên cứng cáp” (Cn 3:5-8).

Càng tin vào Thiên Chúa thì con người càng bớt lo âu sầu muộn hoặc sợ hãi. Vả lại, lo mãi cũng đến vậy, chẳng thay đổi được gì, có thay đổi chăng là thêm vết nhăn và thêm tóc bạc. Thế nên Chúa Giêsu đã từng tha thiết nhắn nhủ khi Ngài đặt vấn đề với chúng ta: “Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay?” (Mt 6:25-27).

Vấn đề cần làm ngay là hãy tự nhủ: “Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi!” (Tv 104:1a). Mình cứ nói với ta và ta lại cứ nói với mình như vậy!

Cuộc sống không tránh được đau khổ, càng tránh càng khổ, tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa. Như vậy là càng tránh khổ càng khổ thêm, thế thì tránh chi cho mệt? Đau khổ là thập giá. Thập giá là sự thinh lặng – một sự thinh lặng hoàn toàn. Trong bốn Mùa Mân Côi, có ba mùa “thoải mái” – mùa Vui, mùa Sáng, mùa Mừng; chỉ có một mùa “mệt mỏi” nhất – mùa Thương.

  1. CHÚA GIÊSU VÁC THẬP GIÁ

Trình thuật Mt 27:27-32 cho biết điều đó. Ngắm thứ bốn của Mùa Thương, chúng ta cầu xin ơn vui lòng “vác Thánh Giá theo chân Chúa”. Đã nhiều lần Chúa Giêsu bảo chúng ta phải từ bỏ mình, vì chỉ có từ bỏ chính mình thì mới khả dĩ đi theo Ngài, mà đã theo Ngài thì không thể ung dung sung sướng, không thể an nhàn, không thể thảnh thơi, mà ngược lại, theo Ngài thì phải vác thập giá – nghĩa là luôn phải chịu thiệt thòi, luôn gặp khốn khó, xui tận mạng và hạn tận số. Chắc chắn ai theo Ngài thì phải thực sự can đảm lắm, nếu không thì dễ “bán đồ nhi phế”, rồi bỏ của chạy lấy người!

Trong lúc những kẻ thủ ác dẫn độ Đức Giêsu đi, họ thấy Ngài yếu sức lắm rồi, sợ không lên tới nơi hành quyết, thế nên họ bắt một người từ miền quê lên, đó là ông Simôn, gốc Kyrênê, vác đỡ thập giá cho Chúa Giêsu. Dân chúng đi theo Ngài đông lắm, trong số đó có nhiều phụ nữ vừa đấm ngực vừa than khóc Người. Chúa Giêsu quay lại phía họ và nói: “Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu. Vì này đây sẽ tới những ngày người ta phải nói: ‘Phúc thay đàn bà hiếm hoi, người không sinh không đẻ, kẻ không cho bú mớm!’. Bấy giờ người ta sẽ bắt đầu nói với núi non: ‘Đổ xuống chúng tôi đi!’, và với gò nống: ‘Phủ lấp chúng tôi đi!’. Vì cây xanh tươi mà người ta còn đối xử như thế, thì cây khô héo sẽ ra sao?”. Kinh Thánh cho biết rằng hôm đó có hai tên gian phi cũng bị điệu đi hành quyết cùng với Ngài (Lc 23:26-32). Và chính Chúa Giêsu cũng đang nói với chúng ta những lời như vậy: “Con hãy thật lòng than khóc vì tội con chứ Ta không cần con thương khóc gì Ta đâu!”.

Chúa Giêsu hoàn toàn vô tội, bị hàm oan thực sự. Mặc dù Chúa Giêsu chịu đau khổ vì chúng ta, nhưng Ngài vẫn chấp nhận gánh nặng chỉ vì thương xót chúng ta, tình yêu trọn vẹn của Ngài dành cho chúng ta vô điều kiện. Thập Giá gồm hai thanh gỗ ghép lại, nặng cả trăm ký, kéo lê đi thì sức nặng cũng còn khoảng 80 hoặc 70 kg. Không phải dễ vác đi lên đồi cao trên con đường gồ ghề lởm chởm sỏi đá.

Trên đoạn đường từ dinh tổng trấn Philatô tới Đồi Sọ, Đức Maria tận mắt chứng kiến nỗi đau khổ và nhục nhã mà Con Yêu phải chịu. Chúng ta có thể tưởng tượng đôi mắt và khuôn mặt của Đức Mẹ thế nào? Chắc chắn Mẹ đau đớn lắm. Thế nhưng chúng ta yếu đuối lắm, hãy tha thiết cầu xin Chúa ban thêm sức mạnh để đủ sức vác thập giá của chính cuộc đời mình đến cuối đời, đồng thời cũng cầu xin Đức Mẹ nâng đỡ trên con đường thập giá trần thế này.

  1. CHÚA GIÊSU CHỊU ĐÓNG ĐINH

Trình thuật Mt 27:33-35 (≈ Ga 19:31-37; Lc 23:33-46) cho biết điều đó. Ngắm thứ năm của Mùa Thương, chúng ta cầu xin ơn biết “đóng đinh tính xác thịt vào Thánh Giá Chúa”. Cái tính-xác-thịt đó chính là “cái tôi tồi tệ” của mỗi người. Nó là một trong ba kẻ thù nguy hiểm nhất (xác thịt, thế gian, ma quỷ), nhưng nó lại nguy hiểm hơn, vì nó là chính chúng ta. Kẻ thù này ở gần nhất và dễ thấy nhất, nhưng lại là kẻ thù khó chiến thắng nhất.

Nó rất ngang ngạnh và lì lợm, nó chỉ thực sự “chết” khi chúng ta dám “đóng đinh” nó vào Thánh Giá của Đức Giêsu Kitô. Ghim chặt được nó rồi cũng chưa an tâm, phải đợi cho nó chết thật thì chúng ta mới có thể thanh thản bước theo Thầy Chí Thánh Giêsu. Nó nhỏ nhoi mà to lớn, bé con mà sống dai dẳng y như đỉa đói vậy. Nó chẳng là gì nhưng nó có thể làm sụp đổ mọi lâu đài mà chính chúng ta dày công xây dựng cả đời. Đáng sợ thật!

Theo lời kể của Thánh sử Gioan, đứng gần thập giá Đức Giêsu trên đồi Can-vê chiều hôm đó có Thân Mẫu của Ngài, chị của Thân Mẫu là bà Maria – vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Maria Mácđala (người đã được Thầy Giêsu trừ bảy quỷ – không phải là người xức dầu chân Chúa như chúng ta thường nghĩ). Khi thấy Thân Mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Chúa Giêsu nói với Thân Mẫu: “Thưa Mẹ, đây là con của Mẹ”. Rồi Ngài nói với môn đệ: “Đây là Mẹ của anh”. Và kể từ giờ đó, môn đệ Gioan đã rước Đức Mẹ về nhà mình (Ga 19:25-27).

Chúa Giêsu nhận chúng ta là con cái của Đức Mẹ, đồng thời Ngài cũng muốn chúng ta gần gũi và thân mật với Đức Mẹ. Ngài muốn rằng, với tư cách là con cái, chúng ta hãy nắm chặt lấy tay Đức Mẹ và luôn bám sát Đức Mẹ. Ngài cũng muốn chúng ta hãy trao phó cuộc đời mình cho Đức Mẹ, để nhờ Mẹ mà chúng ta đến với Con Yêu Dấu của Mẹ – Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ của cả nhân loại. Đức Mẹ là Đấng Vô Nhiễm và tuyệt đối khiêm nhường, hãy cầu xin Mẹ giúp chúng ta chiến thắng tội lỗi nhờ ơn Vô Nhiễm của Mẹ, và cầu xin Mẹ giúp chúng ta triệt tiêu thói kiêu ngạo nhờ đức khiêm nhường của Mẹ. Được như vậy, chắc chắn chúng ta sẽ được gần kề bên Chúa Giêsu, thanh thản nghỉ ngơi trong Thánh Tâm Thương Xót của Ngài.

Tôn vinh và tôn tờ Thánh Giá cũng là suy niệm về cuộc thương khó của Chúa Giêsu, thế nhưng cõi lòng chúng ta không hề trĩu nặng, mà lại cảm thấy nhẹ nhàng. Thật kỳ diệu!

Ước gì mỗi chúng ta cũng biết ước như Thánh Phaolô: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta!” (Gl 6:14). Và cũng có quyết tâm “khác đời” thế này: “Chúng ta hãy yêu mến thập giá thật nhiều, vì ở đó chúng ta tìm thấy cuộc đời của chúng ta, tình yêu đích thực của chúng ta, và sức mạnh của chúng ta trong những lúc khó khăn nhất” (Thánh Maria de Mattias, 1805–1866, sáng lập Dòng Tôn Kính Máu Chúa Kitô – A.S.C.).

TRẦM THIÊN THU