Tại sao vợ chồng phải cho nhau nghe

56
Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc gia đình đổ vỡ là vợ chồng không còn nói được với nhau, hoặc không muốn nói với nhau: hai vợ chồng sống trong im lặng. Theo văn chương chính trị là họ đang trong thời kỳ “chiến tranh lạnh”!

Nếu có dịp trao đổi và lắng nghe tâm sự của những cặp vợ chồng bất hạnh hoặc đang trên đà đổ vỡ, người ta sẽ được nghe hàng trăm câu chuyện, hàng ngàn lý do người này nói về người kia. Vợ phê bình, chê trách chồng, chồng ngược lại, cũng phê bình, chỉ trích vợ. Nhưng tất cả chỉ là một lối diễn tả độc thoại, hoặc nói trông trổng, nói bóng nói gió, nói theo kiểu: “nói đấy mà đây động lòng”. Rất tiếc theo tâm lý học, cũng như theo sinh lý học, Thượng Đế đã sáng tạo bộ óc con người để làm nhiều việc, ngoại trừ việc phải hiểu hoặc biết được vợ hay chồng mình muốn gì!

NGUYÊN NHÂN:

Dĩ nhiên trong tất cả những lý do đưa đến việc vợ chồng khắc khẩu, không lắng nghe nhau, không muốn nói và không nói được với nhau đều có sự góp mặt của cả hai người: người chồng cũng như người vợ.

Vợ chồng là hai nhân tố chính, ngoài ra còn có sự can thiệp, ảnh hưởng của cha mẹ, anh chị em, bạn hữu của hai bên.

1.Thiếu tìm hiểu tâm lý:

Nói theo tính cách chuyên môn hơn, thì cuộc sống vợ chồng thường gặp phải những khó khăn, những chuyện bất đồng là vì tâm lý khác biệt giữa nam và nữ,

ảnh hưởng tâm lý giáo dục gia đình, tôn giáo, học đường, xã hội, trong đó bao gồm ảnh hưởng của công ăn việc làm, của môi trường sống và bạn bè. Với từng ấy những phức tạp như vậy, ai dám nói mình hiểu chồng hoặc vợ 100%.

Ai dám nói mình biết vợ hay chồng mình muốn gì?

Người Việt Nam biểu cảm về sự hiểu biết ấy bằng một câu nói rất vô thưởng, vô phạt chưa nói tới là phản tâm lý: “Tôi đi guốc trong bụng ông ấy.” Cái lối “suy bụng ta ra bụng người” này rất nguy hiểm và cũng là nguyên nhân gây nên những bế tắc trong việc tìm hiểu, trao đổi giữa vợ chồng.

Sigmund Freud, cha đẻ của ngành Phân Tâm Học, sau 20 năm miệt mài nghiên cứu về tâm lý cũng phải thốt lên, đại khái: “Tôi mà biết đàn bà muốn gì, tôi chết liền!”.

Một cách tương tự, hiểu biết về ước muốn của đàn ông cũng không phải là việc làm dễ dàng.

2. Cái tôi quá lớn:

Bên trong những nguyên nhân thường gây ra tranh cãi, bất đồng giữa vợ chồng còn có mộtngãng trở rất khó vượt qua, đó là cái tôi.

Nhiều nhà tâm lý, nhiều bác sỹ tâm thần, nhiều nhà Tâm Lý Thần Kinh, nhiều Tâm Lý Gia Trị Liệu và Khảo Cứu không chỉ là những nạn nhân của sự cãi vã, tranh chấp trong gia đình, mà rất nhiều người đã phải chấp nhận đau thương của hôn nhân đổ vỡ không phải vì họ không biết tâm lý, không hiểu về sự khác biệt tâm lý nam nữ, nhưng chỉ vì cái tôi của họ qúa lớn.

Lớn đến độ không thể hạ mình xuống dù thấp hơn một chút, và người đối diện là vợ hay chồng dù cố gắng lắm cũng không có thể nhìn thẳng vào mắt họ để hiểu được những gì họ đang suy nghĩ trong đầu.

Đó cũng là hình ảnh thông thường cho những cặp vợ chồng mà cái tôi của người này to hơn cái tôi của người kia.

Hoặc cả hai cái tôi đều lớn như nhau.

Tôi phải đúng. Tôi phải vùng lên. Tôi phải cho nó biết tay.

Tôi. Tôi. Và tôi.

Như con cóc trong truyện ngụ ngôn của La Fontaine. Nó nhìn con bò rồi cứ phùng mang, trợn mắt hít vào cho căng phồng cái bụng đến độ nổ tung banh xác. Người có cái tôi quá lớn luôn luôn hành động như vậy cho mình hoặc cho vợ hay chồng mình. Họ phải làm sao cho đối phương phải phùng mang, trợn mắt, tức càng hông cho đến khi nổ tung ra qua tranh cãi, chửi bới nhau mới thôi.

Kết quả họ chẳng được gì, và người phối ngẫu cũng chẳng được gì ngoài trừ sự giận hờn, câm nín, và dè chừng nhau.

3. Ích kỷ trong lối sống và suy nghĩ:

Như vậy, theo phân tâm học, họ chính là người ích kỷ dù là dưới cái nhìn tự tôn, tự tin, tự ty, hay tự kỷ. Những người vợ hoặc người chồng này không một chút nhường nhịn hay ít nhất là công bằng với nhau. Họ suy nghĩ, hành động, và trong tất cả chỉ vì họ, vì cái tôi, vì tự ái cá nhân, hoặc vì những đam mê của chính họ.

Họ không có can đảm nói ra những suy nghĩ ích kỷ ấy trước mặt vợ hoặc chồng.

Họ cũng không chấp nhận nếu vợ hoặc chồng chỉ cho họ lối suy nghĩ, hành động thiếutrưởng thành ấy.

Tóm lại, họ rất tự tôn nhưng lại cũng rất tự kỷ và tự ty.

Họ không dám đối diện với sự thật, dù cho sự thật ấy giúp họ thoát ra khỏi lối sống ích kỷ, khỏi suy nghĩ hẹp hòi mà họ đang gây ra cho vợ, cho chồng, cho gia đình họ.

Tóm lại, họ là người ngại nghe sự thật, luôn tránh né sự thật, và phản ứng của họ trước những sự thật thường là rất tiêu cực qua ngôn ngữ cũng như hành động.

4. Tình yêu hời hợt:

Nhưng nếu bảo họ là không có tình cảm, không yêu dành cho vợ hay chồng, lập tức họ sẽ phản ứng mạnh mẽ. Họ nói họ yêu vợ, yêu chồng, yêu con. Họ sẵn sàng hy sinh tất cả vì gia đình, vì các con. Và điều nay đúng một phần.

Cái không đúng còn lại chính là cái mà họ dành cho mình là cái tôi: Tôi trước giờ cũng vậy. Tôi giữ vững lập tường. Yêu hay không yêu tự hành động của tôi đã nói rõ.

Khi gặp một người chồng hay người vợ như vậy, đến các nhà tâm lý và chuyên gia về hôn nhân, gia đình cũng thấy rất khó khăn. Bởi vì nếu nói họ không yêu vợ hay chồng, hoặc con cái họ, lập tức họ phản đối. Họ cho là nhà tâm lý hoặc chuyên gia không biết họ, không hiểu họ.

Nhưng yêu như họ lại không phải là yêu.

Đó chỉ là một sự trao ban tình cảm.

Đó chỉ là một quan niệm và lối sống bình thường của một người gọi là vợ hay chồng đối với nhau. Nhưng họ cho đó là đầy đủ phận sự, và họ là người chồng hoặc người vợ tốt.

Yêu không chỉ dừng lại ở những suy nghĩ và hành động theo cảm tình, theo lối sống và quan niệm bình thường ai sao tôi vậy.

Yêu là phải biết hy sinh.

Không phải yêu một cách mơ hồ, yêu có điều kiện, tức là lúc nào thích thì yêu, không thích không yêu.

Nhưng phải yêu “cho đến chết” như Chúa đã yêu.

Tuy nhiên, cái chết ở đây trong tình yêu chân thật là vợ chồng chấp nhận nhường nhịn nhau,lắng nghe nhau, và sửa đổi phần nào lối sống cho phù hợp với nhau.

Cũng có thể nói : “Yêu là chết trong lòng một ít”.

Và trong đời sống thường ngày vợ chồng cũng chỉ cần những cái “ít” ấy với sự quan tâm là đủ hạnh phúc.

TRỊ LIỆU

Với những khó khăn như vậy liệu hai vợ chồng có thể hóa giải được những xung khắc để kiến tạo một gia đình hạnh phúc không?

Thưa có.

1.Tâm linh:

Bạn nên tạo một nếp sống tâm linh để bù lại cho chồng hay cho vợ mình. Tóm lại, quan niệm về tâm linh luôn luôn phải có một chỗ đứng vững vàng trong đời sống tinh thần của bạn.

Hãy nhớ lại dụ ngôn “Nước lã hóa rượu ngon”, và bạn tự biết mình phải làm gì, cần gì trong lãnh vực tinh thần. Hãy đến với Đức Trinh Nữ Maria khi bình rượu tình yêu của các bạn cảm thấy bị vơi cạn. Và hãy nói với Mẹ: “Chúng con hết rượu rồi!”

Không chỉ Thánh Kinh mới nhấn mạnh đến tâm linh, trong cái nhìn tâm lý trị liệu, những nhà tâm lý có nội tâm cũng khám ra bí quyết hạnh phúc và chữa lành ngay trong đời sống đạo và mối tương giao với Thiên Chúa. Nếu có dịp mời bạn đọc tác phẩm God, Faith, and Health của Jeff Levin, Ph.D.

Tóm lại, nếu chồng bạn không nghe bạn, vợ bạn cũng không nghe bạn thì bạn vẫn còn Chúa, còn Đức Trinh Nữ Maria luôn đồng hành và sẵn sàng nghe bạn.

Điều quan trọng là bạn có muốn tâm sự với các Ngài hay không?

Và có muốn lắng nghe các Ngài hay không?

2. Lắng nghe nhau:

Lắng nghe nhau là một nghệ thuật trong phương pháp trị liệu hôn nhân. Đã là nghệ thuật thì bạn phải trau dồi và học hỏi không ngừng. Một trong những bài học căn bản của nghệ thuật trao đổi, tâm sự, chia sẻ giữa vợ chồng là bài học “lắng nghe”.

Chỉ khi lắng nghe bạn mới hiểu được người phối ngẫu của mình đang nghĩ gì và đang mongmuốn ở bạn những gì? Nếu không lắng nghe, bạn rất dễ rơi vào võ đoán, kết án bừa bãi, tạo sựkhó chịu, bực bội cho chồng hoặc vợ bạn.

Trong nghệ thuật lắng nghe, bạn cũng đừng bao giờ phớt lờ những gì vợ hoặc chồng bạn muốn nói hoặc đã nói. Hậu quả không hề nhỏ như bạn tưởng, vì từ những dồn nén tâm lý ấy sẽ nẩy sinh rất nhiều điều khó lường khi mà sự chịu đựng câm nín của người ta đã đến lúc cần phải được giải tỏa.

Về phần người nói dù là vợ hay chồng cũng phải theo nguyên tắc căn bản này, đó là:

“Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”,

Và: “Nói ngọt nó lọt đến xương”.

Như vậy không phải hễ mình muốn gì là nói. Nói bất cứ lúc nào? Nói với bất cứ thái độ nào? Và nói bằng bất cứ ngôn ngữ nào? Đấy không phải là nói, mà là tra tấn lỗ tai, tra tấn trítưởng tượng, và tra tấn tình cảm của chồng hoặc vợ.

Để có những phần trả lời chuyên môn hơn, và để có một hiểu biết đầy đủ hơn về Tâm Lý Khác Biệt Nam Nữ, thế nào là Nghệ Thuật Nói và Nghe trong hôn nhân,

Mời bạn tham dự với chúng tôi một Khóa Nazareth tổ chức tại Tustin , CA

từ 6giờ chiều Thứ Sáu, ngày 14 tháng 9 – đến 5giờ chiều Chúa Nhật, ngày 16 tháng 9 năm 2018.

Để biết thêm chi tiết, bạn hãy liên lạc theo số điện thoại: 714-334-5369. Hoặc 949-344-5252.

Trần Mỹ Duyệt