Đời sống cộng đoàn là một phần của đời tu. Người tu sĩ nào sống tốt ba lời khấn thì cũng tự nhiên sống được đời sống cộng đoàn. Cũng tương tự, ai sống tốt đời sống cộng đoàn thì cũng giúp ích rất nhiều để người đó hoà nhập bản thân mình vào ba lời khấn tốt hơn. Những khó khăn và thách đố trong đời sống cộng đoàn mà chúng ta đã nói đến không nhằm mục đích khiến người tu sĩ cảm thấy sờn lòng, nản chí. Chúng ta chỉ cố gắng nêu lên thực tại, để có thể can đảm và thẳng thắn đối diện với nó bằng sự nỗ lực của bản thân và sức mạnh trợ giúp của Chúa, chứ không phải để trở nên sợ sệt. Quả vậy, nếu Chúa đã khởi sự điều gì thì Ngài cũng luôn đưa nó đến sự hoàn tất. Đời sống cộng đoàn là sáng kiến của Chúa, nên chắc chắn Ngài sẽ chỉ cho ta những phương thế giúp ta vượt qua được những khó khăn và sống đời sống cộng đoàn thật tốt, như một phương thế giúp ta nên thánh trong đời tu của mình. Để sống tốt đời sống cộng đoàn, dĩ nhiên không chỉ suốt ngày ngồi đó cầu nguyện xin Chúa, dù đây là điều cần thiết. Bản thân mỗi người phải nỗ lực và cộng tác hết sức mình.
Muốn cộng đoàn được ổn định, phải có những kỷ luật mà mọi người, kể cả bề trên, phải tuân thủ nó. Kỷ luật giúp bạn chế tính tự do phóng khoáng quá mức của tu sĩ, đồng thời, giúp đưa mọi thứ về trật tự cần có cho một đời sống chung. Nhưng mọi người phải sống tính kỷ luật trong sự tự nguyện, uyển chuyển chứ không coi nó như tiêu chuẩn tối cao bất khả thay thế. Phải biết kỷ luật từ bên trong con người mình, kiềm hãm những xung động trong tâm hồn mình, làm chủ những thúc đẩy xấu ra trong tâm trí. Kỷ luật bên ngoài phải là một sự trợ giúp để người tu sĩ hình thành một kỷ luật bên trong. Nhờ đó, họ mới có thể có được một nguồn nội lực thiêng liêng mà đào luyện mình cho tốt. Trong cộng đoàn, nếu ai cũng tuân thủ những quy định chung, chu toàn tốt bổn phận được giao thì mọi diễn biến cuộc sống sẽ trôi đi êm đẹp như con nước mùa thu.
Mỗi người cũng cần phải có sáng kiến để xây dựng cộng đoàn. Xem cộng đoàn như nhà mình và anh chị em như người thân của mình. Đừng chỉ biết lo cho bổn phận của mình rồi thôi, nhưng cũng nên tập quan sát để thể hiện lòng quảng đại của mình đối với mọi người. Có thể có ai đó đang cần mình giúp? Có thể có ai đó quên chưa làm việc bổn phận của mình mà mình có thể giúp được? Có thể nhặt một cọng rác, tưới một cành hoa… dù đó không phải là bổn phận của mình? Mỗi người cần có trách nhiệm với việc chung, đóng góp những tài năng, khả năng, sở trường của mình để giúp cho đời sống cộng đoàn thêm phong phú, nhưng không biến mình thành khác biệt so với những anh em khác trong cộng đoàn, hay làm cho mình quá nổi trội, lấn át người khác. Mỗi người cần phải hành động và phục vụ vì lợi ích chung của cộng đoàn hơn là lợi ích của mình. Phải có tinh thần hy sinh cho nhau, chọn việc khó cho mình, dành phần hơn cho người khác, xem người khác trọng hơn mình như lời Thánh Phaolô đã dạy.
Trong nếp sống chung, cũng cần có sự phân chia giờ giấc sao cho quân bình, ổn định. Có giờ lao động chân tay, giải trí, thể thao, giờ chơi chung, giờ chia sẻ, nơi mọi người có thể thoải mái vui cười chơi đùa với nhau. Những hoạt động này, ngoài giúp cho đời sống cộng đoàn, cũng giúp cho sức khoẻ, sự khiết tịnh và nhiều điều khác. Chính trong những thời điểm này mà anh chị em được hoà quyện cuộc sống của mình với nhau, chia sẻ với nhau những niềm vui nỗi buồn, thông tri cho nhau những điều mình biết và thể hiện sự liên đới dành cho nhau. Một tình bạn trong sáng và cởi mở cũng từ đó mà hình thành và phát triển. Quả vậy, muốn sống tốt với nhau thì phải bỏ đi những thành kiến không tốt về nhau. Đa phần thành kiến đến từ sự vô tri. Trò chuyện nhiều, chia sẻ nhiều, đặc biệt là những chia sẻ thiêng liêng sẽ giúp xua tan đi mọi hiểu lầm, nghi kỵ, đôi khi, nó cũng giúp vượt qua những rào cản vô hình mà bấy lâu nay mình đã xây dựng.
Ngoài ra, cộng đoàn cũng cần có những giờ mà mọi thành viên ngồi lại với nhau, thẳng thắn nhìn nhận những điểm tốt điểm xấu của cộng đoàn, để tìm cách phát huy hay khắc phục. Tiếng nói của mỗi người đều cần được lắng nghe và tôn trọng. Cộng đoàn phải thực tiễn, thẳng thắn nhìn nhận những yếu đuối chứ không sống trên mây. Phải biết cách khen tặng hay góp ý chân thành để giúp nhau sửa đổi trong tinh thần huynh đệ. Khi cần thì có thể đối thoại với tất cả sự tôn trọng lẫn nhau.
Người nào có thiện chí sống đời cộng đoàn thì chắc chắn sẽ luôn cố gắng tiếp cận với nhiều anh chị em mà mình chưa biết rõ hay những người mình ít có cảm tình. Đây là một hành vi rất khó thực thi, vì nó đi ngược lại với xu hướng thúc đẩy của thân xác. Nếu mình cảm thấy được mời gọi thì hãy làm. Còn không, ít ra là đừng làm gì để khiến cho tương quan vốn dĩ chưa tốt ấy trở nên tồi tệ hơn. Nhưng dù sao thì việc biết mình, biết người, chấp nhận mình và chấp nhận người, sống khiêm tốn, bỏ mình, bỏ ý riêng là điều rất cần thiết. Muốn tâm hồn bình an và có thể có tương quan tốt với người khác, cần phải bỏ đi lòng thù hận, ganh đua theo nghĩa tiêu cực. Hãy cố gắng mang lấy vui buồn của người khác làm của mình và thấy Chúa trong nhau, nhìn những khác biệt của anh em trong Chúa để có thể làm việc vượt trên thiện cảm và ác cảm. Để tránh những lệch lạc trong tương quan, cần phải học cách yêu anh chị em mình bằng một tình yêu nhưng không, nhân hậu và phổ quát. Ngoài ra, cũng phải học cách biết ơn nhau, phải biết mình cần đến nhau, biết mình là quà tặng của nhau, được Chúa gửi đến để bổ khuyết cho nhau.
Sống trong cộng đoàn, một lối hành xử tế nhị và đúng mực cũng là điều rất quan trọng. Mỗi cá nhân phải biết mở lòng, chủ động đến với người khác trước, phải biết ra khỏi mình để đến với người khác. Đừng bắt người khác làm theo ý mình, hãy chiều theo ý họ nếu điều ấy là tốt. Nếu không thể nói được những điều tốt đẹp về người khác thì cũng đừng nói hành nói xấu họ, đặc biệt là những người mình không ưa, dù có khi điều đó là đúng. Nếu cần góp ý họ điều gì, có thể góp ý cách trực tiếp hoặc thông qua bề trên hoặc ai đó mình tin tưởng. Việc nói xấu để thoả mãn cho sự nhiều chuyện và căm phẫn của mình chẳng giúp giải quyết được điều gì, mà chỉ có thể làm cho tương quan thêm tồi tệ, và làm cho cộng đoàn thêm chia rẽ. Trái lại, việc nói những điều tốt cho nhau sẽ giúp nối kết mọi người hơn. Biết cách ăn nói sao cho phải phép, kính trên nhường dưới nhưng không giả tạo. Sống trong cộng đoàn, đừng lúc nào cũng bận tâm cách thái quá đến những khác biệt. Hãy để ý nhiều hơn đến sứ mạng. Nhưng cũng đừng lấy cớ công việc mà tách ra khỏi cộng đoàn. Khi nhận biết trong cộng đoàn có ai đang chia rẽ, hãy cố gắng trong khả năng có thể trở thành sứ giả hoà bình. Đây là sứ mạng của tất cả mọi người, đặc biệt là bề trên. Đừng khó tính hay đòi hỏi quá, và quan trọng là phải biết tha thứ, cưu mang lẫn nhau mà sống.
Chúng ta đang cố gắng vạch ra những yếu tố giúp sống đời sống cộng đoàn thật tốt. Nó bao hàm một sự tu thân, mở ra và hướng thượng. Trợ lực trước hết giúp ta sống đời cộng đoàn chính là ơn Chúa, ý thức về sự hiện diện và lời mời gọi của Chúa. Tiếp đến là một nỗ lực mở ra với anh chị em, nhìn thấy Chúa trong họ, để rồi cuối cùng, ta cố gắng tu sửa bản thân mình, gọt đẽo con người mình sao cho hợp với đời tu qua cách hành xử, nói năng, đối nhân xử thế. Có được ba điều này, ta sẽ thấy được điều kỳ diệu nơi đời tu. Chính kinh nghiệm của các bậc thánh nhân đã cho chúng ta thấy điều đó.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
dongten.net