Đời sống cộng đoàn và những thách đố

116
Tại sao đời sống cộng đoàn luôn có những thách đố? Đơn giản là vì nơi cộng đoàn, có nhiều người sống với nhau, nhưng lại khác nhau về bối cảnh, văn hoá, suy nghĩ, lối sống, quan điểm. Những khác biệt này ít nhiều cũng sẽ gây ra những xung khắc hay trục trặc. Con người tuy là loài có tương quan nhưng cũng là loài có chủ nghĩa cá nhân khá cao. Hai con vật ban đầu không biết nhau, nhưng sống chung với nhau trong chuồng một thời gian dài thì có thể thân thiết với nhau. Con người có khi ngược lại: càng sống với nhau lâu, họ càng trở nên xa lạ, không còn thân với nhau như trước. Trong cộng đoàn, không phải ai cũng hợp tính với mình, không phải ai cũng có cùng sở thích với mình, cùng quan điểm với mình. Người tu sĩ mang vào dòng tu toàn bộ con người yếu đuối của mình, chứ chẳng phải một con người nào khác thánh thiện hơn. Có những bất hoà giữa anh chị em với nhau. Cũng có những vấn đề đến từ hàng dọc: bề trên – bề dưới. Hay những xung đột về tư tưởng giữa các thế hệ… Tất cả làm nên những sắc màu khác nhau trong bức tranh cộng đoàn.

Khi sống trong cộng đoàn, mọi sự phải được đặt làm của chung. Sẽ chẳng còn gì là của mình nữa. Trên thực tế, ta có thể được sở hữu một vài vật dụng nào đó, nhưng trên tinh thần, nó là vật của cộng đoàn. Căng thẳng này không dễ giải quyết. Mọi cái đều có phép tắt của nó, muốn làm gì, có điều gì thì cũng phải xin phép bề trên. Nhận được điều gì là nhận cho cộng đoàn, hay nhận từ cộng đoàn. Nhiều người không chấp nhận được điều này, nên vẫn tìm cách giữ riêng cho mình. Họ thích nhận từ cộng đoàn, nhưng không thích nhận cho cộng đoàn. Họ có thể chia sẻ những điều tốt cho người mình thích, còn người mình không ưa thì chẳng thèm đoái hoài đến, hay tệ hơn, coi như họ không tồn tại.

Sống trong cộng đoàn, tu sĩ phải học cách sống vâng phục người khác, chịu sự sai phái của bề trên mà có khi người này chưa chắc có những quyết định phù hợp với ý mình. Tính tự ái nổi lên làm họ thấy khó chịu. Phải phục tùng một bề trên chẳng ra gì? Phải sống với người mà ngay cả nhìn mặt thôi mình cũng đã phát ngán? Sống trong một tập thể thì làm gì cũng phải ngó trước ngó sau, chứ không được tự ý tự tiện. Nếu không, sẽ bị người ta đánh giá. Có người còn mách lẻo với bề trên. Sống hiền từ thì bị chê là khù khờ. Sống vui vẻ thì bị nói là giả tạo. Sống kính trên nhường dưới thì bị nói là hai lòng. Sống khôn ngoan thì bị cho là mánh lới… Chẳng thể nào tránh được miệng lưỡi thế gian.

Trong đời sống cộng đoàn, cũng có thể xảy ra những trường hợp lệch lạc trong tính dục. Con người thì vẫn mãi là con người. Tiếng gầm thét của xác thịt vẫn còn đó trong thân xác họ. Những ai có thể đảm đương được sự khiết tịnh thì sống hạnh phúc thăng hoa. Người nào không thể thì sẽ tìm cách bù trừ bằng cách này hay cách khác. Đây là một vấn đề rất tế nhị, nhưng không ai dám chắc là nó không xảy ra. Dù sống chung với những người cùng giới tính, những lệch lạc vẫn tìm được kẻ hở để tấn công vào. Người tu sĩ phải biết cách xây dựng tương quan và gìn giữ nó ở mức độ trong sáng nhất. Dù biết là sẽ có những người mình thân thiết hơn những người khác nhưng không nên tỏ ra quá thân thiết đến mức dị thường với một ai. Tình thân ái phải được trải đều cho tất cả mọi người. Phải cố gắng sống sao để không chỉ hoàn thiện mình mà còn cảm hoá người khác nữa. Đây rõ ràng là một thách đố không dễ vượt qua.

Trong cộng đoàn, chắc chắn sẽ luôn có một hay một vài người nào đó làm ta khó chịu. Đó là người luôn tự hào cho rằng mình là người có kinh nghiệm sành sõi trong cuộc sống, biết nhiều chuyện, trải nghiệm nhiều. Rồi cũng có người chỉ thích nhắc nhở người khác mà ít khi nhìn lại bản thân mình, thích làm cho mình nổi bậc hơn những người khác. Có người chỉ muốn tương giao với bề trên và người ngoài, chẳng lo chu toàn bổn phận. Hay có ai đó chỉ biết lo giữ luật và xem luật như chuẩn mực tối cao, và lấy mình như một mẫu gương để người khác bắt chước. Ta cũng sẽ rất bực mình với những người khờ khạo, luôn có lối hành xử ngược đời, hay người chỉ phục vụ khi mình là chỗ nhất và được coi trọng hoặc người chỉ biết dòm nhó đến người khác mà không lo đào luyện mình… Và nhiều kiểu người khác nữa. Đây chính là sự phong phú của cộng đoàn và chính nó cũng làm nên sự phức tạp.

Phải làm sao để sống với những loại người ấy? Hay nói cách khác, làm sao để mình có thể dẹp tan được những bất hoà, những khác biệt với người anh chị em trong cộng đoàn với mình?

Trước hết, hãy xem xét một cách bình tâm và trong tinh thần cầu nguyện nguyên nhân của điều này: do người ta hay tại mình ích kỷ. Nếu người ta thật sự có lỗi sai và nhiều người trong cộng đoàn đồng ý như vậy, hãy cầu nguyện cho họ và giúp họ sửa sai. Nếu tại mình, phải lo mà sửa. Hãy nhớ rằng, nếu mình không chủ động xây dựng tương quan, chính là mình đang dần dần phá hoại nó. Vì thế, hãy cố gắng trong khả năng có thể, rồi Chúa sẽ bổ khuyết cho những điều mình không làm được.

Người ta sẽ thấy thế giới màu đen khi người ta đeo kính đen, sẽ thấy thế giới màu xanh khi đeo kính xanh. Vì thế, nếu mình có một cái nhìn khác về người anh chị em, mình cũng sẽ không còn thành kiến và khó chịu về họ nữa. Có một số cách giúp ta nhìn về họ với một cặp kính mới. Chẳng hạn, hãy tìm điểm nào nơi họ mà mình khâm phục, hãy nhớ lại những lần mình mang ơn họ, hãy nhớ những kỷ niệm giữa mình với họ, hãy nghĩ đến lợi ích của việc làm hoà và hậu quả của việc ghen ghét, và đặc biệt, hãy tìm cách bào chữa cho những sai lầm của họ hơn là hùa theo kết án họ, bởi vì bản thân mình cũng yếu đuối và cũng sẽ vấp ngã vào một lúc nào đó thôi. Sự tha thứ và hoà hợp mới làm chúng ta bình an, chứ không phải chia rẽ. Có nhiều khi ta không thích ai đó chỉ vì không thích, chứ cũng chẳng có lý do gì. Người ta cũng chẳng bận tâm đến việc mình có yêu hay ghét người ta không. Tất cả chỉ do mình tạo ra rồi mình tự gánh lấy mệt mỏi. Dù họ có thế nào, Chúa cũng vẫn chết cho họ, dù mình có ghét họ, Chúa vẫn yêu họ. Sự ghét bỏ của mình chẳng có tác dụng gì cả. Những ý thức này cần được đưa vào cầu nguyện. Nó sẽ giúp mình từ từ vượt qua những rào cản để sống tình cộng đoàn vượt trên những thành kiến.

Thực ra, phải sống trong một cộng đoàn phức tạp, ở một mức độ nào đó, cũng giúp kiểm tra mức độ trưởng thành của mình. Nó giúp tôi luyện sự kiên nhẫn và dạy ta biết cách ứng xử sao cho thích đáng và phù hợp. Nhân đức của ta cũng nhờ đó mà được cải thiện. Ai cũng khao khát sống trong một cộng đoàn đầy ắp yêu thương vì đó là nguồn an ủi rất lớn cho ta. Nếu phải sống với người luôn chống đối mình thì đó cũng là một cơ hội tốt giúp ta nhìn lại bản thân mình mà củng cố lại lối sống. Người kia chính là phản ánh mặt trái của con người mình. Ta ghét người đó, nhưng thật ra là ghét cái đang ở trong mình mà bấy lâu nay mình không nhận ra.

Cách duy nhất để sống tốt đời sống cộng đoàn là hãy sửa đổi bản thân mình cho tốt.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

dongten.net