Đời sống cộng đoàn trong đời tu

311

Khi nhắc đến đời tu, ngoài ba lời khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục, còn có một yếu tố khác mà chúng ta không thể nào không nói đến: đời sống cộng đoàn. Đây cũng là một vấn đề nhức nhối mà hầu như dòng tu nào cũng trải qua. Chúng ta được mời gọi để hiến dâng cho Chúa trong môi trường của một đời sống chung. Ta và một số người khác, khác nhau về ngôn ngữ, văn hoá, phong tục, quê quán, nhưng lại được quy tụ với nhau nhờ tiếng gọi của Giêsu, để cùng làm nên một gia đình mới, cùng chia sẻ với nhau nhiều điều. Cứ ngỡ là nó sẽ đẹp như mơ, nhưng những ai sống trong chăn sẽ biết là nơi đó có rất nhiều rận. Vấn đề cộng đoàn luôn là một vấn đề muôn thuở. Cộng đoàn có thể giúp ta nên thánh, cũng có thể biến ta thành quỷ dữ. Cộng đoàn có thể đưa ta lên Thiên Đàng nhưng cũng có thể đày ta xuống hoả ngục. Cộng đoàn có thể là nơi ta tìm thấy nguồn an ủi, nhưng cũng có thể là nơi ta chẳng muốn về… Đời sống cộng đoàn huyền nhiệm như thế đấy.

Đâu là các yếu tố làm nên đời sống cộng đoàn theo Tin Mừng? Trước hết, đó chính là sự hiệp nhất, mà Đức Giêsu đã minh hoạ bằng hình ảnh cây nho – thân nho (x.Ga 15,1-17). Các tu sĩ không quy tụ với nhau vì có cùng một sở thích. Các dòng tu không phải là hội chơi tem, hội chơi hoa, hội nhiếp ảnh hay hội cờ tướng. Điều mời gọi, quy tụ và gắn kết các tu sĩ lại với nhau chính là Đức Giêsu. Đức Giêsu là thân nho, các thành viên trong cộng đoàn là cành nho. Họ cùng bám vào Giêsu để sống, để múc lấy dinh dưỡng cho đời tu của mình. Bởi thế, có thể sẽ có nhiều người chẳng cùng sở thích với nhau, nhưng họ vẫn sống với nhau trong dòng tu và còn xem nhau như anh chị em của mình. Sự hiệp nhất này chỉ có thể là hoa trái của Thánh Thần, do Thánh Thần khơi lên và được nuôi dưỡng bằng Lời và Thánh Thể trong đức tin và ân sủng.

Đời sống cộng đoàn chính là phản ánh của sự hiệp thông Ba Ngôi: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con(Ga 17,20-23). Như Ba Ngôi là một thế nào, các thành viên trong cộng đoàn cũng là một với nhau như thế. Dĩ nhiên, họ không thể là một trên bình diện bản thể như Ba Ngôi, nhưng là một lòng , một ý, một khao khát, một lý tưởng tông đồ. Sống cộng đoàn cũng là một kiểu phản ánh bản chất con người là loài có tương quan, được mời gọi mở ra để đến với người khác, sống trong sự hiệp nhất với họ. Tất cả những điều này đến từ hình ảnh của Ba Ngôi, một cộng đoàn hoàn hảo.

Một cộng đoàn thật thụ thì không có sự phân biệt về phẩm giá, như lời Thánh Phaolo nói: “Không còn chuyện phân biệt Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô (Gl 3,28). Ai cũng là con người, là con Thiên Chúa nên phải được xem là bình đẳng với nhau. Họ có thể có sự khác nhau về tuổi tác, về trình độ, về chức vụ, về công việc, về vai vế, nhưng không bao giờ có chuyện ai đó quý giá hơn người kia. Đây gọi là sự hiệp nhất trong đa đạng. Trong cộng đoàn, mỗi người đảm nhận một vai trò khác nhau, tuỳ theo nhiệm vụ mình được giao, nhưng phải luôn có tinh thần phục vụ lẫn nhau (x.Mt 18,1; 20,26-28). Sẽ không còn là cộng đoàn nữa nếu như sống với nhau mà mỗi người cứ lo cho đời sống riêng của mình, chẳng đoái hoài gì đến người khác. Cộng đoàn bao hàm những tương quan được dệt với nhau bằng sự phục vụ, yêu thương, nâng đỡ, bằng không, đó chỉ là một dạng của ký túc xá, nơi người ta chỉ sống gần với nhau, chứ không gắn kết với nhau.

Ở bất cứ nơi đâu và trong bất cứ thời đại nào, cứ khi con người sống chung với nhau là có những vấn đề nảy sinh giữa họ. Có khi là sự hiểu lầm. Có khi bị những thói đời ảnh hưởng. Cộng đoàn không phải là một cái gì đó cố định, khi đã tồn tại rồi thì tồn tại mãi. Nó cần được xây dựng, được vun đắp mà mỗi người phải góp một tay. Trong cộng đoàn, đôi khi cần có những góp ý, sửa dạy để giúp nhau sống tốt hơn (x.Mt 18,15-17). Việc sửa dạy cũng cần được thực hiện ở những cấp độ khác nhau, tuỳ theo hoàn cảnh. Khi xảy ra những xung đột, cũng cần phải có sự hoà giải và tha thứ (x.Mt 18,22). Lệnh truyền phải “tha đến bảy mươi lần bảy” làm chúng ta liên tưởng đến một con tim vô cùng rộng mở cùng với một sự kiên nhẫn không bờ bến dành cho người anh chị em của mình. Quan trọng hơn hết, nhất thiết trong cộng đoàn phải có đời sống cầu nguyện: cầu nguyện riêng và cầu nguyện chung. Cộng đoàn là dấu chỉ Thiên Đàng, nơi tất cả mọi sinh linh quy tụ với nhau để ca ngợi Thiên Chúa. Cộng đoàn là nơi “hai hay ba người họp lại nhân danh Thầy”, nên đó là nơi có sự hiện diện của Giêsu. (x.Mt 18,20).

Nhưng cộng đoàn không phải là viện dưỡng lão hay một khu dân cư nào đó, nơi người ta chỉ sống với nhau và cũng nâng đỡ nhau khi cần thiết. Các tu sĩ cũng không tụ họp với nhau chỉ để ăn uống, vui chơi giải trí, tận hưởng cuộc sống an nhàn trong khuôn viên nhà dòng để trốn tránh sự đời. Cộng đoàn dòng tu là nơi các tu sĩ được quy tụ lại với nhau để rồi phân tán nhau vì sứ mạng (x.Mc 3,14; 6,7; x.Lc 10,1). Họ cùng chia sẻ với nhau sứ vụ theo lệnh truyền của Chúa. Sau một khoảng thời gian “đến và ở lại” với Chúa, được Chúa hướng dẫn và dạy dỗ, đến lúc nào đó, họ sẽ phải ra đi khắp nơi, tuỳ theo sứ mạng của mỗi người. Tuy sống xa nhau, và phải chăm lo công việc riêng, nhưng họ vẫn luôn quy hướng về nhau, gắn bó với nhau trong lời cầu nguyện. Sự phân tán không làm ảnh hưởng đến tính hiệp nhất. Trái lại, nó càng làm cho tình hiệp nhất được mặn nồng thêm.

Họ sống được những điều này chính là nhờ có sức mạnh của Đức Giêsu phục sinh là điểm tựa (x.Lc 24,13-35; 24,31 – 35). Dù có trải qua biết bao sóng gió thăng trầm, thậm chí có khi phải ngã gục, muốn bỏ cuộc như các môn đệ Emmaus, các tu sĩ vẫn luôn tìm thấy được niềm vui và sức mạnh để đứng lên và trở về với cộng đoàn. Chính Đức Giêsu là sức mạnh của họ và sự phục sinh trong Ngài là niềm hy vọng của họ. Đây là yếu tố làm nên sự khác biệt giữa cộng đoàn dòng tu với những tổ chức xã hội khác. Vì Giêsu, họ đến với nhau, và cũng vì Giêsu, họ phân tán cho sứ mạng. Nhưng cuối cùng, trong Giêsu, họ lại tìm thấy nhau.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

dongten.net