CÁC BÀI SUY NIỆM THỨ SÁU TUẦN THÁNH_2018

179

Mục lục

1. Thôi đừng giết Chúa  (Tgm. Giuse Ngô Quang Kiệt)

2. Đấng xóa tội trần gian (Lm. Jos. DĐH. Gp.Xuân Lộc)

3. Tôi đang đứng đâu trong cái chết của Chúa (Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)

4. Cái chết cứu chuộc (Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)

5. Thập giá biểu tượng của tình yêu và tha thứ  (Lm. Giuse Đỗ Đức Trí)

6. Sống mầu nhiệm thập giá (Lm. JB. Nguyễn Minh Hùng)

7. Khát tình  (Trầm Thiên Thu)

.

 

THÔI ĐỪNG GIẾT CHÚA

Tgm. Giuse Ngô Quang Kiệt

“Khi đến gần Chúa Giêsu và thấy Ngài đã chết, họ không đánh giập ống chân Ngài.  Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Ngài.  Tức thì, máu cùng nước chảy ra.”  Chiêm ngắm dòng nước và máu tuôn chảy ra cả sau khi đã tắt thở, ta hiểu được tình yêu của Chúa.  Yêu cho đến chết.  Yêu cho đến cả sau khi chết.  Chết rồi vẫn còn tuôn chảy dòng máu và nước.  Như muốn vắt hết tất cả những gì còn lại để dâng hiến đến cùng.  Yêu không còn giữ lại chút nào.  Đúng như lời thánh Gioan diễn tả: “Ngài đã yêu thương những kẻ thuộc về Ngài thì Ngài yêu thương họ đến cùng.”  Yêu cho đến cùng tận của bản thân Ngài.  Tất cả những gì có thể làm để yêu thương thì Chúa đã làm hết.  Không còn có thể làm thêm gì được nữa.  Yêu cho đến tận cùng con người.  Không có con người nào ở ngoài tình yêu của Chúa.  Yêu cả người tội lỗi.  Yêu cả kẻ phản bội.  Yêu cả người thù địch làm hại mình. Nếu Chúa đã nói: “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hi sinh tính mạng vì bạn hữu.”  Thì còn hơn thế nữa, Chúa đã hi sinh tính mạng cả vì người phản bội, người thù ghét, người làm hại Chúa nữa.

Yêu thương như thế nhưng Chúa lại nhận được sự phản bội, sự thù ghét, sự thay đổi, sự dửng dưng và bị giết chết.  Nhìn lại cuộc xử án Chúa ta thấy những thái độ sau đây đã góp phần giết chết Chúa.

  • Thái độ thù ghét của các Thượng tế và Biệt phái.  Vì ghen tương, thù hận họ đã bày mưu, xúi giục dân chúng và quan quyền lên án Chúa.
  • Thái độ nhập nhằng của Philatô.  Biết Chúa là người vô tội.  Muốn cứu Chúa nhưng lại sợ mất chức quyền, nên đã kết án Chúa.
  • Thái độ phản bội của Giuđa.  Đã theo Chúa nhưng lại ham mê tiền bạc đến nỗi bán Chúa.
  • Thái độ hay thay đổi của dân chúng.  Ngày Lễ Lá thì phấn khởi, tưng bừng đón rước Chúa vào thành, nhưng đến ngày Thứ Sáu Tuần Thánh lại hò hét kết án Chúa.

Nếu chúng ta có mặt hôm xử án Chúa, có lẽ chúng ta cũng đã kết án Chúa.  Vì tuy chúng ta không thù ghét Chúa như các Thượng tế và Biệt phái, nhưng chúng ta có thể giống như Philatô nhập nhằng trong thái độ.  Philatô vì sợ mất quyền lợi nên đã kết án Chúa.  Chúng ta cũng thế, trong đời sống hiện tại, biết bao lần chúng ta đã đặt địa vị của mình lên trên sự thật, đặt quyền lợi của mình lên trên công lý.  Không bảo vệ sự thật và công lý nhưng chỉ bảo vệ quyền lợi cá nhân và gia đình mình.

Chúng ta cũng có thể giống Giuđa, coi trọng tiền bạ c hơn đạo nghĩa.  Biết bao lần chúng ta đã vì tiền bạc mà đánh mất tình nghĩa, vì tiền bạc mà bán rẻ lương tâm, vì tiền bạc mà tha hóa gian giáo, lừa đảo.

Chúng ta cũng có thể giống đám đông luôn thay lòng đổi dạ.  Không có lập trường nên sợ dư luận, chỉ biết chạy theo đám đông.  Sống giữa những người không tin nên không dám bày tỏ đức tin của mình. Thay đổi đức tin, thay đổi tình nghĩa như thay đổi quần áo.  Sống hời hợt theo hình thức bên ngoài, thiếu chiều sâu và nền tảng bên trong.

Với lối sống như thế, ta chẳng khác gì Philatô, Giuđa và đám đông.  Sống như thế, ta đang tiếp tục giết Chúa hằng ngày hằng giờ ở khắp nơi.

Hôm nay trên Thánh Giá tất tưởi, Chúa đang nài van chúng ta thôi đừng giết Chúa nữa.  Đừng tiếp tục lối sống cũ theo Philatô, theo Giuđa, theo đám đông.  Hãy sống đời sống mới theo Chúa Giêsu.  Sống theo Chúa Giêsu luôn yêu thương, yêu thương cho đến cùng.  Sống theo Chúa Giêsu luôn tìm thánh ý Chúa Cha, tìm ích lợi của Hội Thánh.  Sống theo Chúa Giêsu luôn tìm quên mình, tìm những giá trị thiêng liêng cao quí.  Sống theo Chúa Giêsu luôn trung thành với lựa chọn của mình, trung tín đến hi sinh cuộc đời mình, trung tín cho đến chết. Lạy Chúa Giêsu chịu đóng đinh, xin thương xót chúng con. Amen!

Về mục lục

.

ĐẤNG XÓA TỘI TRẦN GIAN

Lm. Jos. DĐH.

Đau ốm bệnh tật, chết già, chết trẻ, chết vì tai nạn, mọi người có thể đón nhận và xem đó như một quy luật. Chết vì yêu, chết để người khác được sống, tự nhiên chúng ta có suy nghĩ phải cần đến một “nhân chứng đặc biệt” mới đủ thuyết phục người nghe. Trên đời có người tốt kẻ xấu, dù là cha mẹ tài đức, là bậc thầy thiên hạ, giỏi và nhiều kinh nghiệm, chắc gì họ đã né tránh được thất bại khổ đau ! Theo quan niệm bình dân, người ta vẫn lý luận là có yêu mới khổ vì yêu, có yêu mới thiệt thòi nhiều. Tưởng niệm về cuộc thương khó chiều nay, phụng vụ có ý nhắc nhớ đến Đức Giêsu, Đấng cứu độ trần gian, Đấng vì yêu, đã đón nhận khổ đau thập giá và chịu chết cho tội lỗi nhân loại.

Người kitô hữu chúng ta đang tham dự vào cuộc thương khó như thế nào ? Suy gẫm về đau khổ thập giá Đức Giêsu, đau khổ thập giá của đời mình, chắc là chúng ta không dám so sánh, nhưng nếu có dịp, chúng ta sẽ chứng minh đau khổ thập giá nào cũng đáng sợ, rất cần có một sức mạnh để vượt qua. Dù giầu nghèo, thông thái hay tầm thường, hẳn người ta cũng không còn phải thắc mắc đau khổ là gì, ai là người không sợ đau khổ thập giá, nơi nào là nơi chỉ có bình an và hạnh phúc ? Sống trên đời, chúng ta thường nói tới 2 bậc sống rõ rệt, đi tu hoặc lập gia đình, rồi cũng từ quan niệm đứng núi này trông núi kia mà cho rằng: tu là cõi phúc, tình là giây oan. Thực ra thì đau khổ thập giá nơi nào cũng có, điều quan trọng là chúng ta có tin Thiên Chúa là Đấng giải thoát được đau khổ và sự chết không ?

Khi nghe bài thương khó, chúng ta có cảm giác tại sao người xưa hung ác, dã man quá, Đức Giêsu đã từng giảng dạy điều hay lẽ phải, chữa lành vết thương thể xác và tâm hồn, nhưng họ vẫn đả đảo, nhất định đòi phải đóng đinh thập giá Ngài ? Trong khi đó, những học trò và thân nhân Đức Giêsu không đủ khả năng để bênh vực, để lật đổ sự dữ và bản án chết, Thiên Chúa không ra tay, Đức Giêsu thì im lặng trên thập giá ! Nếu không phải vì yêu, nếu không phải muốn cho người tội lỗi có cơ hội được sống, người ta sẽ chẳng bao giờ hiểu tại sao Đức Giêsu không xuống khỏi thập giá, và Thiên Chúa Cha không tiêu diệt quân tội lỗi.

Tất cả vì yêu, tất cả vì muốn cứu độ, vì muốn con người không phải chết đời đời, Đức Giêsu dã dang tay chịu khổ hình thập giá, đã hoàn tất sứ mạng Chúa Cha trao phó, dù nhân loại tội lỗi chưa biết sám hối để lãnh nhận ơn tha thứ. Rõ ràng, ăn ngay ở lành hoặc thật thà thường thua thiệt, có thể vẫn làm rối loạn tâm tư cuộc sống, vẫn cho thấy con người cần phải chọn lựa tin hoặc không tin, vô cùng quan trọng ! Tin Đức Giêsu vừa là Người thật, vừa là Thiên Chúa thật, cũng từ tin và yêu, người ta mới nhận biết cần phải sám hối, phải chấp nhận đau khổ thập giá đời mình như một dịp để thông phần vào mầu nhiệm cứu độ Thiên Chúa đã ban.

Đấng xoá tội trần gian là Đức Giêsu, Đấng từ trời đến không phải để tiêu diệt người gian ác tội lỗi, nhưng đến để giải thoát, cứu sống, mạc khải tình yêu và lòng bao dung của Thiên Chúa. Đấng xoá tội trần gian đã đi con đường vâng phục thánh ý Chúa Cha cách trọn vẹn, Ngài mang lấy khổ đau thập giá để mời gọi con người tin, nhìn nhận tội lỗi và những giới hạn của mình hầu sám hối để thấy được lòng bao dung tha thứ của Thiên Chúa. Đấng xoá tội tràn gian là Đức Giêsu đã chiến thắng khổ đau thập giá để cứu chuộc tội lỗi và sự chết của nhân loại, trong đó có người công chính thánh thiện, có cả những tâm hồn chai đá sám hối. Tất cả hệ tại chúng ta tin và đang sống niềm tin yêu, hoán cải như thế nào ?

Đau khổ thập giá đã được Đức Giêsu mang vác thay cho nhân loại tội lỗi, tình yêu và sự chết có thể vẫn đang làm chúng ta hoang mang mỗi khi thông dự vào sự thương khó của Đức Giêsu ! Ít là giây phút này, sự hiện diện của chúng ta lúc này, đã phần nào cho thấy thiên Chúa đang yêu thương và cho chúng ta một cơ hội thật quý báu. Chúa Giêsu hứa thiên đàng cho người trộm có lòng hối cải, nhưng Chúa không ra hình phạt cho người trộm bên tả lúc đó chưa ăn năn thống hối, rõ ràng Chúa vẫn tạo cơ hội cho mỗi người tội lội chúng ta biết Ngài là Đấng xoá tội trần gian, Ngài đang chờ chúng ta sám hối tội lỗi. Chúa Giêsu ghét sự xấu, ghét tội lỗi, nhưng Ngài không xa lánh kỳ thị, sẵn lòng tha thứ mỗi khi người tội lỗi biết thống hối và gặp gỡ Ngài. Amen.

Về mục lục

.

TÔI ĐANG ĐỨNG ĐÂU TRONG CÁI CHẾT CỦA CHÚA

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Thứ Sáu Tuần Thánh gợi lại cho ta khung cảnh đồi Calve. Nơi ấy Chúa chịu bao đớn đau khổ sầu và cuối cùng là cái chết đơn côi. Nơi ấy ta cũng thấy sự thay lòng đổi dạ của những người đã từng nhận ân lộc Chúa. Nơi ấy ta cũng thấy dã tâm con người chỉ vì quyền lợi bản thân mà dám giết người công chính. Nơi ấy ta cũng thấy sự thiếu trung thành nơi các môn đệ là những người đã từng thốt lên sẽ “cùng chết với Người”. Chỉ còn lại một số ít rất nhỏ là Mẹ Maria và người môn đệ Chúa yêu luôn âm thầm đi bên cạnh Chúa.

Xem ra trong nỗi đau của một người luôn có những bàn tay toa rập với nhau để làm hại anh em. Trong nỗi đau của bản thân lòng ta cũng tan nát bởi sự vô ơn, vô tâm của người thân như toa rập nhau nhận chìm ta trong cô đơn khổ đau.

Nhìn vào xã hội hôm nay ta thấy có quá nhiều con người đang quằn quại trong nỗi đau bị người thân hãm hại, bỏ rơi, hành hạ, loại trừ.  . . Mỗi ngày trên trang mạng ta cảm thấy sao xã hội hôm nay tình người đang mất dần khi vì cái tôi họ sẵn sàng làm hại đến nhau! Con cái bất hiếu là nỗi đau lớn nhất của những người làm cha, làm mẹ. Vậy mà vẫn còn đó những đứa con “trời đánh” sẵn sàng hắt hủi, chửi mắng, đánh đập, thậm chí sát hại những người từng sinh ra mình cũng không hiếm! Ông Môn ở Lạng Sơn thấy đứa con tên Nghĩa ăn chơi lêu lổng đã lên tiếng nhắc nhở liền bị đứa con cãi lại, rồi nổi cơn điên loạn lấy dao đâm cả cha mẹ khiến người mẹ tử vong. 

Điều đáng buồn trong xã hội hôm nay người ta còn dùng cả phương tiện truyền thông để người thân có dịp tố cáo nhau, hay “vạch áo cho người xem lưng” như trong chương trình “Sau ánh hòa quang”. Điển hình là nghệ sĩ Lê Giang đã công khai tố cáo chồng cũ là Duy Phương đánh đập, bị tẩy chay, từng phải uống thuốc tự tử. . .

Duy Phương cũng phải lên mạng đính chính là không hề có. Con cái chung của hai người cũng cho rằng mẹ là người nói không đúng sự thật. Không biết chương trình làm với mục đích gì nhưng điều chắc chắn là vết thương nơi từng người trong gia đình lại càng hằn sâu thêm. Và nỗi đau của những con người từng sống chung một mái nhà càng đau khổ hơn. . .

Cuộc đời chúng ta ai cũng sợ cô đơn. Vì cô đơn làm cho chúng ta hụt hẫng giữa biển người bao la mà chẳng tìm được ai yêu thương, cảm thông với chúng ta. Sự cô đơn đưa chúng ta đến ngõ cụt cuộc đời, đến ngõ vắng đơn côi khiến chúng ta thất vọng, buông xuôi. Những lúc như thế chúng ta cần lắm một bàn tay chìa ra nâng đỡ. Cần lắm một lời an ủi, động viên của đồng loại. Cần lắm sự quan tâm khích lệ từ những người thân trong gia đình.

Cảm nhận sự cô đơn làm tê tái cõi lòng để chúng ta đồng cảm với Chúa Giê-su trong tuần thương khó. Đồng cảm với Ngài trong sự cô đơn bị bỏ rơi, bị khước từ của đồng loại. Chúa Giê-su đã trải qua những cay đắng tủi nhục khi bị người đời bỏ rơi. Ngài cô đơn giữa biển người, vì dường như ai cũng quay lưng lại với Ngài.

Hôm nay Chúa Giê-su vẫn có thể cô đơn khi chúng ta sống thiếu hiệp thông với Ngài bởi tội lỗi, bởi đam mê. Chúng ta vẫn đẩy Ngài ra khỏi cuộc đời bởi tranh dành danh lợi thú trần gian. Chúng ta vẫn có thể gào thét đóng đinh Chúa khi chúng ta không dành cho Ngài quyền tối thượng được tôn thờ trên hết mọi sự.

Xin Chúa giúp chúng ta biết đi vào những ngày thánh này trong sự hy sinh hãm mình để đồng cảm với Chúa Giê-su. Xin cho chúng ta cũng đừng bao giờ đẩy anh em mình vào đường cùng của sự cô đơn khước từ. Ước gì chúng ta luôn là người môn đệ Chúa yêu đi bên cạnh Chúa trên đường thương khó khi vì Chúa mà từ khước những phù vân tội lỗi. Amen

Về mục lục

.

CÁI CHẾT CỨU CHUỘC

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Hôm nay chúng ta cửa hành ngày đầu tiên của Tam Nhật Thánh, ngày Chúa chết. Có người hỏi : Thánh sao được khi mà chính tội lỗi chúng ta đã giết chết Thiên Chúa, ngày đại tang của Giáo hội kia mà? Thưa, vì qua cái chết của Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã tỏ lòng thương xót bao la đối với nhân loại, và đã cứu chuộc chúng ta. Ngày này là ngàychiến thắng của Thập Giá, chính từ trên Thánh Giá, Chúa Giêsu đã trối lại cho chúng ta người mẹ tuyệt hảo nhất của chính Chúa là : Đức Maria, tha thứ cho những kẻ giết Chúa và lòng tin cậy vào Thiên Chúa là Cha.

Chúng ta đã nghe thấy những điều nói trên trong Bài Thương Khó Đức Chúa Giêsu theo thánh Gioan, hiện diện trên đồi Calvariô có Mẹ Người là Đức Maria, cùng với một số phụ nữ thánh thiện khác. Đây là một trình thuật giầu tính biểu tượng, mọi cử chỉ, lời nói, hành động đều có ý nghĩa. Ngay cả sự thinh lặng và chay tịnh của Giáo hội hôm nay cũng giúp chúng ta sống bầu khí cầu nguyện, ý thức rõ về hồng ân mà chúng ta đang cử hành.

Trước mầu nhiệm cao cả này, chúng ta được mời gọi để nhìn lên phía trước. Niềm tin của chúng ta, những người tin vào Thiên Chúa, không phải là tôn thờ một Thiên Chúa trừu tượng xa vời chúng ta không biết, nhưng là liên đới với một Ngôi Vị sống động là Chúa Giêsu, con Thiên Chúa làm người, là Thiên Chúa thật và là người thật. Đấng Vô Hình đã nhập thể làm người trong thế giới hữu hình, đã sống trọn thân phận con người cho đến chết và chết trên thập tự. Cái chết của Chúa Giêsu là cái chết cứu chuộc, một cái chết mang lại sự sống cho loài người. Cái chết ấy chính là của lễ cao cả dâng lên Chúa Cha, được Chúa Cha ưng nhận đã trở nên giá chuộc cho nhiều người. Những người đứng bên Thánh Giá đã chứng kiến và sống, đồng thời truyền lại cho chúng ta, chúng ta khám phá ra ý nghĩa của cái chết này.

Chúng ta hay đem lòng ngưỡng mộ và biết ơn. Chúng ta biết cái giá của tình yêu : “Không có tình yêu lớn lao hơn tình yêu của người hiến mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Kinh nguyện Kitô giáo không chỉ là cầu xin, mà trên hết vẫn là để ngưỡng mộ với lòng biết ơn.

Chúa Giêsu, đối với chúng ta, là mẫu gương cho chúng ta học đòi bắt chước, nghĩa là được tái hiện trong ta. Chúng ta phải là những người yêu thương đến thí mạng sống mình và tin tưởng vào Thiên Chúa là Cha trong mọi hoàn cảnh.

Điều này trái ngược với bầu không khí thờ ơ của xã hội hôm nay; chính vì thế chúng ta phải là những chứng nhân dũng cảm hơn bao giờ hết, vì tất cả là hồng ân. Như Mêlitô thành Sarđi nói : “Người làm cho chúng ta từ nô lệ sang tự do, từ bóng tối đến ánh sáng, từ sự chết cho đến sự sống. Người là Lễ Vượt Qua cứu độ chúng ta“.

Lạy Chúa, chúng con tôn thờ Thánh Giá Chúa, vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà cứu chuộc thế gian. Amen.

Về mục lục

.

THẬP GIÁ BIỂU TƯỢNG CỦA TÌNH YÊU VÀ THA THỨ

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

Thưa quý OBACE, thứ sáu Tuần Thánh là ngày duy nhất trong năm Giáo Hội không cử hành thánh lễ, thay vào đó là cử hành cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Bầu khí của buổi chiều thứ sáu thánh hôm nay thật tang thương, buồn thảm vì dường như cái ác và bóng tối đang làm chủ thế gian. Nhưng giữa bóng tối của cái ác, chúng ta vẫn nhận ra ánh sáng của tình yêu và hy vọng, giữa bầu khí bừng bừng căm thù, chúng ta vẫn nhận thấy giá trị cao cả của sự tha thứ. Trước sự ghê sợ của cây thập giá, chúng ta thấy hoa trái của tình yêu và tha thứ đã trổ sinh.
Tin Mừng Gioan khi thuật lại cuộc thương khó của Chúa Giêsu như vẽ lên một bức tranh với đủ gam màu, màu đen của thế lực tăm tối và sự ác, màu tím của tang thương chết chóc, màu sẫm của sự gian dối và còn có những gam màu sáng của tình yêu của tha thứ và hy vọng. Nghe bài thương khó, chúng ta có cảm tưởng như Thiên Chúa cũng bó tay trước sức mạnh của tội lỗi và sự ác. Cái ác và sự dữ được thể hiện nơi con người, nơi hành động của các thượng tế và luật sĩ. Họ là những kẻ chủ mưu trong việc loại trừ Chúa Giêsu và rắp tâm đưa Ngài đến cái chết. Khởi đầu của lòng căm thù này đó là sự ghen tị. Các thượng tế và luật sĩ đã ghen tị với Chúa Giêsu vì thấy Ngài rao giảng một giáo lý hoàn toàn mới và thu hút được nhiều người. Những người này cảm thấy khó chịu khi bị Chúa Giêsu chỉ trích về lối sống giả dối và lòng tham của họ. Hơn nữa, do tự mãn với những gì đã học nơi truyền thống, họ không mở lòng đón nhận giáo lý mới của Chúa Giêsu và không chấp nhận Ngài là Đấng Cứu Thế. Vì vậy, các luật sĩ và biệt phái đã tìm cách để giết Chúa Giêsu.
 Để thực hiện dã tâm của mình, các luật sĩ và biệt phái đã khéo lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin, dễ kích động của đám đông, la ó, gây sức ép lên án Chúa Giêsu. Chính đám đông dân Do Thái trở thành kẻ đồng lõa tiếp tay với các thượng tế và luật sĩ để lên án Chúa. Đám đông dân chúng này là những người đã từng đi theo Chúa Giêsu, nghe lời Ngài giảng và cả những kẻ đã từng tin vào Ngài. Nhưng trước dinh Philatô, họ đã không nghe theo lời nhắc bảo của lương tâm để bênh vực cho sự thật. Trái lại, họ đã rơi vào âm mưu của các thượng tế, la hét đòi giết Giêsu và xin tha Baraba. Vì để mình bị cuốn vào đám đông, nhiều người đã khiến cho bản thân mất đi khả năng sử dụng lý trí để phân định về hành động của mình. Trước đây, mặc dù sống dưới quyền đô hộ của đế quốc Rôma, nhưng người Do Thái chưa bao giờ tỏ ra thần phục hoàng đế Rôma, thậm chí họ còn coi những người Rôma là dân ngoại, là những kẻ ô uế. Vậy mà, trong vụ án này, do sự xúi giục của các thượng tế, trước mặt Philatô, dân Do Thái đã công khai tuyên bố nhìn nhận vương quyền của hoàng đế Cesare, loại trừ Chúa Giêsu và giáo huấn của Ngài. Điều đó có nghĩa là người Do Thái công khai tuyên bố mình thuộc về bóng tối và thế gian, công khai đoạn tuyệt với Thiên Chúa là chân lý và là ánh sáng.
Vì rắp tâm tiêu diệt bằng được Chúa Giêsu, các luật sĩ và kỳ lão không ngần ngại thể hiện sự tráo trở của họ. Khi bắt trói Chúa Giêsu và điệu Ngài đến trước mặt thượng tế Anna và Caipha, họ tố cáo Chúa Giêsu về các tội danh tôn giáo như: “Tên này xưng mình là con Thiên Chúa. Tên này nói phạm thượng, xúc phạm đến Thiên Chúa…”. Nhưng những cáo buộc này không đủ để kết án tử cho Chúa Giêsu. Thế là chúng đã nghĩ đến việc mượn tay Philatô để thực hiện ý đồ này. Sáng sớm ngày hôm sau, khi điệu Chúa Giêsu đến trước Philatô, họ đã tráo trở thay đổi lời cáo buộc Người. Thay vì những cáo buộc mang tính tôn giáo, họ đã chuyển qua những cáo buộc mang tính chính trị: “Tên này xúi dân làm loạn; Tên này xúi dân không nộp thuế; Tên này tự xưng mình là vua”. Với những cáo buộc như thế, chắc chắn Philatô không thể bỏ qua.
Philatô cũng có một chút thiện chí, lương tâm ông vẫn còn lên tiếng nhắc bảo, nhưng Philatô đã không đủ can đảm để làm theo tiếng nhắc bảo của lương tâm, mà chiều theo sự gian dối. Philatô biết rõ những người Do Thái tố cáo Chúa Giêsu chỉ vì ghen tị, ông thấy những cáo buộc của người Do thái không đáng tin, ông đã tìm cách để tha Chúa Giêsu. Philatô cũng muốn tìm kiếm sự thật về con người và lời nói của Chúa Giêsu khi Ngài tuyên bố: “Tôi đến để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”, Philatô đã hỏi Chúa: “Sự thật là gì?”. Tuy nhiên, Philatô đã không dám đi đến cùng của con đường tìm kiếm sự thật, ông đã tìm cách tránh né sự thật và cuối cùng ông đã ngả theo con đường của sự gian dối mà người Do Thái đã đặt ra cho ông. Philatô trở thành kẻ gia tăng thêm đau khổ cho Chúa Giêsu bằng việc đánh đòn Ngài, để cho quân lính xỉ vả Ngài và cuối cùng phủi bỏ trách nhiệm bằng cách rửa tay và chấp thuận tuyên án tử hình Chúa Giêsu.
Trong bầu khí u ám của sự dữ, sự ác và gian dối bao trùm cuộc thương khó của Chúa, chúng ta vẫn nhận ra ánh sáng của lòng xót thương và tình yêu tha thứ nơi Chúa Giêsu. Trước hết là tình thầy trò Chúa Giêsu dành cho các môn đệ. Chúa biết rõ từng học trò của mình, biết họ yếu đuối, kém cỏi, biết họ nhát đảm và phản bội, nhưng Chúa vẫn thương dìu dắt họ vượt qua cơn thử thách ghê sợ của thập giá. Chúa không hề tỏ ra giận dữ hoặc oán trách các tông đồ, nhưng vẫn dành cho họ sự ân cần của một người cha và tình yêu thương tinh tế của một người mẹ. Để có thể vượt qua được thử thách của thập giá, Chúa dắt các môn đệ của Ngài đi vào trong việc cầu nguyện, gặp gỡ với Chúa Cha. Vì chỉ có cầu nguyện mới có thể giúp các môn đệ đứng vững và đón nhận thử thách trong bình an. Trong khi cùng Chúa đi cầu nguyện, các môn đệ để mình bị sức lôi kéo của xác thịt, của bản năng hạ gục, các ông chìm vào giấc ngủ. Chúa Giêsu rất cảm thông với sự yếu đuối của các ông, Chúa đánh thức các học trò và nhắc họ cầu nguyện. Khi các ông vẫn không thể cưỡng được cơn buồn ngủ, Chúa Giêsu để các ông ngủ và cầu nguyện thay cho các ông. Khi bị bắt, một mình Chúa đứng ra đương đầu với thế lực sự dữ, và hết mình khoan dung, bảo vệ các môn đệ của mình: “Các anh cứ bắt tôi, nhưng hãy để cho những người này đi”.
Trước dinh Caipha một tên lính đã vả mặt Chúa, Chúa không tức giận, Ngài chỉ nhắc cho anh biết tôn trọng sự thật, đừng dùng bạo lực để lấn át người khác: “Nếu tôi nói sai, hãy chỉ ra chỗ sai. Còn nếu tôi nói đúng, tại sao anh lại đánh tôi?”. Trước những lời cáo buộc, vu khống của đám đông dân chúng tại dinh Philatô, Chúa Giêsu chỉ giữ một thái độ im lặng. Ngài nhìn đám đông với cái nhìn của tình thương và cảm thông. Vì họ là những người đáng thương, là những kẻ đang bị các thượng tế và luật sĩ lợi dụng để làm điều ác. Chúa Giêsu cũng nhìn Philatô bằng một cái nhìn cảm thông, và nhắc cho Philatô biết, ông ta cũng chỉ là người thừa hành pháp luật và sẽ phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình: “Quan chẳng có quyền gì trên tôi, nếu từ trên không ban xuống cho. Vì thế kẻ nộp tôi cho quan thì mắc tội nặng hơn”.
Trên hết, Chúa Giêsu đã đón nhận tất cả đau đớn về tinh thần và thể xác, bị hành hạ, đánh đòn và làm nhục trước mặt mọi người vì một lòng yêu mến vâng phục Thiên Chúa Cha, vì muốn cho ý Cha được trọn vẹn. Chúa Giêsu còn đón nhận tất cả cực hình đau đớn ấy vì yêu mến nhân loại chúng ta. Cây thập giá là hình ảnh của sự ác, đau khổ chết chóc, mà con người gây ra cho nhau, nay được Chúa vác trên vai và bước đi cho đến tận cùng. Không chỉ vác thập giá, Chúa Giêsu còn yêu mến chính cây thập giá này, và chấp nhận bị treo trên cây thập giá ấy. Vì Chúa Giêsu biết rằng, trong ý định quyền năng của Thiên Chúa, cây thập giá này sẽ trở thành cây mang lại hoa trái ơn cứu độ nhân loại. Trên cây thập giá, mặc cho những lời xỉ nhục, thách thức của dân chúng, Chúa Giêsu đã xin cùng Thiên Chúa: “Lạy Cha, xin tha cho chúng”. Ngài còn biện mình: “Vì chúng lầm không biết”. Với lời cầu xin này, cây thập giá không còn phải là cây hành hình nữa, mà nó đã trở thành cây của yêu thương và tha thứ đến tận cùng. Bóng tối của sự dữ, hận thù đã bị đầy lui để nhường chỗ cho tình yêu thương tha thứ trổ sinh hoa trái.
Xin cho chúng ta khi chiêm ngắm đau khổ và thập giá của Chúa Giêsu hôm nay, đón nhận được tình thương tha thứ của Chúa và nhờ can đảm bước theo Chúa trên con đường thập giá, chúng ta cũng làm cho thập giá đời mình đơm hoa kết trái yêu thương và tha thứ cho anh chị em chung quanh. Amen.

Về mục lục

.

SỐNG MẦU NHIỆM THẬP GIÁ

 Lm. JB Nguyễn Minh Hùng

  1. Thánh Giá – Tình yêu của Thiên Chúa trong đời người.

Theo thánh Gioan, cái chết của Chúa Kitô, trước hết là sự tôn vinh chính Chúa Kitô, tôn vinh tình yêu của Người, một tình yêu hiến dâng mạng sống, một tình yêu chết thay cho người mình yêu, một tình yêu tự hiến thành tấm bánh nuôi sống người mình yêu, một tình yêu tự nguyện trở thành lễ tế hiến dâng Thiên Chúa…

Kế đến là vừa thể hiện, vừa tôn vinh tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu tràn trề, một tình yêu mạnh mẽ, một tình yêu thôi thúc “đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3, 16-17).

Còn thánh Phaolô lại nhận ra chính cái chết của Chúa Kitô là sức mạnh giải thoát con người: Chính nhờ Chúa Kitô tử nạn và phục sinh mà “ơn tha tội được loan báo cho anh em; và trong khi anh em không thể được giải thoát khỏi tội lỗi mà trở nên công chính nhờ giữ luật Môsê, thì nhờ Người, mọi kẻ tin đều được nên công chính” (Cv 13, 39).

Trong thư gởi tín hữu thành Philipphê, thánh Phaolô còn nói rõ hơn sự được tôn vinh của Chúa Kitô: “Thiên Chúa đã siêu tôn Người, tặng ban Danh hiệu vượt trên mọi Danh hiệu. Và khi nghe Danh Thánh Chúa Giêsu, mọi gối phải bái quỳ để tôn vinh Chúa Cha và tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa” (Pl 2, 10-11).

Như vậy, cùng xác tín với hai tông đồ Gioan và Phaolô, chúng ta khẳng định, nơi Thánh Giá, Thiên Chúa đã biểu lộ tình yêu tuyệt đỉnh của mình.

Đó là tình yêu không cùng của Thiên Chúa Cha hiến dâng Con Một. Đó là tình yêu quyết hy sinh của Thiên Chúa Con để hiến dâng chính mình. Đó là tình yêu tràn đầy sức mạnh của Thiên Chúa Ngôi Ba làm biểu lộ đến vô cùng, khắc sâu đến vô cùng lòng đại lượng của Đấng Chí Thánh là Tình Yêu.

Đấng chịu đóng đinh là Đấng được tôn vinh. Thánh Giá, phương tiện treo thân Đấng chịu đóng đinh, ngàn đời xứng danh Thánh Giá Cứu Độ.

Vì thế, không có bất cứ nơi nào, không có bất cứ lối đường nào, ngoài Thánh Giá, mà chính Thiên Chúa, chính tình yêu của Thiên Chúa được tôn vinh. Bởi chỉ nơi Thánh Giá, nơi Đấng chịu đóng đinh, tình yêu tuyệt đỉnh của Thiên Chúa, khuôn mặt rạng ngời lòng xót thương tha thứ của Thiên Chúa được biểu lộ trọn vẹn, mạnh mẽ, vững bền.

Thánh Giá là sự khôn ngoan và quyền năng của Thiên Chúa. Bởi “Sự điên rồ nơi Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài người, và sự yếu đuối nơi Thiên Chúa thì mạnh sức hơn loài người” (1Cr 1, 24 -25).

Thánh Giá đã trở thành dấu chỉ của tình yêu hy vọng và sự sống. Thánh Giá là biểu tượng của Tình Yêu cứu độ. Thánh giá là niềm tự hào và vinh quang của người tín hữu. Thánh Phaolô có một ước muốn: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô” (Gl 6,14).

Cái chết của Chúa Giêsu trên Thánh Giá, minh chứng rằng, Người yêu thế gian hơn yêu chính mình. Cái chết ấy còn chứng tỏ, tình yêu Thiên Chúa dành cho ta là thứ tình ở dạng thức cao nhất: Yêu đến tận cùng. Yêu đến tự hiến trọn vẹn. Yêu chấp nhận hiến tế. Yêu chấp nhận hy sinh chỉ vì ích lợi của kẻ khác.

Thánh Giá in sâu vào và gắn chặt với Chúa Giêsu Kitô. Ngay cả sau phục sinh, những thương tích khổ nạn, dấu vết đớn đau của Thánh Giá vẫn hiển hiện, vẫn không bị xóa nhòa.

Thánh Giá băng qua lịch sử, xuyên qua thời gian. Nó còn tiếp tục trải dài và hiện diện trong mỗi giây phút cuộc đời chúng ta.

Ta yêu mến, tôn thờ Chúa Giêsu trên Thánh Giá. Sự yêu mến và tôn thờ ấy, dẫn ta đến việc tự nguyện đón nhận thánh giá của đời mình, hợp làm một cùng Thánh Giá Chúa, bước theo Chúa, sống như Chúa suốt hành trình dương thế.

Trong xã hội tiêu thụ và hưởng thụ ngày nay, bóng tối của quyền lực, tiền của, danh vọng, lạc thú như che mờ bóng Thánh Giá. Con người lao mình vào bóng tối bằng mọi giá. Xã hội hôm nay cần phải được ánh sáng của Thánh Giá soi dẫn. Từ Thánh Giá Chúa Kitô, tuôn trào tình thương chúc phúc thế gian, sự sống chan chứa cho lòng người.

Bởi thế, suy tôn Thánh Giá chính là suy tôn tình yêu, sự sống của Chúa Kitô. Đó cũng là dịp giúp ta ý thức tình yêu, sự sống ấy đang đồng hành với mình, với cuộc đời của từng con người. Nhờ ý thức, ta không dám trôi theo những cám dỗ của thế gian, không dám đánh mất mình cho những “trái cấm” thế tục…

  1. Để hiểu Thánh Giá Chúa Giêsu.

Trước khi mạc khải về ý nghĩa của mầu nhiệm Thánh Giá, Chúa Giêsu nhắc ông Nicôđêmô về nguồn gốc thần linh của mình: Người là Con Thiên Chúa: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống”.

Tự nó, thập giá là sự độc ác, sự thua bại đến nghiệt ngã của lòng yêu thương nơi loài người. Nó cũng chính là thực tại đau buồn do con người tạo ra để giết nhau sao cho tàn bạo nhất, rùng rợn nhất.

Nhưng để hiểu trọn vẹn ý nghĩa của nó, dù ở bất cứ thời đại nào, loài người phải “đóng đinh” Con Thiên Chúa vào đó.

Bởi chỉ có thể hiểu mầu nhiệm thập giá trong cái nhìn “từ trên cao”, trong cái nhìn của Thiên Chúa – Đấng muốn và đã sai Con Một mình xuống trần gian chịu chết treo trên thập giá – để biến dấu chỉ của sự trừng phạt thành dấu chỉ của tình yêu cứu rỗi. Biến thập giá thành Thánh Giá, biểu tượng của tình yêu chiến thắng mà chúng ta tôn thờ.

“Như Môsê treo con rắn nơi hoang địa thế nào, thì Con Người cũng sẽ bị treo lên như vậy, để ai tin vào Người, thì không bị tiêu diệt muôn đời”. Qua câu chuyện với ông Nicôđêmô, Chúa muốn con người nhìn về thập giá “từ trên cao” theo cái nhìn của chính Chúa. Lúc đó, con người sẽ khám phá ra, Thiên Chúa dùng Thánh Giá để mạc khải tình yêu thần linh, để hòa giải con người với Thiên Chúa và với nhau.

Như lời mời gọi của Chúa giành cho ông Nicôđêmô, cần phải “đặt” Con Thiên Chúa vào Thánh Giá, cần phải “treo” Con Thiên Chúa lên Thánh Giá, để con người hiểu được ý nghĩa của Thánh Giá.

Thánh Giá mạc khải cho con người biết tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa, nhưng đồng thời cũng là dấu chỉ sự khước từ của con người đối với Thiên Chúa, là dấu chỉ sự thù ghét của con người đối với con người.

Nhưng lại là dấu chỉ rõ rệt cho thấy con người say mê quyền hành và danh vọng, muốn làm mọi cách để loại bỏ đối thủ của mình như những người Pharisêu ngày xưa đã dùng thập giá để loại bỏ Chúa Giêsu, Đấng đang lôi kéo dân chúng bỏ họ mà theo Chúa. Cũng có nghĩa là các Pharisêu không muốn chứng kiến việc Chúa đang lôi kéo lòng dân bước ra từ thế giới của tà tâm đến thế giới chính tâm. Họ tức tối tối. Họ dùng thập giá hòng tiêu diệt Ánh Sáng của trần gian.

Mỗi người Kitô hữu hôm nay, hãy kiểm điểm lại thái độ của mình đối với Thánh Giá Chúa. Phải chăng Thánh Giá Chúa đã bị tục hóa, bị chúng ta biến trở thành món trang sức để khoe của, để củng cố địa vị, để lường gạt anh chị em?

Chúng ta làm dấu thánh giá trên mình, chúng ta mang dấu thánh giá trên áo, trên cổ nhưng chúng ta đã sống ý nghĩa của thập giá như Chúa đã mạc khải như thế nào?

  1. Thập giá đời và Thánh Giá phúc. 

Đức Thánh Cha Phaolô VI đã nói: Không thể có một Kitô giáo mà không có đổ máu. Đổ máu là dấu hiệu của chết chóc, của thất bại. Việc đổ máu của Chúa Kitô, trước mặt người đời, trước tất cả mọi phù phím của thế gian mang vỏ bộc khôn ngoan, tiến bộ, văn minh…, cũng chỉ là một thất bại lớn, một sự bị đốn ngã nhục nhã.

Nhưng dưới dòng lịch sử của ơn Thánh – một dòng lịch sử chỉ có thể khám phá bởi lòng tin, bởi sự đơn thành, bởi cái nhìn thoát tục không bao giờ bị rào, bị cản của tiến bộ, của văn minh mà con người theo đuổi – việc đổ máu của Chúa Kitô là sự tôn vinh Thiên Chúa và là ơn cứu độ vĩnh cửu của loài người.

Đó cũng là niềm sung sướng của Hội Thánh, bởi không chỉ trong ngày đổ máu của Chúa Kitô là ngày Hội Thánh đã được khai sinh, mà còn là ngày mà Hội Thánh sung sướng tiến vào cuộc sống mới của Thiên Chúa, được sống bằng chính sự sống của Thiên Chúa.

Càng suy niệm, chúng ta thấy nơi Thánh Giá, Chúa như tóm gọn cả một hành trình dài của con người đầy trắc trở, đầy mâu thuẫn, đầy xót xa, biến động. Và những gì diễn ra nơi Thánh Giá cũng như nơi cuộc đời con người vừa như tương tác lẫn nhau, vừa như hoàn toàn đối nghịch nhau.

Thánh Giá như tóm gọn hành trình của một kiếp người, như đang diễn tả toàn bộ mọi trạng thái của kiếp nhân sinh đang trải qua: Yêu thương và thù hận, thành công và thất bại, hy vọng và thất vọng, tin tưởng và sợ hãi, tự do và trói buộc, trung thành và phản bội, hạnh phúc và đau khổ, sự sống và giết chóc…

Đặc biệt, mỗi khi dừng lại ở từng chặng Đường Thánh Giá, Hội Thánh mời gọi mỗi người, không chỉ làm dấy lên trong tâm hồn một cảm xúc đối với cuộc khổ nạn, mà còn là ý thức hồng ân đã được lãnh nhận qua Đường Thương Khó, qua cây Thánh Giá của Chúa Giêsu, và qua đau khổ là mỗi cây thánh giá trong đời mỗi con người, để xây dựng thế giới tốt đẹp bằng cách mang tình yêu vào giữa lòng thế giới, làm cho con người được sống và sống dồi dào.

Chính vì sự liên quan mật thiết giữa Thánh Giá và những gì diễn ra trong đời người, cho ta hiểu rằng, cuộc sống hôm nay không tách rời Thánh Giá. Thánh Giá sẽ biến cuộc sống thành hoa quả ngày mai trong hạnh phúc vĩnh cửu. Bởi Thánh giá bao trùm trên cuộc sống hôm nay, nên ta tin tưởng, giá trị cuộc sống không là những thực tại trần gian nhưng là thực tại Nước Trời.

Chính nơi đó mới là quê hằng sống. Chính nơi đó mới là quê bình yên. Chính nơi đó mới là quê của niềm hy vọng. Chỉ có nơi quê Trời ấy, ta mới thực sự thoát ly bất trung và bội phản, oán ghét và thù hận.

Sẽ không bao giờ còn giết chóc, lừa lọc, gian dối. Sẽ tiêu tan hết những áp bức, những chà đạp, những độc ác… Và lúc đó, công lý được giương cao, hòa bình được trao tặng, sự thật được hoàn lại cho những ai đã từng bị cuộc sống hôm nay giày vò, ức hiếp.

Bởi đó là Nước mà lòng xót thương của Thiên Chúa ngự trị. Mọi người là anh chị em có Thiên Chúa là Cha chung. Nước mà giờ đây Thánh giá đã chiến thắng. Chúa Kitô sẽ giương cao ngọn cờ Thánh Giá như biểu tượng của một tình yêu tuyệt đỉnh, của một sự bình an không cùng mà chính Người đã đi qua cuộc đời này và nay trao lại cho chúng ta trong Nước hằng sống.

Cha Hoàng Kim để lại một bài Thánh Ca thường được hát trong Tuần Thánh, ai hát lên cũng thấy bàng hoàng xúc động:

“Thập giá ngất cao ở trên thế gian này

Ôi hỡi thập giá chúa Giêsu.

Từ nơi Thánh Tâm yêu thương Ngài,

Sông ơn thiêng khơi nguồn chan hòa,

Qua ngươi máu cứu độ chảy xuống nơi đây.

Ôi hỡi thập giá Chúa Kitô”. 

“Thập giá ngất cao ở trên thế gian này, ôi hỡi Thập Giá Chúa Giêsu !”. Vâng! thập giá ở đâu mà chẳng có. Mấy chữ “ngất cao ở trên thế gian” vừa như muốn nói lên chiều cao, vừa như cho thấy chiều rộng, vừa như là sự cao cả, quý giá, nhưng cũng nặng nề, lo sợ.

Và Giữa một rừng thập giá của kiếp nhân sinh, lại thấy nổi lên, lại thấy “ngất cao” cây Thánh Giá của Chúa chúng ta. Thánh Giá của Chúa ngất cao là để tỏa bóng, để lôi kéo, để đỡ nâng, để thánh hóa tất cả mọi cây thập giá đời.

Vâng! Thập giá lúc nào mà không có, không mời gọi. Dù run rẫy khi đón nhận, nhưng có ai thoát khỏi thập giá? Thập giá là một người bạn không ai chờ đợi, nhưng nó vẫn cứ đến, vẫn cứ đồng hành trên suốt chặng đường đời của mỗi con người.

Là Kitô hữu, chúng ta hạnh phúc, vì thập giá của chúng ta đong đầy ý nghĩa. Chúng ta biết, thập giá đời mình được tháp nhập, được lồng trong Thánh Giá Chúa Kitô. Thập giá đời dẫu có “ngất cao ở trên thế gian này”, thì mãi mãi vẫn còn đó Thánh Giá Chúa Kitô soi bóng, chiếu sáng ý nghĩa, lan tỏa hạnh phúc, như mặt trời soi vào từng ngõ ngách của trần thế.

Cây thập giá được Chúa Giêsu chọn để làm nơi phó dâng linh hồn trong tay Chúa Cha đã trở nên một báu vật của nhân loại và được gọi là Thánh Giá sau khi Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết và lên trời vinh hiển.

Thiên Chúa đã thánh hóa cây thâp tự: từ một dụng cụ độc ác tàn nhẫn của con người thành công cụ của tình yêu thương, tha thứ. Từ biểu tượng của sự chết đã trở thành biểu tượng giải thoát con người khỏi phải án chết đời đời. Từ sự ô nhục, điên rồ và ngu xuẩn trở nên chiến thắng vinh quang của Đức Kitô.

Người Kitô hữu luôn kính mến và tôn xưng cây thập giá đồng hành với Chúa Giêsu trên đường lên núi Sọ là Thánh Giá. Chúng ta thường đọc trước mỗi chặng đàng Thánh Giá: “Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Kitô, vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà chuộc tội cho thiên hạ”, thường làm dấu Thánh Giá trước khi cầu nguyện, thường ghi dấu Thánh Giá lên thân mình trước và sau khi dùng bữa, thường ghi dấu Thánh Giá trước bất cứ một nghĩa cử đạo đức nào…, chúng ta thực sự hãnh diện, vui mừng vì Thánh Giá vinh quang của Chúa Giêsu trong chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa:

Vinh quang của ta

Là Thánh Giá Đức Kitô

Nơi Ngài, ơn cứu độ của ta

Sức sống của ta

Phục sinh của ta

Nhờ Chúa ta được cứu độ

Nhờ Chúa ta được giải thoát. 

Vậy chúng ta hãy chạy đến với Chúa Giêsu vì chính Người là nguồn sức mạnh duy nhất có thể nâng đỡ và thêm sức cho chúng ta vác thập giá: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt. 1,28). 

Xin Chúa ngự trị và cùng vác thập giá với từng người hàng ngày. Nếu ta mang vác những gánh nặng, những trách nhiệm, những lo toan hàng ngày một mình thì sức nặng của cây thập giá đời mình sẽ càng nặng, càng đau đớn, càng u uất… Nhưng nếu ta ngã mình vào Thánh Giá Chúa Giêsu, xin Người đồng hành với, thập giá đời ta, vẫn là thập giá ấy thôi, vẫn nặng nề, vẫn khổ đau, vẫn u uất, sẽ được biến đổi thành những cây Thánh giá phúc, có tình yêu của Chúa, có ơn cứu độ của Chúa, có sức sức mạnh của Chúa, có sức sống phục sinh của Chúa.

Mãi mãi thập giá không nhẹ. Nhưng tình yêu Thánh Giá sẽ làm thập giá dễ chịu hơn, và chan đầy ý nghĩa.

Về mục lục

.

KHÁT TÌNH

Trầm Thiên Thu

BỬU HUYẾT GIÊSU TƯƠI MÀU CỨU ĐỘ

OAN KHIÊN THẾ GIỚI HÓA SẮC TINH TUYỀN

Có nhiều dạng khát – bao gồm cả nghĩa đen và nghĩa bóng, nhưng có lẽ mạnh mẽ và ray rứt nhất là dạng “khát tình”. Thật vậy, chính Chúa Giêsu cũng đã phải thốt lên trong những giây phút cuối cùng: “TÔI KHÁT!” (Ga 19:28) – khát cả thể lý lẫn tinh thần.

Tam Nhật Vượt Qua là “đỉnh cao” của Mùa Chay, còn gọi là Tam Nhật Thánh (Triduum). Trong đó, ngày Thứ Sáu Tuần Thánh là Ngày Đại Tang, là đỉnh cao của Ơn Cứu Độ, đặc biệt là Giờ Thứ Chín (tức 15 giờ), giờ của Lòng Chúa Thương Xót.

Khoảnh khắc hấp hối là “phút cuối” của một con người, là lúc lắng đọng và xúc động nhất đời người – dù người đó đáng yêu hay đáng ghét. Càng xúc động hơn khi thấy người hấp hối chịu đau nhức quằn quại từng cơn, có những người toát mồ hôi hột nhưng âm thầm chịu đựng, có những người phải la hét dữ dội. Phút cuối là khoảnh khắc ngắn ngủi, chỉ trong tích tắc, nhưng lại nặng nề trôi… Và phút cuối là lúc người ta bịn rịn nhất, cũng là lúc nói thật nhất của một con người.

Đối với Chúa Giêsu, Ngài có 2 bản tính: Thần tính và nhân tính. Và theo nhân tính, Ngài nên giống chúng ta mọi sự – trừ tội lỗi. Tất nhiên Ngài cũng rất đau đớn và rời rã vì kiệt sức do đòn roi, phải tự vác Thập giá lên đồi, té lên té xuống nhiều lần, chịu đói khát, bị những gai nhọn đâm thấu đầu, bị đinh ghim chặt chân tay và lưỡi đòng đâm thâu tim. Rất đau đớn, không thể tưởng tượng nổi, đến nỗi thân xác Ngài chảy ra đến giọt Máu và giọt Nước cuối cùng. Thật thê thảm!

CHIÊN CON HIỀN LÀNH

Chiên con là “cừu nhỏ” – chỉ 1 năm trở xuống, còn cừu là “chiên lớn” (hơn 1 năm trở lên). Chiên con không chỉ nhỏ bé, ngây thơ, mà còn hiền lành. Khi nói về Chiên Thiên Chúa, Đức Chúa đã mô tả: “Này đây, người tôi trung của Ta sẽ thành đạt, sẽ vươn cao, nổi bật, và được suy tôn đến tột cùng. Cũng như bao kẻ đã sửng sốt khi thấy tôi trung của Ta mặt mày tan nát chẳng ra người, không còn dáng vẻ người ta nữa” (Is 52:13-14 – Bài ca thứ tư về Người Tôi Trung). Mặc dù vậy, mọi người vẫn phải sửng sốt khi thế cờ đảo ngược hoàn toàn. Chính Người-Tôi-Trung đó làm cho “muôn dân phải sững sờ, vua chúa phải câm miệng” (Is 52:15). Người-Tôi-Trung đó là Đức Kitô, cũng chính là Người-Tôi-Tớ-Đau-Khổ, “như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, Ngài chẳng mở miệng kêu ca” (Is 53:6; Cv 8:32).

Ngày nay, chúng ta đã được biết về “hành trình đau khổ” của Chúa Giêsu, nhưng có lẽ khó mà cảm nhận hết mức đau khổ trong cuộc khổ nạn tang thương của Ngài, thậm chí có thể nghe nhiều năm đã quen tai nên cảm thấy… bình thường, và cũng cho đó là “chuyện nhỏ”. Có thể có người đặt vấn đề: “Điều chúng ta đã nghe, ai mà tin được?” (Is 53:1). Đúng là khó tin thật, thế nhưng đó lại là sự thật minh nhiên, không thể chối cãi!

Từ ngàn xưa, ngôn sứ Isaia mô tả: “Người tôi trung đã lớn lên tựa chồi cây trước Nhan Thánh, như khúc rễ trên đất khô cằn. Người chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn, dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích. Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật. Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn, bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới” (Is 53:2-3). Tuy nhiên, “chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta lại tưởng Ngài bị phạt, bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề” (Is 53:4). Thật là nghịch lý quá, có lẽ vì chúng ta ảo tưởng quá chăng?

Ngôn sứ Isaia đưa ra bảng đối chiếu và liệt kê rõ ràng: “Chính Ngài đã bị đâm VÌ chúng ta phạm tội, Ngài bị nghiền nát VÌ chúng ta lỗi lầm, Ngài đã chịu sửa trị ĐỂ chúng ta được bình an, Ngài đã phải mang thương tích ĐỂ chúng ta được chữa lành” (Is 53:5). Bốn “cặp đối” rất tuyệt vời, chứng tỏ Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Chắc chắn trí óc loài người chúng ta không thể tưởng tượng nổi có một Con Người lạ lùng như vậy. Nếu cuộc đời có ai gần giống như vậy thì ắt chúng ta cho là “dại dột”, là “ngu xuẩn”, là “điên khùng”, là “mất trí”, là “tâm thần”. Thiên Chúa thấy “tất cả chúng ta lạc lõng như chiên cừu, lang thang mỗi người một ngả”, nhưng Đức Chúa đã đổ tội lỗi của tất cả chúng ta lên đầu Người-Tôi-Trung kia. Người Ấy bị lũ-người-ghen-tị “ngược đãi mà vẫn cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, Người Ấy chẳng hề mở miệng” (Is 53:6). Người Ấy còn “bị ức hiếp, bị buộc tội, rồi bị thủ tiêu” (Is 53:8a). Thậm chí “Người Ấy còn bị khai trừ khỏi cõi nhân sinh”, và “vì tội lỗi của dân, Người Ấy bị đánh phạt” (Is 53:8b). Người Ấy bị hàm oan chỉ vì chúng ta quá khốn nạn!

Và cuối cùng, Người Ấy đã “bị chôn cất giữa bọn ác ôn, bị mai táng với người giàu có, dù đã chẳng làm chi tàn bạo và miệng không hề nói chuyện điêu ngoa” (Is 53:9). Nhưng đó là Thánh Ý nhiệm mầu của Thiên Chúa, để nhờ Người Ấy mà Ý Chúa được nên trọn. Thiên Chúa xác định: “Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ” (Is 53:11). Đức Giêsu đã “hiến thân chịu chết, đã bị liệt vào hàng tội nhân; nhưng thực ra Ngài đã mang lấy tội muôn người và can thiệp cho những kẻ tội lỗi” (Is 53:12). Trong “núi tội” đó có nhiều tội của mỗi chúng ta!

Qua miệng lưỡi của Thánh Vịnh gia, Người Ấy đã nói lời cuối của Con Người hấp hối: “Con ẩn náu bên Ngài, lạy Chúa, xin đừng để con phải tủi nhục bao giờ. Bởi vì Ngài công chính, xin giải thoát con. Trong tay Ngài, con xin phó thác hồn con, Ngài đã cứu chuộc con, lạy Chúa Trời thành tín” (Tv 31:2 & 6). Người Ấy tâm sự với Chúa về cuộc đời mình: “Con đã nên trò cười cho thù địch và cho cả hàng xóm láng giềng. Bạn bè thân thích đều kinh hãi, thấy con ngoài đường, ai cũng tránh xa. Bị lãng quên, như kẻ chết không người tưởng nhớ, con hoá thành đồ hư vất bỏ” (Tv 31:12-13). Là con người thì ai cũng cảm thấy cô đơn tột cùng khi ai cũng khinh ghét và bỏ rơi mình nên nói vậy thôi, nhưng vẫn tin tưởng vào Chúa, cho nên mới dám thân thưa: “Ngài là Thượng Đế của con. Số phận con ở trong tay ngài. Xin giải thoát con khỏi tay địch thủ, khỏi người bách hại con” (Tv 31:15-16).

Dù cho thế nào thì Người Ấy vẫn chấp nhận mọi thiệt thòi, vui chịu chứ không cam chịu, và thành tâm cầu khấn: “Xin toả ánh tôn nhan rạng ngời trên tôi tớ Ngài đây, và lấy tình thương mà cứu độ” (Tv 31:17), đồng thời mạnh dạn chia sẻ với những người khác như một lời khuyên: “Hỡi mọi người cậy trông vào Chúa, mạnh bạo lên, can đảm lên nào!” (Tv 31:25). Người Ấy đã nêu gương sáng cho chúng ta, vì chúng ta cũng phải nên giống Người Ấy: “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước” (Ga 15:18).

Lời minh định của Thánh Phaolô rất rạch ròi: “Chúng ta có một vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa” (Dt 4:14). Thánh Phaolô khuyên chúng ta hãy giữ vững lời tuyên xưng đức tin, và giải thích: “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Ngài đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội. Bởi thế, chúng ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần” (Dt 4:15-16). Trong tất cả các ân sủng, Lòng Chúa Thương Xót là hồng ân cao cả và kỳ lạ vô cùng! Chính Chúa Giêsu đã trải qua nỗi đau khổ tột cùng nên Ngài rất thương xót chúng ta, những con người còn phải đối mặt với đủ loại “khổ não trần ai” của kiếp này.

Lúc còn sinh thời của kiếp phàm nhân, Đức Giêsu cũng đã từng lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Ngài khỏi chết. Ngài đã được nhậm lời vì có lòng tôn kính. Vâng phục không là điều dễ, vì phàm nhân chúng ta đầy tự ái và kiêu sa, ngay cả Con Thiên Chúa cũng đã “phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 5:7). Thật không hề đơn giản chút nào khi phải miệt mài chịu đau khổ như vậy!

Tuy nhiên, chính lúc đó lại là lúc bản thân đạt tới mức thập toàn để rồi “Ngài trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Ngài” (Dt 5:9). Trước khi vinh quang và được coi là công trạng thì luôn phải trải qua chặng đường gian khổ. Đức Kitô cũng đã trải qua “chặng đàng Thánh Giá” và cái chết mới tới sự phục sinh vinh quang. Chúng ta không thể không “nhâm nhi chén đắng” để trải nghiệm đau khổ. Không có hạnh phúc nào không có đau khổ, thiếu vắng hy sinh. Chắc chắn không thể cứ tà tà mà được tận hưởng.

Thánh Gregorio Khandzta (759-861, người thành lập nhiều cộng đoàn tu trì tại Tao-Klarjeti, thuộc Tây Nam Georgia) đã tha thiết cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, Ngài đã BỊ CÁM DỖ và CHỊU ĐAU KHỔ. Ngài là Đấng quyền năng đã đến để CỨU GIÚP những người đang bị xiềng xích bởi ma qủy, vì Ngài luôn nâng đỡ những kẻ đi theo Ngài. Lạy Chúa, xin GÌN GIỮ những kẻ tin vào Danh Thánh Ngài trong cánh tay Ngài. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, mà ban niềm hoan lạc bất diệt”.

CHIÊN CON BỊ GIẾT

Trình thuật Phúc Âm hôm nay là tấn bi kịch, là bộ phim dài sầu thảm, Giáo Hội gọi là Bài Thương Khó, thuật lại đầy đủ cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Bi kịch thảm thiết như vậy mà lại gọi là Phúc Âm, là Tin Mừng, quả thật là điều kỳ diệu!

Chúng ta thường nói: “Dòi trong xương dòi ra”. Một trong 12 môn đệ “ruột” là Giuđa đã dùng nụ hôn để “chỉ điểm” mà bán rẻ Thầy mình với giá quá bèo. Người ta lục soát, tìm cách gài bẫy và đi bắt Chúa Giêsu như một tên côn đồ. Họ ghen tị và sợ Ngài tiếm ngôi, giành quyền lực, lấy mất “ghế”, thế nên họ làm mọi cách để hạ nhục Ngài đủ kiểu. Hàng ngày Ngài thường tụ họp với các môn đệ công khai mà họ không bắt, thế mà họ lại cấu kết với đám thuộc hạ của các thượng tế và nhóm Pharisêu để đi tìm bắt Ngài trong đêm tối, dùng vũ khí để đối với một người tay không và thân cô thế cô – vì các môn đệ bỏ trốn hết. Thật là tồi và hèn hạ!

Ngài hỏi: “Các anh tìm ai?”, thì họ đáp: “Tìm Giêsu Nadarét”. Ngài vừa nói “chính tôi đây”, thì họ lùi lại và ngã xuống đất. Ngoạn mục thật! Có lẽ lúc này Giuđa đắc chí nhất, vì có thể ông cũng rất tin rằng Thầy mình “ngon” lắm, quyền phép đầy mình, chúng chẳng làm gì được, mà ông lại có tiền tiêu xài. Thế nhưng Ngài không dùng thần quyền của Ngài vào chuyện không cần thiết. Đó là “cách lạ” của Ngài!

Ngài lại hỏi họ muốn tìm ai. Họ vẫn cương quyết là tìm Giêsu Nadarét, họ không hề thấy tởn chút nào. Lì thật! Đức Giêsu thản nhiên xác nhận: “Tôi đã bảo các anh là chính tôi đây. Vậy, nếu các anh tìm bắt tôi, thì hãy để cho những người này đi” (Ga 18:8). Ngài không muốn bất kỳ ai phải liên lụy vì Ngài. Nhưng điều đó ứng nghiệm lời Ngài đã nói: “Những người Cha đã ban cho con, con không để mất một ai” (Ga 18:9). Tính nóng hơn Trương Phi, ông Simôn Phêrô bèn tuốt gươm ra, nhằm người đầy tớ vị thượng tế mà “chơi” một phát đứt tai phải của Man-khô. Một đường gươm tuyệt hảo y như xiếc! Thấy vậy, Đức Giêsu bảo ông Phêrô: “Hãy xỏ gươm vào bao. Chén mà Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống?” (Ga 18:11). Nghe vậy chưa chắc ai hiểu ý Ngài nói.

Cơn tức giận dâng cao, nỗi hận thù đầy ắp, họ liền bắt trói Ngài lại, rồi điệu Ngài đến ông Kha-nan – nhạc phụ ông Cai-pha. Năm đó ông Cai-pha làm thượng tế. Chính ông này đã nói với người Do Thái một đề nghị tồi tệ: “Nên để một người chết thay cho dân thì hơn” (Ga 18:14). Nghe chừng nhân đạo nhưng lại vô cùng thâm độc. Lúc đó có ông Simôn Phêrô và người môn đệ khác (tức Gioan) đi theo Đức Giêsu. Gioan quen biết vị thượng tế nên được vào sân trong của tư dinh của thượng tế. Còn ông Phêrô phải đứng ở phía ngoài, gần cổng. Gioan ra nói với chị giữ cổng, rồi dẫn ông Phêrô vào. Gioan cũng “oai” thật, quen biết có khác!

Thế nhưng vấn đề là người tớ gái giữ cổng nhận ra ông Phêrô “thuộc nhóm của Chúa Giêsu” nên ông chối ngay: “Không phải đâu!”. Và ông chối phắt bất kỳ ai nhận ra ông, tổng cộng 3 lần trước khi gà gáy. Với bản tính nhân loại nên ông rất sợ, sợ đến nỗi phát run ngay cả với mấy phụ nữ chân yếu tay mềm. Thật tội nghiệp! Ông Phêrô nóng tính, thẳng như ruột ngựa, nhưng cũng rất yếu đuối. Đó là “biểu tượng” của chúng ta ngày nay. Buồn thế đấy!

Tuy Chúa Giêsu bị bắt, bị trói, bị đánh đập, bị tra xét, bị hành hạ,… nhưng Ngài vẫn thản nhiên và không nói chi cả, không tự biện minh cho mình là đúng, cũng chẳng một lời kêu oan hoặc oán trách. Chiên Con hiền lành lắm!

Mãi tới lúc bị tra hỏi về các môn đệ và giáo huấn – nghĩa là liên quan người khác, Ngài mới trả lời: “Tôi đã nói công khai trước mặt thiên hạ; tôi hằng giảng dạy trong hội đường và tại Đền Thờ, nơi mọi người Do Thái tụ họp. Tôi không hề nói điều gì lén lút. Sao ông lại hỏi tôi? Điều tôi đã nói, xin cứ hỏi những người đã nghe tôi. Chính họ biết tôi đã nói gì” (Ga 18:19-21). Ngài vừa dứt lời thì một tên trong nhóm thuộc hạ vả vào mặt Ngài: “Anh trả lời vị thượng tế như thế ư?” (Ga 18:22). Hỗn láo và ngang ngược thật! Ngày nay người ta cũng hống hách kiểu như vậy khi đối xử với đồng loại. Mặc dù bị xử tệ, Ngài vẫn thản nhiên lý luận: “Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi?” (Ga 18:23). Cách đối đáp và lý luận của Chúa Giêsu tuyệt vời quá. Và tất nhiên họ phải câm họng thôi!

Sau đó, ông Kha-nan cho giải Ngài đến thượng tế Cai-pha, Ngài vẫn bị trói. Lúc đó trời vừa sáng. Họ không vào dinh vì sợ bị nhiễm uế mà không ăn lễ Vượt Qua được. Họ chỉ lo giữ bề ngoài mà không chú trọng bề trong. Đó là một dạng động thái giả hình. Tổng trấn Philatô ra ngoài gặp họ và hỏi xem họ tố cáo Chúa Giêsu về tội gì, nhưng họ đáp: “Nếu ông này không làm điều ác, thì chúng tôi đã chẳng đem nộp cho quan” (Ga 18:30). Họ cố chấp và cố tình không thèm nhận những hành động tốt của Chúa Giêsu. Trước áp lực của dân, ông Philatô hỏi Chúa Giêsu: “Ông có phải là vua dân Do Thái không?”. Đức Giêsu không trả lời đúng hay sai, mà bình thản nói: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do Thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này” (Ga 18:36). Ui da, thế mà lão Philatô vẫn không hiểu ất giáp chi cả, mà còn hỏi: “Vậy ông là vua sao?”. Đức Giêsu ôn tồn: “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích là làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18:37). Ông Philatô tỏ ra ngớ ngẩn nên hỏi: “Sự thật là gì?” (Ga 18:38). Đúng là “dốt đặc cán mai” mà!

Vào dịp lễ Vượt Qua và theo tục lệ Do Thái, người ta thường ân xá cho một tội nhân. Ông Philatô hỏi họ muốn tha Chúa Giêsu hay không, họ liền la to: “Đừng tha nó, nhưng xin tha Baraba!” (Ga 18:40). Baraba là một tên cướp khét tiếng, vậy mà họ còn thương và quý hơn là Chúa Giêsu – dù chính Philatô hai lần xác định là Chúa Giêsu “không có tội gì” (Lc 23:4 và 22).

Và rồi Philatô truyền đem Ngài đi mà đánh đòn. Họ chụp lên đầu Ngài một vòng gai và khoác cho Người một áo choàng đỏ, rồi mỉa mai: “Kính chào Vua dân Do Thái!”, và vả vào mặt Ngài. Như vậy, nhân vị của Ngài bị khinh miệt, nhân phẩm của Ngài bị chà đạp, và nhân quyền của Ngài cũng bị tước đoạt. Ông Philatô dẫn Chúa Giêsu ra ngoài để đám đông thấy Ngài không còn hình tượng một con người mà thương. Nhưng vừa thấy Ngài, các thượng tế cùng các thuộc hạ liền kêu lên rằng: “Đóng đinh nó vào thập giá!” (Ga 19:6). Một lần nữa, ông Philatô lại khiếp nhược nên bảo họ: “Các người cứ đem ông này đi mà đóng đinh vào thập giá, vì phần ta, ta không tìm thấy lý do để kết tội ông ấy” (Ga 19:6). Một người nắm quyền trong tay và biết rõ bị cáo không có tội mà vẫn không dám tha, thì quả là bất tài, vô dụng, ích kỷ, chỉ lo giữ “cái ghế” của mình, chỉ muốn lợi cho mình mà chà đạp người khác. Đó là một dạng bóc lột, không tôn trọng công lý. Vậy người đó có đáng được tôn trọng? Người nắm quyền lực mà không đề cao nhân vị, nhân phẩm và nhân quyền, không lấy dân làm gốc, làm sao quốc thái dân an?

Dù ai nói gì thì nói, Chúa Giêsu vẫn im lặng. Ngài biết rằng có nói cũng vô ích, chỉ như nước đổ lá môn, không bằng nói với đầu gối. Sau khi tòa tuyên án, bị cáo nào cũng có quyền kháng cáo, nhưng “bị cáo” Giêsu lại không có quyền tối thiểu đó. Bất nhân quá! Nhân quyền của Ngài hoàn toàn bị tước đoạt. Nhưng Ngài nói thẳng với ông Philatô: “Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho ngài. Vì thế, kẻ nộp tôi cho ngài thì mắc tội nặng hơn” (Ga 19:11). Nghe vậy, ông Philatô cũng thấy “nổi gai óc” nên tìm cách tha Ngài, nhưng ông vẫn không dám quyết định theo quyền hạn của mình vì áp lực dân chúng. Cách xử sự hèn nhát của Philatô cũng chính là động thái hèn hạ của chúng ta ngày nay đối với tha nhân.

Cuối cùng, ông Philatô đành cho thi hành án tử đối với Chúa Giêsu. Họ bắt Ngài tự vác Thập giá lên đồi Gôn-gô-tha, nghĩa là Cái Sọ – cũng gọi là Đồi Sọ, Can-vê, nơi xử tử các tội nhân. Đồng án tử với Ngài có hai người khác nữa, hai người hai bên Chúa Giêsu. Tấm bảng ghi “Giêsu Nadarét, Vua dân Do Thái” treo phía trên đầu Ngài, được viết bằng 3 ngôn ngữ: Hípri, La Tinh và Hy Lạp. Các thượng tế không đồng ý gọi Chúa Giêsu là “Vua dân Do Thái”, nhưng ông Philatô nói: “Ta viết sao, cứ để vậy!” (Ga 19:22). Tấm bảng đó nhằm mỉa mai nhưng chính nó lại là lời xác nhận công khai rằng “Chúa Giêsu là Vua dân Do Thái”. Lão Philatô chỉ lăm le với người dưới quyền chứ không dám “nói mạnh” với đám đông nổi loạn, dù họ chỉ là đám dân đen. Hèn!

Đóng đinh Đức Giêsu vào thập giá xong, họ chia chác quần áo của Ngài. Họ muốn chế nhạo Ngài chứ có gì đáng giá đâu! Lúc đó, Chúa Giêsu bắt đầu kiệt sức. Ngài trối Đức Mẹ cho Gioan và trao Gioan cho Đức Mẹ. Đức Giêsu biết là mọi sự đã hoàn tất. Mất máu nhiều nên Ngài nói: “Tôi khát!” (Ga 19:28). Nhưng người ta lại nỡ lấy miếng bọt biển thấm giấm chua mà cho Ngài giải khát. Nhắp xong, Đức Giêsu nói: “Tetelestai! Mọi sự đã hoàn tất!” (Ga 19:30). Rồi Ngài gục đầu xuống và dâng trao Thần Khí. Tang thương bao trùm, đất trời rung động!

Sự kiện bi thương hôm nay là “nghi lễ của mọi nghi lễ”, là “hiến lễ của mọi hiến lễ”, là “thánh lễ của mọi thánh lễ”. Vì thế Giáo Hội không cử hành thánh lễ hôm nay mà chỉ có phụng vụ Lời Chúa, tôn kính Thánh giá và rước lễ.

Thiên Tình Giêsu là “tình cho không biếu không”, nhưng chúng ta thường có khuynh hướng “tội nghiệp” Chúa Giêsu hơn là tội nghiệp chính mình. Thật vậy, khi Chúa Giêsu thấy có nhiều phụ nữ, vừa đấm ngực vừa than khóc, trong đám đông đi xem Ngài lên đồi chịu xử tử, chính Ngài đã quay lại và nói: “Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu” (Lc 23:28). Chính chúng ta mới là những kẻ đáng phải khóc thương!

Và có một điểm khác mà chúng ta cần lưu ý là “tính a dua”, như người ta thường nói: “Người ta làm sao thì tôi làm vậy, người ta làm bậy thì tôi… làm theo”. Kiểu này rất nguy hiểm, vì đó là lối sống quá tiêu cực, không có lập trường, mạnh đâu âu đó. Cần chấn chỉnh và cần can đảm là chính mình, đặc biệt là phải biết khát và nhận ra cơn khát của người khác để cố gắng giúp họ thỏa cơn khát!

Lạy Thiên Chúa giàu lòng thương xót, chính con là kẻ khốn nạn mà vẫn tưởng mình tốt lành hơn người khác, con đã hèn nhát khi a dua và đồng lõa với cái ác mà cứ tưởng mình chân chính hơn người khác. Hôm nay, con chân thành nhận lỗi, xin lỗi Ngài và xin lỗi mọi người. Xin Ngài thương xót con mà đại lượng ban cho con được hưởng nhờ Ơn Cứu Độ của Con Yêu Dấu của Ngài. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ duy nhất của nhân loại. Amen.

Về mục lục

.