Can đảm mạnh mẽ sống niềm tin và hy vọng nơi cuộc sống vĩnh cửu

118
Can đảm mạnh mẽ sống niềm tin và hy vọng nơi cuộc sống vĩnh cửu

Khi đến thăm các nghĩa trang để cầu nguyện cho những người đã chết với lòng yêu thương trìu mến, chúng ta được mời gọi can đảm mạnh mẽ canh tân niềm tin của chúng ta nơi cuộc sống vĩnh cửu, sống niềm hy vọng cao cả và làm chứng cho niềm hy vọng đó trước thế giới: đàng sau hiện tại không có sự hư vô, nhưng có cuộc sống vĩnh cửu.

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã khẳng định như trên trong buổi tiếp kiến chung 8.000 tín hữu hành hương tại Đại Thính đường Phaolô VI trong nội thành Vatican sáng thứ tư 2-11-2011.

Nhân ngày lễ kính Các Đẳng Linh Hồn, trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha đã gợi lên vài tư tưởng liên quan tới cái chết và cuộc sống mai sau. Ngài nói: Đối với Kitô hữu cái chết được soi sáng bởi sự phục sinh của Chúa Kitô, và ngày lễ kính các đẳng linh hồn là dịp để họ canh tân niềm tin nơi cuộc sống vĩnh cửu.

Trong các ngày của tháng 11 cầu nguyện cho các đẳng linh hồn tín hữu có thói quen đến nghĩa trang viếng mộ các người thân và bạn bè để bày tỏ lòng thương mến đối với họ, để cảm thấy họ vẫn còn gần gũi và qua đó nhớ lại một tín điều của Kinh Tin Kính: đó là trong sự hiệp thông của các thánh có một mối dây nối kết những người còn đang lữ hành trên trần gian này và biết bao nhiêu anh chị em đã đạt cuộc sống vĩnh cửu.

Con người đã luôn luôn lo lắng cho các người đã chết, và tìm cách cho họ một cuộc sống thứ hai qua sự chú ý, chăm nom và lòng thương mến. Trong một nghĩa nào đó, người ta muốn duy trì kinh nghiệm sống của họ, họ đã sống thế nào, đã yêu thích những gì, đã sợ hãi những gì, đã hy vọng những gì đã ghét bỏ những gì, chúng ta có thể khám phá ra từ các ngôi mộ đầy các kỷ niệm ấy. Chúng như là một tấm gương phản ánh thế giới của những người đã chết.

Tại sao vậy? Bởi vì mặc dù cái chết thường là một đề tài cấm kỵ trong xã hội của chúng ta, và người ta thường liên tục cố ý lấy khỏi tâm trí chúng ta ý tưởng về cái chết, cái chết liên quan tới từng người trong chúng ta, liên quan tới con người thuộc mọi thời đại và mọi nơi chốn. Chính trước mầu nhiệm ấy mà tất cả chúng ta tìm kiếm một cái gì đó mời gọi chúng ta hy vọng, cả khi một cách vô thức, một dấu chỉ trao ban ủi an cho chúng ta, mở ra một chân trời nào đó, cống hiến một tương lai nào đó. Thật ra, con đường của cái chết là một con đường của niềm hy vọng, và bước đi trong các nghĩa trang cũng như đọc những gì viết trên các nấm mộ là bước đi trên một con đường được ghi dấu bởi niềm hy vọng của sự vĩnh cửu. Thế nhưng tại sao chúng ta lại cảm thấy sợ hãi trước cái chết?

Đức Thánh Cha trả lời như sau: Có nhiều câu trả lời: chúng ta sợ hãi trước cái chết, bởi vì chúng ta sợ hãi sự hư vô, sợ hãi cuộc ra đi về một nơi mà chúng ta không hiểu và không quen hiết. Và khi đó trong chúng ta có ý thức khước từ, bởi vì chúng ta không thể chấp nhận rằng những gì là xinh đẹp và cao cả đã được thực hiện trong toàn cuộc sống bất thình lình bị xoá bỏ và rơi vào vực thẳm hư không. Nhất là chúng ta cảm thấy mình không thể chấp nhận việc tình yêu và đòi hỏi sự vĩnh cửu bị huỷ diệt bởi cái chết trong một chốc lát.

Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: Chúng ta còn sợ hãi trước cái chết, bởi vì khi ở vào cuối cuộc sống, chúng ta trực giác được sự phán xử đối với các hành động của chúng ta, đối với cung cách sống của chúng ta, nhất là những điểm tối, mà với sự khéo léo chúng ta thường lấy đi hay tìm cách lấy đi khỏi lương tâm chúng ta. Chính vấn đề đề phán xử thường được hiểu ngầm dưới việc săn sóc của con người thuộc mọi thời đại đối với người chết, dưới sự chú ý đối với những người đã có ý nghĩa đối với họ nhưng lại không còn bước đi bên cạnh họ trên con đường đời sống ở trần gian này nữa. Trong một nghĩa nào đó, các cử chỉ âu yếm, yêu thương bao bọc người chết là một kiểu che chở họ trong xác tín rằng chúng có hiệu quả đối với sự phán xử. Điều này chúng ta có thể nhận ra trong đa số các nền văn hoá làm thành đặc tính lịch sử con người.

Ngày nay bề ngoài, xem ra thế giới đã trở thành lý sự hơn, hay đúng hơn có khuynh hướng phổ biến cho rằng mọi thực tại đều phải được đương đầu với các tiêu chuẩn của khoa học thực nghiệm; và kể cả cái chết cũng không phải trả lời bằng đức tin mà khởi đi từ các hiểu biết thực nghiệm. Nhưng người ta lại không chú ý đủ rằng chính trong cách này mà sau cùng con người rơi vào các hình thái của thuyết thần thông học, trong việc tìm tiếp xúc với thế giới bên kia cái chết, hầu như bằng cách tưởng tượng ra là có một thực tại, sau cùng là một bản sao của cuộc sống hiên nay.

Tiếp đến, Đức Thánh Cha xác định ý nghĩa của Lễ Các Thánh Nam Nữ và Lễ Các Đẳng Linh Hồn như sau: Các bạn thân mến, Lễ Các Thánh và Lễ Tưởng niệm mọi tín hữu đã qua đời nói với chúng ta rằng chỉ có những ai thừa nhận một niềm hy vọng lớn lao trong cái chết mới có thể sống một cuộc sống bắt đầu bằng sự hy vọng. Nếu chúng ta chỉ giản lược con người vào chiều kích hàng ngang, vào điều chúng ta có thể trực giác được bằng cảm nghiệm, thì chính cuộc sống sẽ mất đi ý nghĩa sâu xa của nó. Con người cần sự vĩnh cửu, và mỗi một niềm hy vọng khác đối với nó đều quá ngắn ngủi, đều quá hạn hẹp… Chỉ có thể giải thích được con người, nếu có một Tình Yêu vượt ngoài mọi sự cô đơn, kể cả sự cô đơn của cái chết, trong một sự toàn vẹn vượt ngoài không gian và thời gian. Con người chỉ có thể giải thích được và tìm thấy ý nghĩa sâu thẳm của nó nếu có Thiên Chúa. Và chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã ra khỏi sự xa cách của Người để đến gần chúng ta; Người đã bước vào cuộc sống chúng ta và nói với chúng ta: “Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin nơi Ta thì cả khi chết cũng sẽ sống; ai sống và tin nơi Ta sẽ không phải chết đời đời” (Ga 11,25-26).

Đức Thánh Cha nói thêm: Chúng ta hãy nghĩ tới cảnh trên Núi Sọ và nghe lại các lời Chúa Giêsu, từ trên Thập Giá, nói với người tội phạm bị đóng đinh bên phải Người: “Tôi bảo thật anh: hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng” (Lc 23,43). Chúng ta hãy nghĩ tới các môn đệ trên đường về làng Emmaus, sau khi đi một đoạn đường dài với Chúa Giêsu Phục Sinh, họ nhận ra Người và mau mắn trở về Giêrusalem để loan báo sự Phục sinh của Chúa (x. Lc 24,13-35). Trong tâm trí họ vẳng lên rõ ràng lời của Thầy: “Các con đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ; nếu không Thầy đã không bao giờ nói với các con: “Thầy đi dọn chỗ cho các con” (Ga 14,1-2).

Thiên Chúa đã thực sự tỏ hiện ra và có thể đạt tới được; Người đã yêu thương thế gian “đến độ ban Con Một mình, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Và trong cử chỉ tuyệt đỉnh của tình yêu của Thập Giá, bằng cách dìm mình trong vực thẳm của sự chết, Người đã thắng cái chết và sống lại Người cũng đã mở cho chúng ta cánh cửa của sự vĩnh cửu. Chúa Kitô nâng đỡ chúng ta vượt qua đêm đen của cái chết mà chính Người đã đi qua; Người là Mục Tử, và chúng ta có thể tin cậy nơi sự dẫn dắt của Người mà không sợ hãi, bởi vì Người biết rõ đường đi, cả khi phải qua tăm tối.

Mỗi Chúa Nhật, khi đọc Kinh Tin Kính, chúng ta tái khẳng định chân lý này. Và khi đến thăm các nghĩa trang để cầu nguyện cho những người đã chết với lòng yêu thương trìu mến, một lần nữa chúng ta được mời gọi can đảm, mạnh mẽ canh tân niềm tin của chúng ta nơi cuộc sống vĩnh cửu, và còn hơn thế nữa, chúng ta được mời gọi sống với niềm hy vọng cao cả và làm chứng cho niềm hy vọng đó trước thế giới: đàng sau hiện tại không có sự hư vô. Và chính niềm tin nơi cuộc sống vĩnh cửu trao ban cho người Kitô hữu sự can đảm yêu thương trái đất này một cách mạnh mẽ hơn nữa, và làm việc để xây dựng một tương lai, và trao ban cho trái đất một niềm hy vọng chắc chắn, đích thực.

Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan và Ý, rồi ngài cất kinh Lạy Cha và ban phép lành Toà Thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Nguồn: RV