Bài suy niệm tháng 11/2011 – Đời Thánh hiến: Chốn thần thiêng của tình hiệp thông Ba Ngôi

192

BÀI SUY NIỆM

Tháng 11/2011

***

 

ĐỜI THÁNH HIẾN: CHỐN THẦN THIÊNG

CỦA TÌNH HIỆP THÔNG BA NGÔI

 

Cộng đoàn chúng ta “không sinh ra bởi ý muốn của xác thịt hoặc máu huyết”, không phát sinh bởi thiện cảm hoặc do những nguyên nhân loài người, nhưng “sinh bởi Thiên Chúa” (Ga 1,13), do ơn gọi thần thiêng, và do sự cuốn hút từ Thiên Chúa. Do đó, cộng đoàn chúng ta là dấu chỉ sống động về sự ưu việt của tình yêu Thiên Chúa vốn thực hiện những việc diệu kỳ và là dấu chỉ về tình yêu đối với Thiên Chúa và anh em, như Chúa Giêsu xưa đã tỏ ra và thực thi khi còn tại thế.

Khi còn tại thế, Chúa Giêsu kêu gọi những ai Người muốn giữ lại bên mình và chuẩn bị cho họ theo gương Người, sống cho Chúa Cha và cho sứ mệnh Người đã lãnh nhận (x. Mc 3,13-15). Như vậy, Người tạo ra gia đình mới, là gia đình sẽ quy tụ những ai sẵn sàng “thi hành ý muốn của Thiên Chúa” (x. Mc 3,32-35). Theo dòng thời gian, sau khi Đức Giêsu lên trời, nhờ ân ban Thánh Thần, các tông đồ tạo lập nên một cộng đoàn huynh đệ quy tụ lại để ca ngợi Thiên Chúa và sống kinh nghiệm hiệp thông cụ thể (x. Cv 2,42-47 ; 4,32-35). Hơn nữa, đời sống của cộng đoàn này có kinh nghiệm của nhóm Mười Hai, chia sẻ mọi sự với Đức Kitô, luôn luôn là bản mẫu điển hình tạo cảm hứng cho Giáo Hội mỗi khi Giáo Hội muốn sống với lòng sốt sắng của thời gian nguyên thủy và kín múc thêm sức lực Tin Mừng cho cuộc hành trình xuyên suốt lịch sử (ĐSTH 41).

Dựa trên những lời ấy, cộng đoàn chúng ta là một gia đình do chính Đức Kitô khởi xướng. Giống như Giáo Hội là gia đình, ảnh mẫu của Ba Ngôi, thì cộng đoàn, Giáo Hội tại gia cũng sống như những gia đình liên kết bằng sợi dây ân sủng và tình yêu. Họ trở nên người nhà của Thiên Chúa (x. Ep 2,19). Chúng ta là người nhà với nhau, vun trồng và chăm lo cho tình bạn thiêng liêng chân thật. Tình gia đình rộng mở cho tình bạn thiêng liêng, hỗ trợ cho việc tăng trưởng cộng đoàn trong một bầu khí mến thương và niềm cảm thông tích cực.

Cần phải chăm sóc tâm tư tình cảm cộng đoàn, bàn thảo tất cả những gì mình phát giác nghịch với tinh thần cộng đoàn. Quả thực, cộng đoàn không thể là phương tiện cho ta lạm dụng để phát huy sự trọn lành cá nhân. Sâu xa hơn nữa, cộng đoàn là tham gia và làm chứng về Giáo Hội Mầu Nhiệm vì nó diễn tả sống động và ưu tiên thể hiện tình hiệp thông độc đáo của mình, tình hiệp thông vĩ đại của Ba Ngôi mà Chúa Cha muốn chúng ta tham dự trong Chúa Con và Thánh Thần.

Trong thực tế, Giáo Hội chủ yếu là mầu nhiệm hiệp thông, “dân tộc được hiệp nhất nhờ sự đoàn kết giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Đời sống huynh đệ nhắm phản ánh chiều sâu và sự phong phú của mầu nhiệm này. Tạo ra nơi chốn cho con người sống, và có Thiên Chúa Ba Ngôi cư ngụ, như thế là tiếp tục đưa vào thời gian những ân huệ hiệp thông mà chỉ duy Ba Ngôi Thiên Chúa mới có. Trong đời sống Giáo Hội, hẳn là có nhiều cơ chế và hình thức diễn tả tình hiệp thông huynh đệ. Đời huynh đệ là một cách tuyên xưng Thiên Chúa, và đời thánh hiến chắc có công duy trì nếp sống huynh đệ trong Giáo Hội khi thường xuyên cổ võ tình yêu huynh đệ, nhất là dưới dạng thức đời sống chung, đời sống thánh hiến cho thấy rằng việc tham dự vào tình hiệp thông Ba Ngôi có thể thay đổi những tương quan nhân loại, và tạo ra một kiểu mới cho tình liên đới. Do cách này, đời thánh hiến làm cho loài người thấy được vẻ đẹp của tình hiệp thông huynh đệ và có các nẻo đường cụ thể đưa tới đó. Quả thế, những con người được thánh hiến sống cho Thiên Chúa và sống nhờ Thiên Chúa. Chính vì thế, họ có thể tuyên xưng quyền năng tác động hòa giải của ân sủng. Đó là tiêu diệt các lực lượng gây chia rẽ, hiện có trong trái tim con người và trong những tương quan xã hội (ĐSTH 41). 

Nếu cộng đoàn là mầu nhiệm hiệp thông của Giáo Hội và nơi chốn thần thiêng nhân loại dành cho Ba Ngôi cư ngụ, thì tất nhiên phải đặt người được thánh hiến trong một tư thế đạo đức rất sâu xa. Chúng ta tiến vào cộng đoàn với một tâm thức đức tin chân chính. Theo lời Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II nói, chúng ta cần ý thức rằng lời chứng của cộng đoàn là lời “tuyên xưng Ba Ngôi Thiên Chúa”. Cần chăm sóc nét đẹp của cộng đoàn, gây ấn tượng tốt cho xã hội cũng như cho những con người Chúa sai chúng ta tới, để họ có thể bằng lòng chung sống với chúng ta, nếu muốn trở thành dấu chỉ ngôn sứ cụ thể về hành vi tuyên xưng Ba Ngôi cũng như về tình hiệp thông Giáo Hội.

Điều đó có nghĩa là sống trong cộng đoàn của mình bằng chính cảm thức về gia đình theo mẫu mực của nhà Nadarét, và nhà Bêtania, của nhóm môn đệ đặc tuyển, vốn kiên quyết ở với Thầy mình và của cộng đoàn Kitô giáo tiên khởi. Nhờ những mẫu gương gia đình này, cộng đoàn là nơi cho phép vui hưởng sự hiện diện của Đức Kitô. Đó là lý do tại sao chúng ta tìm thấy ngay trong cộng đoàn khả năng đáp ứng khát vọng thâm sâu của cõi lòng, đáp ứng những nhu cầu tận hiến và đón nhận, thích hợp với việc thể hiện nhân cách của chúng ta.

Cầu nguyện chung đóng vai trò căn bản trong việc làm tăng trưởng cộng đoàn vì từ hành vi chiêm ngắm mầu nhiệm Thiên Chúa Tam Vị Nhất Thể. Do ngưỡng mộ sự hiện diện của Thiên Chúa, chúng ta thấy Ngài hoạt động liên tục, cả trong những giây phút có ý nghĩa nhất trong gia đình tu trì cũng như trong những thực tại thấp hèn thường nhật của cộng đoàn, chúng ta học biết cách vui vẻ sống chung, và cách ngừơi nọ hiến dâng cho người kia. Hiệp nhất với nhau trong Thánh Thể, chúng ta trở nên Thân Mình Chúa Kitô mỗi lúc một sống động và khả giác của Chúa Kitô, được sinh động bởi Thánh Thần, và tiến về cùng Chúa Cha.

Để trở thành chốn cư ngụ thần thiêng cho tình hiệp thông Ba Ngôi, theo lời Đức Thánh Cha nói, cần phải cố gắng thực sự và cụ thể, để tình hiệp thông rõ rệt là mỗi người lo cho nhau, vui sống và thứ tha cho nhau. Như vậy, cộng đoàn sẽ biểu lộ dấu chỉ sáng ngời về Giêrusalem Mới sau này.

Gợi ý: Theo tinh thần Hiến Chương, điều 45, chị em có yêu mến cộng đoàn mà mình đang là thành viên, đem hết sức lực xây dựng sự hiệp nhất cộng đoàn đó như gia đình của mình, và nghĩ tới trách nhiệm của mình đối với cộng đoàn trước khi đòi hỏi các quyền lợi không?

 

Sr. Anna Hoàng Mai

MTG. Thủ Đức