Hòn Tre – Nhịp Chậm Con Tim

76

Mười ngày sống nơi Hòn Tre, thuộc quần đảo Hà Tiên, đã để lại trong tôi những trải nghiệm độc đáo và ý nghĩa. Quần đảo Hà Tiên qua những lời kể nay đã hiển hiện trước mắt tôi với những nơi chốn, những con người cụ thể nhưng có lẽ cũng khác xưa nhiều rồi.

Đời sống nơi Hòn Tre đã đi lên, hòa nhịp với sự phát triển của xã hội. Có khác chăng là người dân ở đây không buông mình theo nhịp sống ồn ào, vội vã như ở những nơi khác, họ sống từng “nhịp chậm”. Ở đây, 7 giờ chưa phải là sáng và 23 giờ mới được tính là đêm. Nhịp sống tựa hồ tiếng thở đều đều của từng cơn sóng vỗ bờ, êm êm như nếp sống của những người dân nơi này khiến tôi có cảm tưởng mặt trời lên trễ hơn và xuống chậm hơn.

Bảy chị em chúng tôi đặt chân đến đất đảo vào những ngày cuối đông với danh nghĩa đi “tông đồ” nhân dịp chuẩn bị mừng Chúa Giáng Sinh, thế nhưng khi nhìn lại những ngày qua thì cái chúng tôi nhận được lớn hơn cái chúng tôi trao đi. Quần đảo Hà Tiên là tên gọi chúng tôi được biết đến khi đến đây, còn trước đó chúng tôi chỉ đơn giản gọi đó là đảo Hải Tặc. Hải Tặc chỉ là quá khứ, môt tên gọi gói gọn một giai đoạn lịch sử. Ngày nay nơi này chỉ có những con người hiền hòa, chất phác với những dãy nhà chạy dọc bờ biển.

Nếu đứng trên tàu, nhìn về phía Hòn Tre, người ta dễ dàng nhận thấy ngôi Thánh Đường đang được xây dựng, sừng sững như muốn thách thức những cơn gió cuối đông. Lần đầu tiên tôi có cảm nhận về cái lạnh nơi biển đảo, không phải cái lạnh của khí trời, nhưng là cái lạnh của những cơn gió lùa khiến khắp người tôi khô mốc. Sau những ngày gió lạnh lại là những buổi nắng bỏng rát, đây cũng là lúc chúng tôi nhận được tin bão Tembin sắp đến. Lo thì cũng có lo nhưng điều tôi nhận thấy nơi ánh mắt, nụ cười của ông Hai, Dì Mười, Dì Năm,…một sự bình an đến lạ! Điều đó làm tôi nhớ lại những câu chuyện từng được nghe kể, phần lớn là những chuyện vui, và nhất là niềm xác tín của họ về Thiên Chúa yêu thương quan phòng.

Cuộc sống nơi đảo Hải Tặc không vồn vã mà cũng chẳng có điều gì khiến người ta quá bận tâm, nhưng không hiểu sao tôi vẫn thấy nơi những con người mà tôi gặp gỡ một nỗi thao thức không ngơi. Một đời sống đạo còn chút nhạt nhòa, đang chờ một giải pháp. Dường như đất đảo không thiếu người, nhưng đất đảo lại cần lắm những con người đến và ở lại để giúp người dân nơi đây thêm lòng tin vào Thiên Chúa và tình yêu nơi cuộc sống này.

Mười ngày, một khoảng thời gian không dài, nhưng có lẽ đủ để tôi cảm thấu nỗi niềm của nhà thơ Chế Lan Viên:

Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”.

Hòn Tre, cái tên lạ đã hóa thân thương, tiếng sóng vỗ bờ giờ đây đi vào những giấc ngủ của tôi, và hình ảnh người dân nơi này đã đi vào lời cầu nguyện mỗi ngày của tôi.

Cuộc sống ngày nay quá vội vã, người tu sĩ nếu không tỉnh thức cũng sẽ bị cuốn trôi theo dòng chảy ấy, thế nhưng từ nay, mỗi khi nhớ về Hòn Tre tôi sẽ nhủ lòng dừng lại một chút để học lấy “nhịp chậm của con tim”. Chậm lại để thấy mình là ai, đâu là hướng phải đi và đâu là đích cần hướng tới. Giờ đây, xin được nói lên tiếng nói của lòng tôi: “Cám ơn nhé, Hòn Tre yêu dấu!”.

Nữ tu Hồng Nhung, Học viện MTG. THủ Đức