Người môn đệ được Chúa yêu

114

Trong ngày sống, mỗi chúng ta luôn cố gắng hoàn thành tốt một công việc trước khi muốn tiếp tục công việc khác. Mặt khác, khi làm tốt công việc, chúng ta sẽ được mọi người tin tưởng, trọng dụng và yêu quý. Những người theo Chúa cũng hằng khao khát được gần kề, thuộc về và trở thành môn đệ đẹp lòng Chúa. Vậy làm sao chúng ta thực hiện ước muốn ấy? Thật không dễ dàng chút nào. Thế mà ông Gioan Tông đồ lại được xem là môn đệ được Chúa yêu.

Ông Gioan là con thứ của ông Dêbêđê, anh của ông là Giacôbê. Gia đình ông làm nghề đánh cá. Ông cũng chẳng có học thức gì. Ông là một con người nóng nảy. Sự nóng nảy ấy biểu lộ rõ nhất là khi người khác nhân danh Thầy mà trừ quỷ. Ông thuộc thành phần ham thích danh lợi chức quyền. Bởi đó, bà mẹ đã xin Chúa Giêsu cho hai đứa con được ngồi bên hữu, bên tả. Chúa Giêsu đã trả lời: “Việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được”.(Mt 20,23). Câu trả lời rất mong manh nhưng ông vẫn hy vọng được ngồi vào vị trí ấy. Ông được chứng kiến nhiều phép lạ của Thầy. Ông nhận thấy mỗi phép lạ Thầy làm đòi hỏi một đức tin lớn lao vào quyền năng của Thầy. Trong hành trình đi theo Thầy, ông cảm nhận được tình yêu của Thầy dành cho mình. Và trong bữa Tiệc ly, ông đã cho mọi người biết mình là môn đệ được Thầy yêu mến chứ không dám nói mình là môn đệ yêu Chúa. Từ lúc đó, ông được mệnh danh là môn đệ được Chúa yêu. Từ cảm nhận ấy, ông trở nên can đảm và vững tin hơn. Chính khi Chúa Giêsu bị bắt, tất cả các môn đệ chạy đi hết, chỉ còn ông và ông Phêrô theo Chúa từ xa. Nhưng rồi, ông Phêrô cũng đã chối Thầy mà bỏ đi, còn mình ông Gioan ở lại và đi theo Chúa đến đồi Canvê. Sự có mặt của ông dưới thập giá mà những nỗi băn khoăn còn vương trong lòng Chúa Giêsu được hoàn tất. Chúa đã trao Mẹ Maria cho ông “Đây là mẹ anh” (Ga 19, 27). Cũng lúc đó, Mẹ trở thành Mẹ của nhân loại. Không những thế, ông còn là người được chứng kiến vinh quang Phục Sinh của Chúa. Và như vậy, ông là người theo Chúa, gần Chúa và biết Chúa nhiều hơn các môn đệ khác. Chính nhờ thế, ông đã trở thành một nhà văn độc đáo, sâu sắc và bí tàng của Thiên Chúa. Ông đã dùng ngòi bút để xác tín, làm chứng và rao giảng Tin Mừng cho Chúa Giêsu. Ông là một trong bốn tác giả Tin Mừng với biểu tượng “chim phượng hoàng”.

Trong ngày lễ Thánh Gioan Tông đồ, chúng ta hãy cảm tạ Chúa, thì thầm và xin Ngài ban cho chúng ta lòng can đảm theo Chúa. Đồng thời, chúng ta hãy phát huy khả năng Chúa ban nơi bản thân mà phục vụ Chúa và mọi người.

Anna Cỏ May, Tiền Tập sinh MTG.Thủ Đức