Hoàng tử Hòa bình

106
Nỗi niềm chờ mong Đấng Thiên Sai đã nuôi dưỡng niềm tin của người Do Thái trải qua bao thế hệ. Vào những lúc họ gặp cảnh thăng trầm bi đát như thời lưu đày, nỗi mong chờ ấy càng trở nên mãnh liệt. Lời cầu xin Đấng Thiên Sai ngự đến là một trong những lời cầu nguyện tha thiết nhất của dân được tuyển lựa: “Trời cao hãy đổ sương mai, mây ơi mưa xuống Đấng cứu đời…“. Từ thâm tâm mỗi người Do Thái, họ tin rằng khi Đấng Thiên Sai đến, thế giới sẽ hòa bình. Dân tộc được ưu tuyển sẽ ngẩng cao đầu giữa các dân. Sẽ không còn tang tóc nước mắt và đau khổ, đất sẽ tràn trề sữa và mật. Đấng Thiên Sai được chờ đợi như một vị Hoàng tử Hòa bình (x. Is 9,5).
 
Cách đây hơn hai ngàn năm, niềm hy vọng nuôi dưỡng bao thế hệ Do Thái đã thành hiện thực. Thiên Chúa không chỉ tiếp xúc với Dân của người qua những trung gian như thời xa xưa, nhưng bằng chính Con Một của Ngài là Đức Giêsu, Đấng muôn dân mong đợi. Nếu hình ảnh Đấng Thiên Sai được truyền thống diễn tả như một anh hùng chinh đông dẹp bắc, chễm chệ oai hùng, đánh đâu thắng đó, thì Con Thiên Chúa lại đến thế gian trong một diện mạo hoàn toàn khác. Đấng Thiên Sai đến, nhưng đơn sơ, khó nghèo. Người sinh ra trong một hang đá, dành làm chỗ cho đàn chiên trú đêm giữa mùa đông giá lạnh. Thiên Chúa đã muốn chọn một bậc sống đơn sơ. Ngài muốn hạ mình, trở nên gần gũi những người bé mọn. Sự khiêm nhường này được trải dài trong suốt cuộc đời dương thế của Chúa Giêsu.
 
Người Do Thái khước từ vị ngôn sứ thành Nagiarét, bởi họ không thấy nơi Người những dấu hiệu được truyền thống tiên báo. Người là một vị ngôn sứ nghèo, đôi khi “vi phạm” lề luật, nhất là luật ngày Sabát. Người lại cả dám gọi Thiên Chúa là Cha, một điều cấm kỵ nơi người Do Thái. Người đi lại gặp gỡ và còn đến nhà dùng bữa với người thu thuế và những cô gái làng chơi. Không những phủ nhận vai trò Thiên Sai của Đức Giêsu, một số người Do Thái còn coi Người như một kẻ báng bổ phạm thượng. Kết cục, vị Thượng tế, các kỳ lão, một số biệt phái và luật sĩ đã lên án tử cho Người. Trên thập giá, Người đã dang rộng cánh tay như ôm trọn cả thế giới vào lòng. Người đã đón nhận sự chết như một hy tế của tình yêu.
 
Nếu dân tộc và đồng bào của Chúa Giêsu đã lên án tử cho Người, thì những ai tin vào giáo huấn của vị Ngôn sứ thành Nagiarét lại nhận ra Người chính là Đấng muôn dân mong đợi. Cuộc đời và giáo huấn của Chúa Giêsu đều nhằm thiết lập hòa bình:
 
-Người đến để giao hòa thế gian với Chúa Cha
-Người đến để phá hủy bức tường ngăn cách giữa Do Thái và các dân, đồng thời lấy giới răn yêu thương như giải pháp căn bản để thiết lập hòa bình.
-Người đến để trừ diệt sự dối trá, là mầm mống làm cho con người băng hoại và gây mâu thuẫn trong các mối tương quan ở mọi lãnh vực.
-Người kêu gọi con người hãy nhận ra trách nhiệm của mình đối với anh em, để xây dựng một cuộc sống huynh đệ, nhân ái yêu thương.
-Người đẩy lui quyền lực của ma quỷ, là tên giết người và là cha dự dối trá tự bản chất. Qua đó Người thiết lập vương quốc của sự thật, công chính và bình an.
 
Có thể người thời nay đặt câu hỏi: Sau hai mươi thế kỷ từ ngày Đức Giêsu rao giảng giáo huấn của Người, trước một thế giới lây nhiễm bởi lối sống tục hóa và vô thần, đâu là giá trị giáo huấn của Chúa Giêsu đối với con người hôm nay, và Người đã đem lại gì cho trần gian? Đức Giáo Hoàng Bênêđitô đã đưa ra câu trả lời: Chúa Giêsu đem cho nhân loại chính Thiên Chúa, và như vậy là đủ. Bởi lẽ Thiên Chúa là Đấng lấp đầy mọi khát vọng thâm sâu của con người. Không có Thiên Chúa, cuộc sống này trở nên vô nghĩa. Phủ nhận Thiên Chúa, thế gian sẽ chỉ còn lại là bãi chiến trường và là nơi đầy bạo lực chết chóc, như kinh nghiệm thực tế đã chứng minh. “Ai thấy Thày là thấy Cha”, Chúa Giêsu đã khẳng định như thế. Nơi Chúa Giêsu, Đấng vô hình đã trở nên hữu hình, Đấng cao vời đã trở nên gần gũi. Người là Đấng Emmanuen, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng ta.
 
Những người đương thời hôm nay cũng đặt câu hỏi: Nếu Chúa Giêsu là Hoàng tử Hòa bình, tại sao thế giới vẫn tồn tại những cuộc chiến nghiệt ngã ở nhiều lãnh vực và mức độ khác nhau? Hòa bình chỉ được thiết lập khi có thiện chí của con người. Trong giáo huấn của mình, Chúa Giêsu đưa ra những nguyên tắc để hướng tới hòa bình, như những hạt giống ươm mầm để làm cho cây hòa bình trổ sinh và phát triển. Cốt lõi giáo huấn của Người là yêu thương, dựa trên nguyên tắc mọi người là anh chị em trong gia đình Thiên Chúa. Hạt giống hòa bình đã được vãi gieo, nhưng bị bóp nghẹt do sự ích kỷ và vô cảm của con người.
 
Chuyện kể về một cửa hàng lạ thường, chuyên bán những “Hạt giống ước mơ”. Một khách hàng bước vào và nhìn thấy những hộp nhỏ bày la liệt, trên đó có ghi những dòng chữ: “ước mơ hạnh phúc”, “ước mơ trường thọ”, “ước mơ giàu sang”. Vị khách mua liền một hộp có dòng chữ “ước mơ giàu sang” và nói lên điều ước của mình. Khi không thấy điều ước của mình được thực hiện, ông liền quở trách người bán hàng là dối trá. Người bán hàng nhẹ nhàng trả lời: “Thưa ông, đây chúng tôi chỉ bán hạt giống, để thành cây và để những ước mơ của ông thành hiện thực, ông cần gieo hạt, chăm sóc, vun tưới”. Chúa Giêsu đã đem hạt giống hòa bình vào thế gian. Người mời gọi chúng ta hãy cùng cộng tác để hạt giống Người đã gieo vãi nảy nở đơm bông kết trái giữa đời thường, đem hòa bình cho nhân loại. Thực ra, hòa bình không chỉ là yên tiếng súng và chấm dứt chiến tranh. Hòa bình còn là tình huynh đệ giữa các dân tộc, giữa các cá nhân. Hơn nữa, hòa bình còn là sự thanh thản trong tâm hồn, là tình huynh đệ tương thân tương ái, là sống có trách nhiệm đối với nhau và đối với môi trường xã hội. Đây chính là hòa bình mà Đức Giêsu kêu gọi. Người đã khởi xướng và mong mọi người thực thi trong mối tương quan đồng loại.
 
Mỗi năm, Mùa Vọng đến rồi lại đi, khởi đầu rồi lại kết thúc. Chúng ta hãy lắng nghe sứ điệp hòa bình các thiên thần đã hát lên tại cánh đồng Belem năm xưa: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, hòa bình dưới thế cho người thiện tâm”. Không chỉ lắng nghe, mà mỗi tín hữu được mời gọi trở nên sứ giả, đem tin mừng Giáng Sinh đến mọi nẻo đường của cuộc sống. Liệu chúng ta có khả năng khẳng định chắc chắn với những người đương thời rằng: Chúa đã đến và đang hiện diện giữa chúng ta. Người là Hoàng tử Hòa bình. Người chúc phúc cho những ai xây dựng hòa bình, “vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5,9). Lễ Giáng Sinh chỉ có ý nghĩa, nếu chúng ta cảm nhận được sự ngọt ngào của tình Chúa tình người, thể hiện qua niềm vui đón chào Đấng Cứu thế, Đấng đang ở giữa chúng ta.
 
Gm Giuse Vũ Văn Thiên