Chẳng bao lâu người ta sẽ không còn cứu vãn tương lai trái đất được nữa

86

Trong tuần qua, 15 ngàn khoa học gia thuộc 184 quốc gia toàn thế giới đã một lần nữa đưa ra lời báo động về hậu quả kinh hoàng của hiện tượng thay đổi thời tiết trên tình trạng trái đất ngày nay.

Lần đầu tiên các khoa học gia báo động về lãnh vực này là năm 1992, khi các nhân vật được giải Nobel thuộc tổ chức phi chính phủ Liên hiệp các khoa học gia chuyên ngành (Union of Concerned Scientists) cùng với trên 1700 khoa học gia thế giới khác, ký vào một tuyên ngôn cảnh cáo thế giới vì những hoạt động của nhân loại đang gây ra những hậu quả khôn lường trên trái đất, và có thể gây ra đau khổ lớn lao cho loài người.

Hôm thứ hai 13.11.2017 vừa qua, trên 15 ngàn khoa học gia khác đến từ 184 quốc gia trên toàn thế giới đã công bố tuyên ngôn thứ 2 trong đó, các vị lượng xét những biến chuyển từ năm 1992 đến nay và khẳng định rằng “chẳng bao lâu người ta sẽ không còn cứu vãn tương lai trái đất được nữa”.

Tuyên ngôn có đoạn viết: từ năm 1992, ngoại trừ việc cố định tầng khí ozone, nhân loại đã không thực hiện được tiến bộ nào đáng kể trong lãnh vực giải quyết các vấn đề môi sinh, nếu không muốn nói là đang có nhiều vấn đề trở nên trầm trọng hơn trước. Đặc biệt đáng lo âu là khuynh hướng thay đổi thời tiết gây ra hiện tượng lồng kính hiện nay do đà gia tăng khí thải, song song với nạn phá rừng và nghề chăn nuôi, nhất là chăn nuôi các súc vật để ăn thịt. Từ thập niên 90 đến nay, đã không thiếu những lời báo động của các giới chuyên gia khoa học, nhưng tuyên ngôn vừa được công bố mang tính cách trọng thể của toàn bộ cộng đồng các khoa học gia thế giới.

Cũng trong tuần qua, hội nghị thế giới về thời tiết COP23 do LHQ triệu tập dang diễn ra tại Bonn bên nước Đức. Nhân dịp này, công ty quốc tế Global Carbon Project đã công bố kết quả một cuộc nghiên cứu theo đó, sau 3 năm ổn định, trong năm 2017 này, khối lượng khí thải anidride than lại bắt đầu gia tăng khoảng 2% so với năm trước đó, 2016. Thủ phạm của sự gia tăng khí thải này là Trung quốc với 10 tỷ tấn khí thải, kế đến là Hoa Kỳ với 5,3 tỷ, Âu châu với 3,5 tỷ, rồi đến Ấn Độ với 2,4 tỷ, Nga 1,6 tỷ và Nhật Bản với 0,8 tỷ.

Trong phần kết luận, hơn 15 ngàn khoa học gia thế giới khích lệ toàn nhân loại đừng nản lòng bỏ cuộc. Các vị viết: Sự giảm thiểu nhanh chóng các chất phá hủy tầng khí ozone đã thực hiện được cho thấy rằng chúng ta có khả năng làm những thay đổi thuận lợi nếu chúng ta có quyết tâm. Sau cùng, tuyên ngôn liệt kê ra 13 điều nên làm để tránh thảm kịch chung kết, trong đó có nỗ lực bảo vệ rừng, khuyến khích một chế độ ăn uống nhiều rau củ quả hơn, giảm bớt đà sinh sản và chuyển sang chương trình năng lượng đổi mới nhanh chóng hơn.

Mai Anh