Chuẩn bị cho người trẻ bước vào ĐSHN (15): Những ngăn trở tiêu hôn theo quy định của Giáo Hội

42

Yêu nhau và kết hôn là quyền của con người. Giáo Luật điều 1058 nói rằng: “Tất cả mọi người không bị luật cấm đều có quyền kết hôn”. Đấng Bản Quyền (Đức Giám Mục giáo phận) chỉ có thể cấm những người thuộc quyền mình, tức là những người thuộc giáo phận mà mình cai quản (dù đang ở trong địa hạt giáo phận hay ở ngoài) và những người đang cư trú trên địa hạt của mình không được kết hôn trong một trường hợp đặc biệt, và chỉ trong một thời gian mà thôi, khi có một lý do nghiêm trọng và bao lâu lý do đó còn kéo dài. (x. Điều 1077). Khi không có lý do nghiêm trọng hoặc khi không còn lý do nghiêm trọng ngăn cản, hoặc khi không bị ngăn trở gì, không ai được phép không cho người ta kết hôn theo ý định của Thiên Chúa.

Như chúng ta đã biết, một trong những đặc tính của hôn nhân Kito giáo là bất khả phân ly, nghĩa là khi bí tích được cử hành thành sự và hai người đã hoàn hợp thì hôn nhân đó tồn tại mãi cho đến khi một trong hai người qua đời. Do đó, ngoài trừ hai đặc ân Phaolô và đặc ân Phêrô là hai đặc ân được ban vì lợi ích đức tin của tín hữu, thì không gì có thể giải gỡ được hôn nhân đã thành sự giữa hai người, dù người đó có được rửa tội hay không. Trong thực tế, ta thấy có rất nhiều hôn nhân bị tiêu trừ, đó không phải vì Giáo Hội cho phép xoá bỏ hôn nhân nhưng là vì bản thân hôn nhân đó ngay từ ban đầu đã không thành sự vì mắc phải những ngăn trở hoặc không đáp ứng được những điều kiện cần và đủ để kết hôn. Ngăn trở tiêu hôn làm cho người ta không có năng cách để kết hôn thành sự (x. Điều 1073), có nghĩa là, những người nào mắc phải những trường hợp này thì không thể làm nên một hôn nhân thành sự. Đâu là những ngăn trở đó?

  1. Điều 1083: người nam chưa đủ mười sáu tuổi, người nữa chư đủ mười bốn tuổi
  2. Điều 1084: chắc chắn (chứ không phải hồ nghi) là người nam hoặc người nữ bất lực trong giao hợp, có trước khi kết hôn và mang bệnh này vĩnh viễn, dù là tương đối hay tuyệt đối. Tuy nhiên, tình trạng son sẻ, nghĩa là vẫn có thể giao hợp nhưng không thể có con, thì không ngăn cản và không tiêu huỷ hôn nhân, trừ trường hợp họ bị lừa gạt bởi người kia.
  3. Điều 1085: người đang bị ràng buộc bởi hôn nhân trước, dù chưa hoàn hợp. Có nghĩa là người nào đã kết lập giao ước hôn nhân thành sự với người khác, dù chưa quan hệ tình dục với người đó, thì không được tiếp tục kết hôn.
  4. Điều 1086: kết hôn giữa người đã được rửa tội trong Giáo Hội Công giáo và người không được Rửa tội mà chưa nhận được phép chuẩn của Giáo Hội.
  5. Điều 1087 và 1088: những người có chức thánh (phó tế, linh mục, giám mục) và những người đã khấn vĩnh viễn lời khấn đức khiết tịnh.
  6. Điều 1089: khi người nữ bị bắt cóc hoặc bị giam giữ để ép kết hôn, trừ khi người này tự ý chọn lựa hôn nhân ấy sau khi được tự do.
  7. Điều 1090: chủ ý kết hôn với ai đó mà gây ra cái chết cho người phối ngẫu của người ấy, hoặc cộng tác với nhau để giết người phối ngẫu để được kết hôn với nhau.

Ví dụ 1: A, vì muốn kết hôn với B, nên đã tìm cách giết C là người bạn đời của B. Do đó, A kết hôn với B không thành.

Ví dụ 2: A và B, vì muốn kết hôn với nhau nên tìm cách giết C là người bạn đời của B (hoặc của A). Do đó, A và B kết hôn với nhau không thành.

  1. Điều 1091: những người có họ máu hàng dọc, nghĩa là ông bà, cha mẹ, con, cháu… thì không thể kết hôn với nhau, dù là pháp lý (nhận nuôi) hay tự nhiên.

Ngoài ra, những người họ máu hàng ngang cho đến hết bậc thứ bốn cũng không thể kết hôn với nhau. Trong trường hợp có họ do nhận con nuôi thì không thể kết hôn ở bậc thứ hai.

Ví dụ 3:                                   A

                                    B                     C

                        B1            B*                          C1

            B2                                                                   C2

  • Theo giáo luật, B2 và B1, B, B* (con nuôi của B)và A hoặc C2, C1, C và A không thể kết hôn với nhau vì trực hệ (họ máu hàng dọc).
  • Từ B2 đến B1 được tính là 1 bậc, từ B1 đến B là một bậc … Như thế, B2 không thể kết hôn với C vì còn trong bậc 4 thuộc hàng ngang (B2-B1; B1-B, B-A, A-C). Tương tự như vậy, B1 với C1, hoặc B với C2 cũng không thể. Nhưng B2 có thể kết hôn với C1 hoặc B2 với C2, hoặc B1 với C2 vì đã sang bậc thứ 5 và thứ 6.
  • B* (con nuôi), B, A không thể kết hôn vì trực hệ. B* không thể kết hôn với B1 vì còn ở cấp thứ 2 thuộc hàng ngang.

Có thể miễn chuẩn cho những ngăn trở này không?

Điều 1078 quy định rằng Giám Mục Giáo Phận có thể miễn chuẩn cho người thuộc quyền mình đang ở bất cứ nơi nào và mọi người đang cư ngụ trong địa hạt của mình khỏi ngăn trở thuộc luật Giáo Hội (độ tuổi, kết hôn với người chưa rửa tội trong Giáo Hội Công Giáo). Toà Thánh có quyền miễn chuẩn ngăn trở do chức thánh, hoặc do lời khấn công vĩnh viễn giữ đức khiết tịnh trong một hội dòng thuộc luật giáo hoàng và miễn chuẩn trong trường hợp liên quan đến chuyện gây ra cái chết cho người phối ngẫu, được nói đến ở điều 1090. Giáo Luật cũng quy định rằng không bao giờ được phép miễn chuẩn những ngăn trở liên quan đến họ máu hàng dọc hay họ máu hàng ngang bậc thứ hai.

Trừ trường hợp cần thiết, nếu không có phép của Đấng Bản Quyền địa phương, không được phép chứng hôn (x. Điều 1071):

  • Cho người không có cư sở
  • Cho những hôn nhân không thể được công nhận hay không thể được cử hành theo luật dân sự.
  • Cho hôn nhân của người mắc những nghĩa vụ tự nhiên, phát sinh do cuộc hôn nhân trước, đối với bên kia hoặc đối với con cái.
  • Cho hôn nhân của người đã hiển nhiên chối bỏ đức tin Công Giáo
  • Cho hôn nhân của người đang bị mắc vạ
  • Cho hôn nhân của người vị thành niên, khi cha mẹ không hay biết hoặc đã phản đối cách hợp lý
  • Cho hôn nhân cử hành qua người đại diện

Ngoài ra, Giáo Luật cũng có những quy định liên quan đến sự ưng thuận của hai bên trong hôn nhân, vốn là một yếu tố quan trọng làm nên tính thành sự của bí tích.

Điều 1095 nói rằng, những người sau đây không có khả năng kết hôn, vì họ không thể đưa ra sự ưng thuận của mình:

  • Không sử dụng đủ trí khôn
  • Thiếu nghiêm trọng óc phán đoán về quyền lợi và nghĩa vụ chính yếu của việc trao ban và lãnh nhận nhau trong hôn nhân.
  • Không thể đảm nhận những nghĩa vụ chính yếu của hôn nhân vì những nguyên nhân thuộc bản chất tâm lý.

Điều 1096 còn nói thêm: “Để có thể có sự ưng thuận hôn nhân, hai người kết ước ít nhất phải biết hôn nhân là một sự hiệp thông vĩnh viễn giữa một người nam và một người nữ, nhắm đến việc sinh sản con cái do một sự cộng tác nào đó thuộc phạm vi phái tính”. Và dĩ nhiên, “suy đoán là có sự hiểu biết trên đây sau tuổi dậy thì”.

Nếu hai người đã bày tỏ sự ưng thuận nhưng lại có sự lầm lẫn liên quan đến nhân thân thì hôn nhân đó không thành. Nhưng lầm lẫn về tính cách thì không huỷ hôn nhân (x.Điều 1097). Tuy nhiên, nếu một trong hai bên bị bên kia lừa gạt về một tư cách nào đó của người đó với chủ ý có được sự ưng thuận của bên này và tư cách ấy tự bản chất có thể làm xáo trộn nghiêm trọng sự hiệp thông vợ chồng thì hôn nhân bất thành.

Sự không hiểu biết hoặc nhầm lẫn về tính đơn nhất hay tính bất khả phân ly hoặc về bí tích hôn nhân không ảnh hưởng đến sự ưng thuận. Sự ưng thuận được suy đoán căn cứ vào lời nói hay những dấu chỉ được sử dụng khi cử hành bí tích hôn nhân. Quan trọng là “nếu một bên hay cả hai bên, bằng một hành vi tích cực của ý chí, loại trừ chính hôn nhân, hoặc một yếu tố chính yếu nào, hoặc một đặc tính chính yếu nào của hôn nhân thì kết hôn không thành” (Điều 1101). Có nghĩa là, hôn nhân sẽ không thành khi một hoặc cả hai bên chỉ giả vờ kết hôn, chứ thật lòng không muốn, hoặc kết hôn nhưng không có ý hướng kết hợp thân xác với bạn đời và sinh con, hoặc xem bí tích chỉ như một gameshow vô nghĩa, hoặc chối bỏ đặc tính độc nhất và bất khả phân ly. Nếu họ thể hiện điều này bằng một “hành vi tích cực của ý chí” thì hôn nhân đó không thành. Dĩ nhiên, cũng không thành khi kết hôn với điều kiện ở tương lai, hay vì bạo lực hoặc vì sợ hãi nghiêm trọng từ bên ngoài khiến người ta phải lựa chọn hôn nhân để tự giải thoát. (x.Điều 1102, 1103).

Vẫn còn rất nhiều quy định của Giáo Luật liên quan đến hôn nhân không được nói tới trong bài viết này, nhưng thiết nghĩ những gì được bàn luận ở trên đã đủ để các bạn trẻ có một hiểu biết cơ bản về những gì Giáo Hội mong chờ nơi mình. Đức Giám Mục giáo phận, đặc biệt là các cha xứ, các bậc cha mẹ, phải có trách nhiệm giáo dục người trẻ trong giáo phận, giáo xứ và con cái mình, giúp họ có được một nền tảng vững chắc về hôn nhân và gia đình, để họ có đủ tự tin và kiến thức xây dựng một gia đình hạnh phúc cho bản thân.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

dongten.net