Chung một sứ mạng (Lễ Phêrô & Phaolô)

164

Lễ Phêrô & Phaolô 

Lời Chúa: Mt 16, 13-19

13 Khi Đức Giê-su đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai? “14 Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ.”15 Đức Giê-su lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? “16 Ông Si-môn Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.”17 Đức Giê-su nói với ông: “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.18 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.19 Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.”

Suy niệm:

Tài năng đức độ, thể chất tinh thần ổn định, kỹ năng giao tiếp, khả năng hùng biện, đó là những tiêu chí được nhiều công ty doanh nghiệp tuyển dụng kiếm tìm, thu nhận. Thật là chính đáng khi các học trò tìm đến thầy tài giỏi để thọ giáo, các bậc sinh thành luôn hết lòng hy sinh thời giờ, tiền của, chỉ một mơ ước con cháu nên người hữu ích. Tuy nhiên xác suất thành công, kết quả mỹ mãn không hoàn toàn bởi người thầy hay bậc cha mẹ, mà còn do phương pháp truyền đạt và khả năng đón nhận phù hợp, kiến thức, kinh nghiệm được phát huy.

Mừng kính hai thánh Phêrô và Phaolô tông đồ, chúng ta dễ dàng nhận ra, Thầy Giêsu không có ý lựa chọn người tài giỏi, người văn võ song toàn, hầu xếp thứ bậc trên dưới, thấp cao. Phêrô xuất thân từ kẻ chài lưới ít học, Phaolô thì hung dữ, bắt bớ chống đối người theo Đức Kitô, nhưng cả hai vị đều được Chúa thương yêu, mời gọi các ngài thực thi sứ mệnh loan báo ơn cứu độ. Giáo hội thì công nhận hai vị chính là Cột Trụ của Toà Nhà Hội Thánh, Phêrô là người đầu tiên tuyên xưng đức tin, Phaolô là người làm sáng tỏ đức tin. Kinh nghiệm ở đời là khoẻ dùng sức, yếu dùng mưu, hai ngài không trả lời chúng tôi mạnh hay yếu, nhưng bằng cả cuộc đời làm chứng các ngài đã quả quyết: “tất cả vì tình yêu Đức Kitô” (2Cr 5, 14).

Ở đời người ta: chọn mặt gởi vàng, Thầy Giêsu không tách rời tình yêu và sứ mạng, bằng cung giọng thật nghiêm túc: “phần các con, các con bảo Thầy là ai”? Đặt trách nhiệm nơi Phêrô, cũng gián tiếp trao ban Thánh Thần tình yêu cho sứ vụ nơi các học trò ; trực tiếp đặt Phêrô cầm giữ “chìa khoá nước trời”, nhưng cũng gián tiếp gọi chọn Phaolô từ biến cố “ngã ngựa ở Đa-mát”. Phêrô ít học, Phaolô trí thức, cả hai đều có quá khứ bất xứng, tội lỗi, ông thì chối bỏ Thầy, ông thì bắt bớ người theo Thầy. Phêrô là Thầy dạy đức tin cho người It-ra-el, Phaolô được gọi là tông đồ của dân ngoại, cả hai đều có chung sứ mạng loan báo Tin mừng cứu độ, và được phúc tử đạo vì tình yêu Đức Kitô.

Tính cách của Phêrô là nhiệt thành, trung tín với truyền thống đạo đức, Phaolô là dân trí thức, lối sống phóng khoáng, nhưng hai ông vẫn mang chung một sứ mạng: bảo vệ và xây dựng đời sống đức tin Kitô giáo. Chúa Giêsu không chê trách người chối Chúa, bắt đạo Chúa, Chúa không từ chối người ít học hay người thông thái, đó cũng là cơ hội thuận lợi cho mỗi người chúng ta hôm nay ai cũng có thể được làm môn đệ Đức Kitô. Nếu như ngày nay chúng ta đã từng trải qua lượt phỏng vấn trước khi học nghề, trước khi được nhận vào công sở làm việc ; hẳn chúng ta sẽ hiểu tại sao Chúa Giêsu muốn từng người môn đệ phải trả lời bằng việc làm: “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống”.

Cha ông chúng ta thật khéo léo khi nói: có thực mới vực được đạo ; có tiền mua tiên cũng được, không tiền mua được cũng không. Thực ra ở phạm vi tự nhiên thì tiền tài, năng lực luôn cần thiết, ở lãnh vực siêu nhiên, Chúa Giêsu sử dụng những con người nhiệt huyết, những tâm hồn đầy tình yêu thương để theo Chúa. Phêrô và Phaolô không mặc cảm vì tội lỗi, không tự mãn vì được Thầy Giêsu gọi và đặt vào vị trí quan trọng trong nhóm mười hai, đúng hơn, hai ông luôn tự tin vì ơn Chúa ban. Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, nghĩa là Thầy sẽ luôn hiện diện, bảo vệ để không một thế lực nào có thể phá hỏng chương trình của Thiên Chúa. Xin tình yêu Chúa ở mãi trong tâm hồn và phong cách sống của chúng ta, qua đó tất cả đều ý thức mình có chúng một sứ mạng xây dựng và phát triển Toà Nhà Hội Thánh. Amen.

Lm. Jos. DĐH.