Em đã dành trước mà!

42
Em đã dành trước mà!

Đứa con trai Manuel 3 tuổi của tôi đang chơi trò chơi có tính học tập trên máy vi tính thì chị gái Alondra 6 tuổi đòi phải đến lượt cô bé. Phản ứng của Manuel chính là: “Em đã dành trước mà!”

Tôi không biết Manuel đã học ở đâu câu nói ấy, nhưng nó đã khiến tôi suy nghĩ. Trong xã hội loài người, quy luật thông thường là “ai dành trước” thì có quyền hơn những người đến sau. Người đầu tiên đặt chân lên vùng đất chưa khai phá thì có được quyền sở hữu vùng đất đó. Người đầu tiên tìm thấy viên ngọc trai trên bãi biển, hay đào trúng mạch vàng hay dầu thì có thể tuyên bố đó là của mình. Người đầu tiên thực hiện một phát minh hay một khám phá khoa học có thể được cấp bằng phát minh và đòi lợi nhuận cho kết quả ấy. Người đầu tiên ngồi vào bàn ăn tại nhà hàng sẽ có quyền hơn người đến sau. Người đầu tiên đến dành một chỗ nào đó trên bãi biển thì sẽ trở thành người chủ của chỗ ấy trong một ngày.

Trong trường hợp của các con tôi, nếu một đứa trong bọn chúng đã chơi máy vi tính trong nửa tiếng, thì tôi bảo cậu bé hay cô bé rằng đã đến lượt của người khác. Có lẽ hầu hết các bậc cha mẹ khác đều làm như thế. Nhưng quy tắc ấy lại không hề được áp dụng trong mọi lĩnh vực xã hội. Bạn có thể tưởng tượng được một ngày nào đó một người địa chủ bỗng nói: “Tôi đã sở hữu mảnh đất này được một thời gian rồi, vậy đã đến lúc tôi nhường nó lại cho người khác!” không? Hay bạn có thể tưởng tượng được một người đang có được công việc tốt, nhưng sẵn sàng giao lại công việc đó cho một người khác đang thất nghiệp và hết tiền không?

Những ví dụ trên có lẽ hơi quá xa vời, chúng ta hãy nghĩ đến những hành động nhỏ nhặt thể hiện sự quan tâm đến người khác xem sao. Có khi nào bạn nhìn thấy người đang có chỗ ngồi trên xe buýt hoặc trên xe điện ngầm nhường chỗ cho người vừa mới bước lên, chỉ đơn giản bởi vì trông họ như mong đợi được có cơ hội cho đôi chân mệt mỏi nghỉ ngơi? Những hy sinh nhỏ nhặt ấy liệu có quá sức mong đợi không? – Hay chúng ta đã không làm như thế chỉ vì chúng ta không thấy ai làm và cũng không một ai thật sự mong đợi điều chúng ta làm?

Bản chất của vấn đề chính là lòng ích kỷ, và tính ích kỷ chính là một phần trong bản chất tội lỗi của con người. Nhưng tình yêu của Chúa Giêsu có thể giúp bạn phá vỡ khuôn khổ đó, giúp bạn vượt qua được những phản ứng ích kỷ của bạn, giúp bạn lội ngược dòng, và làm mọi việc bằng tình yêu. “Ai xin, thì anh hãy cho; ai vay mượn, thì anh đừng ngoảnh mặt đi” (Mt 5,42), và “Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (Lc 6,38). Đó chính là những tư tưởng mang tính cách mạng trong thời đại ngày nay. Chúng ta nghĩ quá nhiều đến những quyền lợi ích kỷ của mình! Tuy nhiên, thứ tình yêu cho đi, không vị kỷ ấy chính là điều Thiên Chúa mong muốn nơi tất cả chúng ta ngay từ thuở sơ khai – và tình yêu của Ngài có thể giúp chúng ta đạt được điều ấy. Nếu chúng ta thực hành thứ tình yêu ấy, rất nhiều vấn đề sẽ được giải quyết. Thế giới này sẽ trở thành một nơi khác. Vậy tại sao không thử? Hãy cho đi những gì bạn có thể, sau đó hãy sẵn sàng để Thiên Chúa tuôn đổ cho bạn nhiều hơn nữa!

* * *

Những người cho đi cách vui vẻ

Thiên Chúa cũng giống như những người cho đi một cách vui vẻ – những người cho đi một cách tự nguyện bởi vì họ biết điều đó làm vui lòng Ngài, họ giúp đỡ những người khác và không mong đợi sự đáp trả. Hành động cho đi ấy có thể là niềm vui thích lớn lao nhất, bởi vì nó giống như việc túi tiền thì cạn kiệt nhưng trái tim thì đầy ắp. “Người rộng lượng được phương phi béo tốt, chính kẻ cho uống lại được thoả thuê” (Cn 11,25). “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35).

Người giàu nhất trong Vương quốc của Thiên Chúa sẽ là những người chia sẻ tất cả những gì mình có cho Ngài và cho những gì là của Ngài.

Nghi Ân dịch