Chớ cứng lòng

110

Chúa đã sống lại rồi. Thế là ứng nghiệm Lời Chúa đã nói: “Ngày thứ ba Người sẽ sống lại.”.  Ngài đã hiện ra với các bà, cùng với hai môn đệ trên đường Emmau. Các môn đệ khác đã được nghe các bà kể lại, nhưng sao các ông vẫn còn sợ ?!

Tin Mừng đã viết: “Vào chiều thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa phòng điều đóng kín, vì các ông sợ người Do thái” (Ga 20,19). Phải chăng các ông sợ vì các ông đã được Thầy yêu thương, bao bọc, bảo vệ, nuôi dưỡng và dạy dỗ như “gà mẹ ấp ủ gà con.” Khi gà mẹ không còn, đàn gà con tan tác, sợ hãi. Bây giờ các môn đệ cũng vậy. Nơi các ông chỉ còn sự sợ hãi và bóng tối bao trùm mà thôi.

 Còn Chúa Giêsu, khi thấy các môn đệ của mình nghi ngờ, sợ hãi, Ngài đã đến với họ. Ngài đến trong sự nhẹ nhàng, không tiếng động. Ngài đem ánh sáng bình an phá tan căn phòng tối khi Ngài nói: “Bình an cho anh em.” (x. Ga 20,19). Có lẽ, các môn đệ không thoát khỏi sự sợ hãi kinh hoàng trước bất ngờ ấy. Ngài cho các ông xem tay và cạnh sườn. Lúc này các ông mới vui mừng. Nhưng để niềm vui các ông trọn vẹn và hoàn toàn thoát khỏi sự ngờ vực, Ngài tiếp tục thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.” (Ga 20, 22-33). Các ông không chỉ được cứu thoát khỏi sự ngờ vực mà còn được thức tỉnh và được lãnh nhận ơn quyền năng Thánh Thần như Ngài đã hứa ban.

Trong nhóm môn đệ được Chúa tỏ lộ, có một người tên là Tôma, ông còn được gọi là Điđimô lại không có mặt ở đó. Tin Mừng cũng không viết rõ lý do ông vắng mặt. Vì thế khi nghe các anh em mình nói rằng họ đã được thấy Chúa, ông đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng tin.” (x. Ga 20,25). Những lời nói của Tôma cho chúng ta thấy rằng ông có thể là một người đa nghi. Đối với ông không có gì lay chuyển được nếu không được giác quan kiểm chứng, mắt thấy tai nghe, tay phải sờ phải đụng. Ông cũng vì quá thất vọng khi thấy Thầy chết tức tưởi trên cây thánh giá, bị kẻ qua người lại bĩu môi cười nhạo, nên ông nói những lời thách đố như vậy.

Tám ngày sau, các môn đệ họp mặt, có cả ông Tôma hiện diện. Bây giờ, Chúa Giêsu hiện ra – vì một con chiên còn cứng lòng (!?) – Ngài đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em.”.  Đoạn Ngài hướng về ông Tôma và nói: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy xem tay Thầy. Đưa tay ra đây mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” (Ga 20, 26 -27). Ngài đã dùng chính những danh từ mà ông Tôma đã nói về Ngài. Lúc này ông Tôma không biết làm gì hơn là quỳ phục xuống mà thưa: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con.”(x Ga 20, 28) Ông đã tin và tuyên xưng đức tin, lòng mến, cậy trông, phó thác vào Chúa. Điều Ngài hằng mong mỏi là những tâm hồn bé mọn dựa vào đức tin hơn là dựa vào giác quan: “Phúc thay những người không thấy mà tin.”(Ga 20, 29).

Chúng ta hãy cám ơn ông Tôma. Vì qua ông, sự thật Chúa sống lại được rõ ràng xác thực hơn, giúp mọi người càng vững tin mạnh. Ngoài ra, chúng ta càng thấy rõ tình yêu và lòng thương xót của Chúa rộng lớn bao la. Mọi kẻ cứng lòng và tội lỗi, Ngài điều làm cho họ thấy và tin. Mọi bóng tối uẩn khuất, Ngài đến chiếu sáng. Như vậy, sự sống vĩnh cửu và ánh sáng Phục Sinh luôn mãi tỏa sáng.

Lạy Chúa Giêsu, con cảm ơn Chúa đã sống lại để niềm tin của chúng con được vững mạnh. Chúng con xin Chúa hãy tiếp tục phá tan màn đêm cùng sự cứng lòng của chúng con. Nhờ đó chúng con được cảm mến và hưởng vinh quang của Chúa trong những ngày hạnh phúc Phục Sinh. Amen.

Anna Cỏ May, Thanh Tuyển sinh MTG. Thủ Đức