Thao Thức Tuổi Trẻ
Có lẽ chưa năm nào có nhiều giáo phận tổ chức những ngày trại cho giới trẻ Đa Minh như năm nay. Từ bắc chí nam các bạn trẻ được cùng nhau tập cử điệu tập thể bài hát chủ đề, hết mình với “Rung chuông vàng”, lăn xả với các “trò chơi vận động”, nhiệt tình trong “sinh hoạt vòng tròn”, và thật động não, cả tay lẫn chân với “trò chơi lớn”, đầy sáng tạo trong “phố ẩm thực”, cũng như hết mình trong ngọn lửa trại với những tiết mục văn nghệ đáng yêu…
“Anh em được sống sum vầy bên nhau”, trong những ngày trại, các bạn trẻ chia sẻ không biết bao nhiêu là vui buồn, trăn trở, kể cả… hờn giận. Tuổi trẻ mà, để khi chia tay nhớ lại thì… nhớ, thì mến thương, cũng không loại trừ cả “xấu hổ” vì các bạn nhận ra chính mình vẫn còn ‘trẻ’… nhưng không còn ‘nhỏ’ nữa rồi!
Vì thế, mừng cho các em nhưng tôi cũng hơi chột dạ không thể không ưu tư lo lắng; vì trong sân chơi của các em hiện nay nếu không được định hướng, duy trì, nuôi dưỡng và phát triển đúng đắn thì chuyện “lợi bất cập hại” là không tránh khỏi.
… Tuổi trẻ ngày nay phát triển và tiếp cận với sự thay da đổi thịt của cuộc sống xã hội rất nhanh, rất vội. Có thể nói được là va chạm với tiến trình thay cũ đổi mới vùn vụt; cọ sát cùng chuyện đào thải tiếp thu, nối tiếp hối hả không kịp chọn lựa và sàng lọc, huống hồ là quá trình chuyển hóa hình thành cái mới. Không như tuổi trẻ thế hệ cha ông trước kia, thời còn đi bằng xuồng, ghe chèo hay xe ngựa. Đấy là một bức tranh khá sống động minh họa cho tốc độ chuyển biến của quá trình phát triển khoa học kỹ thuật. Trong đó, tuổi trẻ là lực lượng nhiệt tình và năng nổ nhất.
Phải nhìn nhận rằng: Các em thiếu nhi và các bạn trẻ không phải là những người lớn thu nhỏ, mà họ có hẳn một vai trò được công nhận trong sinh hoạt xã hội và sinh hoạt tôn giáo. Có đầy đủ năng lực và uy tín trong nhiều lĩnh vực, dám đảm trách công việc và dám làm, dám chịu trách nhiệm về mình.
Nên chăng cần phải có cuộc chấn hưng dành cho giới trẻ? Mà nổi bật nhất của công cuộc chấn hưng này là khai phóng vàkế thừa. Khai phóng là sự khai thông suy nghĩ, mở trói nhận thức, đối thoại khoáng đại, bình đẳng trong mọi khuynh hướng, thay đổi theo chiều hướng tích cực của trào lưu tự do dân chủ theo xu thế chung của thế giới hiện nay.
Khai phóng là phá bỏ những rào cản giới hạn, nhất quán và quyết đoán mở ra những con đường tươi mới, phát huy những khả năng và tiềm năng tổng hợp để vận dụng vào nỗ lực phá bỏ hiện trạng tiêu cực và xây dựng lại theo hướng tiến tích cực. Còn kế thừa là tạo nên một lớp người trẻ hoàn toàn mới, dựa trên nền tảng các lớp cha anh. Được thừa hưởng các thuộc tính và hành vi của các lớp tiền bối này nhưng không rập khuôn, cứng ngắc mà có sự chắt lọc, chọn lựa.
Theo thống kê mới đây, Việt Nam với dân số trên 85 triệu người trong đó có 65% là người trẻ. “Tuổi trẻ” thường được hiểu là lớp người ở lứa tuổi 20-35. Do đó, cần định hướng lộ trình riêng cho họ ngay từ bây giờ.
Tuổi trẻ bây giờ nhìn về tôn giáo đơn giản, phóng khoáng và nhẹ nhàng hơn. Nhưng không vì thế mà đơn điệu, khô cứng, hời hợt và xa lạ. Ngược lại, cách nhìn của giới trẻ về tôn giáo là đa diện, đa sắc màu. Tạo thành một gam màu đẹp của toàn cảnh hiện thực; phong phú, giàu cảm xúc mà không phải ai cũng dễ dàng đồng cảm và chấp nhận. Vì họ nhận thức tôn giáo theo chiều kích mới, đẹp, lạ lùng nhưng không thiếu những kỳ bí, khó hiểu mà họ phần nào nhận thức được rằng khoa học thực nghiệm chưa trả lời thỏa đáng. Nhưng dù gì đi nữa, trong những khi cô đơn, gặp hoạn nạn, hay thất bại họ cảm nhận được rằng còn có Một-ai-đó ở-trên-họ, ở- bên-họ và là bạn-chí-thiết của họ.
Giáo lý kinh điển, áp đặt lối nhìn, và cách nghĩ khô khan… là khuynh hướng truyền thống của tôn giáo e rằng không còn thích hợp đối với tuổi trẻ hôm nay. Hậu quả không tránh khỏi là lớp tuổi trẻ “ngoan đạo” sẽ bị mụ mẫm đầu óc, và niềm tin tôn giáo sẽ tiến tới gần như hay bị đồng hóa với mê tín dị đoan.
Điều đáng lưu tâm ở đây không phải là giữ nguyên hay đổi mới. Nhưng quan trọng nhất, cần xác định đâu là động lực quyết định nhận thức tâm linh của người trẻ hôm nay? Cái cốt lõi, cái tinh thần, cái hồn thiêng vẫn tinh ròng, thánh thiện dù biết rằng cái phương tiện, cái hình thể, cái áo ngoài có thay mới, chuyển đổi.
Ngày nay, giới trẻ thích tiếp nhận và sống đức tin trong những kỳ giao lưu, sinh hoạt ngoại khóa, dã ngoại hơn là trong những buổi học chính khóa, khuôn giáo. Ở đó, họ dễ nhận ra thần-tượng-Giêsu của mình hơn – Người đang hiện diện giống như họ; họ dễ chia sẻ nhưng ưu tư, trăn trở của mình với Người –quan trọng hơn cả là họ thấy tin tưởng để phơi bày nỗi lòng của mình với một Giêsu-khác; dễ trao đổi, học hỏi; thậm chí là những mè nheo, yêu sách, nhõng nhẽo của họ cũng dễ được thông cảm và chấp nhận (x. Mc 10,13-16)
Nói đến tuổi trẻ là nói đến một thế giới đầy linh hoạt, biến chuyển rất nhanh và luôn luôn tươi mới vì đang ở trong buổi bình minh của cuộc đời. Cuộc sống hiện tại với những giá trị vật chất đầy đủ, khiến cho “tuổi teen” thích chạy theo những xu hướng mới, thích tự khẳng định mình. Tuy nhiên, không ít cạm bẫy, rủi ro đang chờ chực họ.
Nếu có những cuộc gặp gỡ, sinh hoạt, trao đổi, học tập ngoại khóa cho các bạn trẻ như thế này. Nếu có những buổi tối không chỉ đơn thuần chỉ là văn nghệ “bỏ túi”, nhưng còn là chỗ “cô đọng” các bạn trẻ cùng quây quần bên nhau, cùng nhóm ngọn lửa trại huyền ảo, lung linh, lấp lánh. Để cùng chuyền tải cho nhau những cảm thức, chia sẻ cho nhau những cảm nhận từ cuộc sống qua những bài ca, điệu múa, chuyện kể tầm phào, nhỏ to tâm sự, … Và cùng nhau đơn sơ dâng lời cầu nguyện cùng bạn-đường-Giêsu, tin chắc rằng chúng ta sẽ lắng nghe được ước mơ và những điều tốt đẹp nhất từ chính tâm hồn của họ đấy!
Mong rằng qua sự đa diện trong những lần sinh hoạt giao lưu với nhau, sẽ không còn nhiều bạn trẻ đứng trước cửa ngõ, mà đã mở cửa bước vào thế giới của mình thật sự vậy!
Cát Biển