Thánh nhạc phải hội nhập trong ngôn ngữ âm nhạc đương đại

109

“Thánh nhạc có nhiệm vụ đem lại cho chúng ta vẻ đẹp của Thiên Chúa, vì thế đừng bao giờ để nó phải rơi vào tình trạng tầm thường và hời hợt”. Đức Thánh Cha đã khẳng định trong bài diễn văn tham dự Hội nghị quốc tế về Thánh nhạc vào sáng 4/3/2017 do Hội đồng Tòa Thánh về Văn hóa, Bộ Giáo dục Công giáo, Giáo hoàng Học viện về Thánh nhạc và Giáo hoàng Học viện về Phụng vụ thuộc trường thánh Anselmo ở Roma tổ chức. Hội nghị quốc tế diễn ra dưới sự hướng dẫn của Đức Hồng y Gianfranco Ravasi, chủ tịch Bộ Văn hóa, với chủ đề : “Âm nhạc và Giáo Hội : việc phụng tự và văn hóa 50 năm từ sau Huấn Thị về Thánh Nhạc – Musicam Sacram”.

Đào sâu mối tương quan giữa Thánh nhạc và văn hóa đương đại, Đức Thánh Cha nhấn mạnh : Giáo hội cần phải bảo vệ các di sản được thừa hưởng từ quá khứ và đồng thời phải làm cho thánh nhạc được “hội nhập văn hóa” (incultura) vào trong các ngôn ngữ nghệ thuật và âm nhạc đương đại. Thánh nhạc giúp cho các tín hữu bước vào trong Mầu nhiệm của Thiên Chúa, để chiêm ngắm và cảm nhận được Người. Đức Thánh Cha Phanxicô đã giải thích bài diễn văn của mình bằng cách khởi đi từ huấn thị Musicam Sacram, nhân kỷ niệm 50 năm ngày ban hành và sau đó nhắc lại ưu tư của các nghị phụ trong Công đồng Vatican II, qua Hiến chế Phụng Vụ Thánh – Sacrosanctum Concilium – về sự cần thiết để các tín hữu khi tham dự phụng vụ có thể hiểu được hoàn toàn bằng ngôn ngữ của mình.

Thánh nhạc phải hội nhập vào trong ngôn ngữ âm nhạc đương đại.

Liên quan đến thánh nhạc và thánh ca phụng vụ “nảy sinh hai nhiệm vụ đối với Giáo hội : một mặt, Giáo hội phải bảo tồn và làm tăng thêm giá trị các di sản phong phú, đa dạng được thừa hưởng từ quá khứ, bằng cách dùng nó với sự cân bằng trong hiện tại và tránh xa nguy cơ của việc hoài cổ hoặc khảo cổ”. Mặt khác, Giáo hội cần phải bảo đảm rằng thánh nhạc và thánh ca phụng vụ được “hội nhập văn hóa” hoàn toàn trong các ngôn ngữ nghệ thuật và âm nhạc đương thời; tức là biết trình bày và để Lời Chúa nhập thể vào trong các bài hát, âm thanh, hòa âm làm rung động tâm hồn của mọi người trong thời đại chúng ta; bằng cách kiến tạo một bầu khí cảm xúc thích hợp, chuẩn bị cho đức tin và làm sống lại sự đón nhận và tham dự đầy đủ vào mầu nhiệm được cử hành”.

Không hời hợt và tầm thường gây nguy hại cho vẻ đẹp của âm nhạc

Tất nhiên “sự gặp gỡ giữa tính hiện đại và đưa ngôn ngữ nói vào trong Phụng vụ gợi lên nhiều vấn đề : về ngôn ngữ, hình thức và các thể loại âm nhạc”.

Đôi khi cái tầm thường và hời hợt nào đó thắng thế gây nguy hại đến vẻ đẹp, cường độ của các cử hành phụng vụ. Cho nên những người có trách nhiệm trong lãnh vực này, các nghệ sĩ và nhạc sĩ, các nhạc trưởng và ca viên, linh hoạt viên phụng vụ có thể đem lại sự đóng góp quý báu cho việc đổi mới, nhất là về chất lượng của thánh nhạc và thánh ca phụng vụ”.

Vì thế, “cần phải thúc đẩy việc đào tạo âm nhạc thích hợp, ngay cả cho các ứng viên đang chuẩn bị làm linh mục, trong việc đối thoại với các trào lưu âm nhạc đương đại, với những đòi hỏi của các vùng văn hóa khác nhau, trong thái độ đại kết”. Đức Thánh Cha khuyến khích những người tham gia hội nghị “đừng sao lãng mục tiêu quan trọng này : là giúp cộng đoàn phụng vụ và dân Chúa nhận thức và tham gia, với tất cả giác quan thể lý và tinh thần, vào mầu nhiệm Thiên Chúa”. Ngài kết luận : “Thánh nhạc và thánh ca phụng vụ có nhiệm vụ đem lại cho chúng ta cảm thức về vinh quang Thiên Chúa, về vẻ đẹp và sự thánh thiện của Người, đang vây bọc chúng ta như đám mây sáng chói”. 

 
Lm. Giuse Võ Tá Hoàng