Cuối năm và những chiều lá rụng

118
Lá-rụngKhi cây bàng, hoa gạo và sầu đông ngoài trời Bắc chỉ còn cành trơ trụi, thì ở Sài Gòn, cây sao, cây dầu và hàng tre vàng những ngày qua đang đua nhau trút lá. Thật ra, đây chỉ là vấn đề thời gian, vì dù Nam hay Bắc, lạnh hay nóng, lá cây vẫn cứ hóa vàng rồi rơi xuống đấy thôi. “Lá rụng về cội”, chiếc lá như phận người đang thực hiện cuộc trở về.

Những ngày cuối năm, tiếng động cơ, tiếng còi tàu xe rền rĩ hơn trước. Bến đi bến đợi tấp nập người. Lòng kẻ tha phương rộn rạo vì mong ngóng được thấy ruộng đồng và lũy tre làng rũ bóng bên bờ đê. Quanh năm suốt tháng quần quật với máy móc, vải da, ước ao đến mấy cũng khó để về nhà. Mẹ cha và đàn em cũng chỉ biết chờ đến Tết. Hai nỗi chờ đợi đợi chờ để được gặp nhau. Rồi họ nhận ra chốn thị thành cũng chỉ là chốn trọ. Sống ở đó suốt năm nhưng lòng vẫn cứ hoài khắc khoải, bởi lẽ căn phòng đâu phải là nhà! Mái nhà đúng nghĩa phải có ký ức, có nguồn cội, có người thương. Về quê ăn Tết chỉ là kiểu nói nôm na. Tết vốn dĩ để sum vầy, để kẻ đi xa trở về quê cha đất tổ. Bao lâu lòng vẫn còn khắc khoải nỗi niềm hoài hương, người ta vẫn đang ngày từng ngày làm đầy thêm nhân vị của chính họ. Bởi lẽ, “quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nỗi thành người” (Quê Hương – Đỗ Trung Quân).

Chiếc lá tìm về cội cũng tựa như người đi xa tìm về chính mình. Đôi khi ta cứ ngỡ mình đã đảm nhận cuộc sống với trọn vẹn con người, nghĩa là, tôi đã và đang sống tròn đầy bản vị của tôi. Nhưng, có khi nào tôi tự hỏi mình là ai, tôi đang làm gì, hay đời mình sẽ đi về đâu? Có khi nào tôi tra vấn mình tại sao tôi lại hành xử như thế, sao tôi lại chọn điều này mà không phải điều kia? Tôi có dám đối diện với chính mình trước những va vấp và lỗi lầm trong ít phút thinh lặng? Có lẽ dễ hơn nhiều để khỏa lấp trống vắng bằng bài nhạc sôi động, một buổi café tán gẫu, bữa nhậu nhẹt hay đơn giản là giấc ngủ dài. Tôi sẽ xa dần chính tôi, bao lâu tôi chưa chịu trở về.

Lạ lùng thay, khi lần tìm về cõi nội thâm sâu để gặp mình, người ta cũng có cơ may gặp thấy Đấng Siêu Việt. Ngài ở trong tôi, như lời thánh Âu-tinh phát biểu, sâu hơn chỗ sâu nhất và cao hơn chỗ cao nhất của lòng tôi. Thế nên, nếu ước ao gặp được Thiên Chúa vốn là nguồn cội của mọi cội nguồn, lâu đài nội tâm của chính tôi có thể là điểm hẹn.“Ngài vốn ở trong con, mà con lại ở ngoài con và vì thế con tìm Ngài ở bên ngoài; […] Ngài đã ở với con mà con lại không ở với Ngài.  (Thánh Âu-tinh, Tự Thuật, X, 27, 38). Bên cạnh con đường nội quan, ai cũng có thể tìm gặp Đấng Nguồn Cội khi quan sát ngoại giới. Thánh Inhaxiô Loyola đã chỉ bày cho thao viên: “Xét xem Chúa ngự trong tạo vật như thế nào, trong các nguyên tố bằng cách ban cho thực thể, trong thảo mộc bằng cách ban cho sức tăng trưởng, trong thú vật bằng cách ban cho cảm giác, trong loài người bằng cách ban cho trí khôn […]” (Linh Thao, 235).

Rồi một sớm mai kia, khi hơi thở được trút cạn vào hư vô, mỗi người sẽ thực hiện một cuộc trở về cuối cùng. Lá sẽ rụng về cội như chuyến tàu sẽ dừng hẳn ở sân ga cuối. Cái chết rồi sẽ gõ cửa, không trừ một ai. Hướng đến cuộc trở về sau chót để bước vào cõi thiên thai nơi có Đấng Cội Nguồn hiện diện, chắc hẳn mỗi người sẽ biết mình cần chuẩn bị gì ngay từ bây giờ.

Có buồn và sợ không khi phải rời hiện tại để ra đi? Sẽ là dối lòng nếu nói “không”, nhưng đôi khi ta quên để ý, rằng khi lá đã trút hết, những mầm xanh đã rục rịch chờ ngày bung nụ đón nắng tươi.

Jos. Nguyễn Minh Vương, S.J

dongten.net