ĐTC tông du nước Đức lần thứ ba: Dấu chỉ của hiệp nhất
WHĐ (23.09.2011) – Rôma, ngày 21 tháng Chín 2011: Hôm trước ngày khởi hành tông du chính thức nước Đức của ĐTC Bênêđictô XVI từ ngày 22 đến 25-09, trên đài phát thanh Vatican, Sứ thần Tòa thánh tại Berlin, Đức Tổng giám mục Jean-Claude Périsset nói về tầm quan trọng của những cử chỉ mà ĐTC sẽ bày tỏ để ủng hộ cho công cuộc đại kết.
Đức Sứ thần nhận định: “Đối với tôi, chỉ riêng việc ĐTC đi đến gặp các anh em Tin lành tại chính nơi mà ngài Luther tu trì và cũng là nơi ngài lìa bỏ Giáo hội để cổ võ cho thị kiến cá nhân của ngài quả thật là quá đặc biệt. ĐTC ước muốn bày tỏ dấu chỉ này: không những chỉ là đối thoại với anh em Tin lành hoặc những nhóm Cải Cách khác, nhưng còn là để có thời gian cầu nguyện, một hành động cầu nguyện đại kết. Tôi thực sự tin rằng Đức Kitô sẽ hiện diện trong những buổi gặp gỡ đại kết này. Cử chỉ này chắc chắn sẽ có âm hưởng ra khỏi những bức tường tu viện Erfurt và ngay cả ra ngoài nước Đức.
Trong cuộc phỏng vấn này, Đức Sứ thần cũng cho thấy một nước Đức “giống như các xã hội phương Tây khác, nơi mà Đức Tin dường như không còn chỗ đứng nhiều, ngay cả giữa lòng Giáo hội Công giáo”.
Ngài giải thích: “Những giáo dân dự lễ Chúa nhật thường xuyên chỉ khoảng hơn 15%. Dù vậy, ngay cả những người xưng mình là thành viên của một Giáo hội thì 1/3 là Công giáo, 1/3 là Tin lành và 1/3 nói mình không thuộc tôn giáo nào cả. Tuy nhiên, tôi nhận thấy ngay cả những người không đồng ý với Giáo hội cũng lấy làm tâm đắc về thông điệp của Đức Thánh Cha”.
Ngài nói tiếp: “Cần phải ý thức rằng kho tàng vốn có của huấn quyền của Giáo hội, được phong phú theo dòng thời gian, đã đem lại sức sống cho cộng đồng chúng ta và ĐTC cùng với các giám mục ngày nay đang tìm cách làm cho sức sống đó sống động hơn nữa trong xã hội chúng ta đang sống.”
Ngài nhấn mạnh về tầm quan trọng phải biết lắng nghe: “Phải trình bày như thế nào để ngôn ngữ của chúng ta được người khác tiếp nhận thì về điều này, tôi tin rằng ĐTC Bênêđíctô XVI xứng đáng là bậc thầy.”
Được hỏi về việc một số dân biểu ở Quốc hội Liên bang đe dọa tẩy chay cuộc viếng thăm này, Đức Sứ thần hy vọng rằng họ sẽ chống đối “trong giới hạn cho phép, vì cuộc gặp gỡ này được chính Quốc hội mời. Nếu không, họ sẽ chỉ cho thấy mình là những con người cố chấp.”
Sau cùng, Đức Sứ thần cầu mong dân chúng Đức và mọi người trên toàn thế giới cứ đặt tin tưởng vào họ, tin chắc là có Thiên Chúa hiện diện giữa chúng ta. Và ngài kết luận: “Nhiệm vụ của ĐTC là đem đến thông điệp này, còn bổn phận của chúng ta là đón tiếp ngài một cách can đảm và nghiêm chỉnh.”
(Marine Soreau, Zenit, 21-09-2011)