Nỗi bất an thâm sâu nhất của chúng ta

70

bất anTại sao chúng ta không sống hạnh phúc hơn? Tại sao chúng ta luôn mãi rơi vào thất vọng, căng thẳng, giận dữ, và phẫn uất?

Tất nhiên có quá nhiều lý do để gọi tên. Như Chúa Giêsu nói, ngày nào có đủ vấn đề cho ngày ấy. Chúng ta không hạnh phúc bởi quá nhiều chuyện. Nhưng cũng hữu ích nếu đôi khi, chúng ta biết tự vấn: Tại sao tôi lại quá triền miên đứng bên ngoài cánh cổng hạnh phúc kia chứ?

Câu trả lời ban đầu của chúng ta có lẽ sẽ hướng về những áp lực trong đời khiến chúng ta mệt mỏi, có vấn đề sức khỏe, căng thẳng trong các mối quan hệ, căng thẳng trong công việc, và lo lắng về sự an toàn của mình. Luôn luôn có chuyện gì đó. Một suy tư khác, có thể dò đến những nguyên do sâu xa hơn, như sự thất vọng vô thức về việc cuộc sống của chúng ta trở nên như thế này, đi xuống như thế này, kèm theo nhiều giấc mơ đã tiêu tan vỡ mộng.

Nhưng một suy tư sâu hơn nữa, sẽ soi rọi vào một điều gì đó, một điều nằm ngoài những áp lực thông thường và thất vọng sâu hơn trong đời chúng ta. Tôi cho rằng, nó sẽ hé lộ một sự bất an vô thức tiềm ẩn, không ngừng biến tích cực thành tiêu cực, khiến chúng ta cứ nguyền rủa thay vì chúc lành, và thậm chí khiến chúng ta phóng chiếu sự tiêu cực và cay đắng của mình vào trong Thiên Chúa và tôn giáo mà chúng ta tin. Vậy sự bất an này là gì?

Sự bất an này, tận gốc rễ, là một cảm giác rằng chúng ta không được chào đón cho đủ trong thế giới này, rằng Thiên Chúa và vũ trụ theo cách nào đó đang thù địch với chúng ta, rằng chúng ta không được yêu thương và tha thứ vô điều kiện.  Và bởi thế, chúng ta có sự hoang tưởng và thù địch nhất định với tha nhân. Sinh lực của người khác là mối đe dọa đến sự chào đón mà chúng ta mong mỏi.

Cha Thomas Merton đã chẩn đoán về vấn đề này. Bình luận về sự tiêu cực trong chính trị, giáo hội và cộng đồng thời đại mình, cha Merton đưa ra một lý do này để giải thích về sự cay đắng và chia rẽ:

‘Trong một bầu khí không phải hướng về sự sống và lòng thương xót, nhưng hướng về sự chết và lên án, thì tội lỗi chung và riêng của những con người và đoàn thể, vật lộn chống lại nhau trong một nỗ lực sinh tử. Con người, bộ lạc, quốc gia, giáo phái, đảng phái thiết lập sự hiện hữu của mình bằng cách cáo buộc lẫn nhau. Do đó họ tìm cách sinh tồn và khẳng định bản thân bằng cách sống quỷ ám, bởi quỷ là ‘kẻ lên án anh em mình.’ Một hiện hữu quỷ ám là kẻ kiên quyết chẩn đoán những gì không thể chữa, những gì không có mong muốn chữa lành, nó chỉ tìm cách tối đa hóa tiềm lực nhằm gây chết chóc cho các nạn nhân của nó. Nhưng đây là cám dỗ bủa vây tình trạng hiện sinh của con người, một hiện hữu phẫn uất ngụ ý nhu cầu muốn và quyết định phải cáo buộc và lên án tất cả những hiện hữu khác.

…Và khi sự thật đúng là thế, thì Thiên Chúa trở thành một tổ vật bộ lạc, một sự tán tụng cho đấu tranh hiện sinh tìm kiếm cái tôi nhằm thiết lập sự tự trị trong hố thẳm trống rỗng của nó. Một Thiên Chúa như thế có thể là gì ngoài hiện thân của phẫn uất, thù hận, và kinh khiếp chứ? Chính sự tồn tại những thần tượng như thế mà những tinh thần chính thống báo oán và gây chết chóc nở rộ. Những thần của các đảng phái, giáo phái, chủng tộc và quốc gia này, chắc chắn là thần chiến tranh.  … Và điều này chỉ có thể sửa đổi, khi con người nhận ra rằng mình chỉ là con nợ mang món nợ không thể nào trả nổi.’

Và ngày nay chẳng phải cũng đúng thế hay sao? Các nghị trình chính trị, giáo hội và cộng đồng của chúng ta quá bế tắc, phân cực, quỷ ám và xấu xa! Tất cả chúng ta quá phẫn uất! Chúng ta đã biến Thiên Chúa của mình thành hiện thân của phẫn uất, thù hận và sợ hãi. Chúng ta đang biến những tinh thần chính thống gieo chết chóc thành tôn giáo. Cộng đồng và giáo hội chúng ta đang tạo ra những thần linh bộ lạc của mình đến thế nào? Tất nhiên chúng ta thấy điều này gần như rõ ràng trong những kẻ khủng bố tôn giáo, đánh bom và giết hại nhân danh Thiên Chúa. Nhưng thật ra, nó không trừ một ai. Tất cả chúng ta đều đấu tranh để tin vào một Thiên Chúa thật sự yêu thương tất cả mọi người và một Thiên Chúa không phải là thần linh bộ lạc cho riêng chúng ta. Thật sự một phần nguyên do lịch sử của chủ nghĩa khủng bố tôn giáo thời nay có liên quan đến chứng hoang tưởng dai dẳng và cách chúng ta phóng chiếu những phẫn uất, sợ hãi và thù hận của mình vào Thiên Chúa mà chúng ta tin và vào tôn giáo mà chúng ta thực hành.

Nhưng cha Merton cũng chia sẻ bí quyết để vượt lên cám dỗ này, chấm dứt chuyện phóng chiếu những phẫn uất và sợ hãi của chúng ta vào Thiên Chúa và giáo hội. Lời giải của cha là gì? Mọi sự sẽ thay đổi, khi tận cội rễ hiện hữu, chúng ta thừa nhận rằng mình là con nợ mang một món nợ không thể trả. Rồi cuối cùng chúng ta sẽ chấp nhận sự chào đón và tình yêu thương của Thiên Chúa, và chấp nhận mình được chào đón, rồi chúng ta sẽ không còn oán giận người khác nữa.  Chỉ khi chúng ta biết mình được chào đón, thì chúng ta mới có thể chấp nhận chứ không lên án. Và rồi, chỉ khi đó, chúng ta mới để Chúa của chúng ta cũng là Chúa của người khác.

Nơi gốc rễ của sự phẫn uất thâm sâu nhất, là một sự bất an không chắc mình có được chào đón trong thế giới hay không, đi kèm việc bất lực để nhận thức bản tinh đích thực của Thiên Chúa. Va do đó, bởi chúng ta cảm giác mình bị đe dọa, nên cứ luôn mãi tạo ra một Thiên Chúa và tôn giáo để che chắn cho chúng ta chống lại người khác.

Ron Rolheiser|Our Deepest Insecurity

J.B. Thái Hòa (phanxicoVN) chuyển dịch