Đức ái và người sống đời thánh hiến

867

Dẫn nhập

thánh hiếnChúa Giêsu đã dùng Đức Ái làm nét đặc trưng nơi các môn đệ Người (xGa 13,34-35). Người Kitô hữu (đặc biệt là người sống đời thánh hiến) được kêu gọi trở nên giống Đức Kitô qua việc sống và thể hiện Đức Ái đã được Chúa Thánh Thần tuôn đổ qua và trong Bí tích Rửa tội (xRm 5,5). Người sống đời thánh hiến là những người “được tuyển chọn để nối dài sự hiện diện của Đức Giêsu Kitô và làm cho tình yêu của Người hiện diện nơi mọi người” (Linh mục Marcial Maciel, L.C.) Chính vì vậy, Đức Ái không thể vắng bóng trong tâm hồn và đời sống của người sống đời thánh hiến. Bài viết dưới đây là những suy tư cá nhân về đời sống Đức Ái của người sống đời thánh hiến với những đề xuất thực hành cụ thể.

I. Định nghĩa

1. Từ ngữ

Đức Ái trong tiếng Việt được dịch từ chữ “caritas” trong tiếng La-tinh, từ “caritas” có gốc bởi “carus” nghĩa là “quý hiếm, đắt giá” với ngụ ý là sự trân trọng, quý mến. Trong tiếng Anh, chữ “charity” được dùng để chỉ Đức Ái. Tuy nhiên gần đây các nhà ngôn ngữ học và thần học thường sử dụng chữ “love” để dịch chữ Đức Ái. Bởi vì chữ “charity” có ngụ ý là dành cho công việc hay hoạt động bác ái  (xLm Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh XII- Các nhân đức Kitô giáo, NXB Tôn Giáo, 2014, trang 341).

2. Định nghĩa

Đức Ái là “nhân đức hướng về Chúa, nhờ đó chúng ta có thể yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự vì chính Ngài và vì yêu mến Thiên Chúa, chúng ta yêu mến người thân cận như chính mình” (GLHTCG 1822). Chúa Giêsu lấy Đức Ái làm điều răn mới khi Người đã sống Đức Ái và yêu thương những kẻ thuộc về Người đến cùng (xGa 13,1).

II. Người sống đời thánh hiến sống Đức Ái

Thiên Chúa là người Cha luôn yêu thương con người. Ngài thông ban tình yêu ấy cho con người và muốn con người cũng lan tỏa tình yêu ấy cho nhau. Để có thể làm chứng nhân cho tình yêu Chúa, người sống đời thánh hiến phải xác tín: tình yêu (Đức Ái) xuất phát và được cắm rễ trong mầu nhiệm tình yêu Ba Ngôi. Từ đó, có thể sống và làm Đức Ái lớn lên trong cuộc sống. Một khi làm được như vậy, người tu có thể sẵn sàng cho sứ vụ là: sống như Đức Kitô sống, yêu như Đức Kitô yêu và thương như Đức Kitô thương trong cuộc sống.

1. Sống Đức Ái như Đức Kitô

Người sống đời thánh hiến là những người được mời gọi tiếp nối sứ mạng của Chúa Kitô cách đặc biệt. Vì vậy, họ được kêu gọi nên giống Đức Kitô trong cách nhìn, suy nghĩ và hành động. Thật thế, khi chu toàn bổn phận hàng ngày trong Đức Ái, người sống đời thánh hiến sẽ trở thành người sống “Đức Ái của Chúa Kitô”, là hiện thân sống động của lòng thương xót chứ không là “những công chức Đền Thờ”.

Người sống đời thánh hiến cần phải gắn kết đặc biệt với Đức Kitô để phục vụ Giáo Hội là Nhiệm Thể của Người. Qua đời sống cầu nguyện liên lỉ, họ sẽ có được mối tương quan cá vị thân tình với Đức Kitô. Khi ấy, người sống đời thánh hiến sẽ luôn khiêm tốn và mở rộng tâm hồn để Đức Kitô “hòa nhập”, nên động lực và là ý nghĩa cuộc đời để từ đó có thể đáp trả lại không ngừng lời Thiên Chúa bằng tình yêu và bước theo với con tim tràn đầy tình yêu.

Người sống đời thánh hiến được mời gọi yêu thương Thiên Chúa để đáp trả tình yêu Ngài dành cho mình vì “tình yêu đáp trả tình yêu”. Đồng thời, họ cũng được mời gọi yêu thương đồng loại như Cha trên trời (xMt 5,45). Do đó, người sống đời thánh hiến cũng cần sống mở rộng tâm hồn để đón nhận tình yêu từ Thiên Chúa Cha, hiệp thông với Đức Kitô và sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần hầu sẵn sàng tự hiến phục vụ thánh ý Thiên Chúa: yêu những người Chúa yêu.

2. Sống sứ vụ Đức Ái với cộng đoàn

a. Phương thế bên trong

Đức Ái được phát sinh từ nơi sâu thẳm mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và từ tình yêu Chúa Cha, từ ân sủng của Chúa Giêsu Kitô và ơn hiệp nhất của Chúa Thánh Thần. Chính vì vậy, người sống đời thánh hiến cần tập: sống tình con thảo và trung thành với Chúa Cha; tin tưởng và gắn bó bước theo Chúa Kitô; cộng tác với Chúa Thánh Thần để được soi dẫn, đổi mới.

Để Đức Ái tựa hạt giống tốt có thể lớn lên trong tâm hồn và kết sinh hoa trái, thiết nghĩ người sống đời thánh hiến phải luôn biết lắng nghe Lời Chúa, và với ơn Người thực hành thánh ý Người; phải năng lãnh nhận các Bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể, năng tham dự vào các nghi lễ phụng vụ, từ bỏ mình nhất là  chuyên cần cầu nguyện. Bởi vì, cầu nguyện nuôi dưỡng và làm phong phú sứ vụ của người sống đời thánh hiến. Họ cũng cần siêng năng suy niệm Lời Chúa, hiệp thông với các mầu nhiệm rất thánh của Giáo Hội nhất là Bí tích Thánh Thể. Sống Bí tích Thánh Thể vì bí tích Thánh thể là dấu chỉ thường xuyên và sự hiện diện tình yêu của Thiên Chúa nên Thánh Thể là nguồn suối và chóp đỉnh của đời sống Giáo Hội và là trung tâm của đời sống và sứ vụ  của sống đời thánh hiến (xGLHTCH 1324). Người sống đời thánh hiến “kín múc” tình yêu từ suối nguồn ấy để đời sống nên chứng tá cho Đức Ái của Chúa Kitô.

Ngoài ra, người sống đời thánh hiến cần chạy đến với Mẹ Maria. Mẹ sẽ hướng dẫn họ đến với Chúa Giêsu, Đấng đưa người sống đời thánh hiến đến với Chúa Cha. Mẹ sẽ chỉ ra con đường hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa. Vì vậy, người sống đời thánh hiến cần đón nhận Mẹ vào ngôi nhà nội tâm và đời sống để được Mẹ đồng hành, che chở, gìn giữ. Mẹ sẽ hướng dẫn người sống đời thánh hiến vào mối tương quan nhân vị và đích thực với Chúa Giêsu, Con Mẹ để từ đó họ có thể có được đôi mắt Đức Ái, con tim Đức Ái để nhận ra Chúa nơi anh chị em của mình.

b. Hành động bên ngoài

Trong cộng đoàn, qua đời sống của mình, người sống đời thánh hiến phải làm cho Đức Ái cũng như lòng thương xót của Thiên Chúa được thể hiện và thực hiện. Không phải chỉ kêu gọi, trình bày bằng lý thuyết mà thôi nhưng quan trọng hơn là phải hiện thực hóa những lý thuyết ấy. Phải nên chứng tá cho Đức Ái của Đức Kitô bằng lời rao giảng và hành động.“Sống yêu mến Thiên Chúa và tha nhân không phải là điều gì đó trừu tượng nhưng rất cụ thể: nghĩa là nhìn thấy nơi mỗi người khuôn mặt của Thiên Chúa để phục vụ cách cụ thể, hầu có thể phản chiếu ánh sáng Đức Ái của Thiên Chúa” (ĐGH Phanxicô, Huấn dụ dành cho thành viên tại nhà Don Odi Maria).

Anh chị em trong cộng đoàn là những người mang hình ảnh của Thiên Chúa và được Thiên Chúa yêu thương. Nơi những người ấy có Chúa Kitô hiện diện vì:“những gì anh em làm cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Thầy là anh em đã làm cho chính Thầy” (Mt 25, 40). Quả vậy, con người có xã hội tính và chỉ trở nên chính mình trong và nhờ người khác. Trong cuộc sống, người sống đời thánh hiến có nhiệm vụ cộng tác để xây dựng cộng đoàn nên cộng đoàn yêu thương và hiệp nhất. Vì vậy, người sống đời thánh hiến cần một thái độ cởi mở, lắng nghe và đón nhận anh chị em. Học cởi mở để đón nhận. Đón nhận mình như mình LÀ để có thể đón nhận người khác như họ LÀ với những đặc điểm và lịch sử cá nhân khác biệt. Học lắng nghe để tôn trọng anh chị em: biết tách mình ra khỏi cảm nghĩ của mình. Lắng nghe để có thể phá vỡ hàng rào cách biệt giữa mình và anh chị em để đến cảm thông và gần gũi họ. Khi ấy, người người sống đời thánh hiến sẽ có con tim của Đức Ái mãi đập và rung lên những nhịp đập yêu thương.

Bản chất của Giáo Hội là hiệp thông. Đức Ái phải làm một cách nghĩ, sống xuất phát từ tình yêu dành cho Đức Kitô. Người sống đời thánh hiến phải làm cho nhịp đập con tim mình hòa nhịp với nhịp đập con tim Giêsu, nhịp đập yêu thương vì sẽ chẳng ích lợi gì để chỉ là một người tu “ngoan đạo” mà không có và sống hiệp thông trong Đức Ái với Thiên Chúa và anh chị em.

Kết luận

Nhờ việc gắn kết đời sống và sứ vụ mình với Đức Ái của Chúa Kitô, bằng các phương thế cầu nguyện, Lời Chúa…, người sống đời thánh hiến sẽ sống quan tâm và đáp ứng các nhu cầu của anh chị em giống như Đức Kitô đã làm. Đức Ái của Đức Kitô chính là điều mà người sống đời thánh hiến phải thấm nhuần và tích cực sống; sống chan hòa cùng cộng tác phục vụ với mọi người hướng đến cộng đoàn “mầu nhiệm- hiệp thông-sứ vụ”. Người sống đời thánh hiến “tập sống yêu như Chúa yêu không ngừng tha thứ, làm hòa, quan tâm đến anh em. Yêu như Chúa yêu làm nên sức sống của Giáo Hội, làm nên nét đẹp của đạo Công giáo, phản chiếu dung nhan của Thiên Chúa” (x. TGM Giuse Ngô Quang Kiệt, Tấm bánh cho đời-năm C, NXB Tôn giáo, 2011, trang 172.) 

Felicitas