Thức tỉnh

48

THỨC TỈNH

“Bác ơi ! Bác ở đây đã lâu chưa ? Người thân có hay đến đây thăm Bác không ?” – tôi hỏi. Người đàn ông chạc năm mươi tuổi ngồi trên giường bệnh nhìn chị em chúng tôi với nụ cười buồn, rồi trả lời : “Tôi ở trại phong Bến Sắn này đã hơn mười năm rồi ! Những người thân sợ bị lây bệnh phong cùi nên không ai dám đến gần tôi. Tôi ở đây một mình quen rồi !”. Câu trả lời đó tôi nghe mà thấy thương Bác và lòng thầm trách những người con và người thân của Bác sao lại vô tâm đến thế. Sau lần gặp gỡ đó, tôi nhận ra thái độ đáng trách của mình với Bố. Tôi giận dỗi, không cho Bố thể hiện tình thương chỉ vì căn bệnh của Bố.

Nội tôi có bảy người con. Bố là con cả. Từ nhỏ, Bố đã là người siêng năng, nhanh nhẹn. Bố phải nghỉ học sớm để phụ giúp gia đình.

Những năm đầu Bố Mẹ tôi lấy nhau cuộc sống thật khó khăn. Bố phải đi bán than, làm thuê làm mướn và phải sống ở những khu đào vàng bon chen kiếm từng bữa cơm nuôi gia đình. Bố phải nhập viện sau những vất vả, áp lực của công việc đè nặng trên vai. Sau trận ốm đó, Bố không còn khỏe mạnh để tiếp tục lo cho gia đình nhiều nữa.

Lớn lên, tôi sống trong sự mặc cảm về Bố. Tôi phải chứng kiến Mẹ tôi “còng lưng” thay Bố gánh vác tất cả mọi việc lớn nhỏ trong gia đình, lại phải nghe những lời trêu trọc ác ý của bạn bè : “Mày là con của ông tâm thần !”. Điều đó làm cho tôi càng thêm mặc cảm về Bố. Dù vậy, Mẹ vẫn thường xuyên dạy tôi phải cảm thông, yêu thương, chăm sóc Bố nhiều hơn.

Bố là người cha hiền, tận tụy vì con cái nhưng tôi đã chẳng hề nhận ra tình thương ấy. Có lần, nhà trường mời họp phụ huynh, Bố rất muốn đến dự để xem con gái Bố học hành thế nào. Nhưng tôi nói với Bố : “Bố ở nhà đi ! Để Mẹ đi họp cho con”. Tôi sợ Bố phát biểu một cách vụng về, đưa ra những ý kiến không đâu vào đâu trước các bậc phụ huynh khác, rồi Bố sẽ làm tôi xấu hổ với bạn bè. Những năm đi học, tôi chưa một lần để Bố đi họp phụ huynh cho mình.

Khi tôi bị bệnh, Bố đã lo lắng, chạy đi khắp nơi để kiếm những cây thuốc về chữa cho tôi. Bố cầm chén thuốc đến bên tôi và nói : “Con uống đi để mau khỏi bệnh”. Tôi cầm chén thuốc trên tay, chần chừ không muốn uống. Vì sợ tôi không uống, Bố vẫn đứng đó chờ tôi uống xong, rồi đem chén đi rửa. Lúc đó, tôi uống thuốc để cho xong. Trong suốt hơn hai mươi năm, chén thuốc tình thương Bố trao mà tôi không hề nhận ra. Tôi sống gần Bố mà lòng xa Bố. Tôi đã sống một cách ích kỷ, chỉ quan tâm đến tâm trạng buồn vui của mình mà không nghĩ đến những bệnh tật Bố phải chịu.

Những ngày sống trong Dòng, xa Bố, tôi mới nhận ra tình thương Bố dành cho tôi thật nhiều. Và trong suốt một thời gian dài, tôi đã bỏ lỡ cơ hội gần gũi, chia sẻ gánh nặng tinh thần với Bố. Giờ nghĩ lại, tôi thấy hối hận làm sao ! Giờ này, tôi muốn nói với Bố rằng : “Bố ơi, con xin lỗi Bố !”.

Hồng Môn

Thanh tuyển viện MTG. Thủ Đức