Chuyến đi ý nghĩa

54

   – Bíp ! Bíp ! Các chị ơi xuất phát thôi !…

   Thứ bảy tuần trước, gia đình Thanh Tuyển chúng tôi đã được quý Dì giáo tạo điều kiện đến thăm trại phong Bến Sắn – Bình Dương. Dưới sự hướng dẫn của ba Thầy tập sinh (Dòng Tên), chúng tôi được đi thăm hỏi các bệnh nhân trong khu trại. Chúng tôi chia làm ba nhóm : nhóm một đi thăm khu vực dưỡng lão nam ; nhóm hai đến khu vực dưỡng lão nữ và nhóm ba sẽ thăm khoa thần kinh. Chúng tôi bắt đầu “lên đường”. Tôi hân hạnh được tới thăm khu vực dưỡng lão nam (những bệnh nhân nam trên tám mươi tuổi). Chúng tôi chia nhau ra thăm hỏi và tặng quà cho mỗi bệnh nhân trong khu vực mình đến. Tôi được trò chuyện với một ông cụ, ông tên Qúy, quê ở An Giang :

 ttv1– Con chào ông ! Ông ơi, ông có khỏe không ạ ?

 –  Khỏe !

 – Năm nay, Ông bao nhiêu tuổi ạ ?

 – Tám mươi rồi con ơi.

 – Tôi ngạc nhiên đáp :

 – Ông đã tám mươi tuổi rồi mà con thấy ông còn trẻ quá !

 Ông nhìn tôi, cười mỉm và ôn tồn đáp :

  – Trẻ hay không là ở cái này nè con – vừa nói, ông vừa chỉ vào ngực mình – Ông vào đây được mười mấy năm rồi. Lúc đầu, ông cũng buồn và nhớ nhà lắm ! Nhưng ở riết rồi quen con ơi, bây giờ thì hết rồi.

  Tôi hiểu ra, ông muốn nói đến sự trẻ trung trong tâm hồn. Nghe ông nói, lòng tôi như chùng lại. Tôi cũng từng xa nhà, tôi cũng phần nào hiểu ra cái cảm giác nhớ nhà lắm của ông, nhưng tôi vẫn còn được về thăm gia đình trong mỗi dịp nghỉ lễ, Tết, hè… còn ông, về thăm lại gia đình dường như là một giấc mơ thật xa vời.

  Vì không có nhiều thời gian, tôi chỉ kịp hỏi thăm ông mấy câu nữa và cầu mong ông luôn được mạnh khỏe và có nhiều niềm vui. Tôi đưa mắt nhìn ông, cố tạo được sự thân thiện nhất rồi ân cần hỏi :

  – Vậy bây giờ, ông sống có vui không ạ ?

  – Vui chứ con ! Ông luôn mong cho các con sống vui vẻ và hạnh phúc, như vậy mới không lo bệnh, kẻo như ông đây.

  – Dạ vâng, con cảm ơn ông rất nhiều ! Con sẽ luôn nhớ và cầu nguyện cho ông. Con chúc ông luôn mạnh khỏe và có nhiều niềm vui ông nhé ! Hẹn lần sau, nếu có dịp con sẽ tới thăm ông. Con chào ông ạ !

  – Ừ, chào con.

   Hình ảnh của ông vẫn còn in mãi trong tâm trí tôi. Suốt cả chuyến đi, tôi không bao giờ quên được, một ông cụ với hai bàn tay, đôi chân không còn nguyên vẹn. Bệnh phong quái ác đã hành hạ thân xác ông, nhưng trên môi ông luôn nở nụ cười trao cho tôi. Cái cảm giác sợ hãi lúc đầu của tôi dần tan, thay vào đó là sự sẻ chia, cảm thông và sẵn sàng cầm nắm những bàn tay không còn nguyên vẹn bởi bệnh tật. Ông đã cho tôi một bài học : bài học của sự sẻ chia, cảm thông ; của sự xóa bỏ mặc cảm về những bệnh nhân phong cùi ; của sự gần gũi và yêu thương với những hoàn cảnh khó khăn của những người kém may mắn hơn mình.

   Tôi luôn trân trọng họ, những con người sống chung với sự giày vò đau đớn của bệnh tật, sống chung với cả những sự xa cách, vô cảm của xã hội. Tất cả không làm họ chùn bước, niềm vui vẫn ở trên môi, luôn lạc quan, yêu đời và sống vui vẻ với “mái ấm gia đình” hiện tại. Đó là bài học sâu sắc cho tôi những khi cảm thấy mình yếu đuối, khó khăn và cả thử thách.

 Chuyến đi ý nghĩa, tôi sẽ luôn nhớ và cầu nguyện cho tất cả những người trong khu trại : các ông, các bà, các anh chị, quý Thầy, quý Sơ – Tu Hội Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn – những “tấm lòng vàng” âm thầm phục vụ các bệnh nhân trong trại.

   Tôi không bao giờ quên được những gương mặt mà tôi được gặp gỡ, những bài học ý nghĩa tôi được đón nhận và phó thác tất cả trong bàn tay quan phòng của Chúa để Người hướng dẫn, đỡ nâng. Tôi cũng ước mong sẽ có cơ hội được đến thăm trại phong một lần nữa, trong chuyến đi tiếp theo chờ đợi tôi một ngày không xa.

                              Maria Thanh Hải, Thanh tuyển sinh MTG.TĐ