Thời Gian Của Chúa (Thứ Năm Tuần 3 Mùa Vọng)

54

Lời Chúa: Mt 1, 1-17

Sách gia phả của Chúa Giêsu Kitô, con vua Đavít, con của Abraham. Abraham sinh Isaac; Isaac sinh Giacóp; Giacóp sinh Giuđa và các anh em người. Giuđa sinh Phares và Zara ?bởi bà Thamar; Phares sinh Esrom; Esrom sinh Aram; Aram sinh Aminadab; Aminadab sinh Naasson; Naasson sinh Salmon; Salmon sinh Booz do bà Rahab; Booz sinh Giobed do bà Rút. Giobed sinh Giêsê; Giêsê sinh vua Đavít.

Đavít sinh Salomon do bà vợ của Uria; Salomon sinh Robo-am; Roboam sinh Abia; Abia sinh Asa; Asa sinh Giosaphát; Giosaphát sinh Gioram; Gioram sinh Ozia; Ozia sinh Gioatham; Gioatham sinh Achaz; Achaz sinh Ezekia; Ezekia sinh Manas-se; Manasse sinh Amos; Amos sinh Giosia; Giosia sinh Giêconia và các em trong thời lưu đày ở Babylon.

Sau thời lưu đày ở Babylon, Giêconia sinh Salathiel; Sala-thiel sinh Zorababel; Zorababel sinh Abiud; Abiud sinh Eliakim; Eliakim sinh Azor; Azor sinh Sađoc; Sađoc sinh Akim; Akim sinh Eliud; Eliud sinh Eleazar; Eleazar sinh Mathan; Mathan sinh Giacóp; Giacóp sinh Giuse, là bạn của Maria, mẹ của Chúa Giêsu gọi là Đức Kitô.

Vậy, từ Abraham đến Đavít có tất cả mười bốn đời, từ Đavít đến cuộc lưu đày ở Babylon có mười bốn đời, và từ cuộc lưu đày ở Babylon cho đến Chúa Kitô có mười bốn đời.

 

Suy niệm:

Có thể vì quá nặng nề bởi quan niệm thắng thua hơn thiệt, do đó mà tiêu chuẩn tài giỏi, giầu có, khỏe mạnh, xinh đẹp, bao giờ cũng thu hút người ta. Khi khen thưởng, tặng quà, giới bình dân thường muốn “sếp” của mình cứ “qui ra thóc” để chúc mừng thì vui hơn, cụ thể hơn. Trong giới trí thức, phần thưởng họ mong hơn cả là danh dự, niềm vui, hạnh phúc, cần được mọi người biết đến : một miếng giữa làng, bằng sàng xó bếp. Tất cả dường như đã ăn sâu vào thói quen, trở thành niềm mơ ước có sẵn trong con người.

Khi nghe những tên tuổi “lạ hoắc” trong Tin mừng hôm nay, tưởng chẳng ăn nhập gì, nhưng rồi thì mọi người cũng đọc được chương trình tình thương của Thiên Chúa thể hiện qua 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn có tới 14 đời. Đúng là một kỷ lục về thời gian, “gia phả Đức Giêsu Kitô” được nghiên cứu, ghi chép, thật công phu. Sống trong đau khổ lầm than, mù mịt tối tăm thất bại, thời gian luôn dài lê thê, đáng sợ ! Ở trên đỉnh vinh quang danh dự, nhưng lời chúc mừng, ca tụng, thời gian đó bao giờ cũng ngắn ngủi.

Hôm nay đây, thời gian dài với những vị tên tuổi của Do-thái giáo, đoạn Tin mừng có ý giới thiệu Đấng Kitô, và trả lời cho nhân loại về tình yêu thương của Thiên Chúa. Thời gian dài không làm phai mờ đi lời hứa cứu độ, khúc quanh lịch sử cho thấy có nhiều bất xứng, nhưng dân tộc ấy, dòng tộc ấy vẫn được Thiên Chúa yêu thương bao bọc, nâng đỡ. Niềm tin của Abraham, tinh thần sám hối của Đa-vít, đau khổ tột cùng ở thời kỳ lưu đày, tất cả như muốn nói lên : thời gian chứng thực lòng trung thành của tình yêu.

Sách có câu : ai không biết giá trị của thời giờ, thì đừng mong được vinh quang. Thời giờ là vàng bạc, đối với người khỏe mạnh đang kiếm tìm hạnh phúc. Thời giờ thật đáng sợ, đối với những người đang đau khổ, nhất là đang nằm trên giường bệnh. Nhưng thời giờ thật quý báu, cho tất cả những ai biết sống tương quan yêu thương cách nghiêm túc. Thời giờ mà dân tộc Do-thái trải qua trong lịch sử, vừa là thử thách, vừa là một cách thể hiện niềm tin cho ơn cứu độ đến. Hẳn cũng là thời giờ cho từng tâm hồn chúng ta hôm nay, khi biết sử dụng thời giờ để gặp gỡ tình yêu và hạnh phúc thật.

Quỹ thời gian của đời người thì có hạn, nhưng thời gian đối với Thiên Chúa là vô hạn, được thể hiện qua từng giai đoạn, từng cá nhân, để chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế xuất hiện. Chúa làm người, đi sâu vào từng tâm hồn, cảm thông và nâng đỡ con người lên tầm mức toàn thiện để được cứu độ, được dự phần vinh quang của Chúa. Thời gian dẫn con người tới việc nhận biết thân phận giới hạn của mình, thời gian làm cho con người hiểu kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, thời gian trả lời cho nhân loại về tình yêu của Thiên Chúa sẽ đến trong vinh quang. Hãy trân trọng những gì mà chúng ta đang có, để sống, để giúp nhau hiểu giá trị của thời gian là gì. Amen.

Lm. DĐH. Gp. Xuân Lộc