Chú ý không bởi nội dung lời kêu gọi vì đây không là lần đầu lời kêu gọi bảo vệ trẻ em được vang lên, cũng chẳng vì có tên danh thủ bóng đá Beckham nhưng vì cái tên Malala trong khung cảnh ngày trung thu, ngày dành riêng cho trẻ em.
… Malala là ai? Là người phát biểu liền sau Đức Phanxicô ở buổi khai mạc hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo thế giới tại trụ sở Liên Hiệp Quốc (25/9/2015).
Là người nhận giải Nobel Hòa bình 2014.
Là bé gái bị nhóm Taliban bắn trọng thương vào đầu và cổ khi mới 14 tuổi ( 10/2012).
Là nhà hoạt động ôn hòa, có niềm tin mạnh mẽ vào sức mạnh của giáo dục
Là biểu tượng của lòng dũng cảm và niềm hy vọng (Tướng Ashfaq Kayani)
Cô cho biết cô hi vọng có thể gặp được giáo hoàng vì cô tin rằng lời nói của ông “có thể đưa mọi người xích lại gần nhau để thúc đẩy sự tiến bộ của nhân loại”.
Bên cạnh em Malala Yousafzai bị bắn vì mạnh mẽ theo đuổi ước vọng dành lại quyền lợi chính đáng của mình; còn đó những bé gái, bé trai khác mang lấy thương tích và cả cái chết vô tình khiến con tim nhân loại chao đảo, khiến những dự tính của họ trước đây đổi thay…
Em bé Napalm Phan thị kim Phúc, 9 tuổi, dang đôi tay nóng cháy vì bom đạn ở ngả ba Trảng Bàng, Tây Ninh 8-6-1972, khiến cả thế giới rùng mình vì chiến tranh.
Em Alan Kurdy, 3 tuổi, được nữ phóng viên Niluter Demir ghi lại nơi bờ biển Thổ nhĩ Kỳ mới đây (2/9/2015) khiến cánh cửa tâm hồn nhân loại lâu nay đóng chặt được mở bung ra để đón bao phận người nổi trôi vô gia cư, mất tổ quốc mà em là người đại diện.
Còn nhiều thiếu nhi khác nữa khiến người xem không thể không vui khi nhìn thấy chúng, hình ảnh cậu bé mồ côi Carlos, 6 tuổi, hôm 26/10/2013 quấn quít bên chân Giáo Hoàng khi Ngài đang nói chuyện với đám đông, có thể nói em là thiếu nhi duy nhất ngồi vào ghế giáo hoàng trước mặt mọi người cách hồn nhiên khó tả…
Mới đây nhất , hình ảnh bé gái Sophie Cruz, 5 tuổi được đám đông nồng nhiệt chia vui khi em được Giáo Hoàng ôm hôn và đặt tay âu yếm lúc em cố gắng vượt hàng rào những người bảo vệ để được gần Ngài trên phố Washington hôm 23/9…
Đã có một mùa thu ảm đạm, đau đớn tột cùng được dệt nên bởi đôi dòng thơ của Guillaume Apollinaire trong l’Adieu:
(J’ai cueilli ce brin de bruyère
L’automne est morte souviens-t’en)
Ta ngắt đi một cành hoa thạch thảo
Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi (Bùi Giáng dịch)
thì có một mùa thu khác, mùa thu 2015, không chỉ cho Châu Mỹ nhưng cho khắp các châu lục. Mùa thu lá vàng không rơi nhưng phủ ngập màu xanh hy vọng; không là áng mây buồn bay qua ngang đầu nhưng là bầu trời trong xanh phủ đầy ước mơ thánh thiện. Mùa thu mà trẻ em không chỉ biết lồng đèn, múa lân, bánh kẹo nhưng còn là những đại sứ thiện chí, là hình mẫu cho những ai muốn được cứu rỗi. Chúa đã không nhầm khi Ngài đặt hoàn toàn tín nhiệm vào các em, “Nước Thiên Chúa thuộc về những ai giống như chúng “ (Mc 10,14). Kinh Thánh đã không ghi lại tên những em được giới thiệu cho Đức Kitô không phải vì chúng không có tên nhưng vì tên các em vượt qua cái tên hữu hạn của khai sinh để khi nhìn thấy các em chúng ta nhận ra nơi các em một sứ điệp đầy cấp bách: Em là Hòa bình, là tha thứ của Kim Phúc; là bao dung, rộng lòng của Alan Kurdy; là không hề tranh dành quyền lực của Carlos; là say mê chân lý của Malala; là khát vọng lớn lao của Sophie Cruz của những kẻ không nhà…
Xin đừng làm vẩn đục các em, xin đừng dạy các em lòng căm thù, xin đừng để các em phát hiện ra mình đang bị lạm dụng cho quyền lợi của người lớn nhưng hãy cư xử với chúng như Đức Kitô đã làm: «Rồi Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng” (Mc 10, 16). Món quà Trung Thu quá lớn lao mà các thiếu nhi được nhận nơi Chúa.
Nguồn: Gpquinhon.org