Thiện nguyện là tự nguyện làm việc thiện. Việc thiện là việc tốt, giúp đỡ người khác vì đức ái trong Đức Kitô chứ không vì bất cứ lý do nào khác.
Chúng ta cần cầu nguyện cho những người đang hoạt động trong lĩnh vực thiện nguyện biết luôn quảng đại phục vụ người nghèo, đồng thời cũng nên cầu nguyện cho chính chúng ta biết “thoát ra khỏi” chính mình để biết quan tâm đến tha nhân – đặc biệt là những người hèn mọn, những người bị gạt ra bên lề cuộc sống và xã hội.
Việc thiện liên quan việc bác ái – đức ái, một trong ba nhân đức đối thần. Bác ái liên quan yêu thương, yêu thương liên quan lòng thương xót. Tự nguyện làm từ thiện là tự nguyện yêu thương vô điều kiện mọi người, kể cả kẻ thù, như Chúa Giêsu đã dạy. Thật vậy, chính Ngài vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác (Mt 5:43-48; Lc 6:27-35).
Khái niệm từ thiện có thể khác nhau một chút, thế nhưng vẫn có “điểm chung” nhất định. Chữ “dāna” là tiếng Sanskrit và Pali bao hàm nhân đức đại lượng, bác ái hoặc bố thí theo nghĩa triết học Ấn Độ. Một số học giả viết là “daana”. Theo Ấn giáo (Hinduism), Phật giáo (Buddhism), Đạo Giai-na (Jainism) và Đạo Sik (Sikhism), “dāna” là trau dồi lòng đại lượng. Cũng có thể là dạng giúp đỡ người nghèo khó và người buồn sầu, hoặc dạng công ích về yêu thương.
Chữ Jainism (Đạo Giai-na) có nguồn gốc từ chữ “jina” (người chinh phục, chiến thắng), ý nói về người chiến thắng kẻ thù nội tâm – như sự quyến luyến, sự ham muốn, sự tức giận, tính kiêu ngạo, thói tham lam,… Đạo Giai-na là một trong các tôn giáo cổ xưa nhất trên thế giới. Hồi giáo dùng thuật ngữ “sadaqah” hoặc “saddka”, có nghĩa là “bác ái tự nguyện”. Khái niệm này bao gồm mọi dạng “trao tặng” như chạnh lòng thương, lòng trắc ẩn, yêu thương, tình huynh đệ, nhiệm vụ tôn giáo, lòng đại lượng,…
Trong tiếng Do Thái cổ, chữ “tzedakah” hoặc “sadaqah” có nghĩa đen là “công lý” hoặc “công chính”, nhưng thường được hiểu là bác ái. Chữ này dựa trên chữ “tzedek” (צדק) trong tiếng Do Thái, có nghĩa là công chính, công bình hoặc công lý, và liên quan chữ tzadik trong tiếng Do Thái, có nghĩa là công chính. Theo Đạo Giai-na, chữ “tzedakah” có nghĩa là nhiệm vụ tôn giáo phải làm, còn đối với Do Thái giáo thì đó là phần quan trọng trong đời sống tâm linh.
Kinh Thánh Do Thái dạy phải giúp đỡ người nghèo khó. Thuật ngữ “tzedekah” xuất hiện 157 lần, chủ yếu nói tới sự công chính, thường được dùng ở số ít, đôi khi được dùng ở số nhiều là “tzedekot”, đề cập đức bác ái. Trong Bản Bảy Mươi, chữ này đôi khi được dịch là bố thí hoặc từ thiện.
Chữ “zakāt” nghĩa là “thanh luyện”, một dạng bố thí bắt buộc và thuế tôn giáo của Hồi giáo. Nhiệm vụ này dựa trên thu nhập và giá trị tài sản, thường là 2.5% trên tổng thu nhập của một tín đồ Hồi giáo. Zakāt là một trong Năm Cột Trụ của Hồi giáo. Theo Hồi giáo, “zakāt” được coi là cách thanh luyện cơ thể, còn “salāt” là cách thanh luyện linh hồn. Do đó, thanh luyện tài sản và linh hồn là làm vui lòng Thiên Chúa.
Kinh Koran (Qur’an, al-qur’ān – nghĩa là kể lại, thuật lại, tụng, niệm) có nhiều câu nói về bác ái, một số câu đề cập “zakāt”. Chữ “zakāt”, với ý nghĩa của Hồi giáo ngày nay, có ở các câu 7:156, 19:31, 19:55, 21:72, 23:4, 27:3, 30:39, 31:3 và 41:7. Người Hồi giáo tin rằng những người biết cho đi có thể được Thiên Chúa thưởng công ở kiếp sau. “Zakāt” được coi là một phần trong giao ước giữa Thiên Chúa và tín đồ Hồi giáo.
Chữ “caritas” trong tiếng Latin có nghĩa là bác ái – Anh ngữ: charity, Pháp ngữ: charité. Theo Thánh tiến sĩ Thomas Aquinas, bác ái là “tình bằng hữu giữa con người với Thiên Chúa” – tức là “kết hiệp với Thiên Chúa”. Thánh Thomas Aquinas nói đó là “thói quen bác ái không chỉ là yêu Chúa, mà còn là yêu người lân cận”. Theo Kitô giáo, đức ái là nhân đức lớn nhất trong ba nhân đức đối thần (x. 1 Cr 13:13). Đức ái liên quan lòng yêu thương, lòng thương xót. Thánh Gioan định nghĩa về Thiên Chúa: “Deus caritas est – Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4:8).
Duy trì bác ái để đạt tới sự hoàn thiện tâm linh, vì như vậy là tôn vinh Thiên Chúa và phản ánh bản chất tốt lành của Ngài. Theo Thánh Thomas Aquinas, bác ái là một đòi hỏi tuyệt đối để có hạnh phúc, và là mục đích cuối cùng của con người. Đức ái có hai phần: mến Chúa và yêu người – yêu người khác và yêu chính mình. Trao tặng là thể hiện lòng yêu thương, nhờ biết yêu thương mà được cứu độ. Đức ái rất quan trọng, vì ai cũng phải trả hết cho đến “đồng xu cuối cùng” (x. Mt 5:26).
Nói về tầm quan trọng của đức ái, Thánh Phaolô diễn tả trong Thư thứ nhất gởi Giáo đoàn Côrintô: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1 Cr 13:1-3).
Thế nào là đức ái? Thánh Phaolô giải thích chi tiết: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13:4-7).
Đức ái nghe chừng đơn giản mà phức tạp, tưởng dễ mà lại khó. Thánh Phaolô nói thật lòng: “Khi cái hoàn hảo tới thì cái có ngần có hạn sẽ biến đi. Cũng như khi tôi còn là trẻ con, tôi nói năng như trẻ con, hiểu biết như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con; nhưng khi tôi đã thành người lớn thì tôi bỏ tất cả những gì là trẻ con. Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi. Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1 Cr 13:10-13).
Quả thật, đức ái vô cùng quan trọng. Thánh Phêrô vừa khuyên nhủ vừa xác định, đồng thời cũng vừa là lời động viên vừa là lời khuyến cáo: “Anh em hãy hết tình yêu thương nhau, vì lòng yêu thương che phủ muôn vàn tội lỗi” (1 Pr 4:8). Yêu thương hình thành nền tảng của lòng sám hối trọn vẹn. Thực hành đức ái là tự nguyện giúp đỡ người khác, đó là động thái đầy tính nhân bản.
Trong Thông điệp “Deus Caritas Est” (Thiên Chúa là Tình Yêu, 25-12-2005), ĐGH Biển Đức XVI đã phân biệt 3 cấp độ tình yêu dựa trên từ ngữ Hy Lạp:
- EROS – tình yêu nhục thể. Tình yêu này biểu lộ nơi tình yêu nam nữ trong tương quan vợ chồng.
- PHILOS – tình yêu lý tưởng. Tình yêu này là tình bạn, lòng yêu nghệ thuật, lòng ái quốc.
- AGAPĒ – tình yêu siêu thoát. Tình yêu này vượt qua các quy định của con người (sự khác biệt giới tính, văn hoá, xã hội, giai cấp, tôn giáo,…) để vươn tới Thiên Chúa của lòng thương xót.
Có nhiều cách thực hành bác ái (trao tặng thực phẩm, tiền bạc, quần áo, y tế, cảm thông, khuyên nhủ, động viên, cầu nguyện,…), nhưng có ba dạng bác ái chính: thuần túy, công cộng (chung), và hải ngoại. Bác ái thuần túy là “cho đi” miễn phí hoàn toàn, bác ái công cộng là bác ái vì ích lợi chung chứ không vì cá nhân, bác ái hải ngoại là khi người trao tặng và người nhận ở hai quốc gia khác.
Bác ái là hành động hoặc nhiệm vụ liên quan việc từ thiện. Bác ái là cho người khác những gì người ta cần thiết để vượt qua hoàn cảnh khó khăn và có thể tiếp tục sinh tồn. Có rất nhiều người cần tới lòng bác ái của chúng ta: Nhưng người nghèo, thiếu thốn, đau khổ, mồ côi, già nua, bệnh tật, cô độc, góa bụa, tù đày, tứ cố vô thân, vô gia cư, thất nghiệp,… Họ là những người bị khinh chê, bị xa lánh, bị ruồng bỏ, thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần.
Bác ái không “xa vời” như chúng ta tưởng, mà bác ái phải được thể hiện ngay tại gia đình, từ đó mới có thể vươn xa hơn và cao hơn. Chúng ta cứ lo đi làm từ thiện hết nơi này tới nơi khác, nhưng với những người chúng ta gặp nhau hằng ngày thì chúng ta lại lườm nguýt, chỉ trích, trù dập,… chắc chắn những chuyến đi xa làm từ thiện kia cũng chỉ là bức bình phong che giấu “cái xà” trong mình, tức là giả hình hoặc giả nhân giả nghĩa, dạng mà Chúa Giêsu ví von độc đáo là “mồ mả tô vôi” (Mt 23:27). Chúa nói không hề oan uổng với ai cả, vì quả thật, có những khi chúng ta làm những việc “gọi là” bác ái hoặc từ thiện nhưng chúng ta lại muốn chứng tỏ “bản lĩnh” của mình bằng cách này hoặc cách nọ. Đáng “quan ngại” quá chừng!
Quả thật, bác ái khó lắm. Bề ngoài có vẻ giống bác ái nhưng chưa chắc đã là bác ái. Chẳng vậy mà người ta có cách ví von: “Lạnh lùng như việc bác ái” (as cold as charity) – ý này khác với câu nói “lạnh như tiền” của người Việt. Nghĩa là chúng ta cho nhưng hầu như không chút “chạnh lòng”, gần giống như vô cảm vậy. Có “chạnh lòng thương” thì mới yêu thương thật, thương xót thật, và bác ái thật.
Thiết tưởng cũng nên biết rằng bác ái là dạng cao nhất trong ba cấp độ từ thiện. Tính từ thấp tới cao, động thái “cho” có ba mức độ: bố thí, chia sẻ, bác ái.
- BỐ THÍ là “cho” phần dư thừa của mình, nhưng không vì yêu thương, không vì người khác, mà chỉ vì mình – “cho” để khỏi bị quấy rầy. Chúa Giêsu đề cập vấn đề này qua dụ ngôn “người bạn quấy rầy” (Lc 11:5-8) và dụ ngôn “quan toà bất chính và bà goá quấy rầy” (Lc 18:1-5). Anh chàng kia đưa bánh cho người bạn chỉ vì không muốn bị quấy rầy vào ban đêm chứ không hề tội nghiệp người bạn. Ông quan xử kiện cho xong lần để bà góa kia khỏi đệ đơn kiện mãi, tránh phiền phức, chứ không hề tội nghiệp bà ta chút nào.
- CÔNG BÌNH (công bằng) cũng là “cho” phần dư thừa của mình, nhưng có thể có chút lòng yêu thương. Cách cho này gọi là chia sẻ: Người có của ăn của để, có dư thừa thì chia sẻ với người thiếu thốn. Dạng “chia sẻ” này chúng ta thường thấy nhiều nhất. Chúa Giêsu nói: “Người nghèo bên cạnh anh em lúc nào cũng có” (Ga 12:8). Nghèo có thể là nghèo về vật chất hoặc tinh thần, dạng nghèo nào cũng đáng thương.
- BÁC ÁI là “cho” với lòng trắc ẩn, thật lòng thương người khác, thậm chí họ còn hy sinh chính phần mình để cho người khác những thứ mà chính người cho vẫn cần dùng. Họ “rút ruột mình” vì người khác. Bà góa nghèo với hai đồng tiền kẽm là “hiện thân” của lòng bác ái đích thực (Mc 12:41-44; Lc 21: 1-4).
Qua đó, chúng ta thấy rằng bác ái không hề dễ như chúng ta tưởng. Vì thế mà đừng ảo tưởng! Vâng, rất cần nghiêm túc xem lại chính mình về mối phúc thứ năm trong Tám Mối Phúc (Mt 5:3-10) mà chính Thầy Chí Thánh Giêsu đã truyền dạy:
Phúc thay ai xót thương người
Vì họ sẽ được Chúa Trời xót thương
Gọi là “mối phúc”, là điều khuyến khích hoặc động viên, nhưng đồng thời cũng là mệnh lệnh, mà đã là mệnh lệnh thì không thể không thực hành – nghĩa là Kitô hữu nào cũng phải thực hành, không miễn trừ bất cứ ai hoặc với bất cứ lý do gì.
Có những người nói rằng họ nhân danh Chúa mà làm việc này hoặc việc nọ – như làm phép lạ, nói tiên tri, trừ quỷ,… – mà lại bị Chúa Giêsu gọi là “bọn gian ác”, và Ngài đuổi thẳng: “Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!” (Mt 7:21-29). Tại sao vậy? Chúa khó tính hay họ bị oan? Chúa không hề khó tính, và người ta không hề bị oan. Chính họ lấy danh nghĩa Chúa, nhân danh Chúa, sáng danh Chúa, nhưng thực chất chỉ là muốn vinh danh chính mình – tức là “giả hình”, lạm dụng uy tín của Chúa Giêsu, lấy Ngài làm bức bình phong che chắn cho thâm ý của họ mà thôi. Lý do Chúa Giêsu đưa ra rất đơn giản: “Cây nào, quả nấy” (Lc 6:43). Một hệ lụy tất yếu!
Về vấn đề “giàu – nghèo”, Thánh Phaolô nói rạch ròi: “Vấn đề không phải là bắt anh em sống eo hẹp để cho người khác bớt nghèo khổ. Điều cần thiết là phải có sự đồng đều. Trong hoàn cảnh hiện tại, anh em có được dư giả là để giúp đỡ những người đang lâm cảnh túng thiếu, để rồi khi được dư giả, họ cũng sẽ giúp đỡ anh em, lúc anh em lâm cảnh túng thiếu. Như thế, sẽ có sự đồng đều, hợp với lời đã chép: Kẻ được nhiều thì không dư, mà người được ít thì không thiếu” (2 Cr 8:13-15). Cách chia sẻ đó là sống yêu thương, là thể hiện lòng thương xót, là thực hành đức ái, là làm việc từ thiện, và cũng là cách “chữa lành” lẫn nhau.
“Cho” là trao ban, trao tặng, thân tặng, kính biếu,… Đó là sống nhân đức yêu thương, thể hiện lòng thương xót, nhưng phải “cho” với cả tấm lòng mới thực sự có giá trị nhân đức: “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20:35).
Cuối cùng, chúng ta hãy nhớ lại lời Chúa Giêsu căn dặn: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh” (Mt 6:1-4). Chúa Giêsu nói rất rõ, không úp mở, không bóng gió. Thật vậy, những tấm “bằng ân nhân” không phải là phô trương thì là cái gì? Chúng ta có thể biện hộ bằng cách nào?
TRẦM THIÊN THU