Ơn gọi thánh hiến – vì sao có một chọn lựa ngược đời?

247

đời tu

Tôi không nhớ là đã nghe bao nhiêu lần câu này: “tu là cõi phúc, tình là dây oan”. Có kẻ “rủ bụi trần để nương nhờ cửa Phật”. Có kẻ chán đời và muốn làm “kẻ dại để tìm nơi vắng vẻ”. Lại có lời đàm tiếu vì “có ai đó bị thất tình mà đi tu”. Thôi thì đời muôn vẻ, cõi người ta lắm ma nhiều quỷ! Trăm năm đời người đã có đủ điều phiền muộn, lắm thú vui sướng. Bao nhiêu kiếp người trôi qua, chắc là chẳng thiếu chuyện xa chuyện gần! “Trăm năm trong cõi người ta”… Xin cụ Nguyễn Du đừng buồn lòng vì câu thơ của Cụ được dùng để mở đầu cho những điều góp nhặt dong dài của chúng ta. Âu cũng tại cái duyên nợ của chữ tài và chữ phận, chữ hoạ và chữ phúc của lựa chọn làm người mà chúng ta sắp chia sẻ với nhau: ơn gọi sống đời thánh hiến.

Như một người Ki tô hữu, “người trong cuộc”, hay nói cho đúng hơn là “một người đi tu”, tôi đã phải nghe nhiều lần câu “dụ dỗ” của bậc cha mẹ “ Đi tu đi con, tu là cõi phúc đấy…”, đã từng chứng kiến cảnh “xót xa” của đám bạn bè trong lời trêu đùa quái ác: “Thế là hết, từ nay hết “chuyện tình héo hắt cho nhau”; “đẹp trai, xinh gái thế sao lại bỏ mọi sự uổng phí”, “hay là bị…”; ác ý hơn nữa là lời chỉ trích: “Cái ngữ ấy đi tu thì chỉ có … phí cơm Chúa”. Kể ra cũng chạnh lòng lắm chứ, người ta chứ phải gỗ đá đâu mà không biết xót xa hay hạnh phúc, hay bị nghi ngờ. Lựa chọn nào cùng có giá phải trả cả. Mà làm sao để giải thích cho mọi người hiểu được chọn lựa của mình? Nhân vì sự ấy, có những điều “góp nhặt đông tây” sau đây thay cho lời tâm sự.

Từ một câu chuyện…

“Năm nay tôi bước vào tuổi 19. Tôi vừa tốt nghiệp Trung học. Tôi đang đi nghỉ hè mấy tuần lễ với gia đình. Với tôi, đây là dịp để nghỉ ngơi sau kì thi tốt nghiệp và để sắp xếp lại trong đầu mình kế hoạch cho tương lai. Với tôi, lần nghỉ hè này cũng là dịp để nói chuyện với ba mẹ mình cách bình tĩnh và cởi mở hơn để tránh gây sốc cho họ về lựa chọn ơn gọi của tôi: Tôi muốn làm linh mục…

Tôi chọn con đường này không phải để muốn có cơ hội hiện thực hoá cuộc đời mình theo cách “lạ” hơn so với những người khác, cũng chẳng phải là để cắt đứt hay phá bỏ một điều gì khó khăn về học hành hoặc những chuyện linh tinh khác vì sợ trách nhiệm. Tôi chỉ muốn cống hiến cho bao nhiêu người khác cơ hội và những may mắn mà tôi có được; tôi muốn giới thiệu cho người khác hồng phúc được gặp Thiên Chúa, được tin ở Ngài, được nhìn thấy thế giới và cuộc sống xã hội bằng một khoé nhìn khác với những gì người ta được biết. Tôi muốn làm linh mục vì tôi nghiệm ra rằng không có gì cao cả và chân thật hơn Thiên Chúa mà tôi nhận biết; một Tình yêu đúng nghĩa cho tôi, để tôi sống với người khác.

Tôi chọn con đường làm linh mục không phải vì muốn “làm anh hùng” lấy gian khổ để “chứng tỏ mình”, mà đơn giản vì tôi muốn chia sẻ với người khác và muốn sống với mọi người, muốn thấy cuộc đời luôn tươi mới như Chúa Phục sinh vậy. Cũng chính vì lẽ đó mà tôi cảm nghiệm rằng mình tìm ra hạnh phúc và bình an, dẫu biết là mình sẽ phải gặp khó khăn, đời mình sẽ có lúc thăng trầm, có lúc trở nên trái ngược và hơi có vẻ giả dối trong mắt mọi người, có lúc cảm thấy thất bại vì những giới hạn của chính mình và vì cuộc sống không bao giờ toàn là điều chắc chắn như “nằm trong lòng bàn tay”. Dù sao cũng cần một sự chọn lựa và tôi phải đảm đương cuộc đời mình với tất cả trách nhiệm”.

Trên đây là tâm sự một anh chàng thanh niên tên là Giorgio (trích từ cuốn sách Kế hoạch đời sống – Hành trình đi tìm căn tính của G. Sovernigo, NXB Elledici, Torino 1986). Chọn lựa ơn gọi của anh bạn trẻ này tuy rất riêng tư, trong bối cảnh của một xã hội hưởng thụ và trong hoàn cảnh mà chính người thân trong gia đình cũng xem chuyện đi tu là rất “bất bình thường”, nhưng ta có thể tìm thấy ở đây điểm chung như chọn lựa của bao nhiêu người khác: muốn theo chân Chúa Kitô, sống như là người bạn đồng hành và chia sẻ với anh em đồng loại của mình niềm tin và hồng ân đã nhận được từ Thiên Chúa.

…Đến những con số

Từ thống kê sau đây của Cha R. Mion – Giáo sư Xã hội học, Đại Học Salediêng UPS- Roma năm 2008, chúng ta tiếp tục câu chuyện vì sao người ta đi tu và vì sao người ta lại bỏ tu dù biết đó là “cõi phúc”. Trong số nhiều người (linh mục, nam, nữ tu sĩ) được chọn để làm thống kê, 60,3% (từ 18-35 tuổi) và 52,8% (từ 36-55 tuổi) trả lời: họ “đi tu” là vì nghĩ đến những người kém may mắn hơn mình (vì bác ái); 38% chọn đời tu vì nhìn gương sống của các tu sĩ (vì chứng tá Đức tin), 18,1% đi tu vì thích sống đời sống cộng đoàn. Con số bỏ ơn gọi ra đi: 18,3% vì tình cảm, 55,1 % vì lơ là đời sống thiêng liêng và mất điểm tựa Đức Tin.

Thống kê của Đại Học Urbaniana năm 2010 (Primo censimento delle nuove comunità, Urbaniana University Press, Roma 2010) cho thấy có rất nhiều dạng đời sống cộng đoàn mới khai sinh, một dạng “đời tu loại mới”, một cộng đoàn bao gồm nhiều thành phần (linh mục, tu sĩ nam nữ, giáo dân) nhưng cùng chung lý tưởng Tin mừng: theo Chúa Kitô và phục vụ anh chị em, tuỳ vào khả năng hay ơn riêng Chúa ban. Trong khi những dòng tu truyền thống gặp khó khăn về ơn gọi và nhân sự, thì các kiểu tu mới này lại mở rộng hơn, dành cho nhiều thành phần, ít ràng buộc về lời khấn hay gò bó trong khuôn khổ một tu viện, sự lựa chọn và đào luyện cũng tương đối “thoáng hơn”. Vấn đề đang gây tranh cãi là như vậy đời tu “chính hiệu” nên hiểu ra sao và tiêu chuẩn nào để xác nhận hay phê duyệt kỷ luật đời tu. Có điều ta dễ thấy là người ta bắt đầu chuyển hướng: không phải tu đơn thuần là chọn một kiểu sống nào đó mà mình thích, nhưng là một lựa chọn vì mục tiêu phục vụ Nước Trời theo cách thức mình khám phá được trong kế hoạch của Thiên Chúa dành mình. (Đến đây có thể sẽ có bạn trẻ thắc mắc: Làm sao để khám phá điều Chúa muốn nơi mình, hay kế hoạch của Thiên Chúa dành cho mình? Hãy lắng nghe tiếng Chúa mời gọi trong cuộc sống, nhưng cũng xin đừng quên nhìn những người đã đi trên “con đường hẹp” ấy trước chúng ta, những vị thánh, những Đấng Sáng lập, những nhà đào luyện kinh nghiệm và linh hướng có tâm huyết. Hãy có những trải nghiệm về hiệp thông và chia sẻ trong khi sống với người khác qua việc tham gia một số sinh hoạt cộng đồng,…)

Thống kê hằng năm của Toà Thánh về đời sống thánh hiến và hiệp hội tông đồ cho thấy sự thay đổi khác: Ơn gọi giảm đi nơi các nước phát triển Châu Âu, nhưng lại gia tăng nơi các quốc gia đang phát triển ở Châu Phi, Châu Á, Nam Mỹ. Các công cuộc truyền giáo và tái truyền giáo, việc bác ái và thăng tiến con người của Giáo Hội hoàn vũ nhờ vậy vẫn được tiếp tục duy trì.

Và tâm tư còn lại…

Bên cạnh tin vui cũng không thiếu tin buồn. Giới truyền thông đưa tin nhiều về các vụ bê bối và quấy rối tình dục của linh mục, tu sĩ, cùng những “nhân vật quan trọng” được điểm danh để quy trách nhiệm và nhiều số liệu “ba chìm bảy nổi sáu lênh đênh” được phóng đại lên để kiếm tiền. Trong sự kiện này, có một phần sự thật không thể xóa nhòa hay lấp liếm. Sự thật luôn làm đau lòng, nhưng đây cũng chính là thuốc chữa mọi điều tục luỵ và là lời kêu gọi hoán cải trong đời tu và trong Giáo Hội.

Những con số hay một vài thông tin nho nhỏ trên đây cho chúng ta khóe nhìn sơ lược về ơn gọi hiện nay. Tuy vậy, chúng không thể nói lên hết sự thật về bức tranh sống động của đời sống thánh hiến trong Giáo Hội nơi trần thế này: Một vườn hoa trăm sắc ngàn hương, nơi mà một bông cúc nhỏ cũng có thể góp phần tươi đẹp của mình cùng với đóa hướng dương rực rỡ. Nơi đó, người ta có thể tìm thấy đủ các màu áo và các kiểu tu phục; có thể tìm thấy những con người đủ mọi sắc dân và xem ra hơi khác biệt về kiểu sống giữa thế giới, nhưng họ có điểm chung là chọn cuộc sống vì “say mê Thiên Chúa và say mê con người”. Nếu thiếu họ, thế gian này có thể sẽ mất đi vẻ đẹp toàn vẹn trong tổng thể của chính mình.

Nhiều câu chuyện về các em bé mồ côi từ nơi xa xôi trở về tìm lại nơi mình được cưu mang trong vòng tay các “dì phước”, hay chuyện về nhiều mạng người đã được cứu sống và được chăm sóc nhờ những “tu sĩ mặc áo choàng đen ngực mang Thánh giá” trao cho họ bát cơm hay viên thuốc trong cơn đói khát, bệnh tật… được người ta kể lại thật cảm động như những kỷ niệm khó quên. Đó không phải là chuyện phim hay tiểu thuyết mà là chuyện đời thường, rất thật, vẫn tiếp tục xảy ra trên nhiêu ngõ ngách phố xá hay trong các bản làng nơi rừng sâu. Họ, những “bà dì phước”, những “ông cha đạo”, những “ông thầy dòng” vẫn tiếp tục sống… cái duyên nợ của chữ tài và chữ phận, chữ hoạ và chữ phúc của lựa chọn làm người… Hy vọng vẫn còn “những kẻ theo Thầy bỏ cuộc chơi”, vẫn còn “những kẻ có lựa chọn khác người” – bước trên con đường của Tình yêu và “hy sinh tính mạng vì người mình yêu” như Thẫy Giê-su của họ đã làm.

Người ta chứ phải gỗ đá đâu mà không biết xót xa hay hạnh phúc, bị nghi ngờ hoặc bị “cưa đổ” vì những gì “ngọt ngào”. Lựa chọn nào cùng có giá phải trả cả! Lời tâm sự đơn sơ này vẫn còn vang vọng nơi những người sống đời thánh hiến. Không biết ngoài Chúa ra, những ai có tấm lòng còn muốn chia sẻ và tiếp tục đồng hành với họ không nhỉ? Họ cần thêm một lời cầu nguyện hơn là sự ngờ vực để có thêm sức mạnh mà sống các Mối phúc của Thiên Chúa cùng “giây oan” của tình người với sự lựa chọn mà ngày càng có vẻ ngược đời và khó khăn hơn.

Lê An Phong, SDB