Trong một cuộc thi hoa hậu, khi ban giám khảo đặt câu hỏi: “Cổ nhân nói: cái nết đánh chết cái đẹp. Em nghĩ sao về câu nói này?”. Một thí sinh đã trả lời: Ý của người xưa là coi trọng cái nết hơn vẻ đẹp. Còn em, em mong muốn cái nết đừng đánh chết cái đẹp, mà cả hai cùng tồn tại trong một con người. Câu trả lời trên đã được ban giám khảo cho điểm cao về sự thông minh tinh tế của thí sinh.
Trong chúng ta, ai cũng mong mình có nhan sắc và phong độ. Tuy vậy, cái đẹp bên ngoài phải phán ánh được nét đẹp nội tâm. Nhan sắc bên ngoài mới chỉ là một nửa để đánh giá một người là đẹp hay xấu. Có rất nhiều người khiêm tốn về ngoại hình, nhưng ẩn chứa một tấm lòng nhân hậu hay một tài năng vĩ đại. Có nhiều người không may bị tàng tật, nhưng vẫn vượt lên số phận, đạt tới những thành công trong lãnh vực trí thức hay nghề nghiệp chuyên môn. Dù tàng tật, họ vẫn có thể đem lại nghị lực cho bản thân và cho nhiều người.
Từ vài thập kỷ trở lại đây, Việt Nam chúng ta được coi là một quốc gia có nhiều cuộc thi hoa hậu trên thế giới. Cộng với những cuộc thi hoa hậu, thỉnh thoảng còn xuất hiện những cuộc thi “nam vương” dành cho giới mày râu. Đông đảo những nam thanh nữ tú Việt Nam đăng ký tham gia những cuộc thi hoa hậu trong nước cũng như thế giới. Thật là một điều đáng tự hào, vì người Việt chúng ta có nhiều người đẹp, đáp ứng những tiêu chuẩn do các ban tổ chức đề ra.
Tuy vậy, trong thời buổi mà cái gì cũng có thể trở thành hàng hóa này, xem ra người ta chú ý đến vẻ đẹp bên ngoài hơn là vẻ đẹp nội tâm. Ông Bà ta đã dạy: “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Có nghĩa là nếu đem so sánh và nếu được chọn lựa, người ta sẽ thích đức hạnh hơn là vẻ đẹp bề ngoài. Vì quá chú trọng đến nhan sắc mà lãng quên vẻ đẹp trí tuệ, không ít thí sinh trong các cuộc thi vấn đáp đã đưa ra những câu trả lời ngây ngô. Đan cử trường hợp cô thí sinh dự thi “Hoa hậu đại dương 2014” vừa qua. Với câu hỏi của Ban giám khảo: “Trước hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam của nhà cầm quyền Trung Quốc với việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, bạn có suy nghĩ và thái độ như thế nào?”. Thí sinh có tên Phan Thị Thu Phương đã trả lời: “Là một công dân yêu nước, khi biết về việc Trung Quốc đặt giàn khoan HD tại vùng biển Việt Nam, em thấy rất bức xúc. Nó xâm phạm lãnh thổ, vùng kinh tế của nước Việt Nam mình. Em muốn người Trung Quốc hãy mở giàn khoan đó ra, và để cho đất nước Việt Nam của em ngày càng xinh đẹp hơn“. Trí tuệ không tương xứng ngoại hình. Chiều sâu của suy tư không tương xứng với chiều cao của thân thể. Vẻ đẹp tâm hồn không tương xứng với nhan sắc bề ngoài. Không ít những vụ thi hoa hậu trở thành lời đàm tiếu của công chúng do có sự dàn xếp mua bán, hoặc có những vụ việc gài bẫy nhau giữa các thí sinh trong những cuộc thi. Tháng 7-2014, trong cuộc thi “Nữ hoàng sắc đẹp” của Việt Nam, một thi sinh không được đăng quang mà chỉ được giải “Người đẹp hình thể”. Cô này đã quăng luôn giải băng danh hiệu vào thùng rác, trước sự chứng kiến của nhiều người. Với hành động vô văn hóa này, thí sinh kia đã tỏ lộ bản chất thật của mình. Thì ra, sự duyên dáng trước ống kính và ban giám khảo bấy lâu này chỉ là sự giả tạo bên ngoài của một con người kém văn hóa (x. Báo điện tử Ishar 18-7-2014).
Thỉnh thoảng, báo chí lại đăng tải thông tin liên quan đến những đường dây mại dâm cỡ lớn bị triệt phá. Điều làm mọi người ngỡ ngàng là một số những cô điếm hạng sang là người mẫu, diễn viên điện ảnh. Thì ra, nhan sắc là quà tặng của Thượng Đế đã được sử dụng như một phương tiện kiếm tiền một cách nhơ nhuốc, vô liêm sỉ. Những người được tán dương trong các cuộc thi, đã tự biến mình thành thứ cặn bã trong xã hội.
Gần đây, dư luận xôn xao về một cô người mẫu, sau khi quá chén trong tiệc tùng, đã gây sự với cảnh sát giao thông, đến nỗi mấy anh cảnh sát phải cùm tay và đưa về đồn để xử lý. Tại đây, cô người mẫu xinh đẹp đã phơi bày bản chất thật của mình qua những lời tục tĩu chửi bới. Khi lớp son phấn bên ngoài không thể che đậy được, còn lại chỉ là sự đê tiện, vô văn hóa. Thật đúng như người phương Tây nói: “Rượu làm đỏ khuôn mặt và bôi đen sự nghiệp”. Sự nghiệp của cô người mẫu kia, chỉ trong chốc lát, từ đỉnh vinh quang, đã sa xuống tận đất bùn.
Trong quan niệm truyền thống của người Việt Nam, người phụ nữ phải đạt bốn tiêu chí để được gọi là người phụ nữ đẹp, đó là công, dung, ngôn, hạnh. Đây vừa là vẻ đẹp thể xác, vừa là vẻ đẹp tâm hồn. Người không có dung, nhưng có hạnh, vẫn được đánh giá là người phụ nữ đẹp, vì “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, hay “cái chết đánh chết cái đẹp”. Trong Kinh Thánh, người phụ nữ lý tưởng được diễn tả bởi tác giả sách Cách Ngôn như một người biết đem lại hạnh phúc cho chồng, chăm chỉ làm việc và quan tâm chia sẻ với người nghèo (x. C 31-10-31). Tác giả đã kết luận: “Duyên dáng là giả trá, sắc đẹp là phù vân.Người phụ nữ kính sợ Ðức Chúa mới đáng cho người đời ca tụng” (Cn 31,30). Không có vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp thể xác chỉ là lớp sơn vô nghĩa. Đây là điểm gặp gỡ thú vị giữa giáo huấn của Kinh Thánh với quan điểm truyền thống của người Việt Nam chúng ta về tiêu chí đánh giá vẻ đẹp của người phụ nữ. Vẻ đẹp đích thực là lòng đạo đức mến Chúa yêu người. Khi cất tiếng chào Trinh nữ Maria thành Nagiarét, sứ thần Gabrien đã ca tụng Mẹ là “Đấng đầy ơn phúc”. “Đầy ơn phúc” là cách diễn tả vẻ đẹp tâm hồn, tức là sự thánh thiện, nhân đức. Chính vẻ đẹp nội tâm đã góp phần làm cho vẻ đẹp thân xác của Đức Maria được hoàn mỹ. Vậy nên, Mẹ là Đấng đẹp nhất trong các người phụ nữ trên thế gian. Mẹ là mẫu mực của mọi tín hữu, nam cũng như nữ. Nghệ sĩ Dante đã tôn vinh Đức Maria với vẻ đẹp kỳ diệu “làm vui mắt các vị thánh”. Khi noi gương bắt chước Mẹ, từ con người chúng ta, sẽ toát lên vẻ đẹp thiêng liêng, ngay cả khi chúng ta không có nhan sắc bề ngoài.
Đọc Tin Mừng, chúng ta thấy Chúa Giêsu lên án gay gắt những vẻ đẹp hào nhoáng bên ngoài nhưng lại chứa đựng gian tham và mưu mô thù hận. Những người bị phê phán là các kinh sư và biệt phái. Người đã nói: “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế. Các người cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác!”(Mt 23, 27-28). Những luật sĩ và biệt phái bị Chúa kết án là giả hình. Họ là những người học thức và mang vẻ bề ngoài đạo đức, nhưng tâm địa của họ thì ti tiện xấu xa.
Thiên Chúa là nguồn của Chân, Thiện Mỹ. Những gì đẹp đẽ tốt lành và chân thực đều đến từ Thiên Chúa và phản ánh sự tốt lành của Ngài. Mỗi người chúng ta đang được mời gọi cộng tác với Chúa để làm cho công cuộc sáng tạo của Ngài thêm xinh đẹp và hoàn mỹ hơn. Hơn nữa cái đẹp còn giúp ta vươn tới gặp gỡ Đấng Tối Cao. Xin mượn lời của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II để kết thúc những dòng suy tư này: “Cái đẹp là chìa khóa mở cửa mầu nhiệm và là tiếng gọi mời ta vươn lên cao. Đó cũng là tiếng nói mời gọi ta cảm nếm cuộc sống và mơ về tương lai. Chính vì thế, cái đẹp của thụ tạo không bao giờ có thể làm ta cảm thấy thỏa mãn hoàn toàn. Nó khơi dậy nỗi nhớ nhung thầm kín về Thiên Chúa, một sự thật mà chỉ có người mê say cái đẹp như thánh Augustinô mới diễn tả một cách tuyệt vời như sau: “Con yêu Chúa quá muộn màng, ôi vẻ đẹp rất xa xưa mà rất mới; con yêu Chúa quá muộn màng” (Thư gửi các nghệ sĩ, ngày 4-4-1999).
Gm Giuse Vũ Văn Thiên