Ngày tết dưới góc nhìn của người Kitô hữu

238
hoamai1Người dân Việt hàng năm có hàng loạt những cái Tết: Tết Trung Thu, Tết Đoan Ngọ, Tết Tây…nhưng Tết Nguyên đáng vẫn là cái Tết cổ truyền lớn nhất và lâu đời nhất, mang đậm nét văn hóa nhất của dân tộc. Vì thế, nhân dịp Tết đến, việc đưa Tin Mừng vào ngày hội văn hóa của dân tộc là điều cần thiết đối với mỗi người tín hữu, đặc biệt những tín hữu đang sống trên mảnh đất Giáo phận Qui Nhơn, nơi đang hướng tới 400 năm Tin Mừng đến với Giáo phận. Với tâm tình đó, xin viết lên đây đôi dòng tâm tư cũng như cái nhìn về ngày Tết dưới ánh sáng của Tin Mừng.   

1-    Ngày Tết hướng nhìn về Trời

Hướng nhìn về Trời là tâm thức in sâu trong lòng mỗi người dân Việt, điều này diễn tả qua những câu ca dao như: “Lạy Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống…” hay “ơn Trời mưa nắng phải thì, nơi thì bừa cạn nơi thì cày sâu…” Tất cả đều qui hướng về Trời và biết ơn Trời. Thế nhưng Ông Trời thưở này còn mang nhiều hình ảnh của mê tín như: Thần Sấm, Thần Sét, …kính thưa các loại Thần, đâu đâu cũng Thần.

Và rồi niềm tin của người Kitô giáo đi vào lòng dân tộc “rửa tội” cho hình ảnh Ông Trời của người dân Việt bằng hình ảnh Thiên Chúa chính là Ông Trời, là Chúa Cả Trời đất, là Chúa tể Càn Khôn, Ngài dựng đã dựng nên muôn loài muôn vật. Ngài cho thời thiết thuận hòa, cho cây lúa đơm bông, cho đất đai phì nhiêu…Đây mới chính là Ông Trời thật, là Thiên Chúa thật, là Đấng Sáng Tạo. Vì thế, ngày Tết là ngày con người tỏ lòng tri ân với Thiên Chúa, dành ưu tiên cho Thiên Chúa thì thật là chính đáng phải đạo và tâm tình đó được Giáo Hội đưa vào Phụng Vụ ngày Mồng Một Tết trong Kinh Tiền tụng: “Lạy Cha là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con cảm tạ Cha mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con. Cha đã sáng tạo muôn loài trong vũ trụ và sắp đặt cho thời tiết bốn mùa thay đổi nối tiếp nhau. Riêng con người, Cha đã tác tạo nên giống hình ảnh Cha và cho điều khiển mọi công trình kỳ diệu trong hoàn vũ, để họ thay quyền Cha làm chủ mọi loài, và khi chiêm ngưỡng những kỳ công Cha đã thực hiện, họ hát mừng, ca tụng Cha luôn mãi nhờ Đức Kitô Chúa chúng con…

Qua đó thấy được tâm tình đầu tiên của ngày Tết là tâm tình cảm tạ tri ân Thiên Chúa vì biết bao ơn lành mà Ngài đã thương ban cho nhân loại một năm đã qua và nhiều năm đã qua. Thứ đến, ngày Tết là dịp hướng đến mọi người.

2-    Ngày Tết hướng đến tha nhân

Tết đến là dịp để mọi người hướng đến tha nhân, thể hiện qua việc thăm viếng lẫn nhau cùng những lời chúc tốt đẹp dành cho nhau. Đồng thời, là dịp để mọi người “thanh tẩy” cho nhau những lỗi lầm thiếu sót trước khi bước vào thềm năm mới. Tha nhân gần gũi và thiết thực nhất thiết nghĩ đó là gia đình.
Khi Tết đến, dù ở phương trời nào, ta cũng mong ước được trở về sum họp với gia đình, được quây quần bên người thân. Cụm từ “Về quê ăn Tết” đã trở thành tâm thức thiêng liêng trong lòng mỗi người dân Việt và là ưu tiên hàng đầu mỗi khi Tết đến. Nó không chỉ mang màu sắc của thời gian và không gian nhưng còn là ý nghĩa của sự sum họp đoàn viên của mỗi gia đình Việt, là nét đẹp văn hóa của người dân Việt mà ít nơi nào trên thế giới có được.
“Về quê ăn Tết” cũng là dịp để mỗi người trở về với cội nguồn của mình, là dịp để trở về với Ông bà, cha mẹ, những người còn sống. Và cũng là dịp để trở về bên mộ phần của Tổ tiên, những người đã ra đi để thắp nén hương kính nhớ Tổ tiên. Tâm tình này người Công giáo thể hiện rõ nét trong niềm tin của mình ngay trong Thập giới: “Thứ bốn: thảo kính Cha mẹ” và điều này được Giáo Hội cử hành một cách long trọng trong Phụng Vụ qua lời nguyện nhập Lễ Mồng Hai Tết: “Lạy Chúa là Cha rất nhân từ, Chúa dạy chúng con phải giữ lòng hiếu thảo. Hôm nay nhân dịp đầu năm mới, chúng con họp nhau để kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ. Xin Chúa trả công bội hậu cho những bậc đã sinh thành dưỡng dục chúng con, và giúp chúng con luôn sống cho phải đạo đối với các ngài. Chúng con cầu xin…”.

Sau khi hướng đến những người thân yêu trong gia đình, thiết nghĩ nên hướng đến những người thân nghĩa và hàng xóm láng giềng như thầy cô, bạn hữu…. Đây là dịp nhìn lại những mối quan hệ cũng như nối lại những rạng nức qua thời gian mà ta vấp phải. Nét đẹp văn hóa của người Việt trong những ngày đầu năm là vui vẻ rộng lượng, tha thứ và bao dung cho nhau, dễ dàng bỏ qua những lỗi lầm thiếu sót của nhau. Có lẽ đất trời đã muốn điều đó vì thế đất trời thường ấm áp nhè nhẹ và dịu dàng hơn những ngày khác trong năm, điều này làm cho lòng người dễ chịu và dễ mở lòng ra với nhau và với mọi loài. Việc mở lòng ra để tha thứ, để yêu thương như thế là một trong những ưu tiên hàng đầu của người Kitô giáo, bởi lẽ đó là điều răn Chúa dạy: “Thầy ban cho các con một điều răn mới là các con hãy yêu thương nhau…”(Ga 13, 34), hay “người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy là các con yêu thương nhau” (G13, 35). Thế nhưng yêu thương và tha thứ là chuyện không phải đơn giản. Vì thế, dịp Tết là cơ hội thuận tiện để người Công giáo thi hành giới luật yêu thương và tha thứ một cách cụ thể và sinh động.

Kế đến, dịp Tết cũng là dịp để mọi người cầu chúc cho nhau những điều tốt lành nhất như: sức khỏe, công việc, hạnh phúc… Lời cầu chúc của con người đã có nguồn gốc từ trong Cựu Ước khi Đức Chúa phán với ông Mô-sê: ‘Hãy nói với A-ha-ron và các con nó rằng: Khi chúc lành cho con cái Ít-ra-en, anh em hãy nói thế này: Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh em! Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và dủ lòng thương anh em! Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em!’ Chúc như thế là đặt con cái Ít-ra-en dưới quyền bảo trợ của danh Ta, và Ta, Ta sẽ chúc lành cho chúng” (Ds 6, 22-27). Những lời chúc tốt đẹp này cũng được Giáo hội nài xin Thiên Chúa thực hiện ngay trong đời sống: “Lạy Chúa, chúng con vừa lãnh nhận Mình và Máu Thánh Đức Kitô. Xin Chúa thương thực hiện lời chúng con cầu chúc cho nhau trong những ngày xuân mới, mà tuôn đổ trên chúng con muôn phúc lộc đầy tràn. Chúng con cầu xin…” (Lời nguyện hiệp lễ ngày Mùng Một Tết).

Cầu chúc là thế, nhưng ý nghĩa hơn khi người nó biến thành hiện thực. Hiểu được điều này, ngày Tết có nhiều tấm lòng hảo tâm đến với những người già cả neo đơn hay những hoàn cảnh bất hạnh, những trẻ em cơ nhỡ…Vì thế đây cũng là cơ hội thuận tiện để thực thi bác ái và quý yêu nhân nghĩa đối với những người có niềm tin vào Thiên Chúa.

3-    Ngày Tết, hướng về chính mình.

Tết đến là dịp để con người nghỉ ngơi. Khi dành thời gian cho việc nghỉ ngơi, con người thông phần quyền làm chủ của mình trên vạn vật. Điều này sách Sáng Thế đã khẳng định qua lệnh truyền của Đức Chúa dành cho con người: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất” (St 1, 28). Hơn nữa, trong việc tạo dựng, Thiên Chúa cũng làm gương cho con người trong việc nghỉ ngơi: Thiên Chúa sáng tạo trong sáu ngày, ngày thứ bảy Người nghỉ ngơi. Con người cũng cần học nơi Thiên Chúa để biết nghỉ ngơi thân xác và dùng thời gian nghỉ ngơi để ca ngợi và tôn vinh Thiên Chúa. Điều này đã được cụ thể hóa qua các khoản luật được nói đến trong sách Lêvi (xc. chương 23). Như vậy Tết đến là dịp để con người nghỉ ngơi sau một năm dài làm việc và là dịp để con người cảm tạ và tôn vinh Thiên Chúa vì biết bao ơn lành mà Ngài đã ban cho. Đồng thời đây là dịp để đánh bóng lại chính bản thân mỗi người sau một năm bị hao mòn vì thời gian.

Đánh bóng chính mình ở đây là quan tâm đến bản thân mình hơn, quan tâm đến những yếu tố ngoại tại như: tóc tai, quần áo, giày dép…Bởi lẽ không ai muốn xấu xí khi gặp gỡ người khác trong ngày Tết đến. Tiếp đến là quan tâm bản thân với những yếu tố nội tại như: thanh tẩy tâm hồn, làm mới lại tâm hồn qua việc sám hối và xưng tội. Điều này Giáo Hội quan tâm cách đặc biệt đối với con cái mình, thể hiện qua Phụng Vụ ngày Tất niên: “Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, trong suốt cả năm nay, Chúa đã thương ban ơn phù trợ cho hồn xác chúng con an toàn. Giờ đây năm cũ sắp qua, chúng con cùng họp nhau dâng lên Chúa lời cảm tạ tri ân, và xin Chúa tha thứ tội lỗi, để chúng con được thư thái bình an trước thềm năm mới. Chúng con cầu xin…” (Lời nguyện nhập lễ). Lời mời gọi ăn năn sám hối là lời mời gọi khẩn thiết và liên tục của Giáo Hội đối với con cái mình, ngõ hầu con cái của Giáo Hội xứng đáng bước vào những cử hành Phụng Vụ và sinh nhiều ơn ích cho phần rỗi linh hồn.

Kế đó là việc nhìn lại những thiếu sót và những hạn chế của bản thân khi ta biết “ngồi nghĩ anh em và nghĩ lại mình” (Trịnh Công Sơn). Sau những ngày dài tháng rộng với những vội vã bôn ba của dòng đời, giờ đây Tết đến là dịp “Nội soi” tâm hồn, để nhìn lại mình và nhìn lại cuộc đời để rồi lao mình về phía trước của một Năm Mới, nhờ đó Năm Mới sẽ tốt đẹp hơn, trọn vẹn hơn và ý nghĩa hơn.

Để khép lại, xin mượn tâm tình của một ai đó đã viết trong những ngày cuối năm như sau: “Những buổi chiều cuối năm phảng phất buồn, có lẽ đất trời cũng muốn luyến lưu năm cũ thêm một chút. Hay vì lòng người dù háo hức cho một năm mới với những khởi đầu mới, vẫn không quên tiếc nuối 365 ngày đã qua – một phần đời dẫu buồn vui, đắng cay hay ngọt bùi vẫn không thể quay lại? Những buổi chiều cuối năm, thương những kẻ xa nhà đang ngóng trông về một mâm cơm đoàn viên; thương những kẻ đang ngó về Tết quê ở một khung trời khác; thương những chuyến bán buôn muộn màng chỉ mong có một cái Tết đủ thương những vội vã tất bật quanh năm…”[1]. Thế nên, ngày Tết vẫn mang trong mình nó tất cả những nỗi niềm, khao khát, mong chờ. Người ta đón Tết với tất cả niềm vui, niềm mong chờ và hy vọng: Một Năm Mới An Lành, Hạnh Phúc.

Tết Nguyên Đán thật sự là một lễ hội mang nhiều nét văn hóa tương đồng với tinh thần Kitô giáo. Người ta có thể chê trách và bài xích ngày Tết cổ truyền như: nghỉ dài ngày ảnh hưởng đến kinh tế, không còn mấy nước sử dụng lịch Âm để ăn Tết, tốn kém và lãng phí… Tuy nhiên, nếu đọc ra ý nghĩa của ngày Tết như một dịp để con người hướng về Trời, về Thiên Chúa; là dịp để con người mở lòng ra với tha nhân: bao dung hơn, quảng đại hơn, yêu thương hơn; là dịp để trở lại với chính mình, để yêu mình, thương mình và quan tâm đến mình, thì người Kitô hữu sẽ phải ăn Tết thường xuyên hơn, lâu ngày hơn. Bởi lẽ, chính Đức Kitô cũng cổ võ cái Tết đó trong vương quốc của Người, nơi không còn sự chết, đau khổ và tang tóc. (Xh 21, 1-4).[2]                                                 
 

Gió Thiên Đàng
Nguồn: www.gpquinhon.org
.

[1] Viết cho buổi chiều cuối năm, http://goclove.com/goc-love/viet-cho-buoi-chieu-cuoi-nam/, cập nhật 29/5/2013.
[2] Xc. Kh 21, 1-4.