“Chúng ta hãy tưởng tượng trong đầu mình hình ảnh Đức Mẹ Maria ẵm Hài Nhi Giêsu trên tay bước đi. Mẹ dâng Hài Nhi trong đền thờ, Mẹ giới thiệu Người cho muôn dân, Mẹ mang Người đến gặp dân của Ngài.
Vòng tay của mẹ hệt như “chiếc cầu thang” qua đó, Con Thiên Chúa đi xuống với chúng ta, chiếc cầu thang của sự hạ mình của Thiên Chúa. Chúng ta đã nghe về điều này trong bài đọc thứ nhất, trích từ thư gửi tín hữu Do Thái: Đức Kitô đã phải “nên giống anh em mình về mọi phương diện, để trở thành một vị Thượng Tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa” (Dt 2,17). Và con đường của Giêsu là con đường hai chiều: Ngài đi xuống, làm người như chúng ta, để đưa chúng ta lên cao, về với Chúa Cha, làm cho chúng ta giống như Ngài.
Chúng ta có thể chiêm ngắm hành trình này trong tim khi tưởng tượng ra cảnh Đức Mẹ đi vào đền thờ cùng với Hài Nhi trên tay. Mẹ bước đi, nhưng Con của Mẹ bước đi trước Mẹ. Mẹ ẵm Người đi, nhưng chính Người đã đưa Mẹ trong hành trình này của Thiên Chúa, Đấng đã đến với chúng ta để chúng ta có thể bước đi với Ngài.
Đức Giêsu đã bước đi trên con đường của chính chúng ta, và Ngài đã dẫn chúng ta đi trên con đường mới, một “con đường mới và sống động” (x. Dt,10,20), là chính Ngài. Cũng vậy, đối với chúng ta, những người sống đời dâng hiến, Người đã mở ra cho chúng ta một con đường mới.
Tin Mừng có nói đến năm lần về việc Đức Maria và Thánh Giuse tuân theo Luật Chúa truyền (x. Lc 2,22.23.24.27.29). Đức Giêsu không đến để làm theo ý của mình, nhưng là ý của Chúa; và chính Ngài cũng nói, việc làm theo ý Cha là “lương thực” của Ngài (x. Ga 4,34). Như thế, ai bước theo Đức Giêsu thì cũng đặt mình trên con đường của vâng phục, như thể bắt chước sự “hạ mình” của Chúa, đưa mình xuống thấp và thực thi ý Cha, cho đến khi không còn gì và hủy mình ra không (x.Pl 2,7-8). Đối với một tu sĩ, càng lớn lên là càng hạ mình xuống phục vụ. Đó là một hành trình như hành trình của Giêsu, Đấng “không nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa (Pl 2,6). Hạ mình trở thành người tôi tớ để phục vụ.
Con đường này mang hình thức của một quy luật, mang đậm đặc sủng của Đấng Sáng Lập. Quy luật bất khả thay thế dành cho tất cả mọi người luôn là Tin Mừng – sự hạ mình của Đức Kitô, nhưng Thánh Thần, trong sự sáng tạo vô hạn của mình, cũng diễn tả nó trong nhiều quy luật khác nhau của đời dâng hiến, tất cả đều sinh ra từ việc sequela Christi (Bước theo Đức Kitô), từ hành trình hạ mình phục vụ.
Qua “luật” này, người sống đời dâng hiến có thể có được sự khôn ngoan, vốn không phải là một khả năng trừu tượng, nhưng chính là hoạt động và ơn sủng của Thánh Thần, và dấu chỉ dễ thấy cho điều đó là niềm vui. Vâng, niềm vui của đời dâng hiến là hệ quả của hành trình hạ mình cùng với Đức Giêsu… Và, khi nào chúng ta buồn hay lầm bầm kêu ca, đấy là lúc chúng ta nên tự vấn xem mình đã sống chiều kích kenotica (bỏ mình) như thế nào.
Trong trình thuật dâng Đức Giêsu trong Đền Thánh, sự khôn ngoan được thể hiện qua hai người cao niên, cụ Simêon và Anna: những con người luôn thuận theo Thánh Thần (Tin Mừng nhắc điều này đến 4 lần), được Thánh Thần hướng dẫn và linh báo. Chúa đã ban cho họ sự khôn ngoan thông qua một hành trình dài của đời sống vâng phục lề luật Thiên Chúa, vâng phục – một đàng là hạ mình và hủy ra không, đằng khác là lên cao, gìn giữ và bảo toàn niềm hy vọng. Và bây giờ, họ trở thành người có óc sáng tạo vì họ đầy tràn Thánh Thần. Họ đã sáng tạo nên một kiểu phụng vụ mới về Hài Nhi khi Hài Nhi được mang vào đền thờ: Ông Simeon đã chúc tụng Thiên Chúa và bà Anna “loan báo” ơn cứu độ (x Lc 2,28-32.38). Cũng như trong trường hợp của Maria, vị cao niên này ẵm Hài Nhi trên tay, nhưng thực ra là chính Hài Nhi dẫn dắt vị cao niên. Phụng vụ giờ Kinh Chiều của ngày lễ hôm nay đã diễn tả điều này rất rõ ràng và rất đẹp: “senex puerum portabat, puer autem senem regebat”. Cả Maria, người mẹ trẻ, và cả Simeon, vị cao niên “đáng tuổi ông”, ẵm Hài Nhi trên tay, nhưng chính Hài Nhi đã dẫn dắt cả hai.
Ở đây, có một điều làm cho chúng ta thấy kỳ lạ là không chỉ những người trẻ như Maria và Giuse – khi tuân theo luật Chúa, đi trên con đường vâng phục – mới sáng tạo, mà cả người già cũng sáng tạo nữa. Các cụ Simeon và Anna, khi thấy Đức Giêsu, nhờ Thánh Thần linh hứng, cũng sáng tạo, đó là sự sáng tạo của niềm vui và của sự khôn ngoàn. Thiên Chúa đã biến đổi sự vâng phục và sự khôn ngoan bằng hoạt động của Thánh Thần. Thiên Chúa đôi khi cũng ban ơn khôn ngoan cho một người trẻ, mà thường thường Ngài sẽ ban qua sự vâng phục của người ấy và sự ngoan ngoãn của người ấy trước Thánh Thần. Sự vâng phục và ngoan ngoãn này không chỉ là một lý thuyết, nhưng là sự ngoan ngoãn và vâng phục một quy luật cụ thể, ngoan ngoãn và vâng phục bề trên, ngoan ngoãn và vâng phục Giáo Hội. Sự ngoan ngoãn và vâng phục ở đây rất cụ thể.
Qua hành trình kiên trì trong vâng phục, sự khôn ngoan cá nhân và cộng đoàn được trưởng thành hơn, và nhờ đó, nó có thể trở nên phù hợp với những quy luật của thời đại: “một sự thích nghi” thực sự là hành vi của đức khôn ngoan, được trui rèn trong sự ngoan ngoãn và vâng phục.
Việc tái canh tân và đổi mới đời dâng hiến sẽ diễn ra nhờ việc yêu mến tuân giữ quy luật, cũng như nhờ khả năng chiêm niệm và lắng nghe những bậc cao niên trong Dòng. Như vậy, đặc sủng của mỗi gia đình dòng tu sẽ được bảo tồn cùng với sự vâng phục và sự khôn ngoan. Và qua hành trình này, chúng ta giữ cho đời dâng hiến của mình không rơi vào kiểu giác ngộ và thoát tục như một người ngộ đạo, một kiểu tu trì đã kéo đời dâng hiến xuống như một “bức tranh biếm họa”, trong đó, họ bước đi mà không từ bỏ, cầu nguyện mà không gặp gỡ, sống một tình huynh đệ không có sự hiệp thông, vâng phục mà không tin tưởng, sống đức ái mà không hướng về siêu nhiên.
Hôm nay, cũng như Mẹ Maria và Simeon, chúng ta muốn ẵm Hài Nhi trên tay để Người có thể gặp gỡ dân của Người và chắc chắn là chúng ta chỉ có thể làm điều đó khi chúng ta đi vào trong mầu nhiệm mà chính Đức Giêsu dẫn chúng ta tới. Chúng ta mang Đức Giêsu đến với muôn dân, nhưng chúng ta phải để cho Người dẫn dắt. Đây là điều mà chúng ta phải trở thành: người dẫn đường được dẫn dắt.
Nguyện xin Thiên Chúa, qua lời chuyển cầu của Mẹ chúng ta, Thánh Giuse, Thánh Simeon và Anna, dẫn chúng ta đến điều mà chúng ta đã cầu xin trong Lời Nguyện Nhập Lễ: “được nên trong sạch hầu xứng đáng dâng mình trước Thánh Nhan”
Chuyển dịch từ bản Ý ngữ: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ