ĐỨC THÁNH CHA LÊN ÁN VỤ KHỦNG BỐ BÁO CHARLIE HEBDO
PARIS. ĐTC nghiêm khắc lên án vụ khủng bố chống tuần báo Charlie Hebdo ở Paris, thủ đô Pháp hôm 07.01, làm cho 12 người chết và 11 người bị thương, trong đó có 4 nạn nhân bị thương nặng. Tối ngày 07.01, cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết: “ĐTC lên án một cách quyết liệt nhất đối với vụ khủng bố đáng kinh tớm làm cho thành phố Paris trở nên thê lương với con số nhiều nạn nhân, gieo rắc chết chóc, làm cho toàn thể xã hội Pháp kinh hoàng, gây xáo trộn sâu xa cho những người yêu chuộng hòa bình, vượt ra ngoài các biên giới của Pháp.” Trong thánh lễ lúc 7 giờ sáng ngày 08.01, tại nguyện đường thánh Marta, ĐTC đã cầu nguyện cho tất cả các nạn nhân vụ khủng bố ở Paris. Vào đầu thánh lễ, ngài nói: “Vụ khủng bố hôm qua tại Paris làm cho chúng ta nghĩ đến bao nhiêu sự tàn ác của con người. Trong thánh lễ này chúng hãy cầu nguyện cho cac nạn nhân sự tàn ác này, chúng ta cũng cầu cho kẻ tàn ác, xin Chúa hoán cải tâm hồn họ”.
.
VATICAN. Nếu tính 20 tiến chức Hồng Y được ĐTC Phanxicô tuyên bố bổ nhiệm hôm 04.01 vừa qua, Hồng Y đoàn mới gồm 228 vị, trong đó có 103 vị trên 80 tuổi và 125 vị Hồng Y cử tri dưới 80 tuổi. Trong số các vị thuộc Hồng Y đoàn, chỉ còn lại 2 vị do ĐGH Phaolô 6 bổ nhiệm và tổng cộng có 39 vị do Đức đương kim Giáo Hoàng bổ nhiệm. Âu Châu vẫn đứng đầu với 119 Hồng Y, trong đó có 57 Hồng Y cử tri, Bắc Mỹ 27 vị trong đó có 18 HY cử tri, Nam Mỹ có 26 vị trong đó 12 vị dưới 80 tuổi. Á châu chỉ có 22 Hồng Y, trong đó có 14 HY cử tri Phi châu 21 Hồng Y trong đó có 15 vị dưới 80 tuổi. Sau cùng là Châu Đại Dương có 5 Hồng Y kể cả 2 tiến chức mới được tuyên bố bổ nhiệm, trong đó có 3 HY cử tri. Trong số 20 tân HY được ĐTC tuyên bố bổ nhiệm có 4 vị thuộc các dòng tu, gồm 2 vị Don Bosco, 1 vị dòng thánh Vinh Sơn Phaolô và một vị dòng thánh Augustino nhặt phép. Trong số 15 tân tiến chức HY cử tri đến từ 14 quốc gia, có 5 vị người Âu, 3 vị Á châu, 3 vị Mỹ la tinh, 2 từ Phi châu và 2 vị từ Úc châu.
.
HỌP BÁO VỀ CHUYẾN VIẾNG THĂM CỦA ĐTC
VATICAN. Trưa ngày 07.01 vừa qua, Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh đã mở cuộc họp báo về chuyên viếng thăm sắp tới của ĐTC Phanxicô tại Sri Lanka và Philippines từ ngày 12 đến 19.01 tới đây. Hòa giải giữa các tôn giáo và phục hồi sau thiên tai, đó là những chủ đề chính trong cuộc viếng thăm của ĐTC. Ngài sẽ có trọn 48 tiếng đồng hồ tại Sri Lanka, từ sáng ngày 13 đến 15.01, và 3 ngày trọn tại Philippines. Giống như hai vị tiền nhiệm Phaolô 6 và Gioan Phaolô 2, tại Sri Lanka, ĐTC Phanxicô cũng sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hòa hợp giữa các tôn giáo tại nước này. Trên đường từ Philippines về Roma ngày 19.01, máy bay chở ĐTC sẽ bay qua không phận của Trung Quốc và chắc chắn ngài sẽ gửi điện văn chào thăm Chủ tịch Tập Cận Bình (Xi Jinping) và nhân dân Trung Quốc, như ngài đã làm hồi tháng 8 năm ngoái khi đến viếng thăm Hàn Quốc. Trong chuyến viếng thăm sắp tới, các bài diễn văn và bài giảng của ĐTC đều bằng tiếng Anh, tuy nhiên tại Sri Lanka, sẽ có phần tóm tắt bằng tiếng Singalais và Tamil cho những người không hiểu tiếng Anh.
.
ĐẠI CƯƠNG CHƯƠNG TRÌNH HOẠT ĐỘNG CỦA ĐTC NĂM 2015
VATICAN. ĐTC Phanxicô đang đứng trước một năm mới, 2015, với nhiều chương trình hoạt động khẩn trương. Lúc 7 giờ chiều ngày 12.01, ĐTC sẽ rời Roma lên đường viếng thăm mục vụ tại Sri Lanka, đến chiều 15.01, rồi tiếp tục hành trình sang Philippines để viếng thăm cho đến sáng thứ hai 19.01. Kế đến, ĐTC sẽ bổ nhiệm các Hồng Y mới trong công nghị vào ngày 12 và 13.02 năm nay. Một cuộc viếng thăm khác của ĐTC đã được lên chương trình là vào tháng 9 năm tới, tại thành phố Philadelphia, Hoa Kỳ, nhân dịp Đại hội các gia đĩnh Công Giáo thế giới. Trong dịp đó, có thể ngài sẽ viếng thăm quốc hội Mỹ ở thủ đô Washington và trụ sở LHQ ở New York. Ngoài ra, ĐTC đã loan báo ngài sẽ viếng thăm 3 nước Mỹ châu la tinh nhưng chưa công bố tên các nước này. Trong năm nay, ngài cũng sẽ thăm Phi châu và Pháp, trong đó có thủ đô Paris và Đền thánh Đức Mẹ Lộ Đức.
.
NHÀ NƯỚC CUBA ĐÃ TRẢ LẠI 12 NHÀ THỜ VÀ BẤT ĐỘNG SẢN CHO CÔNG GIÁO
LA HABANA. Cho đến nay nhà nước Cuba đã trả lại 12 nhà thờ, nhà xứ và các cơ sở khác cho Giáo Hội Công Giáo, và người ta hy vọng với chiều hướng cởi mở hiện nay, viễn tượng này sẽ khả quan hơn nữa. Theo hãng tin Vatican Insider, tiến trình trả lại nhà thờ và các bất động sản khác cho Giáo Hội Công Giáo Cuba đã bắt đầu từ năm 2009, và người giữ một vai trò quan trọng trong tiến trình này là ĐHY Jaime Ortega, TGM giáo phận thủ đô La Habana. LM José Felix Pérex, Phụ tá Tổng thư ký HĐGM Cuba, nhận định rằng: “Việc trả lại tài sản cho Giáo Hội là một cử chỉ rất tích cực từ phía chính quyền. Trả lại những gì thuộc về Giáo Hội là điều tạo nên bầu không khí tín nhiệm”. Trong số các tài sản được trả lại cũng có nhà nguyện thuộc đại học cổ kính Thánh Tomaso Villanueva, ở mạn tây thủ đô La Habana, và hai thánh đường ở thành phố Santiago de Cuba là Nhà Thờ Thánh Giuse Thợ và nhà thờ thánh Biển Đức.
.
LẦN ĐẦU TIÊN TỪ NĂM 1923 NHÀ NƯỚC THỔ CHO PHÉP XÂY MỘT THÁNH ĐƯỜNG
ISTANBUL. Lần đầu tiên từ 92 năm nay (1923) chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cho phép một Giáo Hội Kitô xây một thánh đường mới tại thành phố Istanbul. Đó là nhà thờ của Giáo Hội Chính Thống Siro thuộc khu phố Yesilkoy, cách trung tâm thành phố Istanbul 12 cây số, gần phi trường Átaturk. Thánh đường được xây trên đất của thành phố và được ân nhân tài trợ chỉ phí. Viên đá đầu tiên sẽ được đặt trong những tháng tới đây. Trong những thập niên qua, Nhà Nước Thổ Nhĩ Kỳ không cho phép các Giáo Hội Kitô xây cất thêm một thánh đường nào, nhưng chỉ cho phép sửa chữa các nhà thờ đã có. Thủ tướng Ahmet Davugoglu của Thổ tuyên bố việc cho phép trên đây hôm 03.01 vừa qua, như một chính sách dần dần cởi mở đối với các tôn giáo thiểu số không thuộc Hồi giáo tại nước này, đông thời ông bảo đảm quyền công dân của các tín đồ ấy.Tại Thổ Nhĩ kỳ chỉ còn 53 ngàn tín hữu Công Giáo, phần lớn là những người nước ngoài nhập cư.
.
THÁNH LỄ THỨ MỘT NGÀN CẦU CHO SỰ THỐNG NHẤT BÁN ĐẢO TRIỀU TIÊN
HÁN THÀNH. Thứ ba, 06.01, Thánh lễ thứ một ngàn đã được cử hành tại thủ đô Hán Thành để cầu nguyện cho hòa bình và hòa giải tại bán đảo Triều Tiên còn bị chia cắt. Từ 20 năm nay, vào mỗi ngày thứ ba hàng tuần, đều có một thánh lễ được cử hành trong tổng giáo phận Hán Thành cho ý chỉ đó. Thánh lễ hôm đó, do ĐHY Anrê Liêm Chủ Chánh (Yeom Soo-Jung) TGM Hán Thành, chủ sự, và bài giảng sẽ do Đức Cha An-rê Thôi Kính Mục (Choi Chang-moo), TGM giáo phận Quang Châu (Gwanngju) đảm trách. Đức TGM cũng là Chủ tịch ủy ban hòa giải dân tộc Đại Hàn. Ngài đã khởi xướng một kênh liên lạc giữa các tín hữu Công Giáo Nam và Bắc Hàn. Hồi năm 1998, Đức TGM Thôi Kính Mục đã thực hiện chuyến viếng thăm chính thức đầu tiên tại Bình Nhưỡng, thủ đô Bắc Triều Tiên. ĐHY Liêm Chủ Chánh cũng rất tích cực trong nỗ lực đưa hai nước Hàn Quốc xích lại gần nhau
.
DỊCH EBOLA VẪN ẢNH HƯỞNG TIÊU CỰC TỚI VIỆC THỰC HÀNH TÔN GIÁO TẠI SIERRA LEONE
FREETOWN. Bệnh dịch Ebola vẫn còn ảnh hưởng tiêu cực đối với việc thực hành tôn giáo tại nước Sierra Leone bên Phi châu. Quốc gia này có 6 triệu dân và tính đến ngày 19.12 vừa qua, có 8.880 người bị lây bệnh dịch này và 2.529 người chết. Có 1.326 người được chữa trị và nhiều người sống sót. Việc thực hành đạo bị giới hạn nhiều do tình trạng này. Ví dụ tại nhà thờ, mỗi ghế dài chỉ được phép ngồi 3 người để tránh sự tiếp xúc với nhau. Khi vào nhà thờ, thay vì chấm tay vào bình nước thánh để làm dấu Thánh Giá, thì phải rửa tay với chất Clor để sát trùng. Trong thánh lễ không được bắt tay người khác để chúc bình an. Sau buổi lễ, mỗi người được kiểm soát nhiệt độ bằng tia hồng ngoại. Ngoài ra, các lễ nghi rửa tội, xúc dầu bệnh nhân và hôn phối không được cử hành. Ngày 24.12 vừa qua, không có các lễ vọng giáng sinh và phần lớn các giáo xứ chỉ cử hành một thánh lễ duy nhất.
.
KỶ NIỆM 100 NĂM CUỘC DIỆT CHỦNG ARMÉNI
ARMÉNI. Năm nay, Giáo Hội và dân tộc Arméni sẽ tưởng niệm biến cố đau thương: 100 năm cuộc diệt chủng 1 triệu 500 ngàn người Arméni do đế cuốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ chủ mưu. Cuộc diệt chủng này xảy ra vào cuối triêu đại của Vua Hồi giáo Abđul Hamid II của Đế quốc Ottoman, rồi dưới thời gọi là “Những người Thổ Nhĩ Kỳ trẻ”. Năm 1915, một cuộc truy lùng và tàn sát người Arméni đã diễn ra, với những vụ bạo hành, hãm hiếp, hạ nhục, rồi các cuộc phát lưu vào sa mạc, với vô số người Arméni thiệt mạng. Thổ Nhĩ Kỳ vẫn luôn phủ nhận sự kiện này. Trong những ngày vừa qua, Đức Tổng Thượng Phụ Karekine, Giáo chủ Giáo Hội Arméni Tông Truyền, đã công bố thư mục vụ về việc tưởng niệm cuộc diệt chủng và cho biết ngày 23.04 tới đây, sẽ chủ sự một buổi lễ trong đó ngài sẽ phong thánh cho tất cả các nạn nhân cuộc diệt chủng, bị giết vì đức tin và vì đất nước, đồng thời sẽ tuyên bố ngày 24.01 hằng năm sẽ là lễ “kính các thánh tử đạo cuộc diệt chủng”.
.
TÒA ÁN HÀNH CHÁNH TẠI GUYANE THUỘC PHÁP BUỘC CHÍNH PHỦ TRẢ LƯƠNG CHO CÁC LM
GUYANE. Tòa án hành chính tại Guyane là một tỉnh hải ngoại của Pháp truyền Hội đồng chính phủ tại đây phải tiếp tục trả lương cho các LM Công Giáo, giống như miền Alsace và Lorraine tại Pháp. Việc trả lương này vẫn luôn được điều hành theo sắc lệnh của Vua Charles X hồi năm 1828. Tòa án hành chánh tại tỉnh Guyane khẳng định rằng luật tách biệt giữa Giáo Hội và Nhà Nước Pháp không bao giờ được công bố tại các thuộc địa của Pháp, vì thế tình trạng trước luật này vẫn giữ nguyên hiệu lực. Cách đây vài tháng, ông Alain Tien-Liong, Chủ tịch Hội đồng chính quyền tỉnh Guyane đã đột xuất và đơn phương quyết định ngưng trả lương cho 26 trên tổng số 38 vị LM tại tỉnh này, nhưng vẫn tiếp tục trả lương cho Đức Cha Emmanuel Lafont, GM giáo phận Cayenne sở tại. Hội đồng quản trị giáo miền Công Giáo Guyane đã phải nhờ công lý can thiệp và Đức Cha Lafont đã tuyệt thực nhiều ngày để gây ý thức nơi các tín hữu trong giáo phận về nghĩa vụ giúp Giáo Hội có phương tiện hoạt động.
Tổng hợp và biên tập: Jos. Nguyễn Tiến Khải, SJ
Nguồn: www.dongten.net