Người tu sĩ – Tự nguyện Lệ thuộc

70

Không ai có  quyền chọn cho mình hoàn cảnh để sinh ra, phải chăng có một định mệnh cho từng người? Trong liên hệ với vạn vật, với người khác, với chính mình, con người có tự do hay không; nếu có thì ở mức độ nào? Đời tu Ki-tô giáo trả lời cách lạ lùng cho vấn nạn này: con người có khả năng “tự nguyện lệ thuộc”.

Người tu sĩ được Chúa mời gọi, được Người ban cho những khả năng thích hợp; và họ muốn đáp lại tiếng gọi ấy cách tự nguyện. Đấng gọi, tự do gọi; mà người đáp cũng tự do đáp. “Lệ thuộc” vì người tu sĩ bước theo Con Người Giêsu. “Tự nguyện” vì họ hiểu, yêu, và muốn dấn thân trong con đường ấy. Mối tương quan này không dựa trên nhu cầu, sở thích, hay công việc, mà ‘đánh cược’ trọn vẹn con người. Khả năng “tự nguyện lệ thuộc” có thể phác họa trong hai phương diện: hồn và xác hợp nhất; tương quan và ý muốn.

Hồn và Xác hợp nhất

Thật khó để ‘phân chia’ con người thành nhiều phần, nhưng cách chung, con người có hồn và xác, hay con người là xác và hồn.

Khi bàn về linh hồn, không nên quên thân xác. Rèn luyện thân xác có thể giúp linh hồn phòng ngừa và khắc phục các khuynh hướng xấu: ví dụ, ai có khuynh hướng kiêu hãnh thì rèn luyện trong những việc bé nhỏ. Khi thân xác ốm đau, có thể linh hồn được nhiều ích lợi: giúp bản thân rèn luyện kiên nhẫn, giúp cảm thông với người khác, và biết đón nhận bệnh tật. Như thế, linh hồn vừa tôn trọng, nhờ cậy thân xác; nhưng không vì thế mà linh hồn bị thân xác điều khiển theo bất cứ đòi hỏi nào.

Thân thể và linh hồn bổ trợ cho nhau: điều gì tốt cho một bên phải được giả thiết là tốt cho cả hai. Về các nhu cầu thể lý, vừa không lo lắng thái quá, vừa cần quan tâm thích đáng. Về ăn mặc ở… vừa giúp tập luyện đức hạnh, vừa giữ được những gì là cần thiết. Việc lao động cần điều độ, không nặng nhọc quá đến nỗi tinh thần bị tắc nghẽn và thân xác bị tổn hại. Ngoài ra, cần nghỉ ngơi và giải trí thích hợp. Như vậy, thân thể cần được chăm sóc trong tương quan chặt chẽ với linh hồn.

Tương Quan và Ý Muốn

Trong đời sống, con người cần biết tách mình khỏi những gì là xấu, là ít thích hợp, và mỗi cá nhân cần hợp nhất với người khác trong suy nghĩ, lời nói, việc làm.

Về phương diện cá nhân, con người có liên hệ với vật chất trong việc sử dụng của cải; liên hệ với người thân, bạn bè; liên hệ với bản thân trong cuộc chiến nội tâm; liên hệ với Thiên Chúa; liên hệ với môi trường xung quanh. Về phương diện cộng đoàn, có rất nhiều khía cạnh: bề trên và bề dưới trong việc quản trị, nhà huấn luyện và người thụ huấn, bậc đàn anh và đàn em trong việc nêu gương và noi gương, anh em với nhau trong tình thân và trong công việc…

Trong từng mối tương quan ấy, mỗi cá nhân rất khác nhau, với những ý muốn riêng trong việc đinh đoạt về tài sản, trong cách thức liên hệ với người khác, trong việc làm chủ bản thân, trong công việc; đồng thời họ cũng muốn cùng nhau hợp nhất những ý muốn riêng ấy. Tuy nhiên, làm thế nào để sự hợp nhất có thể xảy ra? Nguyên tắc thì sáng sủa và chi tiết, nhưng cách thực hành lại bỏ ngỏ cho nhận định: tùy theo thời gian, nơi chốn, và những người có trách nhiệm liên quan. Điều này giả thiết một lòng chân thực, tin tưởng, bao dung rất lớn nơi con người, và đương nhiên, cần ơn Chúa.

Tựu trung, đời tu cũng là đời sống chung của những con người: sống với nhau cho nhau trong cộng đoàn, trong cuộc đời. Mặt khác, lời gọi của Con Người Giêsu và lời đáp của con người định hình một loại đời sống “rất người” và “rất khác người”. Có người bị “sốc” vì sự “lệ thuộc” quá nhiều của đời tu. Thế nhưng, Aristotle từng khẳng định: con người không tự đủ cho mình, nó cần một ai khác. Nếu vậy, “lệ thuộc” là nhân tố tất yếu của cuộc sống, điều quan trọng là cung cách mà tôi lệ thuộc là gì? Như thế, người tu sĩ đóng góp cho cuộc đời một loại cung cách, một sự “tự nguyện lệ thuộc” trong yêu thương, sáng tạo và niềm vui.

Vinh Sơn Vũ Tứ Quyết, S.J.