BỘ PHONG THÁNH CHO PHÉP MỞ ÁN CHA TRƯƠNG BỬU DIỆP
VATICAN. Trong thư đề ngày 31.10 vừa qua gửi Đức GM giáo phận cần Thơ, Bộ Phong Thánh cho phép giáo phận mở án điều tra để làm hồ sơ xin phong thánh cho Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp. Giấy phép này, theo từ chuyên môn, được gọi là “Nihil Obstat”, “không có gì ngăn trở việc mở án”. Hãng tin “Các Giáo Hội Á châu” của Hội thừa sai Paris, truyền đi hôm 12.12 vừa qua cho biết tin này đã làm cho các tín hữu rất vui mừng. ĐHY Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, nguyên TGM Sàigon, đã biết cha Trương Bửu Diệp khi cha còn sống và mô tả cha là ”một linh mục thánh thiện, luôn quan tâm đến tương lai của Giáo Hội, và khuyến khích các tín hữu dấn thân sống đạo. Cha rất quan tâm đến dân chúng và tại những nơi cha được gửi đến, cha vẫn cố gắng kiến thiết một nơi thờ phượng và nhà ở cho các tín hữu. Cha đã sống và chết cho họ.
.
CÁC TÍN HỮU KI TÔ MALAYSIA PHẪN NỘ VÌ HÀNG TRĂM KINH THÁNH BỊ XÚC PHẠM
KUALA LUMPUR. Các tín hữu Kitô ở bang Selangor, miền tây Malaysia, phẫn nộ vì hàng trăm cuốn Kinh Thánh bị xúc phạm. Hồi đầu năm nay, 321 cuốn kinh thánh gửi cho các cộng đoàn Kitô địa phương bị tịch thu trong một vụ xử án hồi tháng 6 năm nay: tòa án truyền cho báo Công Giáo của tổng giáo phận Kuala Lumpur không được dùng từ “Allah” để dịch từ Thiên Chúa. Nhưng sau đó, tòa án ở Malaysia truyền cho Phân Bộ Hồi giáo của bang Selangor phải trả lại Kinh Thánh cho các tín hữu Kitô. Hãng tin Asia News truyền đi ngày 11.12 vừa qua cho biết các sách Kinh Thánh đó đã được trả lại, nhưng các giới hữu trách nhà nước đóng trên các sách này câu: “Sách chỉ được dùng riêng cho những người không Hồi giáo. Sách này không thể xuất bản hoặc sử dụng trên lãnh thổ bang Selangor”. Các vị lãnh đạo Kitô ở địa phương đang chuẩn bị kiện ra tòa chống lại điều mà họ coi là một sự gây hấn trong lại cộng đồng Kitô của họ.
.
ĐHY TURKSON VIẾNG THĂM SIERRA LEONE VÀ LIEBERIA
VATICAN. Từ hôm 16 đến 18.12 vừa qua, ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, đã viếng thăm hai nước Sierra Leone và Liberia bên Phi châu. Đây là 2 trong 3 quốc gia bị thương tổn nhiều nhất vì bệnh dịch Ebola, với 18 ngàn bệnh nhân và hơn 6.500 người bị thiệt mạng vì bệnh này. ĐHY Turkson, người Ghana, mang một sứ điệp liên đới và hy vọng cho Giáo Hội, các nhân viên y tế và dân chúng nói chung. Tháp tùng ĐHY có Đức Ông Robert Vitillo, cố vấn đặc biệt về vấn đề sức khỏe tại Tổ chức Caritas quốc tế. Đức ông cho biết: “Giáo Hội, kể cả Caritas, các dòng tu và các tổ chức Công Giáo khác đang chiến đấu ‘tại tiền tuyến’ chống lại bệnh Ebola. Ngoài việc săn sóc các bệnh nhân, Giáo Hội còn động viên giáo sĩ và các nhóm thuộc các giáo xứ trong nỗ lực ngăn chặn sự lan tràn bệnh Ebola”.
.
ĐỨC TGM TRƯỞNG CÔNG GIÁO UCRAINA BÊNH VỰC LẬP TRƯỜNG
KIEV. Đức TGM trưởng Sviatoslav Schevshuk, Giáo chủ Công Giáo Ucraina nghi lễ đông phương, tuyên bố rằng Giáo Hội này đứng về phía dân tộc, trong cuộc xung đột tại Ucraina hiện nay. Đức TGM trưởng xác quyết lập trường trên đây trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Công Giáo Đức KNA hôm 12.12 vừa qua và ngài bác bỏ những lời cáo buộc thường được Giáo Hội Chính Thống Mát-cơ-va đưa ra cho rằng Giáo Hội Công Giáo thiên vị trong cuộc xung đột nội bộ Ucraina. Đức TGM Schevshuk nói: “Cuộc xung đột hiện nay hiển nhiên là một cuộc xâm lăng của ngoại bang. Quân đội Nga tràn vào lãnh thổ của Ucraina.” Theo Đức TGM, Giáo Hội Chính Thống Mascơva và Giáo Hội Chính Thống con của mình ở Ucraina có thể góp phần rất nhiều vào việc giải quyết ôn hòa cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina đồng thời ngài hy vọng rằng cả các giáo sĩ cũng nhìn nhận và lãnh trách nhiệm của mình trong các lãnh vực có tranh chấp.
.
HƠN 17 TRIỆU NGƯỜI THEO DÕI TWITTER CỦA ĐTC
VATICAN. Tính đến lúc 18,15 chiều ngày thứ bảy 13.12 vừa qua đã có hơn 17 triệu người theo dõi địa chỉ Twitter của ĐTC Phanxicô. Trong số các người theo dõi tiếng Tây ban Nha đứng đầu với hơn 7,4 triệu người, tiếng Anh với hơn 4,8 triệu, tiếng Ý với hơn 2,2 triệu, tiếng Bồ Đào Nha với hơn 1,2 triệu, tiếng Pháp hơn hơn 320 ngàn, tiếng Ba Lan hơn 310 ngàn, tiếng Latinh hơn 310 ngàn, tiếng Đức hơn 227 ngàn. Tiêng Arập hơn 166 ngàn. Tổng cộng 17 triệu 834.000 lượt theo dõi.
.
OTTAWA. Trong sứ điệp Giáng Sinh gửi tín hữu toàn nước, ĐC Paul André Durocher, GM giáo phận Gatineau, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Canada, mời gọi mọi người đừng sợ hãi chúc mừng lễ Giáng Sinh và nhất là sống tinh thần hòa bình của ngày lễ. Sứ điệp Giáng Sinh mang tựa đề: “Trong Chúa Gìêsu chúng ta tìm lại được sư vô tội đã đánh mất”, trong đó ĐC Durocher nhắc tới vụ khủng bố do Michel Zehaf Bibeau theo Nhà nước Hồi gây ra tại Ottawa khiến cho hai binh sĩ trừ bị Canada bị thiệt mạng. Ngài viết: “Nhiều người đã khẳng định rằng tháng 10 năm 2014 đất nước Canada đã mất đi sự vô tội của mình. Tuy nhiên cần phải nhớ rằng lịch sử đất nước Canada thỉnh thoảng cũng đã bị ghi dấu bởi các hành động khủng bố bạo lực. Tất cả những điều đó giúp tôi xác tín rằng chúng ta không vô tội như mình tưởng nghĩ”.
.
TRONG NĂM NAY ĐÃ CÓ 1 TRIỆU 119 NGÀN NGƯỜI THAM DỰ CÁC BUỔI TIẾP KIẾN CHUNG SÁNG THỨ TƯ
VATICAN. Thứ tư hôm qua là buổi tiếp kiến chung cuối cùng của năm 2014. Trong năm nay đã có 1 triệu 119 ngàn người tham dự các buổi gặp gỡ chung. Đông nhất là tháng tư với 205 ngàn nguời tiếp đến là tháng 5 với 195 ngàn, tháng 10 với 170 ngàn và tháng 6 với 131 ngàn người.
.
THỐNG ĐỒC TỈNH KIRKUK BÊN IRAK TUYÊN BỒ NGÀY 25.12 LẢ NGÀY NGHỈ VÌ TÌNH LIÊN ĐỚI VỚI TÍN HỮU KITÔ
KIRKUK. Ngày 14.12 vừa qua, thống đốc tỉnh Kirkuk bên Irak, ông Necmettin Karim, người Kurde, đã tuyên bố ngày 25.12 sẽ là ngày nghỉ toàn vùng, để nói lên tình liên đới của các cơ cấu và toàn thể xã hội đối với các Kytô hữu. Quyết định này đã được công bố sau cuộc viếng thăm thống đốc Necmettim của Đức Thượng Phụ Calđê Luis Raphael I cùng với một phái đoàn trong đó có Đức Cha Yousif Thoma Mirkis, dòng Đa Minh, TGM Calde Kirkuk. Trong cuộc hội kiến, hai bên đã trao đổi ý kiến và thảo luận về tình hình chính trị khó khăn trong nước, nhất là về mặt an ninh và làn sóng tỵ nạn do việc quân đội nhà nước hồi giáo chiếm đóng Mosul và Ninive gây ra. Thống đốc Necmettin đã ca ngợi nỗ lực không biết mệt mỏi của Đức Thượng phụ Louis Raphael cũng như của toàn giáo hội Calđê trong việc gìn giữ và củng cố sự sống chung hòa bình giữa mọi chủng tộc và tôn giáo trong nước.
.
ĐTC HÀI LÒNG VÌ HOA KỲ VÀ CUBA TÁI LẬP LIÊN LẠC NGOẠI GIAO
VATICAN. ĐTC Phanxicô đã rất hài lòng vì Hoa Kỳ và Cuba đã tái lập liên lạc ngoại giao với nhau để thắng vượt các khó khăn đã có trong lịch sử giữa hai nước và vị lợi ích của người dân. Trong thông cáo công bố hôm qua Phủ Quốc Vụ Khanh cũng cho biết ĐTC đã viết thư cho tổng thống Barack Obama và chủ tịch Raul Castro để mời gọí hai người giải quyết các vấn đề nhân đạo có lợi chung, trong đó có tình trạng của vài tù nhân, hầu bắt đầu một giai đoạn mới trong tương quan giữa hai bên. Hồi tháng 10 năm nay Toà Thánh đã tiếp đón phái đoàn của hai nước và đã cống hiến các văn phòng của mình cho một cuộc đối thoại liên quan tới các đề tài tế nhị, từ đó đã nảy sinh các giải pháp thoả đáng cho cả hai bên. Tòa Thánh sẽ tiếp tục bảo đảm sự ủng hộ cho các sáng kiến mà hai nước sẽ đề ra để gia tăng các liên lạc song phương tạo thuận lợi cho hạnh phúc của công dân hai nước.
.
BUỔI HỌP BÁO GIỚI THIỆU BẢN TƯỜNG TRÌNH CHUNG KẾT CUỘC THANH TRA TÔNG TÒA CÁC DÒNG NỮ HOA KỲ
VATICAN. Sáng 16.12 ĐHY Jão Bras de Avis, Tổng trưởng Bộ các Dòng tu và Tu hội tông đồ, và ĐTGM José Rodriguez Carballo, Tổng thư ký, đã chủ sự buổi họp báo giới thiệu bản tường trình chung kết cuộc thanh tra tông tòa các dòng nữ Hoa Kỳ. Tháng 12 năm 2008 Hiệp hội các Dòng nữ Hoa Kỳ quyết định lựa chọn một Cuộc thanh tra tông tòa các dòng nữ hoạt động trên toàn nước. Lý do là vì các dòng đang phải đối phó với nhiều thách đố và khó khăn nghiêm trọng đe dọa phẩm chất đời tu và chính sự sống còn của các dòng. Cuộc thanh tra đã đươc thực hiện từ năm 2009 tới 2012 bao gồm 4 giai đoạn, liên quan tới 341 dòng tu giáo phận cũng như quyền toà thánh, 405 cơ sở và 50.000 nữ tu. Mẹ Mary Clare Millea, dòng Tông đồ Thánh Tâm Chúa Giêsu, đã được Bộ chỉ định làm Vị Thanh tra tông toà. Nói chung, bản tường trình cho biết các nữ tu rất ý thức được đặc sủng và căn tính của dòng, cũng như thách đố thăng tiến ơn gọi và đào tạo trong đời tu.
Tổng hợp và biên tập: Jos. Nguyễn Tiến Khải, SJ.
dongten.net