CHÚA NHẬT 2 MÙA VỌNG NĂM B
Lời Chúa: Is 40, 1-5.9-11; 2Pr 3, 8-14; Mc 1, 1-8
******************
1. Tiếng hô trong sa mạc (Gm. Giuse Vũ Văn Thiên)
2. Dọn đường cho Chúa (Tgm. Giuse Ngô Quang Kiệt)
3. Chúa Nhật 2 Mùa Vọng_B (Lm. Antôn, Giáo xứ thánh Giuse, Tulsa)
4. Dọn đường (Lm. Jos. DĐH. Gp. Xuân Lộc)
5. Mở đường cho Chúa và mở đường cho nhau (Lm. Giuse Đỗ Đức Trí, Gp. Xuân Lộc)
6. Lầm lỗi và sám hối (Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)
7. Dọn đường (Trầm Thiên Thu)
8. Người phu quét lá (Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)
9. Sửa đường tâm linh cho ngay thẳng (Jos. Vinc. Ngọc Biển)
.
Mỗi năm, khi Mùa Vọng về, Phụng vụ lại giới thiệu với chúng ta hình ảnh của thánh Gioan Tiền Hô, cùng với lời kêu gọi sám hối. Các bài Tin Mừng được đề nghị đọc trong thánh lễ Chúa nhật thứ hai Mùa Vọng cho cả ba năm A,B,C đều nhắc tới vị ngôn sứ này. Điều đó cho thấy, chủ đề chính của Lời Chúa trong Chúa nhật này là lời mời gọi sám hối để dọn mình xứng đáng đón Chúa đang ngự đến.
Thánh Gioan Tiền Hô được diễn tả như một nhà khổ tu và sống gần gũi thân thiện với thiên nhiên. Áo ông mặc là miếng lông lạc đà, thắt lưng của ông là dây da, lương thực hằng ngày là châu chấu và mật ông rừng. Việc xuất hiện của ông, theo thánh sử Mácô, cũng là điều ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia tiên báo: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho con..”.
Sám hối là khiêm tốn nhìn nhận những lỗi lầm của mình trước mặt Chúa và đối với anh chị em. Đây là một điều kiện cần thiết để có thể đón Chúa đến trong cuộc đời. Khi tâm hồn chúng ta đầy những tham vọng vật chất và chứa đầy sự hận thù, làm sao ta còn có chỗ để đón Chúa đến trong ta? Ngôn sứ Isaia đã dùng những hình ảnh rất sinh động để diễn tả tâm tình sám hối: Hãy nắn thẳng những con đường, hãy lấp đầy những thung lũng, hãy san phẳng những núi đồi… Chỉ khi nào khiêm tốn chấp nhận thay đổi tận căn của cuộc đời như thế, chúng ta mới được gặp gỡ Chúa và chiêm ngưỡng vinh quang của Ngài. Đối với ai thành tâm kiếm tìm Chúa, cuộc gặp gỡ ấy sẽ là sự an ủi ngọt ngào, sẽ là niềm hạnh phúc bất tận (Bài đọc I).
Thánh Gioan được chính Chúa sai đến và Ngài trao cho ông một sứ mạng quan trọng đến nỗi tên của ông được gắn liền với sứ mạng này: Tiền Hô. Sau này, trong lời rao giảng của mình, ông cũng khiêm tốn nhận mình là một tiếng hô trong sa mạc (Ga 1,23). Tiếng hô giữa đô thị hay thôn làng thì còn có nhiều người nghe thấy. Còn tiếng hô giữa sa mạc thì xem ra vô ích vì nơi đây không có người, hơn nữa trong sa mạc luôn có gió gầm rít nên sẽ át đi mọi âm thanh của con người.
Chúng ta sống trong một đất nước Việt Nam đang có nguy cơ sa mạc hóa. Báo điện tử “Môi trườNg & Pháp luật” ngày 8-11-2014 đã đăng thông tin: khoảng 9 triệu ha đất ở Việt Nam đang bị hoang hóa và hơn 400 nghìn ha đã bị sa mạc hóa. Tình trạng nắng nóng gia tăng, hạn hán kéo dài ở nhiều vùng trên cả nước hiện nay là nguyên nhân khiến diện tích đất hoang hóa ngày càng mở rộng và có nguy cơ bị sa mạc hóa.
Nhưng một tình trạng còn nghiêm trọng hơn nữa là hoang hóa đời sống tinh thần nơi con người. Nếu như cuộc sống vật chất hôm nay đang dần được cải thiện rất nhiều để đáp ứng nhu cầu của con người, thì cuộc sống tình cảm lại đang dần chai cứng đến mức vô cảm. Có những lúc đang đi giữa chốn đông người mà chúng ta cảm thấy cô đơn, thiếu vắng tình người. Khi con người thiếu quan tâm đến nhau, họ sẽ giống như những cây khô cằn trong sa mạc. Hậu quả của hiện tượng sa-mạc-hóa cuộc đời là những gia đình tan vỡ, người già cô đơn và bị ruồng rẫy, con người tranh giành, cướp bóc và giết hại lẫn nhau. Đọc báo chí hằng ngày, chúng ta thấy nhan nhản những thông tin về sự vô cảm trong xã hội, càng ngày càng nghiêm trọng. Sự vô cảm này là “lớp cặn nổi trên bề mặt xã hội” theo kiểu nói của một vị tiến sĩ khoa học, nghĩa là nó cho thấy một xã hội suy thoái nghiêm trọng về căn bản. Con người sống trong cuộc đời có liên đới với nhau. Nếu không quan tâm đến ích lợi của người khác, thì chính sự an toàn của mình cũng không được bảo đảm. Câu chuyện ngụ ngôn Cháy nhà hàng xóm bình chân như vại xuất hiện từ thuở xa xưa kể về một anh chàng khi nhà hàng xóm liền vách bị cháy mà vẫn thản nhiên kéo chăn trùm đầu nằm ngủ, còn tặc lưỡi tự nhủ là cháy nhà người khác chứ có phải cháy nhà mình đâu mà sợ! Rốt cuộc, lửa cháy lan sang nhà anh ta, mọi thứ tan thành tro bụi. Lúc đó, anh ta mới tỉnh ngộ, ân hận vò đầu, bứt tai kêu khóc. Thờ ơ, lạnh nhạt đến ích kỷ như thế là tự chuốc họa vào thân. Một xã hội hoang hóa là hậu quả của thái độ dửng dưng với Thiên Chúa và khước từ giáo huấn của Ngài.
Để đón Chúa đang đến, người tín hữu cần phải sám hối và chuẩn bị tâm hồn. Hơn thế nữa, mỗi chúng ta cũng phải noi gương thánh Gioan Tiền Hô, trở nên những tiếng hô trong cuộc sống đang bị hoang hóa hôm nay. Dáng vẻ đơn sơ, lòng nhiệt thành và nhất là niềm xác tín của vị Tiền Hô đã làm nhiều người cảm động. Họ sám hối và khiêm tốn bước xuống dòng sống Giođanô, xin được tẩy rửa để tỏ lòng sám hối, nhờ đó mà họ được tâm hồn bình an. Nếu những người Kitô hữu chúng ta biết trở nên những tiếng hô trong cuộc đời, thì nhờ ơn phù trợ của Chúa, chúng ta sẽ làm cho sa mạc nở hoa. Chúa bảo chúng ta hãy trèo lên núi cao, hãy đứng trước cửa thành để loan báo tin vui Chúa đang hiện diện trong cuộc đời. Điều đó có nghĩa là chúng ta đừng sợ, mặc dù người Công giáo chỉ là thiểu số trong xã hội Việt Nam. Mỗi chúng ta, nhờ đời sống chứng ta can đảm, sẽ là những người dọn đường cho Chúa đến trong cuộc đời
.
Trong một trận lũ lụt kia, nhiều du khách trên tuyến đường Bắc – Nam bị kẹt ở miền Trung. Lý do là đèo Hải Vân bị sạt lở, xe cộ không đi lại được. Nhiều đoạn đường sắt bị nước lũ cuốn đi, nên tàu Bắc – Nam cũng đành ủ rũ nằm chờ. Nhiều làng bị nước ngập, dân làng muốn thoát ra nhưng không đi được vì đường sá không còn. Nhiều đoàn cứu trợ muốn đến những làng xa xôi, nhưng không có đường đi, nên đành chịu bó tay.
Những con đường thật là quan trọng. Đường đi giúp cho người bị nạn có thể thoát ra. Đường đi giúp cho người bị nạn đón nhận được sự cứu trợ. Đường đi nối liên lạc giữa người với người. Đường sá hư hỏng làm giao thông ngừng trệ, chậm trễ việc cứu trợ, ngăn cách người với người. Muốn cho giao thông mau lẹ, muốn việc cứu trợ có kết quả, muốn cho con người gần gũi nhau, phải sửa chữa đường đi cho thật tốt.
Con đường vật lý đã cần. Nhưng con đường tâm lý còn cần hơn. Nếu con đường tâm lý bị hư hỏng thì dù có ở sát cạnh nhau, người ta cũng vẫn cứ xa nhau.
Tương tự như thế, ta cần có con đường thiêng liêng thật tốt để đón Chúa đến. Thật ra Chúa đã đến từ lâu, nhưng ta chưa đón nhận được vì con đường thiêng liêng trong tâm hồn ta đã bị hư hỏng.
Tâm hồn ta có những đỉnh đồi kiêu ngạo luôn muốn nâng mình lên, luôn khoe khoang, không bao giờ chịu thua kém người khác. Tâm hồn ta có những ngọn núi tự ái cao ngất trời xanh, không bao giờ chịu nhận lỗi, không bao giờ chịu tha thứ.
Tâm hồn ta có những hố sâu tham lam muốn chiếm đoạt tất cả, muốn thu vén tất cả vào túi riêng. Tâm hồn ta có những hố sâu chia rẽ, luôn gây ra bất hoà, luôn giận hờn, luôn ganh ghét, luôn nghi kỵ. Tâm hồn ta có những hố sâu đam mê, miệt mài đuổi theo danh, lợi, thú. Tâm hồn ta có những hố sâu dục vọng nặng nề thú tính.
Tâm hồn ta có những khúc quanh co của sự dối trá, không thành thật với Chúa, không thành thật với người khác và không thành thật với chính mình. Tâm hồn ta có những khúc quanh co của sự trốn tránh bổn phận, của sự giả hình, của sự thiếu duyệt xét lương tâm.
Tâm hồn ta có những lượn sóng gồ ghề của những lời nói độc ác, tàn nhẫn. Tâm hồn ta gồ ghề vì thói lười biếng không chịu cố gắng thăng tiến bản thân. Tâm hồn ta gồ ghề vì những phê bình chỉ trích thiếu tính cách xây dựng.
Tất cả những ngọn đồi, những vực sâu, những khúc quanh co, những lượn sóng gồ ghề ấy ngăn chặn Chúa đến với ta. Nên hôm nay, Thánh Gioan Tẩy Giả mời gọi ta hãy sửa chữa con đường thiêng liêng cho tốt đẹp để đón Chúa Giêsu đến.
Hãy bạt đi thói kiêu căng tự mãn. Hãy bạt đi tính tự ái ngang ngạnh. Hãy lấp đi những hố sâu tham lam, chia rẽ, bất hoà. Hãy lấp đi những hố sâu đam mê, dục vọng. Hãy uốn thẳng lại những quanh co dối trá. Hãy uốn thẳng lại những khúc quanh giả hình. Hãy san phẳng những lượn sóng gồ ghề độc ác. Hãy san phẳng những lượn sóng gồ ghề nói hành nói xấu.
Đổi mới một con đường thì dễ, nhưng đổi mới tâm hồn không dễ chút nào. Ngoài những cố gắng bản thân, còn cần đến những phương thế. Đời sống của Thánh Gioan Baotixita đề nghị cho ta 3 phương thế rất tốt.
Phương thế thứ nhất là vào sa mạc. Sa mạc là nơi hoang vu vắng vẻ giúp ta sống cô tịch. Trong cô tịch, ta dễ chìm sâu xuống đáy lòng mình để gặp gỡ Chúa. Một mình ta diện đối diện với Chúa. Trong thân mật, Chúa sẽ dạy ta biết Thánh Ý để ta thi hành. Đức Giêsu, trước khi đi rao giảng cũng đã vào sa mạc 40 ngày để tìm Thánh Ý Chúa Cha. Sa mạc đây được hiểu là những giờ cầu nguyện riêng tư thân mật một mình ta với Chúa.
Phương thế thứ hai là mặc áo da thú. Mặc áo da thú có nghĩa là ăn mặc đơn sơ, không chải chuốt. Một tâm hồn mặc áo da thú là một tâm hồn biết sống thực với chính mình, biết nhìn nhận những yếu đuối lỗi lầm và xin Chúa tha thứ. Thái độ đơn sơ khiêm nhường như thế chính là khởi điểm để tiến lên trên con đường thánh đức.
Phương thế thứ ba là ăn châu chấu và mật ong rừng. Đây có ý nói về một đời sống khổ chế. Hãm dẹp những tính mê tật xấu, hạn chế những đòi hỏi của thân xác để bắt nó quy phục linh hồn. Giảm bớt những nhu cầu không cần thiết để bồi dưỡng đời sống tâm linh.
Thánh Gioan Baotixita đã sống theo chương trình 3 điểm này, nên Ngài đã trở thành người mở đường cho Đấng Cứu Thế. Nếu chúng ta biết áp dụng 3 phương thế ấy trong Mùa Vọng này, ta sẽ biến tâm hồn ta thành một con đường thẳng tắp cho Chúa Giáng Sinh ngự đến.
Lạy Chúa, xin cứu con khỏi mọi tội lỗi để con xứng đáng đón rước Chúa. Amen.
GỢI Ý CHIA SẺ
1- Con đường tâm hồn tôi có những đồi núi, vực sâu, khúc quanh nào cần sửa chữa?
2- Tôi có cần đến những phương thế của Thánh Gioan Baotixita không?
3- Tôi sẽ làm gì trong tuần này để thực hành Lời Chúa?
4- Trong bài Tin Mừng Chủ nhật thứ II Mùa Vọng này, tôi tâm đắc nhất câu nào?
.
Ông bà anh chị em thân mến. Các bài Tin mừng Chúa nhật trong mùa Vọng thường đề cập đến Gioan Tiền hô, bởi vì đời sống và sứ mạng của ngài gắn liền với Đấng Cứu Thế. Ngài là vị ngôn sứ cuối cùng được Thiên Chúa chọn và sai đi trước mở đường, cũng như chuẩn bị tâm hồn mọi người đón chờ Ngôi Hai Thiên Chúa, Đấng Cứu Thế xuất hiện. Cho nên, chúng ta thấy danh hiệu của ngài là “Tiền Hô.” Sự nghiệp của Gioan Tiền hô gắn liền với chương trình cứu chuộc của Chúa Giêsu, thậm chí không thể nào nói đến Chúa Giêsu mà không nhắc tới vị tiền hô của Người. Chính vì thế giáo hội đã chủ ý đưa những đoạn văn trong các sách Tin mừng nói về Gioan Tiền hô vào phụng vụ mùa Vọng, cụ thể bài Tin Mừng Chúa nhật hôm nay, để kêu gọi chúng ta lắng nghe sứ điệp của ngài, chuẩn bị tâm hồn mừng ngày giáng sinh của Đấng Cứu Thế như những người xưa.
Có câu chuyện về một người thanh niên ngoại đạo thầm thương yêu một cô gái thật đẹp Công giáo. Nhưng có một điều, cô gái không màng gì đến người thanh niên này vì đường lối cuộc sống của người thanh niên hoàn toàn khác biệt với cô. Người thanh niên dần dần cảm thấy có sự hiếu kỳ, muốn biết người Công giáo làm gì, thờ phượng như thế nào khi tụ tập trong nhà thờ ngày Chúa nhật. Một ngày kia, anh bí mật theo cô gái đến nhà thờ và ngồi dãy ghế đằng sau. Anh chú tâm lắng nghe bài giảng của linh mục chánh xứ nói về Chúa Giê-su. Anh cảm thấy có một cảm giác lạ và lôi cuốn chợt bừng lên trong tâm hồn. Anh bắt đầu chú ý và tiếp nhận những điều linh mục nói một cách nghiêm trọng. Sau đó, anh suy nghĩ phải làm gì để trở thành một Ki-tô hữu, và đưa đến một kết luận là phải thực hành hai bước quan trọng. Thứ nhất, anh phải lột bỏ cuộc sống hiện tại, chất vào đống lửa cho cháy thành tro bụi. Bước thứ hai, anh phải bắt đầu một cuộc sống mới, một cuộc sống hoàn toàn khác với cuộc sống hiện tại.
Ông bà anh chị em thân mến. Hình ảnh người thanh niên lột bỏ cuộc sống hiện tại vất vào đống lửa cho cháy thành tro và khởi đầu cho một cuộc sống mới là một hình ảnh thật tốt đẹp, đúng theo ý nghĩa của danh từ “hoán cải” hay “biến đổi (conversion) của người Do thái thời Chúa Giê-su. Thật vậy “hoán cải”, theo nghĩa đen, có nghĩa là quay trở lại trong con đường sai và khởi đầu trong con đường đúng, phải. Và đó cũng là điều Gioan Tiền hô kêu gọi mọi người trong bài Tin mừng hôm nay. Ngài kêu gọi mọi người đi trong con đường tội lỗi hãy mau mau quay trở lại, vì con đường này dẫn tới sự tự hủy diệt, sự chết, và hãy đi theo một con đường mới, con đường của những đức tính tốt và dẫn tới sự sống. Như vậy, hoán cải là thành tâm thú nhận cuộc sống đang theo một con đường sai lầm, quay trở lại và bắt đầu một cuộc sống mới. Đó là sứ điệp mà Gioan Tiền hô rao giảng cho những người tụ tập bên bờ sông Gio-đan. Và cũng là một dấu chỉ chứng tỏ lòng chân thành muốn thay đổi cuộc sống, Gioan Tiền hô kêu gọi họ can đảm bước xuống dòng sông để chịu phép rửa. Tuy nhiên ngài khẳng định rõ là phép rửa, làm cho thân thể được sạch sẽ và là dấu chỉ thay tẩy tâm hồn, chỉ mới là bước đầu, chuẩn bị cho bước thứ hai. Như người thanh niên trong câu chuyện, không những họ phải để cho cuộc sống hiện tại chết đi, cháy đi, mà còn phải bắt đầu một cuộc sống mới. Sự kiện này giải thích cho chúng ta hiểu ý nghĩa câu “Phần tôi, tôi lấy nước mà rửa các ngươi, còn Ngài, Ngài sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần” của Gioan Tiền hô. Phép rửa của ngài chỉ là phép rửa của sự ăn năn hoán cải, chỉ là bước đầu và chỉ là một sự chuẩn bị cho bước thứ hai. Vậy bước thứ hai là gì? Là tiếp nhận phép rửa của sự tái sinh mà Chúa Giê-su sẽ mang đến, là tiếp nhận Chúa Thánh Thần và bắt đầu hoàn toàn một cuộc sống mới. Và đó cũng chính là sự khởi đầu đi trong một con đường mới, tốt và chính đáng.
Ông bà anh chị em thân mến. Ngày nay, chúng ta phải áp dụng sứ điệp của Gioan Tiền hô trong bài Tin mừng như thế nào? Chúng ta phải áp dụng những phương cách này như thế nào vào cuộc sống trong mùa Vọng? Nếu thành thật nhìn vào cuộc sống, chúng ta có thể nhận ra cuộc sống ngày hôm nay của chúng ta giống hoàn cảnh của cả hai, người thanh niên trong câu truyện và đám đông dân chúng trong Tin mừng. Có nghĩa là, tuy chúng ta đã được rửa sạch tội và đã nhận lãnh Bí tích Thanh tẩy trong Chúa Thánh Thần, nhưng tất cả chúng ta, ít hay nhiều, nhẹ hay nặng, đã sa ngã lại trong tội lỗi. Tin mừng cho chúng ta biết có tiếng kêu của Gioan Tiền hô trong sa mạc “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng.” Con đường còn có nghĩa là tâm hồn, cuộc sống của chúng ta. Có lẽ vì con đường đó có nhiều “thung lũng”, “núi đồi” và “những khúc quanh co” cản trở ân sủng của Chúa đến và vào trong tâm hồn chúng ta, cho nên Tin mừng kêu gọi chúng ta “dọn đường”, nhưng dọn bằng cách nào? Chúng ta có thể hiểu nghĩa bóng của các từ “thung lũng”, “núi đồi”, “khúc quanh co.” Thung lũng ám chỉ những đam mê lạc thú, tham lam và ích kỷ; “Núi đồi” là những sự kiêu căng, ngạo mạn và tự cao; “Khúc quanh co” là những sự gian dối, không trung thực hay giả hình; “Đường lồi lõm” là cuộc sống lười biếng, lạnh nhạt, bề ngoài, thiếu tin – cậy – mến đối với Thiên Chúa, thiếu bác ái, yêu thương đối với tha nhân, thiếu tinh thần hiệp nhất, thiếu sự hy sinh phục vụ và thiếu bổn phận, trách nhiệm và lòng quảng đại trong cộng đoàn giáo xứ, hay những bất hòa trong gia đình. Tất cả chúng ta cần gom điều gì đó, cột lại và ném vào ngọn lửa cho cháy thành tro. Tất cả chúng ta cần sinh khí, thần khí của Chúa Thánh Thần sống lại trong cuộc sống chúng ta.
Mùa Vọng là thời điểm để chúng ta thực hành công việc tái sinh cho cuộc sống, và cũng là lý do giáo hội muốn chúng ta đọc câu chuyện của thánh Gioan Tiền hô trong mùa Vọng, kêu gọi mọi người ăn năn hoán cải để chuẩn bị cho sự xuất hiện của Chúa Giê-su, Đấng Cứu Thế, Ngôi Hai Thiên Chúa. Giáo hội biết tất cả chúng ta cần một sự “khám nghiệm” để đi qua một sự hoán cải, biến đổi và để chuẩn bị mừng ngày xuất hiện của Chúa Ki-tô trong ngày Giáng sinh.
Chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta sự sáng suốt nhận ra những núi đồi, thung lũng và khúc quanh co trong cuộc sống dẫn đến sự hủy diệt, sự chết, và can đảm gom lại, cho vào lửa, là Bí tích Hòa giải, đốt cháy thành tro, hay biết từ bỏ quay trở lại, đi theo một con đường mới trong ánh sáng Tin mừng để có một sự sống mới, bằng cách hy sinh thời giờ tham dự tuần tĩnh tâm sắp tới và lãnh nhận Bí tích Hòa giải.
.
Nhà cửa sạch đẹp, dấu hiệu mở ra cho ta một nhận định những người chăm chỉ, sống có chừng có mực đang ở trong đó. Con đường mòn, đường bê-tông hay đường nhựa, cũng nhằm dẫn đưa người ta đến một đích điểm ở phía trước. Đường đẹp, luôn tạo cho ta một cảm giác dễ chịu cho hành trình dù đi gần hay xa. Nhà không tự nhiên mà gọn sạch được, con đường vững chắc sạch đẹp đều được các công nhân chăm chỉ, cẩn thận, thực hiện theo đúng chuẩn của các chuyên gia.
Khi nói đến “nhà dơ” hay “đường hỏng”, người ta thường nghĩ ngay đến những tiêu cực của các thành viên trong gia đình xã hội. Người Việt chúng ta có câu thành ngữ : có tật giật mình, ý muốn nói ai có điều gì xấu xa ẩn khuất trong lòng luôn bị ám ảnh, sợ bại lộ. Chỉ “có tiếng kêu trong hoang địa”, “có một ông Gioan xuất hiện nơi rừng sâu”, âm vang ấy đã lay động lòng người từ thành thị nông thôn, từ khắp Giuđêa và Giêrusalem tuôn đến sông Giođan thú tội, xin chịu phép rửa.
Dọn đường hay khắc phục những đoạn đường hỏng đường hư, có thể chỉ góp tiền, góp công sức và một số thời gian nhất định, vì đó là con đường tự nhiên. Tiếng kêu của Gioan nơi hoang địa : hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa ngay thẳng. Lời kêu gọi ấy, không phải là bỏ ra một số tiền hay công sức, mà phải thay đổi cách suy nghĩ, từ bỏ lối sống bê bối, ích kỷ, hẹp hòi, nhằm chấn chỉnh lại đời sống tâm linh của mỗi người. Đủ mọi thành phần giầu nghèo, tri thức bình dân tuôn đến để nghe cho rõ “tiếng kêu nơi hoang địa là gì”.
Ông Gioan không chỉ hô hoán dọn đường đi lối lại, sửa lối cho bằng phẳng để đón Chúa cách chung chung, mà phải sám hối tự sâu thẳm trong tâm hồn. Gioan không chỉ thức tỉnh dân chúng trước biến cố đang xảy đến, Ông còn lay tỉnh chính mình, không thể lẫn lộn trước sứ mạng dọn đường cho Chúa và làm vinh danh ông. Tiếng kêu hãy dọn đường cho Đấng Cứu Thế, dọn đường cho Ngài đến thực hiện một cuộc giải thoát mới, nghĩa là giải cứu con người khỏi tội lỗi, trở về với Thiên Chúa. Thực ra thì Gioan hô hào mọi người hãy sửa chữa con đường thiêng liêng cho tốt đẹp để đón Chúa đến.
Bài đọc I, tiên tri Isaia đã an ủi dân chúng, đã quả quyết : “thời nô lệ đã chấm dứt, tội lỗi đã được ân xá”. Và để hưởng niềm vui ấy trọn vẹn, mỗi người hãy dọn đường Chúa, hãy chuẩn bị tâm hồn đón nhận Chúa, dọn đường cho Chúa vào nhà của mỗi người. Thánh Phêrô hôm nay còn kêu gọi trong khi trông đợi ngày Thiên Chúa cứu độ, người tín hữu phải cố gắng sao cho Chúa thấy anh chị em có tâm hồn tinh tuyền. Trước là cần ăn năn sám hối, là hãy sống thánh thiện, vì Chúa không muốn ai phải hư mất.
Khi nói những người dọn đường, chúng ta thường hiểu là những người tiên phong đi trước, làm sao họ tránh được khó khăn gian khổ, đôi khi mất mạng sống ! Gioan đã ý thức sứ mạng dọn đường cho Chúa đầy gian truân; nhưng ông cũng được an ủi vì có nhiều người đã tìm đến sông Gio-đan, cả Vị Tiền Hô và những người đón nhận việc dọn đường đều hoan hỉ trong tình yêu Chúa. Đường chông gai lầy lội, ngõ cụt, xóm vắng…., ai mà không ngao ngán, vì có thể gục ngã mất mạng; nhưng đâu là sức mạnh đỡ nâng, là đường dẫn tới sự sống, nhất định phải có tâm hồn thanh sạch, phải có Chúa ngự. Chỉ những ai khôn ngoan mới cảm được lời Gioan không xưa cũ, lời giới thiệu và cảnh tỉnh của Gioan vẫn phù hợp để ta có niềm vui hạnh phúc thật. “Phần tôi, tôi lấy nước mà rửa các ngươi, còn Ngài, Ngài sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần”.
Thời đại hôm nay cho rằng, người tài giỏi là người tự tin để giải quyết mọi tình huống trong cuộc sống. Người khôn ngoan là người biết trân trọng giá trị tinh thần cũng như vật chất, còn người quân tử là người luôn biết dự phòng bất trắc xảy đến. Mỗi người Kitô hữu chúng ta phải khá hơn người khôn ngoan, phải mạnh mẽ chắc chắn hơn người quân tử. Vì chúng ta được nghe, đã sống kinh nghiệm của Gioan, đã dọn đường tự nhiên sạch đẹp; và chúng ta còn đang dọn sạch đẹp con đường tâm hồn cao quí hơn mọi con đường ở thế gian. Con đường ở phía trước, thường nhắc nhớ ta thận trọng, nhất là khi ta đặt những dự phóng cao cả, nhưng nếu thiếu định hướng, cuộc sống sẽ nghèo nàn, thiếu lửa yêu thương thì thật nguy hiểm.
Có rất nhiều hoàn cảnh tạm ổn với những ơn ban của Chúa. Có không ít người Kitô hữu đang nghi ngờ với nén bạc Chúa trao, đang muốn làm những cuộc phiêu lưu mạo hiểm, mong được đổi đời. Rất mong mỗi người chúng ta biết đi trên con đường có Chúa cùng đi, có đầy đủ các thành viên gia đình cùng tiến bước; dù rằng con đường theo Chúa có đôi chút túng thiếu, gian khổ. Chúng ta vẫn nói : trăm nghe không bằng một thấy, ước mơ cao đẹp, chính là một bước chuẩn bị tâm hồn xứng đáng để Chúa đến viếng thăm. Hãy tin tưởng mỗi Mùa Vọng qua đi, chúng ta thực sự có tình yêu Chúa ở mãi trong tâm hồn, vì ta đã nghe, đã dọn lòng thật tốt cho Chúa ngự. Amen.
.
MỞ ĐƯỜNG CHO CHÚA VÀ MỞ ĐƯỜNG CHO NHAU
Hàng năm, số người chết vì tai nạn giao thông tại Việt Nam khoảng hơn 10 ngàn người và cũng có hàng chục ngàn người bị thương tật do tai nạn giao thông. Vào ngày 9/11 vừa qua, Bộ trưởng Giao thông đã đến xin Hội Đồng Giám Mục cùng hợp tác kêu gọi mọi người nâng cao văn hóa giao thông và an toàn giao thông. Trước đó, ngày 7/11, Đức Giám mục Xuân Lộc cũng có thư kêu gọi mọi người thực hiện một cách cụ thể tâm tình “tạ ơn Thiên Chúa bằng việc thực hiện văn hóa giao thông và bảo vệ môi trường”. Hiện nay, nhiều con đường lớn được mở ra giúp cho việc giao thông thuận lợi hơn thì cũng cần phải có những con người ý thức, tự giác hơn khi tham gia giao thông mới có thể đem lại sự an toàn cho mình và cho người khác.
Nếu việc mở những con đường giao thông nối liền giữa các vùng miền là cần thiết, thì đối với đời sống đạo cũng cần phải mở những con đường để Thiên Chúa có thể đến với con người, để con người có thể đến với Thiên Chúa và đến được với nhau. Đã nói đến mở đường thì phải nói đến những giải tỏa, uốn nắn cho con đường thật ngay thẳng, thông thoáng. Khi mở con đường trong tâm hồn cũng phải mạnh tay giải tỏa và uốn nắn lại như vậy.
Bài đọc một, tiên tri Isaia kêu gọi chúng ta : Hãy mở một con đường cho Đức Chúa, để cho Thiên Chúa có thể đến gặp gỡ, an ủi dân Người. Lời kêu gọi này được đưa ra như một lời an ủi cho dân Israel lúc đó đang phải lưu đày bên Babylon, phải chịu cảnh ức hiếp, khổ cực bởi dân ngoại. Qua vị tiên tri, Thiên Chúa khích lệ, an ủi họ và Thiên Chúa hứa sẽ đến viếng thăm, giải thoát dân khỏi cảnh nhục nhằn đói khổ. Để được như thế, mỗi người cần phải mở cho Chúa một con đường như đã chép : Có tiếng hô trong sa mạc, hãy mở một con đường cho Đức Chúa, giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta.
Để có được con đường thẳng và phẳng cho Chúa đến, đòi phải : Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy, núi đồi sẽ phải bạt xuống, chỗ gồ ghề sẽ san cho bằng. Chỉ khi mọi gồ ghề đã được san lấp, mọi quanh co được uốn cho ngay, thì Thiên Chúa mới có thể đến và mọi người mới có thể đón nhận đuợc niềm vui và ơn cứu độ của Ngài. Khi nói những điều này, vị tiên tri không nhắm đến con đường địa lý băng qua sa mạc, nhưng muốn nói đến những sa mạc khô khan và những quanh co, gập ghềnh trong tâm hồn mỗi người. Vì Thiên Chúa không thể đến khi chúng ta không muốn đón tiếp Ngài và Ngài không thể vào nhà tâm hồn chúng ta khi chúng ta để trong đó ngổn ngang gạch đá, hoặc quá quanh co, dối trá, gập ghềnh, gian tham.
Bài Tin Mừng Thánh Maccô đã nhắc lại lời ngôn sứ Isaia và cho thấy rằng Chúa Giêsu đã đến, Ngài chính là Tin Mừng của Thiên Chúa, là Đấng cứu độ đã đến để viếng thăm, giải thoát dân người. Mặc dù với thời điểm xuất hiện của Chúa Giêsu, dân Do Thái không còn bị lưu đày ở Babylon, nhưng họ vẫn đang bị nô lệ bở tội lỗi, bị lệ thuộc của cải vật chất, bị cuốn hút vào thế gian. Vì thế, Thiên Chúa không chỉ kêu gọi, mà Ngài đã cho một sứ giả đi trước dọn đường cho Đấng Cứu thế.
Vị sứ giả ấy chính là Gioan. Ông xuất hiện với lời rao giảng mạnh mẽ kêu gọi mọi người sám hối trở về với Thiên Chúa, phải chấp nhận sự quay đầu, sự thay đổi, làm mới lại hoàn toàn. Lời kêu gọi của ông đã lay động được tâm hồn nhiều người và họ đã tuốn đến với Gioan. Họ thú tội trước mặt ông và xin ông thanh tẩy họ. Việc thanh tẩy của Gioan không thể tha tội, nhưng việc cúi xuống để dìm mình dưới dòng nước thể hiện sự thành tâm, khiêm tốn nhận ra thân phận tội lỗi của mình và quyết tâm hoán cải.
Việc dân chúng tuốn đến với Gioan không những vì lời rao giảng dứt khoát, mạnh mẽ, mà còn vì chính đời sống nhiệm nhặt của ông. Trong lúc mọi người đang chạy theo lối sống hưởng thụ tiêu dùng, thì Gioan lại sống một cuộc sống nhiệm nhặt, tiết chế. Ông mặc áo bằng lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú, ăn châu chấu, uống mật ong rừng. Ông sống một cuộc sống gần gũi với thiên nhiên và cũng là cuộc sống gần gũi, gắn bó với Chúa trong sự thanh vắng của hoang địa. Tức là, chính Gioan đã chuẩn bị một con đường để Chúa đến với ông và để ông đến gặp được Thiên Chúa. Con đường ấy không bị cản lối bởi tham lam tiền bạc của cải, không bị gập ghềnh bởi sự giả dối, mà là một con đường thẳng tắp bởi việc sẵn sàng thực thi sứ mạng Chúa trao.
Gioan không hề ảo tưởng về sự thành công của mình. Nhiều người dân lúc đó tôn kính ông, nhiều người khác coi ông như một vị ngôn sứ và có những người còn coi ông như là chính Đấng Cứu Thế. Thế nhưng Gioan luôn ý thức về sứ mạng của mình, không để mình che mờ Đấng Cứu Thế. Ông nhận mình chỉ là người dọn đường, nên ông đã trả lời cho mọi người : Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi rửa anh em bằng nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần.
Đức Giêsu, Đấng cứu thế đã đến. Ngài đã thực hiện chương trình cứu độ mà Thiên Chúa muốn qua cái chết trên thập giá và sự sống lại của Ngài, để mở ra cho con người một con đường sống, con đường hy vọng. Nếu như trước đây, các vị tiên tri và Gioan được sai đi trước để dọn đường, thì nay với Đức Giêsu, Ngài chính là Đấng mở đường cho chúng ta về với Thiên Chúa. Chỉ những ai đi theo con đường của Ngài thì mới có thể về tới đích là nhà của mình, nơi đó, Thiên Chúa là cha đang đợi chờ chúng ta. Chúa Giêsu là Đấng mở ra con đường về trời và cũng là Đấng sẽ trở lại để đem chúng ta về với Ngài.
Tuy nhiên trong thời gian chờ đợi Chúa Giêsu trở lại, chúng ta phải đi trên con đường của Ngài và phải thực hành những gì Ngài đã dạy thì chúng ta mới gặp được Ngài. Thánh Phêrô quả quyết rằng, chắc chắn Chúa Giêsu sẽ trở lại như lời Người đã hứa. Việc chúng ta có phải chờ đợi lâu, không phải vì Thiên Chúa thất hứa, mà là vì Thiên Chúa muốn cho chúng ta có thêm thời gian, thêm cơ hội để điều chỉnh bản thân, ăn năn hối cải trước khi quá muộn. Ngày của Chúa sẽ đến bất ngờ như kẻ trộm. Ngày đó, mọi của cải, danh vọng, quyền lực sẽ tiêu tan cùng với vũ trụ này, chỉ có những người đạo đức mới có thể đứng vững và chỉ có việc lành, việc tốt và tình yêu thương mới không bị thiêu hủy.
Thưa quý OBACE, Chúa đã mở một con đường để Ngài đến với con người, thì chúng ta cũng phải mở một con đường thật tốt, thật thẳng để chúng ta có thể đến được với Chúa. Không chỉ mở lòng, mở đường đến với Chúa mà chúng ta còn phải mở thêm những con đường để có thể dễ dàng đến với anh em và để người khác cũng có thể đến với chúng ta.
Con đường trong tâm hồn của nhiều người hiện nay đã bị lấn chiếm bởi những hàng quán là thói quen, là sự buông thả. Nó sẽ lấn dần đường đời của chúng ta nếu chúng ta chiều theo nó. Lối sống lười biếng, nghi kỵ, dửng dưng đang thành rào cản khiến chúng ta không thể đến với Chúa và không thể đến với anh em. Hãy can đảm nhổ bỏ những bụi gai tội lỗi, hãy uốn lại những thói quen, hãy san phẳng khỏi tâm hồn sự bất công, gian dối, kiêu ngạo, tự mãn để tâm hồn chúng ta thực sư là một con đường ngay thẳng, sạch đẹp để Chúa đến.
Các bậc cha mẹ hãy dỡ bõ những tảng đá giận dỗi, hãy san bằng những khác biệt và bất đồng, hãy khai thông thêm nhiều con đường để vợ chồng, cha mẹ, con cái có thể dễ dàng đến với Chúa, và để Chúa đên với gia đình qua con đường của giờ kinh tối. Giờ kinh tối gia đình có thể ví như vòng xoay giao thông, giúp cho các thành viên hòa hợp với nhau, cùng nhau đi một hướng, thông cảm và hiểu biết nhau hơn, nhất là giờ kinh tối sẽ giải tỏa những ách tắc và rối loạn trong nhịp sống thường ngày của gia đình.
Các bạn trẻ đừng chỉ lên kế hoạch vui chơi cho mùa Giáng Sinh, nhưng trước hết cần có những kế hoạch để Chúa có thể đến với mình, thì niềm vui Giáng Sinh mới là niềm vui đích thật. Niềm vui từ bên ngoài đi vào sẽ là niềm vui mau qua, chỉ có niềm vui phát xuất từ trong tâm hồn trào ra mới là miềm vui còn mãi. Vì thế, hãy để cho Chúa bước vào tâm hồn mình ngay từ hôm nay. Chúa sẽ là Đấng chỉ cho chúng ta con đường để có thể đạt được niềm vui và hạnh phúc bền lâu. Hãy mạnh dạn đến với Bí tich Giải tội và Thánh lễ thường xuyên, các bạn sẽ cảm nhận được niềm vui của sự tha thứ và niềm vui của sự gặp gỡ với Chúa.
Xin Mẹ Maria đồng hành với chúng ta trên trên con đường theo Chúa và tìm gặp Chúa mỗi ngày. Amen.
.
Con người thường có những lỗi lầm. Lỗi lầm khiến con người trở nên xấu xa. Lỗi lầm càng nhiều thì xấu xa càng ghê sợ hơn. Thế nên, con người thường có khuynh hướng che giấu tội lỗi của mình. Đôi khi còn đóng kịch để che đậy bản tính xấu xa của mình. Sống giả dạng người tốt để đánh lừa anh em.
–Có đôi vợ chồng nọ, mới cưới nhau về được khoảng một tuần, anh nói với vợ rằng,
–Xin em hứa với anh là đừng bao giờ mở cái hộp này ra, bao lâu anh đang còn sống.
–Người vợ gật gù đồng ý.
–Sau bốn mươi năm sống chung, gia đình rất hạnh phúc. Một hôm ông đi vắng, bà ở nhà một mình, tò mò lấy cái hộp từ dưới chân giường ra, không hiểu là ông đã giấu cái gì trong hộp. Người vợ nghĩ rằng đã sống với nhau bốn mươi năm, cái gì cũng biết hết rồi, ngoài trừ cái hộp này.
–Bà liền mở hộp ra xem, và trong hộp có năm vỏ bia, và một trăm hai mươi lăm đồng, năm chục xu. Bà nghĩ rằng chỉ có vậy thôi mà sao ông bí mật thế.
–Khi Ông đi làm về, bà liền đến tự thú với ông. Và bà hỏi ông rằng, tại sao trong hộp lại có năm vỏ bia? Ông trả lời, năm vỏ bia là tượng trưng cho mỗi lần tôi làm lỗi với bà, thì tôi uống một lon. Người vợ thấy vậy cũng vui vui, vì nghĩ rằng, sống với nhau bốn mươi năm, mà ông chỉ làm lỗi với mình chỉ có năm lần, kể cũng qúa ít.
–Bà tiếp, vậy còn một trăm hai mươi lăm đồng, và năm chục xu thì sao?
–Ông đáp, “thì là tiền bán vỏ lon bia chứ gì. ”
–Bà……….”ố trời ơi!!!!!”
Hóa ra tình yêu vẫn có những phản bội. Phản bội vì yếu đuối. Phản bội vì nông cạn. Phản bội có thể xảy đến khi mình thiếu tự chủ, mất kiểm soát tình cảm dễ dẫn đến phản bội với nhau. Nhưng nếu phản bội mãi mà không nhận ra sai lỗi của mình thì thật bất hạnh cho mình và cho gia đình. Điều quan yếu là biết sám hối và đứng dậy sau những lần vấp ngã. Dẫu có muộn màng vẫn hơn. Dẫu có tái phạm vẫn còn sửa chữa vì không cố tình ở lỳ trong tội lỗi.
Thánh Gioan B là sứ giả của Thiên Chúa. Ông đến để sửa lại lỗi lầm cho con người. Ông đi trước Chúa để uốn lại lòng dân. Ông dọn lại những gồ ghề trong tâm hồn con người bởi những tham sân si. Ông đưa ra phương án sửa lại lỗi lẫm bằng việc sám hối ăn năn.
Sám là thú nhận lỗi lầm, Hối là hứa từ nay không tái phạm. Sám Hối là thú nhận lỗi lầm, và hứa không tái phạm. Sám hối là hành động của bản thân biết nhìn ra tội lỗi của mình mà sửa đổi, mà canh tân. Không có sám hối sẽ không có những cuộc canh tân làm thay đổi đời sống và môi trường sống. Chính nhờ sám hối và bản thân được thăng tiến, mỗi trường cũng được đổi thay thêm xinh đẹp hơn.
Sám hối là động lực giúp con người hoàn chỉnh bản thân mình. Nhờ sám hối mà ta chỉnh tu lại con người mình thêm xinh đẹp hơn. Madalena đã từng sám hối để từ bỏ con người trắc nết mà biến đổi trở thành người đi theo Chúa. Augutino đã từng sám hối để bỏ đường rộng thênh thang chiều theo tính xác thịt mà biến đổi trờ thành một đại thánh cho Giáo hội. Có rất nhiều những con người đã đổi đời nhờ sám hối mà chỉnh tu lại lối đi của mình theo đường lối Thiên Chúa.
Xin Chúa giúp chúng ta biết nhìn lại những yếu đuối của bản thân mà sám hối ăn năn. Xin giúp chúng ta can đảm thực hiện hành vi sám hối bằng việc thú nhận tội lỗi của mình và tuyên hứa từ nay không tái phạm. Xin Chúa nâng đỡ sự yếu hèn của chúng ta và giúp chúng ta hoàn chỉnh mình mỗi ngày thêm giống Chúa hơn nhờ cuộc canh tâm sám hối từng ngày. Amen
.
Dọn dẹp là công việc có vẻ rất ư bình thường, đôi khi người ta vẫn gọi là “những việc không tên”, thế nhưng công-việc-nhỏ-mọn đó lại không hề đơn giản, khó thực hiện lắm. Việc NHỎ thì KHÓ, việc LỚN thì ỚN. Và chỉ muốn “an thân”!
Dọn nhà cửa đã khó rồi, dọn đường càng khó hơn. Khi sắp có “ông lớn” nào đến “kinh lý” một nơi nào đó, người ta chuẩn bị đủ thứ tươm tất, giăng cờ xí rợp trời, biểu ngữ “kêu” lắm, chi phí tốn kém lắm. Xe hơi bóng lộn đậu tại chỗ “ưu tiên”. Sau đó, “ông lớn” đi quan sát khu vực chính, phát biểu “đôi lời”, rồi tiệc tùng “hoành tráng” (đời hoặc đạo cũng thế thôi). Chỉ tội đám dân đen! Còn có “lối nhỏ” nào dành cho Thiên Chúa ngự đến nữa không? Nói cho cùng, quan trọng nhất vẫn là Con Đường Tâm Linh, Con Đường Chân Lý và Công Lý.
Để dọn đường cho Chúa đến, Thánh Gioan Tẩy Giả kêu gọi: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy; mọi núi đồi, phải bạt cho thấp; khúc quanh co, phải uốn cho ngay; đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Lc 3:4-6). Thánh Luca ghi lại rất chi tiết. Vâng, đó chính là con-đường-tâm-hồn của chúng ta. Con đường này dơ bẩn nhất mà cũng khó dọn nhất! Con đường ngắn nhất mà dài nhất là Con Đường Yêu Thương, vì nói dễ mà làm khó. Chỉ có từ miệng tới tay mà mãi không tới đích!
Ngày xưa, Thiên Chúa dạy: “Hãy an ủi dân Ta: Hãy ngọt ngào khuyên bảo Giêrusalem, và hô lên cho Thành: thời phục dịch của Thành đã mãn, tội của Thành đã đền xong, vì Thành đã bị tay Đức Chúa giáng phạt gấp hai lần tội phạm” (Is 40:1-2). Cha mẹ thấy con cái sai thì sửa dạy, thậm chí là phạt, nhưng đau lòng lắm, nghiêm khắc ngoài mặt nhưng quay đi mà khóc, hoặc nuốt nước mắt vào trong. Thiên Chúa là Đấng nhân lành, Ngài phạt “gấp hai lần tội phạm” là để chúng ta tỉnh ngộ. Sau đó Ngài lại vỗ về, ủi an. Đó là lòng thương xót sâu thẳm khôn dò của Ngài.
Để chúng ta có thời gian kịp ăn năn, Thiên Chúa đã sai người tiên phong Gioan Tẩy Giả để “mở đường máu” cho chúng ta. Trước đó, ngôn sứ Isaia đã cảnh báo: “Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho Đức Chúa; giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta. Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy, mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống, nơi lồi lõm sẽ hoá thành đồng bằng, chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu. Bấy giờ vinh quang Đức Chúa sẽ tỏ hiện, và mọi người phàm sẽ cùng được thấy rằng miệng Đức Chúa đã tuyên phán” (Is 40:3-5). Đường làng có một số cỏ dại nhưng ít quanh co, có những con đường làng vẫn thẳng tắp và phẳng phiu. Nhưng “đường lòng” của chúng ta có đủ thứ cỏ dại, khúc khuỷu và gồ ghề lắm: Kiêu ngạo, ích kỷ, gian dối, lọc lừa, tự ái,…
Bổn phận của chúng ta là dọn sạch và làm đẹp “đường lòng” của chính mình, nhưng chúng ta cũng có trách nhiệm “thông báo” cho người khác biết để họ cũng dọn “đường lòng” của họ: “Hỡi kẻ loan tin mừng cho Sion, hãy TRÈO lên núi cao. Hỡi kẻ loan tin mừng cho Giêrusalem, hãy cất tiếng lên cho thật MẠNH. Cất tiếng lên, ĐỪNG SỢ, hãy bảo các thành miền Giuđa rằng: ‘Kìa Thiên Chúa các ngươi!’. Kìa Đức Chúa quang lâm hùng dũng, tay nắm trọn chủ quyền. Bên cạnh Người, này công lao lập được, trước mặt Người, đây sự nghiệp làm nên. Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa, tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt” (Is 40:9-11). Thiên Chúa xử tội bất cứ ai, không thiên tư tây vị, nhưng Ngài cũng yêu thương mọi người. Để có thể mạnh mẽ lên tiếng bênh vực công lý nhưng bất bạo động, người ta phải thực sự can đảm.
Trên hành trình tâm linh cũng vậy, khi đi theo Con Đường Chân Lý và Công Lý, phải can đảm mới “không sợ” mà dám “ăn nói”, thành thật và thẳng thắn. Rất nhiều lần Kinh Thánh đã động viên: “Đừng sợ!” (Xh 14:13; Đnl 31:6; Is 43:1; Gr 46:27-28; Gr 51:46; Is 41:13; Mt 10:26; Mt 10:28; Mt 10:31; Mt 14:27; Mt 17:7; Mt 28:5; Mt 28:10; Mc 5:36; Mc 6:50; Ga 14:27; Lc 1:13; Lc 1:30; Lc 2:10; Lc 5:10; Lc 12:4; Lc 12:7; Lc 12:32; Lc 21:9; Ga 6:20; Ga 14:27; Kh 1:17-18).
Dám nói thẳng nói thật thì sẽ bị người ta ghét, thậm chí có thể bị hại. Ông Gioan Tẩy Giả bị cắt thủ cấp chỉ vì “tội” thẳng thắn và thành thật. Chúa Giêsu bị giết chết thê thảm cũng chỉ vì “tội” dạy người ta sống thành thật và thẳng thắn, bị nhà nước La Mã cho là “xúi giục và xách động dân chúng nổi loạn”. Nhưng Ngài vẫn thẳng thắn xác nhận với Tổng trấn Philatô: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18:37).
Khi can đảm sống chân thật và thẳng thắn bảo vệ chân lý và công lý, có thể chúng ta bị người khác xa lánh, và chúng ta cảm thấy buồn, nhưng tâm hồn sẽ an bình, tức là được hưởng “niềm vui ơn cứu độ” của Thiên Chúa. Dĩ nhiên niềm vui này không giống như niềm vui trần tục.
Tác giả Thánh Vịnh chia sẻ: “Tôi lắng nghe điều Thiên Chúa phán, điều Chúa phán là lời chúc bình an cho dân Người, cho kẻ trung hiếu và những ai hướng lòng trí về Người. Chúa sẵn sàng ban ơn cứu độ cho ai kính sợ Chúa, để vinh quang của Người hằng chiếu toả trên đất nước chúng ta” (Tv 85:9-10). Thiên Chúa chỉ yêu quý những ai chân thật, có “đường lòng” không quanh co, và Ngài cũng chỉ đi trên Con Đường Công Lý để bảo vệ Chân Lý tới cùng: “Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hoà bình công lý đã giao duyên. Tín nghĩa mọc lên từ đất thấp, công lý nhìn xuống tự trời cao. Vâng, chính Chúa sẽ tặng ban phúc lộc và đất chúng ta trổ sinh hoa trái. Công lý đi tiền phong trước mặt Người, mở lối cho Người đặt bước chân” (Tv 85:11-14).
Ai cũng muốn sống trong Hòa Bình, muốn vậy thì phải thực hiện Công Lý. Hòa Bình và Công Lý luôn nối kết chặt chẽ với nhau. Thật là thương đám dân đen, họ khổ vô cùng, bị chèn ép đủ kiểu, đủ dạng, ngóc đầu không nổi, đôi khi họ cảm thấy thất vọng lắm, vì thế họ luôn sống trong “mùa vọng” triền miên. Khoảng mong chờ của người đau khổ luôn dài lê thê. Họ như đất hạn chờ mưa, họ khao khát Mưa Giêsu gội mát cuộc đời họ trong Biển Cứu Độ, và được sống trong Vương Quốc Bình An.
Cảm giác lâu hay mau là do ý tưởng phàm nhân, chứ Thiên Chúa không như vậy. Thánh Phêrô nhắc nhở: “Xin anh em đừng quên: đối với Chúa, một ngày ví thể ngàn năm, ngàn năm cũng tựa một ngày. Chúa không chậm trễ thực hiện lời hứa, như có kẻ cho là Người chậm trễ. Kỳ thực, Người kiên nhẫn đối với anh em, vì Người không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải” (2 Pr 3:8-9). Ôi, lòng thương xót của Thiên Chúa quá đỗi diệu kỳ! Chúng ta nghe nói về ngày tận thế quá nhiều lần, chúng ta cảm thấy lâu, thậm chí có thể cho là “chuyện đùa dai” hoặc “chuyện hù dọa”, nhưng thực ra đó là sự kiên trì của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Mùa Vọng “nhắc nhở” chúng ta về Ngày Ấy, chắc chắn nhất và “gần” nhất là chính Ngày Chết của mỗi chúng ta. Vâng, phải dọn “đường lòng” hằng ngày, kẻo mà… không kịp!
Vì thế, đừng quên điều này: “Ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm. Ngày đó, các tầng trời sẽ ầm ầm sụp đổ, ngũ hành bốc cháy tiêu tan, mặt đất và các công trình trên đó sẽ bị thiêu huỷ” (2 Pr 3:10). Tại sao? Thánh Phêrô giải thích: “Muôn vật phải tiêu tan như thế thì anh em phải là những người tốt dường nào, phải sống đạo đức và thánh thiện biết bao, trong khi mong đợi ngày của Thiên Chúa và làm cho ngày đó mau đến, ngày mà các tầng trời sẽ bị thiêu huỷ và ngũ hành sẽ chảy tan ra trong lửa hồng” (2 Pr 3:11-12). Cuối cùng, theo lời Thiên Chúa hứa, “chúng ta mong đợi trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị”, và trong khi mong đợi ngày đó, chúng ta phải cố gắng sao cho Ngài thấy chúng ta “tinh tuyền, không chi đáng trách và sống bình an” (2 Pr 3:14).
Lời Chúa hôm nay là đoạn khởi đầu Tin Mừng theo Thánh sử Mác-cô (Mc 1:1-8), đề cập lời nói tới “chiến sĩ mở đường” Gioan Tẩy Giả trong sách ngôn sứ Isaia: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con. Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”. Và đúng theo lời đó, ông Gioan Tẩy Giả đã xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội.
Ngày đó, mọi người từ khắp miền Giuđê và thành Giêrusalem kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Giođan. Kinh Thánh cho biết phong cách rất “bụi” của ngôn sứ Gioan: Mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng. Ông Gioan sống “bụi đời” nhưng nghiêm túc trong cách sống với Thiên Chúa và tha nhân. Điều này nhắc nhở chúng ta đừng xét người theo dáng vẻ bề ngoài, vì “chiếc áo KHÔNG làm nên giáo sĩ và tu sĩ”. Tương tự, “bằng cấp KHÔNG là thẻ căn cước của người giỏi”.
Ông Gioan có bề ngoài bình thường nhưng lại là người vô thường, ông như “siêu nhân” nhưng lại khiêm nhường. Ông xác định: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần”. Vâng, chỉ có Thiên Chúa mới là Number One, là số Dzách. Chúng ta đều là số Zero!
Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết khiêm nhường với mọi người, biết bảo vệ Chân Lý và Công Lý, biết mau mắn dọn “đường lòng” để Đức Giêsu Kitô ngự đến. Người là Đấng hằng sinh và hiển trị với Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần, đến muôn thuở muôn đời. Amen.
.
Trong Tác phẩm “ Người phu quét lá”, ĐGM Nguyễn Khảm đã ví von, đời Linh mục như người phu quét lá: “Người phu quét lá bên đường. Quét cả nắng chiều quét cả mùa thu” (Ns.Trịnh Công Sơn).
Người phu quét lá, hàng ngày dù mưa dầm hay nắng hạn, vẫn luôn có mặt từ sáng sớm tinh sương trên mọi nẻo đường thành phố để dọn đường sạch sẽ cho ngàn ngàn con người sắp đi qua. Linh mục, mỗi ngày cũng dọn đường tâm hồn cho con người đi đến với Thiên Chúa và để Thiên Chúa đến với con người.
Trong ý nghĩa đó, có thể nói Gioan Tiền Hô cũng là “Người phu quét lá” dọn đường cho Chúa Cứu Thế đến với nhân loại.
Bước vào Mùa Vọng, chúng ta gặp lại Gioan Tiền Hô, vị ngôn sứ đi trước dọn đường và dọn lòng người để đón Đấng Cứu Thế. Thực thi sứ vụ dọn đường, Ngôn Sứ Gioan luôn gắn bó với Thiên Chúa và sống gần gũi với con người. Lời Chúa, Gioan chiêm niệm trong hoang địa qua nhiều năm tháng đã giúp ông tiếp xúc, gặp gỡ với nhiều hạng người qua những vùng ven sông Giođan. Lời Chúa, Gioan nghe đã trở thành Lời Chúa ông công bố. Tiếng Chúa gọi Gioan đã trở thành tiếng ông mời gọi mọi người.Gioan trở nên trung gian làm người dọn con đường tâm hồn cho anh chị em mình đến với Chúa Cứu Thế.
Các chương từ 40-55 trong sách Tiên tri Isaia, được gọi là Sách An Ủi dân Israel. Sau khi Giêrusalem bị thất thủ, dân phải đi đầy sang Babylon, Thiên Chúa dùng Tiên tri Isaia loan báo cho dân ngày giải thoát. Vì vậy tiếng hô: “hãy mở một con đường cho Đức Chúa” (Is 40,3) là câu hoàn tất lệnh truyền của Thiên Chúa trước đó: “Hãy an ủi, an ủi dân Ta. Hãy ngọt ngào khuyên bảo Giêrusalem, và hô lên cho Thành: thời phục dịch của Thành đã mãn, tội của Thành đã đền xong” (Is 40,2). Lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả hoàn tất các lời hứa của Thiên Chúa: “Này ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con.” (Mc 1,2). Và mở đường cho ơn cứu độ phổ quát. Trước khi là một sứ điệp loan báo, Tin Mừng là một biến cố, một con người cụ thể, Đức Giêsu Kitô: Con Thiên Chúa hằng sống (Mc 15,39).
Thánh Máccô đã thấy rõ nơi Gioan Tẩy Giả là người thực hiện các điều mà Is 40,3 loan báo, là người giúp chuẩn bị lòng dân đón chờ Đấng Cứu Thế. Sứ điệp mà ông kêu gọi mọi người dọn lòng chuẩn bị đón Chúa đến chính là: sám hối và canh tân cuộc sống.Lòng ăn năn thống hối đích thực không hệ tại nơi những tình cảm chóng qua, hay những nghi thức bên ngoài nhưng phải phát xuất từ chính nội tâm bên trong, từ chính niềm tin mong đợi Chúa đến.
Gioan là vị ngôn sứ cuối cùng của Cựu ước. Sau 5 thế kỷ vắng bóng ngôn sứ, nay Gioan xuất hiện với sứ mạng Tiền Hô. Ông đáp lại tiếng Chúa gọi, ra đi rao giảng về Nước Trời, dọn đường cho Chúa Giêsu, Đấng Cứu Tinh nhân loại đến trần gian. Ông đã chu toàn ơn gọi cách nhiệt thành và đã chết anh hùng cho sứ vụ. (x. Mt 14,3012; Mc 6,17-19). Cuộc đời Gioan là một thiên anh hùng ca, bất khuất trước cường quyền, bao dung với tội nhân.
Gioan có một cuộc sinh ra kỳ lạ, một lối sống khác thường. Gioan chọn con đường tu khổ chế : ăn châu chấu và mật ong rừng, uống nước lã và mặc áo da thú. Sống trong hoang địa trơ trụi, vắng người, thiếu sự sống. Nhưng chính ở đó mà Gioan đã lớn lên và trưởng thành trong sự gặp gỡ thâm trầm với Thiên Chúa.
Gioan nhắc lại lời tiên tri Isaia: “Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm phải san cho phẳng” (Lc 3,5). Gioan mời dân chúng sám hối. Không thể tiếp tục sống như xưa nữa. Đã đến lúc phải đổi đời, đổi lối nhìn, đổi lối nghĩ. Như thế, Gioan kêu gọi hãy dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến. Phải lấp cho đầy những hố sâu tham lam ích kỷ hẹp hòi. Phải uốn cho ngay những lối nghĩ quanh co, những tính toán lệch lạc. Phải san cho phẳng những đồi núi kiêu căng tự mãn. Phải bạt cho thấp những gồ ghề của bất công bất chính.
Phụng vụ Chúa nhật II Mùa Vọng mời gọi chúng ta chuẩn bị con đường cho Chúa Cứu Thế ngự đến. Chúa đến là niềm vui cho toàn thể nhân loại. Nhưng để được hưởng niềm vui này, mỗi người cũng như toàn thể nhân loại phải biết dọn đường cho Người.Dọn đường là nỗ lực hoán cải bản thân, tẩy trừ tội lỗi trong đời sống; đồng thời trong xã hội, cũng cần sự hoán cải tập thể, để tình yêu và chân lý, công lý và hòa bình được ngự trị.
Đạo là con đường dẫn đến Thiên Chúa. Đạo là ngón tay chỉ mặt trăng. Nếu không có đường thì không đi đến đâu cả. Một đất nước có văn minh hay không là do hệ thống đường sá.
Đạo từ nguyên thuỷ luôn mang ý nghĩa trong sáng, ngay thẳng, công minh. Đạo dẫn đưa con người đến chân thiện mỹ.
Đạo là đường nên có thể nói sống đạo là sống ngoài đường, sống với người khác, sống với cuộc đời. Abraham khởi đầu sứ mạng mới bằng việc lên đường từ giã thành Ur để sang đất hứa. Và lịch sử Do thái là những chuyến xuất hành di cư, lang thang trong sa mạc, lưu đầy và mất quê hương trong một thời gian dài. Gioan rao giảng và làm phép rửa khắp mọi nẻo đường. Chúa Giêsu sống ở thế gian bằng những cuộc lên đường sang Ai cập, về Nazareth, lên sa mạc, vào đền thánh và trở lại Galilêa. Cuộc sống công khai của Chúa ít là có ba cuộc hành trình lên Giêrusalem. Và sau cùng Ngài lên đường về nhà Cha.
Vì là đường nên nên đạo luôn mở ra nối kết và đón nhận cuộc sống, đón nhận mọi người, không phân biệt ai với tinh thần yêu thương của Thiên Chúa. Tin Mừng chính là đạo, là con đường mà Chúa Giêsu vạch ra cho chúng ta đi theo Ngài.
Đường quan trọng nhất là đường vào cõi lòng. Gioan đã chỉ cho thấy rằng, mỗi con người đều có ít nhiều đồi núi kiêu ngạo, thung lũng ích kỷ, ghồ ghề khúc khuỷu trong các mối quan hệ. Có bao lối nghĩ quanh co, có bao tính toán lệch lạc, có những lũng sâu tăm tối thiếu vằng ánh sáng tình yêu. Sửa đường theo Gioan là sám hối. Nhìn lại con đường mình đã đi qua, sửa lại những sai lệch nếu có. Những gì cong queo hãy san cho thẳng. Những gì cao cao, cần bạt xuống thấp. Lúc đó mới nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa. Sửa cho thẳng, lấp cho đầy, uốn cho ngay, san cho phẳng, bạt cho thấp. Đó là sứ điệp Gioan gởi tới chúng ta trong Mùa Vọng này, để chúng ta dọn lòng mình thành đại lộ thênh thang mở ra với Chúa Cứu Thế.
Con đường mà Gioan nói tới đây chính là đường vào cõi lòng. Con đường nội tâm của mọi người. Sửa con đường nội tâm là thay đổi cõi lòng, thay đổi cuộc sống để xứng đáng đón tiếp Chúa Cứu Thế.
Sửa đường cho Chúa đến là cần thiết và hợp lý. Khi đón tiếp một vị khách quý, người ta thường sửa sang đường sá, làm sạch đẹp nơi vị khách sẽ đến. Như thế là biểu lộ lòng kính trọng đối với vị khách. Thiên Chúa là vị khách cao trọng nhất. Người hạ mình đến thăm và ở lại cùng sống với thân dân của Người. Đó là hạnh phúc tuyệt vời nên cần phải dọn tâm hồn xứng đáng. Như con đường cho Chúa đi qua. Như căn nhà cho Chúa ngự tới. Chúa đứng ngoài cửa lòng và gõ cửa, ai mở thì Ngài đi vào. Con đường có thể có chông gai tội lỗi, có nổi đam mê tiền lợi danh, có những tính hư nết xấu. Cho nên trong cõi lòng đó phải có im lặng như cõi lòng Mẹ Maria ghi nhớ, suy niệm và không nói gì. Chỉ nói những lời để giúp đỡ người khác. Tâm hồn Mẹ bình an nên nghe rõ tiếng Chúa và chỉ nghe được tiếng Chúa mà thôi. Như thế dọn đường chính là tạo im lặng cho tâm hồn để nghe được tiếng Chúa và chỉ nghe được tiếng Chúa mà thôi.
Dọn đường còn là tỉnh thức đợi chờ Chúa đi xa trở về. Như năm cô khôn ngoan có sẵn dầu đèn. Như những đầy tớ làm lợi những nén vàng cho chủ. Như tên lính canh thành luôn chú ý những biến chuyển chung quanh. Mỗi cá nhân, ai cũng có những tật xấu, những khuyết điểm, vị kỷ kiêu căng, tham lam đố kỵ ghen ghét lười biếng hèn nhát… Xã hội nào cũng có bất công, những lạm dụng quyền bính, những hủ tục, những tệ đoan, những điều ấy làm cho con người đau khổ, trì trệ, không phát triển.
Dọn đường căn bản là ở trong nội tâm, sám hối để canh tân, sửa đổi để trở nên tốt lành thánh thiện hơn. Những con đường, thường được làm bằng đất đá nhựa bê tông. Những con đường trên mặt đất, trên sông trên biển trên bầu trời là những con đường vật lý. Những con đường tâm lý, con đường tinh thần, con đuờng lòng người mới quan trọng hơn. Nguyễn Bá Học đã nói: đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà chỉ vì lòng người ngại núi e sông.
Sống đạo luôn là một thách đố đầy quyết liệt và phong phú. Hiểu đạo, tin đạo, giữ đạo xem ra khá dễ dàng vì thuộc lãnh vực cá nhân. Còn sống đạo thường khó khăn hơn vì liên quan đến tha nhân, đòi hỏi một sự quên mình, vượt thắng bản thân. Cũng như thực hiện việc dọn đường qua nghi thức sám hối bên ngoài như rửa tội, xưng tội khá dễ dàng, nhưng nếu mà trong lòng không thật tâm sám hối đưa đến canh tân bản thân, thì hành vi sám hối chỉ là việc làm lấy lệ hình thức mà thôi.
Sống đạo bao giờ cũng đòi hỏi nhiều cố gắng và tỉnh thức. Mùa Vọng, Giáo hội cho chúng ta chiêm ngắm mẫu gương của Gioan. Sống gắn bó với Thiên Chúa và gần gũi với con người. Như thế mỗi người sẽ sống đạo hôm nay với tất cả niềm vui hạnh phúc cho bản thân và cho tha nhân.
Cả cuộc đời Gioan chỉ một tâm nguyện là làm “ Người phu quét lá” dọn lòng người khác cho Chúa đến. Mỗi người chúng ta cũng theo mẫu gương của Gioan trở thành “Người phu quét lá” cho chính tâm hồn mình, cho gia đình mình và rồi cho người khác nữa. Dọn đường cũng chính là lên đường theo Chúa Cứu Thế, cho nên dọn đường cho Chúa vừa là một hồng ân vừa là trách nhiệm đòi hỏi mỗi người thi hành nghiêm túc trong cuộc sống hàng ngày của mình.
.
SỬA ĐƯỜNG TÂM LINH CHO NGAY THẲNG
Trong Chúa Nhật I Mùa Vọng, mỗi người chúng ta được mời gọi hãy tỉnh thức để đón chờ Chúa đến. Sang Chúa Nhật II hôm nay, phụng vụ Lời Chúa nhắc nhở chúng ta phải chuẩn bị tâm hồn cho xứng hợp để đón chờ Đấng Cứu Thế đến. Một trong những công việc cụ thể nhất đó là sám hối. Sám hối là thay đổi não trạng cũ để thay vào đó một lối sống mới cho phù hợp với Tin Mừng. Sám hối còn là trở về với Chúa, biết nhận ra lỗi lầm cũng như thực trạng linh hồn của mình.
Tuy nhiên, sám hối như thế nào? Và phải chuẩn bị tâm hồn ra sao là điều mà phụng vụ hôm nay muốn nhắm tới?
- Ý nghĩa Lời Chúa
Trước tiên, bài đọc I cho chúng ta thấy sứ vụ của tiên tri Isaia là an ủi dân chúng và loan báo cho họ về thời cứu rỗi do lòng thương xót của Thiên Chúa đã đến gần. Ngài sẵn sàng tha thứ cho dân, mặc dù trong quá khứ dân đã cứng đầu cứng cổ và phản bội Thiên Chúa bằng việc bất trung với Giao Ước.
Nay dân hối hận và đã đáp lại lời mời gọi của Isaia để sám hối, thanh luyện tâm hồn và quay trở về với Thiên Chúa. Họ đã biết lỗi của mình, và như thế, tin mừng cho họ chính là họ được hồi hương để về với tiền nhân và quê cha đất tổ. Thiên Chúa tiếp tục dẫn dắt dân như mục tử chăm sóc đoàn chiên, như gà mẹ ấp ủ con dưới cánh… Đây chính là cuộc xuất hành lần thứ hai của dân Israel.
Sang bài đọc II, thánh Phêrô đã an ủi để dân trung thành đón chờ Chúa đến. Tại sao vậy? Thưa vì họ nghĩ rằng Chúa sắp đến, nên họ chờ mong. Tuy nhiên, khi chờ đợi lâu, họ đâm ra chán trường, mệt mỏi, và điều đó làm cho họ thờ ơ với việc chuẩn bị đón Chúa. Tuy nhiên, thánh Phêrô mặc khải cho họ biết rằng: sự chậm trễ của Thiên Chúa là có lý do. Lý do chính yếu chính là việc Ngài kiên nhẫn chờ đợi để cho dân có thời gian sám hối, thay đổi đời sống hầu được cứu độ. Tuy nhiên, Chúa đến là điều chắc chắn, nhưng lại không biết ngày nào, giờ nào, nên phải tỉnh thức: “Trong khi mong đợi ngày đó, anh em phải cố gắng sao cho Ngài thấy anh em tinh tuyền, không chi đáng trách và sống bình an” (2 Pr 3,14).
Sang bài Tin Mừng, thánh Máccô cho thấy, Đấng mà các tiên tri loan báo chính là Đức Giêsu, Ngài chính là Mêsia, sẽ đến để cứu thoát dân Ngài, tuy nhiên, cần phải chuẩn bị tâm hồn cho xứng đáng để được ơn cứu độ do Ngài mang lại.
Lời mời gọi của Gioan Tẩy Giả cũng chính là lời mời gọi của Isaia trong thời Cựu Ước. Tuy nhiên, Isaia thì loan báo dân sẽ được hồi hương để được sống trong cảnh hòa bình, cũng như được hiện diện trên đất của cha ông. Còn Gioan Tẩy Giả thì loan báo về một trời mới đất mới là chính ơn cứu độ. Tuy nhiên, muốn được vào đó, cần phải thay đổi lối sống cũ, mặc lấy đời sống mới trong tư cách là con cái Ánh Sáng.
- Sửa cho tốt con đường tâm linh
Lời mời gọi của thánh Gioan: “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng”. Con đường mà ngài nói đến đây chính là con đường tâm linh, con đường thiêng liêng. Con đường đó nó có tác dụng chính là việc nối liền đôi đầu. Một bên là ta và bên kia là Chúa. Muốn đến được với Chúa phải qua con đường này. Tuy nhiên, trên con đường ấy, nhiều khi có những lồi lõm, loằn ngoằn, làm cho chúng ta có nguy cơ bị đi lạc… Những con đường như vậy, nó trở thành những rào cản tâm linh, khiến chúng ta khó khăn trong việc gặp được Thiên Chúa là cùng đích của con đường là cuộc đời chúng ta.
Bổn phận của chúng ta chính là hãy làm cho con đường ấy trở nên dễ dàng bằng việc lấp cho đầy những hố sâu do những tham sân si của con người, gây nên như : tự ái, ghen ghét, tự ty, hách dịch, trưởng giả… hay những ham mê bất chính như: danh, lợi, thú… tất cả những thứ đó phải được khước từ, vứt bỏ hết, để con đường tâm linh được nhẵn nhụi, phẳng phưu….
Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải uốn nắn con đường tâm linh sao cho thẳng để khỏi bị lầm đường lạc lối. Những cong queo đó chính là sự sự gian dối, xảo quyệt…, không thành thực, trốn tránh trách nhiệm, sống hình thức, không hồi tâm để biết mình và biết Chúa…
Cuối cùng, con đường gồ ghề chính là hình ảnh của những tâm hồn kiêu ngạo, huênh hoang, tự đắc. Lòng đầy dẫy những sự tàn ác độc địa, bất nhân, gây chia rẽ…
Cần thay vào đó bằng con đường chính trực, công minh. Con đường khiêm nhường, liên đới, hiệp nhất và yêu thương. Con đường của sự thật, công lý và bình an…
- Hiểu và sống sứ điệp Lời Chúa
Có một bạn trẻ nọ, lúc còn sinh viên, anh ta sa đà vào con đường tội lỗi khi sống buông mình trong những thú vui thác loạn, tiêm trích, xì ke ma túy, lêu lổng việc học hành. Điểm đến của anh là các quán bar, những tụ điểm hành lạc. Tuy nhiên, một biến cố đến với anh là mẹ anh bị ung thư, và anh ta cũng chứng kiến cảnh nhiều bạn bè chết vì bệnh tật, sốc thuốc và đâm chém nhau. Lúc đó, anh ta hồi tỉnh và nghĩ về cuộc sống mỏng dòn nơi những người thân thiết nhất của anh. Được ơn Chúa giúp, anh ta can đảm từ bỏ con đường tội lỗi cũ để trở về với Chúa. Anh ta quyết định đi xưng tội, tập trung việc học hành và dành nhiều thời gian cho việc đạo đức. Cuối cùng Chúa đã nhận lời, ban cho anh được cải tà quy chính. Giờ đây anh đã trở thành người chồng trách nhiệm, người cha gương mẫu và là Kitô Hữu sốt sắng, đạo đức.
Thật vậy, cuộc vui nào rồi cũng có lúc tàn. Cuộc đời nào rồi cũng chấm dứt với cái chết. Điều quan trọng là biết điểm dừng và ý thức rằng: bên cạnh những hữu hạn này, chúng ta còn có một cuộc sống vĩnh cửu mai hậu. Tuy nhiên, muốn đạt được điều đó, hẳn chúng ta phải từ bỏ những thứ lỉnh kỉnh không tốt cho hành trình lữ thứ của mình. Cần có một cuộc sống lương thiện, thật thà, chân chính, khiêm nhường, bao dung…
Phụng Vụ Lời Chúa và câu chuyện trên đáng đáng để cho chúng ta suy nghĩ và noi gương trong việc sám hối, trở về với Chúa trong Mùa Vọng này.
Giờ đây, ngay trong giây phút này, mỗi người chúng ta hãy thành thật xin lỗi Chúa vì những thiếu xót của mình với Ngài và tha nhân, để tâm hồn chúng ta trở nên trong sáng, xứng đáng đón Chúa Giáng Sinh trong linh hồn chúng ta qua Bí tích Thánh Thể mà lát nữa đây chúng ta sẽ lãnh nhận.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết sám hối để được ơn cứu độ. Amen./.
.