Bố mẹ ơi, đừng đánh!

51

1Tại sao không được phép đánh trẻ, vì vài cái bạt tai đâu đã phải là tra tấn ?

Không chỉ đánh, mà nói chung việc dùng vũ lực như một biện pháp dạy dỗ trẻ đều không được phép. Bất kể loại vũ lực nào cũng có hại, cho dù nó có thể tức thời đem lại hiệu quả mong muốn (kể cả “những cái bạt tai sư phạm” ). Đối với những đứa trẻ rất nhỏ, khi chúng chưa đủ phát triển để hiểu hết ngôn ngữ, thì những cú phát (vào mông chẳng hạn ) quả có phát huy tác dụng: bé sợ, thôi không làm cái việc mà người lớn không thích nữa.

Vậy ở đây có gì xấu?

Nhưng kết quả trên ẩn chứa trong nó mối nguy hiểm: chúng ta đang dạy chính chúng ta và đứa trẻ cách phản ứng. Chúng ta sử dụng vũ lực ngày càng nhiều hơn, đứa trẻ sẽ “nhờn đòn”. Một cái phát không đủ, phải cần đến mấy cái liền. Sau đó phải cần đến một cái vụt nghiêm chỉnh bằng roi… Cần phải liên tục gia cố sức mạnh nhằm đạt được hiệu qủa. Bằng cách ấy, chúng ta đang đánh mất dần hình ảnh của mình, còn đứa trẻ thì nhìn thấy sự bất lực của bố mẹ. Chúng cũng sẽ học cách đạt được những cái mình muốn bằng sức mạnh. Thật buồn cười khi nhìn một đứa trẻ dùng nắm đấm lao vào bố để đòi mua kem !

Không phải ông bố nào cứ thỉnh thoảng cho con vài cái bạt tai sau đó cũng đều rơi vào vòng xoáy của vũ lực. Song biện pháp này luôn luôn rất mạo hiểm. Ngoài ra, bản thân hành vi đánh trẻ đã chứa đựng trong nó cái xấu. Thuờng thì chúng ta lên án hành vi đánh vợ của các ông chồng. Việc vợ đánh chồng lại càng không thể tha thứ. Vậy tại sao đánh trẻ lại được coi là bình thường ? Vì đứa trẻ không phải là con người, hay phẩm giá của nó khác của chúng ta ? Hay việc đánh đập một kẻ yếu hơn ta, hoàn toàn phụ thuộc vào ta không phải là điều vô lý mà còn được chấp nhận ?

Cha mẹ có trách nhiệm với con cái, do đó họ cũng có quyền đặc biệt với chúng. Họ đánh con không phải do hung bạo, mà chỉ vì “yêu cho roi cho vọt” !

Nhiều bậc cha mẹ dạy dỗ con cái đến mức độ tàn bạo. Quyền làm cha mẹ không những không bào chữa cho các hành vi bạo lực, mà trái lại, đặt lên vai chúng ta trách nhiệm chăm sóc, quan tâm và bảo vệ đặc biệt đối với con cái. Đứa trẻ không phải là sở hữu riêng của cha mẹ, nó còn là một cá thể đôc lập, mà phẩm giá và tính cách của nó phải được tôn trọng. Không phải vì chúng ta đã sinh ra nó mà có quyền áp đặt cho nó ý muốn, uốn nắn nó theo sở thích của chúng ta: Trẻ con ra đời không phải để thực hiện các hoài bão của cha mẹ, mà sự tồn tại của chúng ta chính là để giúp trẻ phát triển và trưởng thành.

“Nhân vô thập toàn” ai cũng có lúc “cả giận mất khôn”. Chúng ta ai cũng có lúc cảm thấy mệt mỏi, bất lực, mất bình tĩnh. Mỗi chúng ta đều có quyền yếu đuối và mắc sai lầm. Nhưng bạo lực không thể là nguyên tắc, là một thói quen của phản ứng. Những bậc cha mẹ cứ thường xuyên đánh đập trẻ; sau đó lại xin lỗi, đã khiến cho đứa trẻ cảm thấy không được an toàn, vì điều đó có nghĩa là cha mẹ không làm chủ được bản thân, không làm chủ được tình huống.

Nếu chúng ta đã trót đánh trẻ thì sau đó, khi đã nguôi giận, chúng ta nên suy xét xem điều gì đã xảy ra, tại sao ta lại ứng xử như vậy và hãy trò chuyện với trẻ về vấn đề này. Nhưng không phải theo nguyên tắc: “Nếu con không làm bố cáu thì bố đã không đánh con”. Vì như thế nghĩa là chúng ta đang đổ trách nhiệm về hành vi của mình lên đầu đứa trẻ. Đó là điều hết sức vô lý, ở đây ai là người lớn và ai là người phải chiu trách nhiệm vớí ai ? Bằng cách này chúng ta không chỉ làm tổn thương đứa trẻ về mặt thể xác, mà cả về tâm lý. Chúng ta đã trùm lên nó cảm giác có lỗi về sự yếu đuối của chính chúng ta.

Một khi đánh trẻ là một hành vi xấu – về đạo đức cũng như về tâm lý –thì chúng ta phải làm gì nếu đã trót đánh: với bán thân mình và với tổn thương tâm lý của trẻ ?

Trẻ em có đặc tính tuyệt vời là rất dễ tha thứ và nhanh chóng quên đi những lỗi lầm của người lớn. Chúng vun đắp trong tâm hồn trong trắng của chúng hình ảnh lý tưởng của bố mẹ – những con người đẹp nhất, thông minh nhất, những người có thể làm mọi việc một cách tốt nhất. Chính điều này giúp chúng quên nhưng sai lầm của bố mẹ. Với một điều kiện: chúng phải cảm thấy được yêu thương, được đón nhận rằng chúng là quan trọng: Mặc dù phạm sai lầm, nhưng với trẻ, chúng ta vẫn là những ông bố, bà mẹ tốt. Cho nên chúng ta không cần thiết phải quá dằn vặt với cảm giác có lỗi chỉ cần sau đó chúng ta phải làm chủ tốt hơn thái độ của mình.

Song mặt khác, chúng ta không được phép lạm dụng quyền phạm sai lầm. Vì như vậy đứa trẻ – để bảo vệ hình ảnh tốt đẹp của chúng ta – sẽ phải chịu áp lực ngày một lớn hơn và ngày càng ít tự tin hơn vào bản thân. Có thể chúng sẽ lớn lên thành những người quá nhạy cảm trước những đánh giá, nhận xét của người khác, chúng không có cảm giác ổn định về giá trị của bản thân. Cũng có thể để bảo vệ cảm giác độc lập của mình, chúng phải chấp nhận vai trò một “đứa trẻ hư” – nổi loạn, không vâng lời, là điều mà chúng thực sự không muốn.

Tức là thực tế thì cha mẹ luôn là người có lỗi ? Vậy có tồn tại những đứa trẻ “khó bảo bẩm sinh”mà cha mẹ chúng không thể không mắc sai lầm !

Cũng có những đứa trẻ như vậy, nhưng chỉ chiếm một tỷ lệ rất thấp và phần lớn là do chúng sinh ra đã mắc một số rối loạn tâm thần. Trong những trường hợp này, chỉ là những ông bố bà mẹ tốt và có những ý muốn tốt đẹp là chưa đủ cần phải có sự trợ giúp của các chuyên gia.

Phải làm gì khi chúng ta cảm thấy không thể chịu đựng nổi ?

Nếu cảm thấy mất tự chủ, thì tốt nhất chúng ta nên rút lui hãy đi ra chỗ khác hay thậm chí chỉ cần quay lưng lại. Bằng cách này chúng ta có cơ hội lấy lại bình tĩnh dù chỉ là chút ít. Điều này là cần thiết vì khi con người đã nổi khùng, thì theo logic triết học, không thể ứng xử có lý trí. Sau đó – hãy tự hỏi: cái gì đã làm mình nổi nóng ? Có thể chúng: ta nhận ra rằng vấn đề không đến mức nghiêm trọng như vậy. Chỉ có điều người lớn khác trẻ con đặc biệt là trẻ nhỏ – ở chỗ có khả năng làm chủ được những cảm xúc của mình. Từ đó chúng ta sẽ thấy mình không nhất thiết phải chiến đấu với con, không nhất thiết phải “thắng” nó. Chỉ cần tự hỏi: mục đích của ta trong chuyện này là gì và thái độ hùng hổ có phải là cách duy nhất để đạt được mục đích đó không chúng ta cũng nên suy nghĩ xem mình có nên có những phản ứng “người lớn” hơn không…

Song cũng có một số người về bản chất rất dễ nổi nóng và họ phải giải tỏa những bức xúc của mình. Nếu họ ý thức được đánh đập trẻ là điều không nên, họ sẽ bắt đầu quát tháo nhạo báng, đưa ra những cấm đoán và mệnh lệnh hoặc có thể chỉ đưa ra nhưng nhận xét độc địa khiến trẻ phải đau đớn. Việc hạ nhục đứa trẻ, như vậy cũng làm tổn thương đến nó thậm chí còn hơn cả đánh đập. Thực ra thì bạo lực tâm lý hay được sử dụng hơn bạo lực thể xác. Ngoài ra bản thân các ông bố bà mẹ không nhận thức được cách ứng xử nào có thể hạ thấp nhân phẩm của đứa trẻ. Cho nên nếu ai đó có tính hung bạo, cần phải học cách kiềm chế chứ không được thay đổi cách thể hiện. Hãy nhớ rằng bạo lực không những không phải là một biện pháp hữu hiệu trong giáo dục, mà nói chung nó không phải là công cụ của giáo dục, đó chỉ là một căn bệnh sẽ sinh ra những căn bệnh khác mà thôi.

 Thanh Nhiên