Cảm Ơn Những Người Thầy Tí Hon
“Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”
Nhân ngày 20/11 – Ngày Hiến Chương Nhà Giáo Việt Nam, tôi nhớ và muốn nói lên “lời cám ơn sâu sa” đến tất cả những ai đã-đang-và còn tiếp tục có tác động trên cuộc đời tôi, dạy tôi những bài học giá trị, góp phần vun trồng tôi mỗi ngày lớn lên hơn và sống “người” hơn, cách riêng trong bài viết dưới đây, tôi xin ghi ơn đến những người thầy tí hon của tôi.
Sinh ra và lớn lên ai cũng có những thầy cô giáo để học hỏi, nhớ đến, và mang ơn, bất kể người đó có được cắp sách tới trường hay không. Bởi lẽ, để nên người, ta không chỉ học trong vòng mười hay hai mươi năm ở trường lớp, nhưng là học ở khắp mọi nơi, học nơi hết mọi người, và học suốt cuộc đời. Ở trường học, ta có thầy cô dạy “học lễ, học văn”; trong gia đình, ta có ba mẹ và người thân dạy đủ điều từ “học ăn, học nói, học gói, học mở” đến “học yêu, học nhớ, học cho, học nhận” ; ngoài xã hội thì từ những người thân gần ta như bạn bè, đồng nghiệp đến những người ta chỉ được biết đến qua các phương tiện truyền thông như truyền hình, truyền thanh, sách báo… dạy ta nhiều khía cạnh của cuộc sống.
Ở một góc độ nào đó, mỗi người đều trở thành người thầy giáo, cô giáo của một hoặc một vài người nào đó trong đời mình. Đối với tôi, ngay cả những đứa trẻ bị khuyết tật- vừa bị mù vừa mang những khuyết tật khác – cũng trở nên những người thầy dạy tôi thế nào là kiên nhẫn, thế nào là thích nghi, yêu thương và phục vụ.
Ngày nhận nhiệm vụ làm giáo viên dạy các em vừa khiếm thị vừa có các tật khác từ cộng đoàn giao phó, tôi không khỏi nỗi lo lắng mình sẽ dạy các em này thế nào đây. Trình độ sư phạm đặc biệt tôi không có, kiến thức về trẻ khiếm thị thì quá nhỏ giọt, và kinh nghiệm tiếp xúc với các em cũng không. Trong khi đó, lớp học của tôi, thì đủ mọi lứa tuổi, có trẻ khiếm thị bình thường, có trẻ vừa khiếm thị vừa bị bại não, vừa khiếm thị vừa chậm phát triển không nói được, hay vừa nhìn kém vừa bị tự kỷ và bị điếc cũng có.
Những ngày đầu dạy học, dù được các Dì trong cộng đoàn giúp đỡ và hướng dẫn tận tình nhưng tôi vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong phương pháp dạy các em, cách cho các em chơi, và ngay cả khi phục vụ các em ăn uống hay đi vệ sinh. Dù vậy, khi càng tiếp xúc với học sinh của mình, tôi càng nhận được nơi các em rất nhiều bài học quý giá. Các em trở thành những thầy cô giáo của tôi ngay trong khi tôi dạy và phục vụ các em, và những bài học ấy cứ từ từ ngấm dần vào tôi, những bài học không lời ấy bắt đầu từ lúc nào mà tôi không để ý.
Khi tôi dạy các em bỏ những hạt cườm vào chai để rèn vận động tinh thì các em lại dạy tôi bài học kiên nhẫn chờ đợi hay kiên trì làm cho xong bất kỳ việc gì mà mình đang làm. Các em còn dạy tôi cả bài học thích nghi, vui vẻ, tươi cười khi gặp hoàn cảnh éo le, khi không vừa ý mình. Bởi lẽ, “các thầy cô” của tôi sẽ không học hay không cộng tác với tôi khi bị gò bó làm điều mình không thích, hay khi tâm trạng không được vui. Những lúc đó, những lời nghiêm khắc hay những hình phạt không có tác dụng gì để “các thầy cô tí hon” này tiếp tục bài học, mà thay vào đó tôi phải cố gắng nói những lời động viên, khích lệ và tìm mọi cách để rồi “các thầy cô” cảm thấy vui và có hứng thú trở lại tiết học.
Và bài học quý giá tôi nhận được khi sống với các em nữa là bài học kiên trì kết hợp với Chúa Giêsu mật thiết hơn trong đời sống cầu nguyện. Đứng trước những thách đố trong việc giáo dục và phục vụ các em, tôi nhận thấy mình cần phải cố gắng học tập và trau dồi hơn nữa, nhất là học nơi Thầy Giêsu. Tuy bị khiếm khuyết nặng, tưởng chừng như không thể học được, nhưng với sự kiên trì và đúng cách, các em vẫn có thể học và phát triển được. Tôi cảm thấy Thầy Giêsu thật gần gũi với mình. Tôi thường xuyên đến với Ngài hơn để xin Ngài dạy tôi biết yêu các em mà mình đang phục vụ, biết kiên nhẫn với các em và với chính mình, và dạy tôi cách dạy các em. Tôi đến với Ngài để kín múc nguồn sức mạnh, lửa yêu thương, nhiệt tình để rồi khi một ngày vừa hết tôi không chùn bước, không nản lòng trước những khó khăn nhưng luôn cảm nhận mình được thêm niềm tin yêu, hy vọng và cả niềm vui, hạnh phúc nữa.
Còn nhiều bài học quý khác mà những người thầy tí hon dạy cho tôi. Tôi tin chắc rằng tất cả những bài học đó sẽ giúp tôi sống tốt, sống đẹp hơn mỗi ngày khi tôi chú tâm học và biết đem ra thực hành trong cuộc sống. Cảm tạ Chúa đã cho con có được cơ hội sống và phục vụ các em trẻ khuyết tật. Cảm ơn các em, những người thầy khuyết tật bé nhỏ đã dạy cho tôi nhiều bài học quý giá. Nguyện xin Thiên Chúa là nguồn Tình Yêu luôn ở cùng và chúc lành trên các em.
Sr. Maria Nguyễn Miến, Học viện MTG. Thủ Đức