Đào tạo tri thức, một đòi hỏi thiết yếu cho tu sĩ hôm nay

354
 

ĐÀO TẠO TRI THỨC, MỘT ĐÒI HỎI THIẾT YẾU CHO TU SĨ HÔM NAY

 

Việc đào tạo tri thức luôn được Giáo hội coi trọng trong suốt dòng lịch sử. Ngay từ những thế kỷ đầu của Kitô giáo, thánh Augustinô đã để lại cho Giáo hội một câu nói trứ danh: “Hãy hiểu để tin và tin để hiểu”. Đến thời Trung cổ, thánh Anselmô cũng có câu nói nổi tiếng:

Đức tin tìm kiếm sự trợ giúp của lý trí”. Sang thời hiện đại, Công đồng Vaticanô II khuyên các tu sĩ hãy “tìm hiểu đầy đủ về hiện trạng của con người, của thời thế và về các nhu cầu của Giáo hội (…) Học biết cách thích đáng những lối sống, cách cảm nghĩ và suy tư đang thịnh hành trong xã hội hiện tại[1].

Thật vậy, những thách đố của xã hội hiện đại và yêu cầu tông đồ đòi hỏi tu sĩ một trình độ tương xứng nào đó, ngõ hầu có thể làm chứng cho Chúa Giêsu và trả lời cho những thắc mắc của con người thời nay.

1- Đào tạo tri thức giúp tu sĩ dễ dàng thích nghi với những biến chuyển không ngừng của Giáo hội và xã hội

Trong vài thập niên qua, loài người đã chứng kiến một sự thay đổi không ngừng về tình hình kinh tế, chính trị và tôn giáo. Các nước thường liên kết tạo thành các khối và các tổ chức có thể chia sẻ những lợi ích cho nhau; như khối Liên hiệp Au Châu, khối Asean, khối các nước có nền kinh tế phát triển G8, tổ chức thương mại thế giới WTO… ViệtNam đã và đang hội nhập vào dòng chảy của xu hướng toàn cầu hóa này. Nhờ đó, đời sống kinh tế của người dân ngày càng nâng cao, đời sống tôn giáo được thuận lợi và các quyền cơ bản của con người ngày càng được nhìn nhận.

 Kinh tế phát triển, con người có nhiều cơ hội để học hỏi nâng cao tầm nhìn. Giáo dân trở nên có hiểu biết và trí thức hơn. Trong một số lĩnh vực chuyên môn, họ trổi vượt hơn cả giáo sĩ và tu sĩ. Họ ý thức được rõ ràng và không còn sợ “mắc tội trọng sa hỏa ngục” khi lên tiếng phản đối ý kiến không đúng của linh mục chánh xứ; họ còn có thể nêu lên quan điểm của mình thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Rồi đây, khi Việt Nam trở thành một nước phát triển giàu mạnh, dân chúng được sống đời ấm no thịnh vượng, trình độ trí thức và tri thức của họ được nâng cao ngang hàng với các dân tộc tiên tiến khác, thì thái độ của họ đối với tu sĩ và các vị lãnh đạo tinh thần chắc chắn sẽ khác, không phải vì giáo dân mất đi sự kính trọng, nhưng là bớt dần cái nhìn thần thánh hóa được dành cho thành phần tu hành. Họ sẽ không còn “khép nép” khi tiếp xúc với giáo sĩ; nhưng đề nghị một lối xử sự giản dị, chân thành, cởi mở, bớt khách sáo, câu nệ và đượm tình người hơn.

Sống trong một xã hội tục hóa, đề cao dân chủ, tự do, bình đẳng… hầu hết các bạn trẻ không còn thiện cảm với lối sống đạo hình thức, khép kín, giáo điều, độc đoán, lễ nghi còn in đậm trong tâm trí của nhiều giáo sĩ và tu sĩ Việt Nam. Có thể nói rằng quan niệm thần thánh hóa giới tu hành là một quan niệm và lối sống đạo không trưởng thành.

Phải nhìn nhận rằng, trong tâm thức của nhiều giáo sĩ và tu sĩ Việt Nam vẫn còn quan niệm “cha chú” đối với giáo dân. Nhiều tu sĩ “phấn đấu” để được lên chức “cha”; và sau khi đạt được ước nguyện, họ xem đó như là một “đặc ân” buộc mọi người phải kính nể và trọng vọng. Tuy nhiên, xã hội hiện đại đã không tạo cơ hội để một số linh mục và tu sĩ thỏa mãn tính kiêu căng của mình. Nói cách khác, giáo dân sẽ không chỉ kính trọng các cha xứ chỉ vì các ngài là linh mục, là những đấng có chức thánh; nhưng “sự kính nể đó còn tùy thuộc vào tư cách sống cá nhân, sự tự trọng, thái độ nhân bản, khả năng tri thức và nhất là sự xác tín sâu xa về đức tin cũng như mức độ có tính cách thuyết phục khi rao giảng Tin Mừng của các ngài”[2].

Có thể nhìn thấy trước mắt rằng, dù muốn hay không, linh mục và tu sĩ sẽ phải đối diện với những con người được trang bị những kiến thức khoa học cũng như tầm nhìn của họ về xã hội và thế giới. Họ có quyền nói lên các tư duy, các ý kiến mà họ cho là đúng, dù rằng các tư duy và ý kiến đó ngược chiều với quan điểm của linh mục và tu sĩ. Do đó, trách nhiệm của tu sĩ là phải lý giải những chân lý đức tin cho con người thời nay một cách thuyết phục, trong tinh thần cởi mở và đối thoại chứ không phải như một mệnh lệnh. Càng tệ hơn nữa khi đối thoại với giọng điệu của kẻ trên, hoặc không đủ kiến thức và khả năng lý luận để trả lời những thắc mắc của họ về những chân lý trong Đạo trước những đổi thay của xã hội. Tự mãn, thiếu tinh thần học hỏi tri thức sẽ dẫn đến những thiếu sót đáng trách này.

Hơn nữa, giáo dân Việt Nam ngày nay là những người của thế kỷ XXI; thời kỳ đất nước mở cửa hội nhập quốc tế, thời kỳ của công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thời kỳ mọi người dân đều có thể được tiếp cận với khoa học, với mọi nền văn minh tiến bộ của nhân loại. Và họ, đặc biệt là các bạn trẻ, đang từ từ không còn sống ẩn kín sau lũy tre làng, mà bỏ làng, bỏ giáo xứ theo học tại các trường cao đẳng, đại học nơi các thành phố lớn trong nước hoặc ngoài nước; hoặc tìm công ăn việc làm nơi các miền trù phú khác hay tại các thành thị có nhiều công ty, xí nghiệp trên khắp đất nước. Như vậy, giới trẻ có nhiều cơ hội để giao lưu tiếp xúc với mọi thành phần xã hội, mọi nền văn hóa, mọi luồng tư tưởng đối kháng… Nhờ thế, giới trẻ sẽ hiểu được các ý niệm về tự do, về dân chủ, về các quyền cơ bản của con người, cũng như về các nền văn hóa văn minh khoa học, sự tiến bộ về kỹ thuật… Những cơ hội ấy dẫn đến sự tri thức, sự hiểu biết, não trạng và quan niệm sống đời thường cũng như sống đạo của người tín hữu sẽ chịu ảnh hưởng ngoại lai sâu xa và đưa tới những thay đổi nội tại không thể tránh khỏi. Và đây chính là nơi bắt nguồn những thách đố mới và đầy gian lao, đòi hỏi Giáo hội, và tu sĩ nói riêng phải đối mặt và tìm cách thích nghi kịp thời.

 Trước những thay đổi nội tại của giáo dân về tri thức, sự hiểu biết, quan niệm sống và não trạng tục hóa, hàng ngũ tu sĩ cũng phải luôn cập nhật những môn học và thông tin mới có chọn lọc, để ngoài các kiến thức đầy đủ về triết học, thần học, tu đức và phụng vụ, còn cần phải có những hiểu biết đầy đủ cần thiết về các khoa học khác, như: tâm lý học, xã hội học, sư phạm, nhân văn, kinh tế, luật pháp… Đúng như Công đồng Vaticanô II đã gợi ý cho mỗi tu sĩ “cần tìm hiểu hoàn cảnh của con người, của thời đại và các nhu cầu của Giáo hội, để có thể phục vụ một cách hữu hiệu hơn”. Công đồng còn dạy:

Để việc thích nghi đời sống tu trì với những đòi hỏi của thời đại không có tích cách phiến diện, và để các tu sĩ dấn thân hoạt động tông đồ không bị hụt hẫng đối với những trách vụ của mình, cần phải cung cấp cho họ những kiến thức thích đáng về quy luật hiện hành cũng như lối sống và nếp nghĩ trong xã hội hiện tại[3].

Sự thích nghi thực sự chỉ xảy ra sau một quá trình học tập lâu dài, một cách nghiêm túc và đầy trách nhiệm.

2- Đào tạo tri thức giúp tu sĩ có một cái nhìn quân bình và dễ dàng đối thoại với thế giới

Nhiều người tâm huyết với việc đào tạo và rao giảng Tin Mừng đã nhìn nhận rằng, cách thức trình bày và truyền đạt Đạo vẫn còn quá mang nặng tính giáo điều, chưa trả lời cho những thắc mắc đến từ khoa học và vô thần chủ nghĩa. Do đó, tìm kiếm một hình thức trình bày Đạo cách sống động, đích thực và phù hợp với thời đại phải là trách nhiệm của các mục tử, và cách riêng đối với mỗi tu sĩ. Một thế hệ tu sĩ có tư duy mới, biết sáng tạo, năng động, có khả năng đem chất xám vào hoạt động mục mục tông đồ quả là một thách đố trong công tác đào tạo hôm nay.

Thật vậy, con người ngày nay khó chấp nhận một chân lý mà không được lý giải rõ ràng. Đành rằng có những mầu nhiệm trong Đạo chỉ có thể đón nhận bằng sự vâng phục của đức tin, nhưng điều đó không có nghĩa là mầu nhiệm đó không được lý giải, ít ra bằng ngôn ngữ con người. Vả lại, thế giới ngày nay là thế giới của những phát minh khoa học và kỹ thuật. Ngay chính bản thân con người, các nhà khoa học cũng đã nghiên cứu và xác lập được hệ thống bản đồ bộ gen người chứa toàn bộ các ADN, mã số di truyền của sự sống – một trong những sự kiện lớn nhất mang tính đột phá trong lịch sử khoa học nhân loại từ trước đến nay – đã được công bố vào tháng 6 năm 2000. Còn về lĩnh vực không gian, dường như vũ trụ ngày càng được thu hẹp lại nhờ những khám phá vĩ đại của ngành thiên văn học, có thể phát hiện những ngôi sao và thiên hà xa xôi cách trái đất hàng tỷ năm ánh sáng (1 năm ánh sáng bằng 9461 tỷ km).

Có thể khẳng định mà không sợ sai lầm, theo tiến sĩ Francis S.Collins, giám đốc dự án giải mã bộ gen người, rằng: “khoa học là cách duy nhất đáng tin cậy để hiểu về thế giới tự nhiên, và, khi công cụ của nó được sử dụng hợp lý, chúng ta sẽ có được sự hiểu biết sâu sắc về sự tồn tại của vật chất[4]. Làm sao có thể lý giải và dung hòa được những chân lý của khoa học với chân lý của đức tin? Vì chúng là những thực tại đều xuất phát bởi một nguồn gốc là Thiên Chúa!

Trả lời cho câu hỏi trên quả là không dễ. Chính vì thế, nhiều người đã rơi vào tình trạng khủng hoảng đức tin trước các xung đột giữa những tuyên bố của niềm tin tôn giáo với những khám phá khoa học. Thật không may là những tuyên bố của cả hai bên thường là do những người đứng đầu hai thái cực: kẻ chống lại niềm tin tôn giáo, người kia chống lại khoa học. Rất nhiều người có đức tin vào Thiên Chúa nhìn nhận những tiến bộ trong khoa học và công nghệ là nguy hiểm và không đáng tin cậy. Ngược lại, rất nhiều người theo chủ nghĩa thực dụng vui mừng khi đề cập những tiến bộ của khoa học trong việc lấp đầy lỗ hổng hiểu biết của con người về tự nhiên. Họ tuyên bố rằng niềm tin vào Thiên Chúa là một sự mê tín lỗi thời không còn phù hợp với xã hội văn minh hiện đại.

Tu sĩ phải đối diện với những thách đố này. Nếu tu sĩ kiêu hãnh về những quy luật và về những đơn thuốc – những công thức sẵn có – hoặc không ý thức được những thay đổi của hoàn cảnh hoặc từ chối đối diện với những vấn đề khó khăn, thì chỉ chuốc lấy thất bại. Để có thể trả lời những vấn nạn, tu sĩ phải không ngừng học hỏi, không những hiểu biết sâu sắc về thánh khoa, mà còn phải am hiểu về các môn khoa học đời, ngõ hầu có cái nhìn quân bình và toàn diện về những thực tại vật chất và thực tại tâm linh do chính Thiên Chúa sáng tạo. Bởi vì nhiệm vụ của tu sĩ không chỉ loan báo Tin Mừng mà thôi, nhưng còn phải trả lời những thắc mắc liên quan đến đức tin và niềm hy vọng cùng đích của con người. Do đó, tu sĩ cần phải có một sự xác định rõ ràng:

Không hề có một sự xung đột nào giữa một nhà khoa học thực thụ với một người đặt đức tin vào Thiên Chúa, Đấng chăm sóc từng cá nhân chúng ta. Lĩnh vực hoạt động chính của khoa học là để khám phá ra tự nhiên. Còn lĩnh vực hoạt động của Thiên Chúa là trong thế giới tâm linh, một thế giới hoàn toàn không thể khám phá bằng các công cụ hay ngôn ngữ của khoa học[5].


Giáo sư D.H.R Barton ở đại học Lôn-đôn, người đoạt giải Nô-ben hóa học năm 1969, đã nói rất đúng rằng: “Thiên Chúa là sự thật. Không có sự mâu thuẫn giữa khoa học và tôn giáo. Cả hai đều cùng tìm kiếm sự thật. Khoa học bày tỏ Thiên Chúa hiện hữu”. Còn Đức Gioan Phaolô II nói: “Khoa học thanh tẩy tôn giáo khỏi mọi lầm lỗi và mê tín; tôn giáo tẩy sạch khoa học khỏi thờ ngẫu tượng và sai lạc tuyệt đối”.

Thực tế, lịch sử Giáo hội vẫn có mâu thuẫn giữa những khám phá khoa học với một số điều ghi trong Kinh Thánh (như vụ án Galilê). Nhưng hầu hết chỉ là những mâu thuẫn “giả”: do một số người hiểu không đúng ý nghĩa bản văn Kinh Thánh. Những sự kiện đó càng giúp tu sĩ nỗ lực học tập hơn, hầu có thể tránh lặp lại những sai lầm đáng tiếc làm giảm uy tín Giáo hội. Do đó, tu sĩ “cần phải kiểm nghiệm điều đó bằng trái tim, trí óc và linh hồn; và trí óc phải tìm ra cách để hài hòa cả hai lĩnh vực này[6].

Đào tạo tu sĩ đạt tới sự trưởng thành và quân bình trong nhận thức, trong phán đoán và trong cung cách ứng xử… là một yêu cầu mà linh đạo Thừa sai Đức tin đòi hỏi[7].

 

3- Đào tạo tri thức dẫn đến việc hoán cải

Trong suốt dòng lịch sử Giáo hội, tính kiêu ngạo vẫn luôn là mối nguy hại cho cộng đoàn tu trì và Giáo hội. Cách nay gần mười thế kỷ, Chúa Giêsu đã phàn nàn và cảnh báo với thánh nữ Catarina Siena: “Ngày nay, người ta lấy những làn khói kiêu ngạo mà bao phủ học thức, khiến cho chính ánh sáng học thức bị tối tăm[8]. Lời cảnh báo của Chúa vẫn tiếp tục ứng nghiệm, đặc biệt trong thời đại hôm nay. Người viết đã từng nghe một vị giáo sư thần học chia sẻ rằng: “Càng học càng không thấy Chúa đâu cả!”. Thật vậy, Lời Thiên Chúa được mang ra mổ xẻ, chú giải bằng nhiều phương pháp để cuối cùng chỉ thấy toàn là lời người phàm chứ không thấy (hoặc tránh né) sự linh hứng của Chúa Thánh Thần. Thậm chí có tác giả còn khẳng định rằng, toàn bộ Tân Ước, Chúa Giêsu chỉ nói vỏn vẹn một câu duy nhất, đó là “Áp-ba” – Cha ơi – (Mc 14,36), còn lại chỉ là lời suy diễn của các thánh sử mà thôi.

Tính kiêu ngạo phá vỡ mối tương quan thân hữu giữa Thiên Chúa và con người. Điều này thường xảy ra đối với những người có tri thức, có học vị cao. Đức Giáo hoàng Benedict XVI đã nhìn thấy thực trạng này đang diễn ra ngay trong lòng Giáo hội. Ngài tỏ ra lo ngại và cảnh báo:

Tên phản Kitô xuất hiện như một nhà khoa học thông thái nói với chúng ta rằng, khoa chú giải Thánh Kinh trong niềm tin vào Thiên Chúa hằng sống và chú tâm về Người, thực ra chỉ là một thái độ biện giải…Chỉ có môn chú giải thuần túy theo khoa học, mới thực sự ở cao độ trong thời đại hôm nay, trong đó Thiên Chúa không nói gì và không có gì để nói[9].


Cũng thật là nguy hiểm, khi đức Hồng y Giacomo Biffi, trong một bài giảng tĩnh tâm cho Đức Giáo hoàng đương nhiệm và giáo triều Rôma, đã đưa ra lời cảnh cáo rằng: “Diện mạo kẻ chống Thiên Chúa ngày nay được trình bày như một kẻ yêu hòa bình, yêu chuộng sinh thái và đại kết[10]. Những người được đào tạo tri thức, được mở mang tầm nhìn có thể sa vào chước cám dỗ trên; có khi tư tưởng và hành động nhân danh hòa bình, tự do, dân chủ, đại kết, đối thoại liên tôn… để chiều theo thị hiếu của đa số quần chúng, nhưng lại mờ nhạt với mầu nhiệm Nhập Thể, Thập Giá và Phục Sinh của Chúa Giêsu. Càng hiểu biết càng phải khiêm nhường. Đó là thái độ của các vị thánh và các nhà minh triết của Chúa được diễn tả bằng những từ này:


Tôi tự thấy mình thế này (…) trí tôi đã học hỏi được nhiều điều khôn ngoan, tích lũy được bao nhiêu kiến thức; tôi đã chú tâm phân biệt đâu là khôn ngoan, tri thức, đâu là điên rồ, khờ dại… Tôi nhận thấy đó cũng chỉ là công dã tràng. Càng nhiều khôn ngoan càng nhiều phiền muộn, càng thêm hiểu biết càng thêm khổ đau (Gv 1,16-18).

Cổ nhân nói rằng, người tri thức chưa hẳn là người có văn hóa. Thật vậy, để tri thức có thể áp dụng vào đời sống hàng ngày, tri thức đó phải được cảm nhận và được sống. Nhà thần học lỗi lạc thế kỷ XX, Karl Rahner đã thấm thía kinh nghiệm này. Ngài cầu nguyện với Chúa:

Muốn trở thành chân xác, tri thức của chúng con phải được cảm nhận, được sống, được thử thách bởi mỗi người chúng con, bằng chính sự khôn ngoan của lòng mến sống động; nếu không, trước sau gì nó sẽ gây thất vọng, sẽ dẫn tới chán chường và quên lãng… Mọi kiến thức thu thập được, chẳng qua là một phương tiện nghèo nàn để chuẩn bị và lay tỉnh trí khôn chúng con, giúp nó dễ dàng cảm nghiệm cuộc sống, vì chỉ có cảm nghiệm mới khiến chúng con trở thành khôn ngoan sáng suốt[11].

 Con người khi đã cảm nghiệm được tình yêu và quyền năng Thiên Chúa, sẽ hoán cải tâm hồn đồng thời nhận ra Chúa Giêsu chính là động lực và cùng đích của việc đào tạo, học hỏi. Thánh Phaolô là một người thông thái, am hiểu triết học và Lề luật Cựu Ước; lòng đầy kiêu hãnh. Nhưng khi đã được “chạm” vào Chúa Giêsu nhờ biến cố “ngã ngựa”, ngài đã biến đổi tận căn con người mình và trở thành một người đầy khiêm tốn trước mặt Chúa. Kinh nghiệm về Thiên Chúa đã giúp ngài nhận ra mọi sự ở đời chỉ là thứ chóng qua. Đối với ngài, Chúa Giêsu mới chính là cùng đích của mọi sự tìm kiếm. Thế nên, ngài coi tất cả như cỏ rác, và sẵn sàng đánh mất tất cả để được Chúa Giêsu và được kết hợp với Người (x. Pl 3,8). Quả thật, mọi sự hiểu biết có ích chi, nếu không giúp con người đạt đến sự sống đời đời. Karl Rahner đã nhìn nhận một cách xác quyết: “Hết mọi thứ tri thức khác cần phải hướng dẫn con người tới Chúa, nhất định là như vậy” [12].

Giáo dân thường phàn nàn một số linh mục trẻ bây giờ thiếu sự khiêm tốn. Có thể các ngài có nhiều kiến thức, nhưng về nhân bản và tâm linh thì cần phải khiêm nhường học hỏi lớp cha ông đi trước, thậm chí phải học hỏi nơi giáo dân. Có thể nhận ra sự thiếu khiêm tốn qua nhân cách sống của họ đối với anh em, nhất là qua thái độ của họ đối với người nghèo khổ, những kẻ thấp cổ bé miệng, những người sống bên lề xã hội… Hình như, xã hội càng văn minh vật chất và khoa học, thì việc học hỏi sách báo thiêng liêng và nhân bản càng ít coi trọng. Các sách thiêng liêng, đạo đức đã một thời là sách gối đầu giường của tu sĩ và linh mục (như sách Gương phúc, hạnh các thánh…), nay nếu có ai đọc thì bị coi là lạc hậu, lỗi thời. Thật ra, các thánh vẫn luôn là mẫu gương của sự khiêm nhường và nhân bản để tu sĩ noi theo, hầu có thể ứng xử với con người thời đại hôm nay. Thật là thiếu sót nếu không học hỏi đức khiêm nhường của thánh Gioan Vianney, người luôn coi mình là dốt nát và chỉ mong sao làm đẹp lòng Thiên Chúa trong sự kém cỏi yếu đuối của mình; hay mẫu gương của Mẹ Têrêxa Calcutta, suốt đời khiêm tốn phục vụ những người nghèo khổ bần cùng, và coi mình chỉ là “cây bút chì của Thiên Chúa” để Ngài có thể tùy ý sử dụng.

Học vấn có thể giúp tu sĩ một số vốn kiến thức, nhưng chưa làm cho họ trở thành tu sĩ biết nhìn, phán đoán và đánh giá người thế, sự đời một cách đúng đắn dưới ánh sáng của Tin Mừng. Vì vậy, thái độ khiêm tốn và tinh thần học hỏi không chỉ trên trường lớp, mà còn phải học nơi các thánh, các vị tài đức trong Giáo hội với một lòng yêu mến Thiên Chúa mới có thể giúp tu sĩ bước đi vững vàng theo Thánh Ý trong một xã hội đầy biến động và cám dỗ.

Mặt khác, kiến thức thì vô tận, mà khả năng con người có giới hạn. Nên một người, dù thông minh đến đâu, cũng không thể thủ đắc hết mọi kiến thức của nhân loại. Nhận biết giới hạn của con người, tu sĩ càng khiêm nhường hơn; và do đó, càng phải kết hiệp với Chúa để nhờ ánh sáng thần linh soi dẫn, tu sĩ có thể biết sống như thế nào trong một xã hội có nhiều thách đố. Khuyết điểm nơi tu sĩ là thường chỉ thấy mặt tiêu cực của người khác để phê bình, chỉ trích mà ít tìm hiểu tâm tính của chính mình để hối cải. Điều này gây cản trở cho sự hiệp thông trong cộng đoàn và thăng tiến bản thân. Hối cải nội tâm, đó là việc làm thường xuyên của mỗi tu sĩ để thăng tiến đời sống tâm linh cũng như tri thức. Thiết nghĩ, lời nguyện cầu của thánh Augustinô, dù cách đây hàng ngàn năm, nhưng vẫn còn giá trị hiện sinh cho mỗi tu sĩ thời nay: “Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa, để mến yêu; xin cho con biết con, để sống khiêm nhường!

Theo một nghiên cứu khá nghiêm túc, cứ 18 tháng tổng số kiến thức nhân loại lại được nhân đôi. Mỗi người không có cách gì học thuộc hết kiến thức ấy. Theo sự tiến triển này, Giáo hội cũng phải luôn cập nhật các môn học cho phù hợp với đà tiến của xã hội; hoặc phải trình bày giáo lý và thần học phù hợp với trình độ hiểu biết của con người thời nay. Trong đó, trách nhiệm trước tiên của mỗi tu sĩ là phải tự đào tạo và đào tạo liên tục. Điều quan trọng là, như nhà văn Nguyên Ngọc đã kinh nghiệm: “Vấn đề là cần có một số kiến thức cơ bản tối thiểu làm nền tảng, và trên cơ sở đó học được cách suy nghĩ độc lập, tạo được cho mình khả năng khi cần kiến thức gì thì biết tìm nó ở đâu, cách tìm như thế nào, và quan trọng hơn nữa, sử dụng nó như thế nào”Người viết cũng xin mượn lời của nhà văn Nguyên Ngọc, để kết thúc bài viết này:

Đối với người học, rất vui, vì suốt quá trình học là cả một cuộc đi tìm, một cuộc khám phá bất tận, một cuộc phiêu lưu đầy bất ngờ thú vị, do tự mình làm chủ, những chân lý do chính tự mình khám phá ra – cùng với và được sự hỗ trợ của người bạn lớn là người Thầy. Chúng ta đều biết trong thế giới ngày nay, sống cũng có nghĩa là học thường xuyên, học suốt đời, không còn học nữa thì theo một ý nghĩa nào đó cũng là đã chết, về mặt trí tuệ, tinh thần[13].

Ts. Gioan Tô Hồng Tuấn, MF.


[1] Sắc lệnh về Canh tân Thích nghi đời sống dòng tu, số 2.

[2] Nguyễn Hữu Thy, Việt Nam – Cái nhìn khách quan về những vấn đề thực tiễn (CHLB Đức, 2007), tr. 201.

[3] Sắc lệnh về Canh tân và Thích nghi đời sống dòng tu, số 18.

[4] Francis S.Collins, Ngôn ngữ của Chúa – Những bằng chứng khoa học về đức tin, Lê Thị Thanh Thủy dịch (Hà Nội: Lao động, 2007), tr.18.

[5] Sđd, tr.17.

[6] Sđd, tr. 17.

[7] x. Hiến pháp Hội dòng TSĐT, số 42 và chú thích.

[8] Đoàn Thiệu, Lược sử linh đạo Kitô giáo (1966), tr. 89.

[9] Benedict XVI, Đức Giêsu thành Nazarét, Nguyễn Văn Trinh dịch (2007), tr. 63.

[10] Dân Chúa ngày nay, số 89, tr. 138.

[11] Karl Rahner, Réo gọi vị Thiên Chúa thầm lặng, Vũ Văn Thiện dịch (Hà Nội: Tôn Giáo, 2003), tr. 59.

[12] Sđd, tr. 64.

[13]http://cntt.hnue.edu.vn/users/new/index.php?option=com_content&task=view&id=96&Itemid=81, ngày 16 tháng 2 năm 2007.